Vị doanh nhân "Tâm - Tín - Tài - Tầm"

(CL)- Có lẽ ấn tượng để lại với bất cứ ai khi gặp Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietBank, đó là con người luôn lấy chữ “Đức” làm trọng.....




Doanh nhân Nguyễn Đức Hưởng: “Mỗi cơn phong ba, bão táp, đều có thể làm tăng tốc con tàu. Dông bão không đơn thuần chỉ là hiểm nguy! Có đôi khi, dông bão là cơhội để cho ta được ngẩng cao đầu với những thách thức, là động lực giúp ta tăng tốc. Miễn sao ta không bị dông bão nhấn chìm!”

Ngoài “núi” công việc ở Ngân hàng, anh còn tham gia soạn bài giảng, trực tiếp lên lớp, và gần như làm tất cả các công việc mà một người thầy giáo cần phải làm. Anh đã cùng với ban lãnh đạo đưa con tàu của LienVietBank “tăng tốc trong dông bão” một cách ngoạn mục. Và, dù có bận mấy, hàng ngày anh vẫn luôn dành 15 phút để “đúc kết cái ngu của chính mình”. Mà, theo anh thì đó là bài học thành công đáng kể nhất của bản thân. Người doanh nhân ấy là Nguyễn Đức Hưởng- Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietBank.

Chữ Tâm trong một chữ Tầm

Với “núi” công việc ngồn ngộn ở ngân hàng như vậy, anh đã “xẻ” thân mình như thế nào để vẫn thường xuyên đứng trên bục giảng cho sinh viên?

Bản thân tôi là người thích nghiên cứu và viết lách. Đối với tôi, “Đi là học – Đọc là học – Viết là học – Bị phê bình là học – Giảng dạy là học”. Hơn nữa, khi tham gia giảng dạy cho đối tượng là sinh viên, gặp gỡ và giao lưu với các bạn sinh viên, các thầy cô giáo, tôi cũng thấy mình “không già nổi nữa!”. Bạn biết không? Thời gian biểu của tôi một thời gian dài không ít nhân viên nắm khá rõ là: “Làm việc từ 4h sáng và lên ô tô hoặc máy bay là ngủ”.

Khi Liên Việt ra đời, cũng là lúc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, trước những quan ngại về sự khó khăn của một ngân hàng vừa mới ra đời đã phải đi “ trú bão”. Tâm trạng anh khi đó ra sao?

Ngân hàng Liên Việt của chúng tôi ra đời năm 2008, đây là thời điểm hầu hết các Ngân hàng thương mại gặp khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát, thanh khoản, đầu tư chứng khoán, bất động sản… Cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu ập đến, có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, đến nhiều khu vực, nhiều nền kinh tế, nhiều định chế tài chính… Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, bản thân tôi cùng Ban lãnh đạo LienVietBank lại rất tự tin trước sức mạnh của một ngân hàng trẻ, và cùng đồng thuận rằng trong kinh doanh, nhất là kinh doanh tiền tệ, an toàn phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp phát triển nóng vội và chạy theo phong trào. Ngay từ thời gian mới thành lập, chúng tôi đã hình thành “chiến lược quản lý khủng hoảng”, tận dụng cơ hội “kinh doanh trong khủng hoảng” và phát huy ưu thế của người đi sau. Với lợi thế là người sinh sau và sinh ra trong thời buổi khó khăn, nền kinh tế đang gặp cơn bão tài chính, thay vì “sốt ruột” thì chúng tôi lại bước đi thận trọng. “Cái khó ló cái khôn”, trong “nguy” có “cơ”, với việc tìm được con đường riêng của mình, biết “kinh doanh trong khủng hoảng” nên năm 2008 đã trở thành cơ hội tốt để Ngân hàng Liên Việt thể hiện kỹ năng và bản lĩnh của mình. 

Và, không phải mất nhiều thời gian để “lớn”, ngay năm đầu tiên, Liên Việt đã chứng minh được sức mạnh của “người đi sau” bằng những con số vô cùng ấn tượng?

Có thể nói, LienVietBank đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tôi có nghe thông tin, giới tài chính ngân hàng đánh giá năm 2008 là năm của Ngân hàng Liên Việt. Tuy nhiên, đây chỉ là những cơ hội khách quan mà bản thân mỗi ngân hàng dự báo được đều không thể bỏ qua, và đó không phải là chiến lược kinh doanh dài hạn của Ngân hàng Liên Việt. Tính đến 28/02/2011, gần 3 năm sau ngày thành lập, Tổng tài sản đạt trên 36.000 tỷ đồng, Tổng lợi nhuận lũy kế đạt trên 1.900 tỷ đồng; và đặc biệt sau khi sáp nhập Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện qua hình thức Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (đơn vị thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) góp vốn vào LienVietBank, LienVietBank sẽ khai thác 13.000 điểm giao dịch trên toàn quốc và sẽ trở thành “Ngân hàng của từng gia đình Việt Nam”. Điều quan trọng nhất và quyết định thành công của chúng tôi là Hội đồng Quản trị Ngân hàng Liên Việt có sức mạnh tập thể tốt, cùng hướng tới mục tiêu chung; Chủ tịch Hội đồng Quản trị không phải là “thủ trưởng” đơn thuần mà là người “thủ lĩnh” đích thực, tập hợp được những con người khác nhau, biến những “cái tôi” nhỏ thành cái “chúng ta” lớn; các thành viên Hội đồng Quản trị đều là những người có kinh nghiệm, vì cái chung và biết nghĩ đến cổ đông, nhân viên và xã hội.

Nếu được tự đánh giá về thứ tự trong “bảng xếp hạng” của các NHTMCP, anh xếp Liên Việt ở vị trí nào?

Các Ngân hàng TMCP ở Việt Nam hiện nay chia làm 2 nhóm: quốc doanh và ngoài quốc doanh, các Ngân hàng đa số nằm ở nhóm ngoài quốc doanh và trong nhóm này có sự khác biệt về “tuổi đời”. Hơn nữa, “bảng xếp hạng” cũng cần xác định rõ tiêu chí xếp hạng. Kể từ khi thành lập vào năm 2008, LienVietBank là ngân hàng đầu tiên có hệ thống an ninh GPS; là Ngân hàng TMCP đầu tiên ở Việt Nam hoàn thành cơ bản việc triển khai giai đoạn 1 dự án CoreBanking trong một thời gian ngắn kỷ lục (3 tháng) và đưa hệ thống phần mềm này vào khai thác ngay trong ngày đầu khai trương hoạt động. Đặc biệt, LienVietBank cũng tự hào khi là Ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh tiên phong trong việc triển khai chương trình tín dụng cho Tam nông. LienVietBank ở vị trí nào trong “bảng xếp hạng trong lòng công chúng”, công chúng là người hiểu rõ nhất.

Theo anh, điều gì tạo nên sự khác biệt ở Liên Việt?

Văn hóa Doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt cho bản thân mỗi Doanh nghiệp. Có nhiều điều tạo nên sự khác biệt ở Liên Việt, tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến con người. Con người là tài sản quý nhất của LienVietBank và chúng tôi hướng đến mục tiêu “LienVietBank là nhà, nhân sự là chủ”, xây dựng “Vườn ươm Nhân tài LienVietBank” với chiến lược “ươm” nhân tài ngay từ ngưỡng cửa đại học. Về chiến lược cạnh tranh, chúng tôi cũng có quan điểm riêng: sẵn sàng cạnh tranh trong mọi lĩnh vực để khẳng định mình, nhưng “chỉ có đối tác, không có đối thủ”. Về chiến lược khách hàng, khác với một số ngân hàng khác, chúng tôi theo chiến lược “chọn lọc khách hàng trước, rồi mở cửa đón khách vào nhà sau”. Nghĩa là khách hàng đã bước qua được cổng “điện tử phòng ngừa rủi ro” thì sẽ trở thành “Thượng đế” thật sự của LienVietBank và sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt và rõ ràng. Với phương châm hoạt động mang tính lâu dài: “Gắn xã hội trong kinh doanh”, song song với việc phát triển có hiệu quả các hoạt động kinh doanh, LienVietBank luôn tích cực đóng góp cho cộng đồng và xã hội thông qua các hoạt động tài trợ và phong trào từ thiện, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của mỗi thành viên trong “Đại gia đình” LienVietBank. LienVietBank là Ngân hàng TMCP (ngoài quốc doanh) tiên phong trong việc triển khai chương trình tín dụng cho Tam nông (nông nghiệp – nông thôn – nông dân). Đơn cử, LienVietBank đang đỡ đầu huyện nghèo Xín Mần (tỉnh Hà Giang) theo công thức đầu tư “5 – 3 – 2”, tức là nếu giúp cho huyện nghèo Xín Mần 100 đồng thì 50 đồng cho giáo dục, 30 đồng cho phát triển kinh doanh và 20 đồng cho hạ tầng, vì chúng tôi đúc kết “đầu tư vào giáo dục, con người chính là cho họ cái cần câu”, chỉ có những đứa con có văn hóa mới đủ sức nói cho bố mẹ nghe, để góp phần thay đổi hủ tục lạc hậu; hạ tầng phải có Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Việc đổi tên từ Ngân hàng TMCP Liên Việt thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt có ý nghĩa và quy mô như thế nào, thưa anh?

“Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt” là tên được Chính phủ cho phép Ngân hàng Liên Việt sử dụng. Hội đồng Quản trị Ngân hàng Liên Việt đang tổ chức nghiên cứu và sẽ phát động cuộc thi trên toàn thế giới liên quan đến các vấn đề định vị thương hiệu, tên gọi, slogan… Bởi lẽ hệ thống tiết kiệm bưu điện đã tồn tại một thời gian rất dài trên thị trường và người gửi tiền cũng đã quen với thương hiệu này. Còn Ngân hàng Liên Việt mặc dù mới ra đời nhưng thương hiệu cũng đã được mặc định trong lòng người. Do đó, việc kết hợp lồng hai tên vào một chủ thể có ý nghĩa rất lớn cho cả “Bưu điện” và “Liên Việt”.
Giao dịch tại LienVietBank Láng Hạ, Hà Nội

Việc đổi tên từ “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt” thành “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt” đánh dấu một sự kiện rất lớn, không chỉ đối với LienVietBank, mà còn là thương vụ góp vốn rất đặc biệt trong ngành ngân hàng từ trước tới nay. Với việc tiếp nhận 13.000 điểm giao dịch từ Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện, LienVietBank sẽ mở rộng mạng lưới giao dịch xuống tới tận huyện, xã. Đây là yếu tố tiên quyết để đưa LienVietBank cùng với Agribank trở thành ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Lắng nghe, thấu hiểu, và lại thành công

Người ta hay nói rằng: Người phải lo, biết lo, người phải làm, biết làm, và người “phải làm sếp” thì chịu áp lực và hay dễ nóng tính trong cái gọi là nguyên tắc. Vậy, là sếp, lại với cách ăn nói từ tốn, nhẹ nhàng như anh, có khi nào anh quát mắng nhân viên của mình không? Cách anh hướng tới xây dựng văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp mình là như thế nào?

Những điều này đã được tôi thể hiện rõ trong Đại cương Văn hóa LienVietBank. Trong văn hóa ứng xử cần phải “khéo léo” nhưng Phải khéo léo với Khách hàng – Nên khéo léo với đồng nghiệp để làm việc nhóm tốt hơn – Không cần khéo léo với lãnh đạo vì hiệu quả công việc cao là cái khéo léo mà lãnh đạo cần. Thẳng, quyết liệt trong tranh luận, đóng góp ý kiến xây dựng thoải mái, không phải ý tứ trong bất kỳ cuộc họp nội bộ nào, lấy cái đúng và cái chung làm gốc khi bàn bạc, thảo luận.

Chúng tôi luôn trân trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho những nhân sự giỏi và đang nỗ lực xây dựng “ngôi nhà LienVietBank” với mục tiêu hướng đến “LienVietBank là nhà, nhân sự là chủ”. LienVietBank quan niệm, làm việc tuy có thể vất vả nhưng tư tưởng phải thoải mái với tinh thần đoàn kết, đổi mới, thân thiện và phát triển.

“Quát mắng” ư? Tôi học chữ “Nhẫn” rất kỹ nhưng đôi khi vẫn bị “vượt rào” vì áp lực và vô cớ quá cũng nóng tính nhưng rất hiếm và mất dần vì mỗi lần nóng tính, dù có đúng đến đâu cũng vẫn thấy mình…sai và tự làm khổ cho chính mình… nên tôi không bao giờ giận ai quá 1 tiếng đồng hồ.

Anh có nghĩ rằng mình có khả năng ngoại giao “Thiên phú” không? Nếu như không nghĩ vậy, mà có nhận xét về anh từ phía khách quan, anh phản ứng thế nào?

Không phải thế đâu, tôi tự nhận thấy rằng: vì nhìn thấy mặt tôi “ngu ngu” nên nhiều người thương… Quan niệm của tôi là “muốn có bạn tốt, trước hết mình phải tốt”; phương châm sống của tôi là “tất cả là tạm thời, chỉ có tình người là vĩnh cửu”, thành tâm, thành thật và thành công luôn có quan hệ mật thiết với nhau. 

Tôi cũng luôn tự hào mình là “người số một về phục vụ khách hàng”. Tất cả các khách hàng khi đã gặp thì không bao giờ bỏ tôi vì tôi không bao giờ nghĩ mối quan hệ giữa tôi với họ đơn thuần là ngân hàng và khách hàng mà luôn tâm niệm rằng “Có khách hàng mới có sự tồn tại của Ngân hàng”. Bởi vậy, tôi luôn trăn trở làm thế nào để có thể giúp tôi với khách hàng hiểu nhau hơn và làm sao tư vấn, giúp đỡ khách hàng trong lúc họ khó khăn nhất? Cái “tâm” của tôi cũng luôn hướng tới khách hàng vì khách hàng sẽ nâng tầm cho tôi và cho cái chúng ta lớn hơn.”

Công việc quá nhiều, đi lại cũng quá nhiều, nhưng nhìn anh lúc nào cũng mang vẻ điềm tĩnh. Anh sắp xếp công việc của mình như thế nào trong guồng quay đến chóng mặt đó để có được vẻ điềm tĩnh như vậy? Và, anh sẽ đi cùng LienVietBank trên con đường dài nữa chứ?

Tôi luôn thực hiện phương châm gói gọn trong 10 chữ: “Lắng nghe – Thấu hiểu – Bàn bạc – Quyết định – Quyết liệt”, và bí quyết thành công là: “Sức khỏe – Trí tuệ – Học hỏi – Chuyên nghiệp – Đổi mới – Năng động – Quan hệ rộng, nhưng phải sâu”.

“Không có sức khỏe, làm việc không khoa học thì không thể thành đạt được”. Nhờ chơi golf, tôi thấy sức khoẻ mình được cải thiện rõ rệt. Một số bệnh “văn phòng” như: đau cột sống, mỡ máu, mỡ gan… đã biến mất hoàn toàn. Mà sức khoẻ là tài sản quý nhất, không chỉ cho cá nhân mình mà cho gia đình, cho công việc nữa. Từ nay đến cuối đời, có lẽ tôi chỉ tập trung vào 3 “địa chỉ” quan trọng: “LienVietBank – golf – gia đình”.

Xin cảm ơn anh!
Thanh Hà
 
Theo Nhà báo và Công luận
Số lượt đọc: 1588 Cập nhật lần cuối: 31/08/2011