Ông Nguyễn Đức Hưởng: Cổ đông đầu tư vào LienVietPostBank 10 năm qua sinh lời 105%
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 diễn ra chiều nay (28/3), Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ về sức khỏe không được tốt, toàn bộ lượng cổ phần của ông sở hữu tại LienVietPostBank đã được ủy quyền cho người khác tham dự Đại hội. Tuy nhiên, ông cố gắng đến tham dự vì cổ đông LienVietPostBank.
ĐHĐCĐ thường niên 2018 của LienVietPostBank (Ảnh: AD)
Ông Hưởng cũng chia sẻ việc mình có thể không dự được hết đến phút cuối của đại hội, ngay phút khai mạc, ông Hưởng nhìn lại hành trình 10 năm hình thành và phát triển của Ngân hàng.
Các cổ đông của Ngân hàng đầu tư vào 10 năm trước, đến nay đã thu được mức sinh lời 104,5%. "Đầu tư dài hạn cho bất động sản 10, 15 năm mới thu hồi vốn. Do đó, khoản đầu tư LienVietPostBank như vậy đã là thành công lắm rồi”, ông Hưởng chia sẻ.
Đánh giá về thương hiệu LienVietPostBank, ông Hưởng cho rằng LienVietPostBank đã trở thành một thương hiệu ngân hàng được nhiều người tin tưởng và thương yêu. Tiền của cổ đông sáng lập, cổ đông khác đã đóng góp trên 3.000 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội.
LienVietPostBank chấp nhận lùi 1 bước để tiến 3 bước
Trao đổi về chiến lược hoạt động LienVietPostBank thời gian tới, ông Hưởng cho biết thời gian đầu khi mới ra đời, LienVietPostBank nằm trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, lãnh đạo ngân hàng nhận diện trong nguy có cơ. Cùng với những ngân hàng ra đời cùng thời điểm, LienVietPostBank xác định hướng đi "vừa làm vừa hoàn thiện quy chế, vừa chạy vừa xếp hàng".
Nhưng đến nay, quy chế này không còn phù hợp nữa mà cần "xếp hàng ngay ngắn rồi mới chạy". Ông Hưởng xác định LienVietPostBank chấp nhận lùi 1 bước để có thể tiến 3 bước.
Ông cũng chia sẻ, hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đầu tư vào LienVietPostBank, cho thấy sức hấp dẫn của Ngân hàng.
Kỷ niệm 10 năm thành lập (28/03/2008 - 28/03/2018), LienVietPostBank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 1.768 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 31% so với năm 2016, và gấp gần 4 lần so với năm 2008 – mức cao nhất trong 10 năm hoạt động LienVietPostBank (từ 2008 đến 2017).
Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản của LienVietPostBank vượt mốc 163.000 tỷ đồng, tăng 15,2% so với 2016 và tăng gấp 22 lần so với năm đầu thành lập (2008).
Huy động vốn tính đến 31/12/2017, nguồn vốn huy động của LienVietPostBank đạt 135.554 tỷ đồng, tăng 19.361 tỷ đồng so với 2016. Hiện tại, nguồn vốn huy động từ các cá nhân và tổ chức kinh tế của LienVietPostBank chiếm trên 90% tổng huy động, giữ vững mục tiêu thị trường 1 là trọng tâm huy động vốn.
Tình hình tăng trưởng tín dụng năm 2017 thị trường 1 đạt khoảng 25%. vượt 7% so với mức tăng trưởng bình quân toàn ngành (18%), tập trung vào Nông nghiệp sạch, Nông nghiệp Công nghệ cao. Dư nợ thị trường 1 của LienVietPostBank đạt 103.121 tỷ đồng, tăng gần 21.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Hưởng vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu LienVietPostBank
Bên cạnh đó, ông Hưởng tiếp tục khẳng định việc sẽ tiếp nắm giữ cổ phiếu tại LienVietPostBank. “Tôi không bao giờ bỏ LienVietPostBank, tôi sẽ gắn bó suốt đời”, ông Hưởng chia sẻ. Nếu không còn nữa thì số cổ phiếu của ông Hưởng cũng sẽ do nhóm cổ đông thân cận nắm giữ, nếu giá cổ phiếu LienVietPostBank tăng ông sẽ duy trì nắm giữ, ngược lại nếu giá giảm xuống ông sẽ tiếp tục mua vào thêm.
Chiến tranh du kích trên thị trường chứng khoán, trường kỳ kháng chiến, "ở liều gặp lành" tức là thấy công ty đó không được khỏe, bao nhiêu người vào, nó lên thì phải rút ra ngay lập tức, nếu không nó sẽ giảm.
Ánh Dương
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Số lượt đọc: 218 Cập nhật lần cuối: 28/03/2018