Việt Nam chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ

TP - Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ tại Mỹ lan rộng và gây ra cơn “địa chấn” tài chính toàn cầu. Hệ thống ngân hàng của Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào và các ngân hàng phải làm gì để vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển?

Tiền phong trao đổi với ông Nguyễn Đức Hưởng, TGĐ LienVietBank xung quanh vấn đề này. Ông Hưởng cho biết:

Nền kinh tế Việt Nam chưa phải là bình thông nhau với nền kinh tế thế giới, hay nói cách khác, ở một chừng mực nào đó, có thể có sự thông nhau nhưng van vẫn hẹp nên sự ảnh hưởng không lớn.

Ví dụ, nếu TTCK Việt Nam có nhiều mã chứng khoán Mỹ, Trung Quốc… niêm yết và ngược lại thì sự tàn phá của khủng hoảng sẽ đến rất nhanh và dữ dội.

Trước thực tế khủng hoảng tài chính vừa qua, TTCK Việt Nam cũng có ảnh hưởng nhưng phần nhiều là do tâm lý chứ không phải do bản chất thực. Sự ảnh hưởng rõ nét ở đây chỉ là xuất khẩu, nguồn vốn đầu tư  và rủi ro thanh toán.

Cụ thể sự ảnh hưởng trong xuất khẩu đó là đơn hàng mới sẽ bị thu hẹp, đơn hàng đã thực hiện sẽ bị chậm thanh toán, thậm chí rủi ro không đòi được nợ… nhưng cũng ảnh hưởng ở mức độ không lớn, vì cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu và nguyên vật liệu thô, tuy chưa phải là mặt hàng độc quyền nhưng là mặt hàng dễ tìm thị trường tiêu thụ...

Về những tên tuổi đổ vỡ ở Mỹ, họ chỉ có chi nhánh ở Singapore và Trung Quốc, còn Việt Nam thì không, ngoại trừ AIG đầu tư vào Việt Nam thông qua AIA nhưng AIG đã được cứu, còn những tập đoàn khác đầu tư tài chính vào Việt Nam thì không e ngại việc họ rút vốn vì đã có sự điều tiết của luật khi góp vốn đầu tư…

Trong hệ thống hoạt động của NHTM Việt Nam có bảo hiểm tiền gửi, ông nhìn nhận vai trò của tổ chức này tại Việt Nam so với ở các nước khác như thế nào? Có thể liên hệ  gì với bảo hiểm AIG của Mỹ?

Khi NHTM huy động vốn của các tổ chức và dân cư thì phải giữ lại 3 loại: dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh toán và bảo hiểm tiền gửi. Trong giai đoạn đầu, nếu có biến động mạnh sẽ có ba nguồn này bơm tiền vào hỗ trợ thanh khoản.

Với 3 khoản dự trữ này, sẽ đảm bảo đủ khả năng thanh toán cho các NHTM khi gặp tình huống xấu. Đặc biệt, bảo hiểm tiền gửi hiện nay là nguồn vốn lớn cùng các quỹ dự trữ khác của chính phủ đứng đằng sau các tổ chức tài chính ngân hàng để đảm bảo chắc chắn rằng không có một ngân hàng nào ở Việt Nam có thể lâm vào đổ bể.

Tôi nghĩ, từ đợt khủng hoảng lần này tại Mỹ, bảo hiểm Việt Nam cũng phải vào cuộc một cách tích cực, trình chính phủ những giải pháp hữu hiệu nhất thể hiện vai trò quan trọng ứng phó trong những điều kiện xấu nhất thì bảo hiểm Việt Nam nói chung và bảo hiểm tiền gửi nói riêng phải chống được khủng hoảng khi các NHTM mất khả năng thanh toán tạm thời.

Lâu nay, vai trò chống đỡ khó khăn thanh khoản của các NHTM phần lớn vẫn do  NHNN Việt Nam can thiệp, còn bảo hiểm tiền gửi chỉ đóng vai trò phụ. Nhưng về lâu dài, bảo hiểm tiền gửi phải đóng vai trò quan trọng, phải sát cánh với NHNN thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Qua đợt khủng hoảng từ Mỹ, các NHTM cần thấy rõ nếu có một lượng tiền bảo hiểm lớn thông qua việc hình thành quỹ giải quyết khủng hoảng thì việc giải quyết mất khả năng thanh toán của các NHTM trở nên nhẹ nhàng hơn. Quỹ càng lớn thì thuốc chữa mất khả năng thanh khoản và khủng hoảng càng đặc trị.

Có ý kiến cho rằng trước yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước đã bắt đầu ổn định, có thể tính đến việc nới lỏng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới. Ông nghĩ sao?

Quãng đường từ “bắt đầu đến… ổn định” là một khoảng cách rất xa, cho nên trong thời điểm này chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ vì rất dễ dẫn tới cú hích lạm phát mới.

Mặc dù dư luận khá nhiều chiều về vấn đề này, thậm chí có rất nhiều ngành, nhiều người mong muốn NHNN hạ lãi suất cơ bản, nới lỏng dự trữ bắt buộc, trả lại tín phiếu cho các ngân hàng thương mại… để tiếp sức cho nền kinh tế và thanh khoản cho NHTM.

Nhưng phải hiểu là lạm phát vừa được khống chế nhưng chỉ có tính chất tạm thời, bởi giải quyết lạm phát phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe nền kinh tế và thị trường.

Mặc dù thời gian qua thị trường Việt Nam được hưởng lợi từ giá dầu thế giới hạ, Chính phủ lại thắt chặt đầu tư công, nguồn vốn từ ngân hàng không bung mạnh tín dụng ra nên đã bước đầu kiềm chế được lạm phát... bản chất lạm phát chính là sự mất cân đối CUNG - CẦU tiền tệ và hàng hóa, nếu nới lỏng tiền tệ, sẽ xảy ra hiện tượng cả “cầu kéo” và “chi phí đẩy”, cộng thêm yếu tố “tâm lý đẩy” đồng thời hậu cơn bão tài chính Mỹ ập vào nữa thì chắc chắn không tránh khỏi cú lạm phát “hồi mã thương” không biết đường nào chống đỡ...

 

 
 

Vì vậy cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt hợp lý đảm bảo an toàn thanh khoản cho các ngân hàng thương mại và thanh khoản cho nền kinh tế, nhằm kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức hợp lý để vừa ưu tiên kiềm chế lạm phát, nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ở đây phải cân nhắc mâu thuẫn giữa nới lỏng và không nới lỏng chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải phân tích rõ độ hại của chúng.

Cụ thể, nếu nới lỏng tiền tệ thì có thể DN dễ thở hơn trong ngắn hạn GDP sẽ tăng trưởng… nhưng lạm phát lại tăng phi mã thì sự tăng trưởng đó sẽ là vô nghĩa, khó khăn của các doanh nghiệp và nền kinh tế nhân đôi…

Còn khi thắt chặt tiền tệ thì DN cũng phải thắt lưng buộc bụng, họ phải tính toán dự án nào tốt thì làm và dự án kém thì biết điểm dừng.

Chính trong giai đoạn lạm phát tạm thời này, đó còn là liều thuốc thử để quản lý Nhà nước, DN và ngân hàng lớn lên nhiều trong cơ chế thị trường...

Bên cạnh đó, diễn biến của cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ rất phức tạp và có thể kéo dài, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế  và thị trường tài chính nước ta, nhiều hay ít đôi khi lại do chính chúng ta… nên các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt thời gian qua đã khẳng định được vị thế của NHNN và sự chỉ đạo chặt chẽ hiệu quả

Chính phủ, được các chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá rất cao... Chưa nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời điểm hiện nay, tôi nghĩ đó là biện pháp nhất quán, hữu hiệu.

Tổng giá trị tài sản bảo đảm  là bất động sản hiện chiếm một tỷ lệ khá lớn trong giá trị tổng dư nợ, trước thực tế thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay, có nên e ngại đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng không, theo quan điểm của ông?

Tài sản bảo đảm vay vốn  ngân hàng hiện có nhiều hình thức: thứ nhất tài sản hình thành từ vốn vay (động sản, bất động sản), thứ hai là bảo đảm bằng tài sản là bất động sản, thứ ba là cầm cố giấy tờ có giá, ngoài ra có các biện pháp cho vay qua bảo lãnh, ký quỹ và  cho vay không bảo đảm bằng tài sản (tín chấp)…

Mức độ ảnh hưởng của việc mất giá bất động sản ở Việt Nam đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng thế nào? Còn tùy thuộc vào kết quả phân tích đánh giá chính xác các khoản cho vay bất động sản ở từng ngân hàng thương mại.

Hiện tại, mặc dù thị trường bất động sản có giảm giá nhưng chưa xuống đến mức làm cho ngân hàng phải quá lo lắng. Ở đây, cũng không nên liên tưởng với thị trường bất động sản ở Mỹ hay ở Úc vì ở đó, các tổ chức đầu tư dư tiền muốn “kích cầu” nên sẵn sàng đầu tư bằng mọi giá, họ sẵn sàng cho vay lên tới 120% so với giá trị một ngôi nhà, sẵn sàng cho vay dưới chuẩn để cạnh tranh thị phần...

Còn ở Việt Nam chỉ cho vay tối đa 70% giá trị bất động sản, mà giá trị này lại là giá trị bình quân thị trường, mức giá được nhà nước quy định… do UBND các tỉnh, thành phố ban hành giá, nên mức độ an toàn cao vì thế nếu có khủng hoảng bất động sản ở Việt Nam thì không có gì đáng ngại cho hệ thống, chỉ có thể gây khó khăn cho từng chủ thể ngân hàng thương mại nhất định, nếu ngân hàng nào đó đã “linh động” kích cầu cho vay bất động sản trong thời gian qua và đã coi nhẹ, bỏ qua biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với lĩnh vực cho vay này.

Xin cảm ơn ông!

 

Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietbank) chính thức công bố hoạt động vào 1/5/2008. Chỉ sau 4 tháng hoạt động, LienVietBank đã đạt mức lợi nhuận khả quan trên 200 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 7.000 tỷ đồng và tổng huy động vốn đạt trên 4.000 tỷ đồng. 

Theo kế hoạch phát triển mạng lưới, đến cuối năm 2008, LienVietBank sẽ có tổng cộng 17 điểm giao dịch trên toàn quốc (với 1 Sở giao dịch, 5 Chi nhánh và 11 Phòng giao dịch).

LienVietBank vừa giới thiệu hệ thống an ninh bằng định vị vệ tinh (GPS) và dịch vụ SMS Banking đã được triển khai thành công; trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hệ thống hiện đại trong việc quản lý hoạt động kinh doanh – An toàn tài sản bằng hệ thống định vị vệ tinh.

 

Số lượt đọc: 4 Cập nhật lần cuối: 02/02/2013