Điểm dừng trọn vẹn của ông Nguyễn Đức Hưởng
Sau ba năm dự tính, Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chính thức quyết định dừng công việc tại nhiệm sở...
Với quyết định rời nhiệm sở, ông Nguyễn Đức Hưởng nói: "Biết đủ, biết dừng. Tất cả là tạm thời, tình người là vĩnh cửu"
Ngày 9/1/2018, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nêu một dự báo với phóng viên VnEconomy: "Thị trường chứng khoán có thể sắp điều chỉnh mạnh, cần có cảnh báo kẻo rủi ro lớn với những người ít tiền".
Khi đó, VN-Index vừa chinh phục xong mốc 1.000 điểm sau 10 năm, toàn thị trường hưng phấn hướng đến mốc 1.100 điểm, thậm chí chờ đợi kỷ lục 1.200 điểm.
Nhưng một tuần sau, thị trường đón phiên chỉnh mạnh đầu tiên vào ngày 17/1. Và sau gần một tháng, VN-Index liên tiếp có những cú rơi, mức giảm có lúc trên 64 điểm trong một phiên, mà nhà đầu tư dùng cách gọi "sập sàn", "trắng bên mua" như từng xẩy ra năm 2008.
Nhà đầu tư nhạy bén
Khi nhắn tin cảnh báo, ông Hưởng đang trị bệnh ở nước ngoài. Ông cũng trao đổi với một số người, nhưng hầu hết không ai tin.
Bảy năm trước, ông Hưởng cũng từng lên báo chia sẻ một quan điểm: "Tôi đã nói mẹ tôi bán vàng và gửi tiết kiệm". Có bình luận bên lề rằng, quan điểm này hàm ý chính trị, trấn an thị trường hơn là khía cạnh đầu tư.
Khi đó giá vàng leo thang tới 47 triệu đồng/lượng, người dân xếp hàng đi mua. Thế nhưng, đó cũng chính là đỉnh của rủi ro. Giá vàng nhanh chóng lao dốc, giảm sâu và ròng rã cho đến nay gần như không có sóng nào thực sự lớn hồi lại.
Với người biết rõ ông Hưởng, đó chính là những cảnh báo được đưa ra từ một nhà đầu tư đã sớm có mặt ở chân con sóng lớn đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006 rồi rời đỉnh vào cuối 2007, trú vốn vào vàng từ 2008 và rời đỉnh 47 triệu đồng/lượng vào 2011, rồi "bắt đáy" bất động sản kỳ đóng băng 2011 - 2013…
"Biết đủ - biết dừng" và "phải biết cắt lỗ, cắt lãi" là quan điểm của nhà đầu tư này. Ông thành công ở quá trình dịch chuyển vốn qua các kênh nói trên, nhạy bén hơn là may mắn, với tố chất của một người từng tự doanh và có khả năng mua được cả một dãy phố tại Pleiku hơn hai mươi năm trước.
"Xởi lởi, trời cho" cũng là một quan điểm trong cuộc sống và đầu tư, mà ông Hưởng từng lý giải: "Trong cuộc sống, cho là nhận, bớt là thêm. Mục tiêu cuộc sống của tôi không phải phấn đấu vì tiền, vì quyền, mà chính là đi được bao nhiêu nơi, làm được điều gì mới, giúp được bao nhiêu người".
Quan điểm xởi lởi đó dễ thấy ở cái gật đầu mua hẳn một sàn thương mại dự án bất động sản kỳ đóng băng 2011 - 2013 mà không quá quan tâm về giá; hay quyết định mua cả một chuỗi nghỉ dưỡng, nông trại ở Úc sau khi đọc báo; đấu giá săn nhà qua điện thoại… Mà vài năm sau các khoản đầu tư này đều đã lãi cỡ gấp rưỡi, gấp đôi.
"Không phải ẩu hoặc chủ quan. Bản năng, thói quen và phân tích định hướng nhanh thôi. Bí quyết giải quyết công việc để thanh thản là mình quyết nhanh, gói lại, quên đi để còn đầu óc và thời gian làm việc khác", ông Hưởng giải thích về những quyết định đầu tư, cũng như xử lý các tình huống trong cuộc sống.
Tất nhiên, mỗi quyết định và lựa chọn, nhà đầu tư này cho rằng phải nhìn rõ nguy cơ, những điều xấu nhất trước; từ đó xác định cơ sở và khả năng bản thân có thể chịu đựng cả về vật chất và tâm lý được hay không.
Sức đầu tư và khả năng chịu đựng đó như thế nào?
Ông Hưởng kể, có lần cơ quan thanh tra ngân hàng cũng tìm hiểu, nhưng chẳng thấy ông có công ty con, sân sau nào cả, cũng không vay nợ ngân hàng một đồng nào.
"Đơn giản thôi, vì kinh doanh và huy động vốn trên thị trường tài chính, thị trường vốn hiệu quả, tinh tế hơn so với thị trường tiền tệ, vay tiền ngân hàng đơn thuần", nhà đầu tư này giải thích.
"Ông sếp nông dân"
Người Bắc, vào Tây Nguyên lập nghiệp. Nguyễn Đức Hưởng làm ngân hàng từ ba mươi năm trước, với xuất phát điểm nhân viên ghi chép và đánh máy, trợ lý cho một giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.
Chính việc ghi chép, soạn tài liệu, lưu trữ các bài viết của lãnh đạo và nghiên cứu hồ sơ hàng ngày là một quá trình học. Rồi đến thực tế làm tín dụng sơ khai mấy chục năm trước, như chuyên đi chăn bò cùng bà con để hiểu và thẩm định khi quyết định sản phẩm cho vay... bằng bò.
Vậy nên về sau, người biết ông cũng hiểu không phải làm hình ảnh ở ông sếp ngân hàng vứt giày lội ao, vuốt ve từng con bò, xông vào chuồng lợn, săm soi từng gốc cây thớ đất những lần đi thực tế.
"Đặc tính nông dân" đó theo suốt quá trình làm ngân hàng của Nguyễn Đức Hưởng. Chục năm làm lãnh đạo LienVietPostBank, năm nào cũng vậy, mỗi tháng không có vài chuyến đi thực tế vùng sâu vùng xa, không ngủ ở làng xã, không có vài bữa cuốc lủi với cơm dưa cá đồng thì ông lại chỉ đạo nhân viên xếp lịch. Đến đâu, gặp trường hợp nào khó khăn là nhận đỡ đầu, bỏ tiền túi hỗ trợ, tìm cách bố trí việc làm…
Xuất phát điểm của người làm tín dụng nông nghiệp nông thôn, đến cấp quản lý cả địa bàn Kon Tum, rồi "ông sếp nông dân" này ra Hà Nội làm Giám đốc Chi nhánh Agribank Thăng Long. Đó cũng là giai đoạn thị trường chứng khoán lên cơn sốt, ông Hưởng bắt đầu nổi tiếng với những thành công và quan điểm đầu tư ở kênh mới nổi này tại Việt Nam.
Giai đoạn đó, ông Dương Công Minh (Chủ tịch Sacombank hiện nay) có ý tưởng thành lập một ngân hàng thương mại. Nguyễn Đức Hưởng được mời về gây dựng, triển khai và chèo lái cho dự án. Năm 2008, Ngân hàng Liên Việt ra đời.
Dự án chung, đóng góp chung, nhưng có ảnh hưởng những quan điểm riêng. Con đường trưởng thành của LienVietPostBank 10 năm qua cũng mang dấu ấn riêng của Nguyễn Đức Hưởng.
Nhanh, ở phương châm "vừa chạy vừa xếp hàng". Một ngân hàng mới ra đời phải thiết lập, xếp hàng từ đầu mọi cơ cấu và hoạt động, nhưng nhanh ở tốc độ nhập cuộc, xác lập vị thế và cạnh tranh.
Nhanh, ở quan điểm xử lý nợ xấu và rủi ro. Nếu rủi ro 10 đồng, không giằng co lấy lại bằng được 10 đồng mà có thể sa lầy; thu lại 7 - 8 đồng trong nhiều trường hợp dễ và nhanh hơn để quay vòng vốn, triển khai hoạt động mới mà bù đắp.
Nhanh, ở quyết định chiến lược và tầm nhìn. LienVietPostBank đã trả giá cao hơn nhiều so với các nhà đầu tư khác khi mua lại hệ thống tiết kiệm bưu điện. Đây là "một bước bằng trăm năm" phát triển mạng lưới mà ông Hưởng từng ví von, cũng như giải thích rằng nếu cò kè mặc cả có thể không mua được và mất cơ hội.
Thực tế, đến nay, hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện là lợi thế riêng có đang đẩy nhanh khai thác và phát huy giá trị.
Nhanh, ở hướng gắn kết hoạt động với thị trường chứng khoán. Ngay sau khi đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị, một trong những việc đầu tiên ông Hưởng làm ngay là đưa cổ phiếu LienVietPostBank lên sàn chứng khoán.
10 năm làm lãnh đạo LienVietPostBank, đây cũng chính là thủ lĩnh xây dựng văn hóa cho toàn hệ thống, cùng phương châm "sống bằng lương, giàu bằng thưởng". Ông Hưởng cho biết, suốt cả một hành trình, điều mà ông hài lòng nhất là đã nâng được khá mạnh mức lương và thưởng cho cán bộ nhân viên năm vừa qua.
Cũng suốt cả quá trình 10 năm đó, từ khi ra đời gặp ngay ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, nối tiếp là thử thách ngột ngạt và bấp bênh của giai đoạn đầu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam 2011 - 2015, thành viên trẻ LienVietPostBank vẫn đứng vững để trưởng thành.
Chục năm làm lãnh đạo LienVietPostBank, năm nào cũng vậy, mỗi tháng không có vài chuyến đi thực tế vùng sâu vùng xa, không ngủ ở làng xã,không có vài bữa cuốc lủi với cơm dưa cá đồng thì ông Hưởng lại chỉ đạo nhân viên xếp lịch.
Và điểm dừng trọn vẹn
Một ngày cách đây ba năm, cao điểm chuẩn bị và bước đầu triển khai dự án phát triển mắc-ca, 5h sáng, tại Khe Sanh (Quảng Trị), ông Hưởng một mình vật lộn với cơn đau xuất huyết dạ dày. Cả ngày hôm sau lội suối, leo đồi khảo sát thực địa, linh cảm đến một điểm dừng vì vấn đề sức khỏe đến trong đầu.
Cả chục lần vào Quảng Trị tìm đất, khảo sát để triển khai kế hoạch tự làm mắc-ca ở đây, sau lần gặp cơn đau đó, ông Hưởng phải ra nước ngoài điều trị. Bác sỹ khuyến nghị ông nghỉ ngơi và điểm dừng lớn nhất bắt đầu hình thành.
Tuy nhiên, cũng như hầu hết các ngân hàng thương mại khác, LienVietPostBank ba năm trước còn nhiều khó khăn, sức tăng trưởng chậm lại. Ông Hưởng quyết định dồn sức để cùng ngân hàng đạt được điểm đến tốt hơn trước khi xác định điểm dừng.
Và tháng 6/2017, nhiệt huyết trong con người đó một lần nữa bùng lên với dự định tham gia tái cơ cấu Sacombank, trước một thử thách mới và lớn hơn nữa, cũng như hứa hẹn đóng góp hơn nữa nếu thành công.
Nhưng, đây cũng chính là thời điểm vị doanh nhân 56 tuổi này phải thực sự đối diện với vấn đề sức khỏe. Sau khi trở lại đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, hơn ba tháng qua và cho đến nay, ông liên tục là bệnh nhân.
Ngày đánh cồng chào mừng cổ phiếu LPB - đứa con tinh thần chào sàn cũng là ngày ông… trốn viện, để rồi sau đó phải quay lại điều trị.
Cận Tết Nguyên đán 2018, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết đã đưa ra quyết định về điểm dừng của mình: chuyển giao vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank để tập trung cho sức khỏe, nhưng vẫn tiếp tục đồng hành với Ngân hàng với vai trò cố vấn cao cấp.
“Ngậm ngùi - cảm ơn - tin tưởng. Tôi muốn gửi gắm ba điều này trong khoảng lặng từ đáy lòng mình với các vị lãnh đạo các cấp quản lý, khách hàng, đối tác, cổ đông, giới truyền thông và đặc biệt là toàn thể cán bộ nhân viên LienVietPostBank khi quyết định điểm dừng này. Tôi muốn xiết chặt tay từng người đã được gặp, được làm việc những năm qua”, ông Hưởng chia sẻ.
Ba năm trước, ông Hưởng đã đưa ra quan điểm “quãng đời còn lại chỉ có 3 việc (Liên Việt - Golf - Gia đình) không thêm, mà chỉ bớt dần, còn lại Gia đình! Tiền bạc, quyền lực là phù phiếm, vui buồn viển vông sẽ qua đi; cố gắng giữ lại chữ hiếu, chữ tình! Con cái là tài sản, sức khỏe là vốn quý! Mọi cái đến với mình đều là “may quá! - vì không ai tên là... buồn”. Với quyết định rời nhiệm sở, ông Hưởng nói: “Biết đủ, biết dừng. Tất cả là tạm thời, tình người là vĩnh cửu”.
Và qua năm 2017, điểm dừng của Nguyễn Đức Hưởng đã trọn vẹn, khi LienVietPostBank đã lớn mạnh, đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt sau 10 năm hoạt động.
Nguồn: vneconomy
Số lượt đọc: 236 Cập nhật lần cuối: 15/02/2018