Tu Tại Gia LienVietPostBank

Bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank

Tôi không có may mắn đi theo đạo nào, nhưng đạo nào tôi cũng được theo để nghiên cứu, tìm tòi học hỏi và đúc kết được điều cốt lõi của các đạo giáo là gắn chặt đạo với đời và học làm người vì mục tiêu chung là “tốt đời đẹp đạo”.

Đa số cán bộ nhân viên Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng giống như tôi, nên tôi đề xướng ra cách tu riêng có, để góp phần cộng tác,  nâng cao thương hiệu cá nhân của từng người, cộng hưởng thành thương hiệu lớnLienVietPostBank, cộng sinh cho tương lai trường tồn.

Trước hết muốn tu thì ta phải hiểu tu là gì? Rồi mới tìm đường tu cho riêng mình, riêng có của cán bộ nhân viên LienVietPostBank. Cái gốc của tu là:

  Sửa việc xấu
-   Bỏ việc ác
-   Hành việc thiện

Kể cả đạo Phật và đạo Công giáo, hay Nho giáo, cái gốc tu này đều đúng vì cốt lõi của đạo Phật là giải thoát (chân tâm – hướng tới cái tâm chân thật), cốt lõi của đạo Công giáo là yêu thương và vị tha, cốt lõi của Nho giáo (Khổng giáo) là đạo làm người...

Văn hóa LienVietPostBank có nhấn mạnh 3 điều hướng tâm là:
-    Không có con người - dự án vô ích
-    Không có khách hàng - Ngân hàng vô ích
-    Không có Tâm – Tín – Tài – Tầm, LienVietPostBank vô ích

 
 
Vậy cán bộ nhân viên LienVietPostBank tu tại gia trước hết luôn tu sửa, bổ sung chính mình tại gia đình mình và đại gia đình LienVietPostBank để thực hiện được 4 chữ “Tâm – Tín – Tài – Tầm”, vì điều hướng tâm thứ 3 quyết định 2 điều trên... trong đó chữ tâm có rất nhiều ý nghĩa và nhiều việc phải làm, nhưng chúng ta phải đặc biệt chú ý đến “chữ hiếu” trong tâm mỗi con người... làm tròn “chữ hiếu” chính là đã tu tại gia hiệu quả, tất cả cán bộ nhân viên LienVietPostBank tu tại gia đình nhỏ cộng với sự học hiệu quả thì chắc chắn việc tu tại gia LienVietPostBank sẽ hiệu quả vì chân tâm an lạc, xử lý tình huống nghiệp vụ, làm việc sẽ hiệu quả hơn.
 
“Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”

 
Đúng vậy, “Thờ trời đất quỷ thần, không bằng có hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là vị thần minh cao nhất trong các thần minh”.
  
Chữ hiếu ở đời nào, đạo nào cũng đặc biệt quan tâm nhưng không phải ai cũng làm tròn được chữ hiếu, nhưng con người nếu không hiếu cha mẹ, không kính tổ tiên thì bất cứ việc xấu nào họ cũng dám làm. Một người hiếu cha mẹ, kính tổ tiên thì không những là lời nói việc làm mà khởi tâm động niệm họ đều nghĩ rằng, nếu như việc này ta làm mà không đúng thì có lỗi với cha mẹ, làm nhục tổ tiên thì họ sẽ không dám làm. LienVietPostBank đã từng cho thôi việc đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao chỉ vì người đó thiếu chữ “tâm” với gia đình, vì bất cứ ai đó bất hiếu với cha mẹ, không có chữ tâm với vợ, chồng, con hay anh em ruột thịt hoặc tàn ác với người ngoài thì đến lúc nào đó họ sẽ bán rẻ danh dự tập thể hoặc bạn bè... nên vị tha nhất là phải cho họ biết rõ nhược điểm của họ phải trả giá thế nào? để họ sáng mắt ra và còn thời gian để sửa chữa kịp thời. Khi họ sửa chữa được ta lại dùng họ, cho họ cơ hội phát triển bởi lỗi của một người chỉ có người khác mới dễ nhìn thấy, và mỗi lần vấp ngã (hoặc nhìn thấy người khác vấp ngã) con người mới đi vững chắc được.
 
Tác giả luôn dành cho Mẹ tình yêu thương và sự kính trọng vô bờ bến
 
Chữ hiếu không những là văn hóa tối thiểu của mỗi người con, mà còn là nền tảng của đạo đức. Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong gia đình chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự an vui, an lạc cho tất cả mọi người. Con cái có hiếu với cha mẹ, ngoài việc mang lại niềm hạnh phúc chung trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự an lạc, bình an. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội, mỗi con người trong tập thể nhỏ, lớn, mỗi công dân của một quốc gia có an lạc, bình an thì xã hội, quốc gia đó, và cả thế giới mới có an lạc bình an, thân tâm mới thanh thản.
 
Không có tình yêu thương kính trọng vô điều kiện đối với cha mẹ thì không thể có tình yêu thương thật sự đối với người khác. Một tập thể, một xã hội không có những cá nhân có tình yêu thương thật sự, chỉ có những cá nhân, mà lòng yêu  thương trong họ chỉ tồn tại khi các yếu tố tham sân si được thỏa mãn, nếu trái với ý muốn, thì tình thương đó sẽ tan biến, dễ biến thành sự khinh khi, đố kỵ, ganh ghét và hận thù. Như thế thì tập thể đó, xã hội đó, sẽ không thể có được sự thanh bình và phát triển được.

Phong tục tập quán của các dân tộc, giáo lý của các tôn giáo đều khuyên dạy, đề cao và hướng con người đến việc nhận thức và thể hiện lòng hiếu hạnh của mình đối với đấng sinh thành. Đặc biệt nước ta với nền văn minh phát triển từ rất lâu, văn hóa Nho - Phật - Lão Giáo đã ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội ngay từ thời lập quốc. Chữ hiếu đã hình thành và tồn tại trong từng cá nhân như là bản tính tự nhiên vốn có từ khi chúng ta mới chào đời.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
nhưng (rất tiếc cuộc đời luôn có chữ nhưng) con người thường nói, nghĩ, làm không phải lúc nào cũng song hành với nhau, thậm chí nghĩ không đi đôi với nói, nói không đi đôi với làm... nhưng điều đáng tiếc nhất, bất hạnh nhất là “nghĩ về hiếu, nói về hiếu nhưng làm thì bất hiếu”.
 
“Tu đâu cho bằng tu nhà,
  Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”
 
Ai đã từng mất bố hoặc mẹ mới thấu hiểu điều này... vì sao còn bố còn mẹ lại không nhận ra được? Điều đơn giản vì trong ta vẫn tồn tại hai từ “con” và “người”, trong cuộc sống vô tình hay hữu ý mỗi chúng ta vẫn xử sự theo bản năng bột phát thiếu kiểm soát hoặc ngoài tầm kiểm soát..., đó là bản năng của “con” xong việc hoặc một thời gian dài mới giật mình ngộ lại mới thấu hiểu cái sai cái lỡ để sửa rút kinh nghiệm và làm tốt hơn, đó là “người”. Bản thân tôi là người đặc biệt quan tâm dành trọn chữ hiếu cho cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ hai bên vợ chồng vô điều kiện và tâm huyết... nhưng khi bố tôi và bố vợ của tôi mất đi mình mới quay chậm lại thời gian bên hai ông, mình tự nhận ra mình vẫn là người... bất hiếu, vì đôi khi mình vẫn làm bố buồn, suy nghĩ... nếu chín chắn hơn, thận trọng hơn với phương diện đúng nghĩa của một người con hiếu thảo thì đôi khi mình đã không tranh khôn với bố, nhăn nhó bố và sẽ chăm chút bố nhiều hơn, dành dụm biếu bố nhiều tiền hơn để ông cho ai thì tùy ông, để cuối đời ông vui sướng hơn nữa... Rất tiếc là chỉ khi hai ông mất đi rồi tôi mới ngộ ra được điều đó và trong lòng đầy ân hận nên mỗi lần ra ngoài đường thấy một ông già nào phơn phớt giống bố là trong tôi lại quay cuồng thèm được có bố..., cũng từ đó tôi luôn thầm nhủ phải chăm sóc hai mẹ tốt hơn và khi mẹ bị ốm, tôi đã vừa khóc vừa sáng tác bài hát “Mẹ ơi mẹ không được chết!” và tôi đã làm tất cả vì mẹ cho mẹ vui… Mặc dù vậy tôi vẫn cẩn thận tự kiểm tra lại “mình có bất hiếu nữa không?”, câu trả lời là... vẫn bất hiếu đấy vì mình có làm gì đền đáp đến mấy cũng chưa đền đáp được công mang nặng đẻ đau và sự cùng cực của mẹ nên đừng bao giờ thoả mãn với vài đồng tiền cho hai mẹ hay thời gian ít ỏi về thăm mẹ. Không được hài lòng, hài lòng là bất hiếu đấy... Vì vậy ai còn bố còn mẹ là điều may mắn, bố mẹ buồn bố mẹ khổ, bố mẹ bị bệnh tật... phải tìm hiểu giải quyết tận cùng vì tình thương bố mẹ vợ bố mẹ chồng, vì chữ hiếu trọn vẹn... đừng để ân hận cả đời, bởi: “Điều thiện, thiện tối cao không gì hơn hiếu, Điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu”.

Cuộc đời con người tồn tại được có lẽ song hành với sự tồn tại của đức tin và trách nhiệm, nếu ai có đức tin và nhận thức được trách nhiệm của mình thì người ấy sẽ yêu đời vì niềm tin và trách nhiệm chính là quyền lợi, là tương lai và sự sống... Chính vì vậy bên cạnh vật chất thì chỗ dựa tinh thần quyết định sự tồn tại của đời người và tập thể, xã hội. Văn hóa xã hội, văn hóa doanh nghiệp chính là chỗ dựa và góp phần vào sự tồn tại của một đất nước, doanh nghiệp.

Tâm chính là con người, con người có nhiều loại tâm... trong đó có hai loạitâm rõ rệt là “vọng tâm - dối tâm” và “chân tâm - tâm chân thật”. Trong Ngũ thường (ngũ là năm, thường là hằng có)  người ta phải giữ năm đạo đó làm thường, Ngũ thường gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nhưng Nhân là trọng tâm, là sự phô bày rất thực tiễn và ngoại tại các phẩm giá, tâm tính của con người. Nhân là lòng từ thiện. Người có đức nhân là người ở nhà giữ được chữ “cung”, đi làm việc giữ được chữ “kính”, đi giao tiếp giữ được chữ “trung”.

Bất cứ hành động lớn nhỏ gì mà chúng ta đều giữ được chữ tâm thì chính ta sẽ thanh thản cuộc đời. Tại sao không? Nhân có ba hạng người:
-   Thánh nhân: Bậc hiền giả, người thể hiện và chuyển giao minh triết, có thần lực thu hút mọi người thu phục nhân tâm.
-   Quân tử: Người cao nhã, rộng lượng, nói là làm, giữ lời hứa đến cùng, thường là minh chủ, thủ lĩnh, là người phấn đấu để làm điều chân chính.
-   Tiểu nhân: Kẻ “hèn mọn”, hành động không màng tới đạo đức, hay nuốt lời hứa, đổ lỗi cho người khác, khôn lỏi, chú ý đến chuyện lặt vặt, cố chấp, keo kiệt.

Nho giáo cho rằng: “Người quân tử sợ ba điều: sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân. Kẻ tiểu nhân không biết mệnh trời, nên không sợ, (mà còn) khinh nhờn bậc đại nhân, giễu cợt lời nói của thánh nhân. Người quân tử ung dung mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không ung dung”... Chúng ta phấn đấu trở thành người quân tử...

Trong tu thì sự học là rất quan trọng. Khổng Tử nói: “Ta đi học là học cho ta, để gây cái phẩm giá của ta, chứ không phải là để khoe với người. Ta chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình”. “Muốn nhân mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngu, muốn trí mà không muốn học thì bị cái che mờ là cao kỳ, muốn tín mà không muốn học thì bị cái che mờ là hại nghĩa, muốn trực mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngang ngạnh, muốn dũng mà không muốn học thì bị cái che mờ là loạn, muốn cương mà không muốn học thì bị cái che mờ là táo bạo khinh suất”.

Sự học, sự tu là mênh mông vô bờ bến, nên trước mắt cán bộ nhân viênLienVietPostBank cần học kỹ 10 bài học để tu tại gia LienVietPostBank và dần dần học, tu chuyên sâu hơn:

Thứ nhất: học “chữ hiếu – trung – kính” như đã bàn ở trên.
Nếu mình hiếu với mẹ cha
Thì con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Ðừng mong con hiếu làm gì hoài công.

Thứ hai: học “trực diện”. Mọi việc muốn hiệu quả phải trực tiếp hiện diện, sát việc. Muốn rõ ràng trong quan hệ phải trực diện đối chất không được thông qua bất cứ người nào khác vì “tam sao sẽ thất bản” gây hiểu lầm nhau và rất mất thời gian.

Thứ ba: học “thừa nhận”, phải biết thừa nhận mình ngu, biết nhận lỗi của mình. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.

Thứ tư: “thích ứng”, thích ứng chính là cốt lõi của kỹ năng sống; trong mọi tình huống, trong giao tiếp, công việc và đối nhân xử thế phải biết quan sát thấu hiểu và thích ứng kịp thời để phù hợp, biết mình là ai? đang đứng ở đâu? biết chấp nhận, hòa nhập để tồn tại phát triển. “Muốn tìm được bạn tốt, trước hết mình phải tốt; xung quanh rất nhiều người chưa hiểu mình thì trước hết phải xem lại mình? xung quanh có người tốt, có người xấu thì phải biết chấp nhận (hết mưa là nắng hửng lên thôi), quy về bình thường hóa vì đó là xã hội.., thích ứng để mọi việc tốt hơn là việc của ta chứ không thể đổ lỗi cho người khác”.

Th năm: “học nhu, học cương”. Răng  cứng, nhưng lưỡi mềm và miệng lúc  há ra thì to, ngậm vào lại nhỏ... nhờ sự cứng mềm, to nhỏ đó cơ thể mới tồn tại được. Nên cuộc sống phải có cả răng cứng, lưỡi mềm và miệng biết lúc nào cần to  cần nhỏ, cần cứng (quyết liệt), cần mềm (nhu mì)… thì cơ thể sống mới tốt được. Nhu, cương là vậy.

Thứ sáu: học “cách trí” (cách vật trí tri) phải biết thấu hiểu sâu sắc cốt cách  đến tận cùng sự vật hiện tượng, phải có trí thức nhưng tri thức mới quan trọng, có tri thức mới hiểu chuyên sâu và làm việc bài bản, khoa học. Đồng thời để hình thành tính cách chuẩn mực - tính cách quyết định số phận con người. Tính cách chính là cách hành xử, được hình thành từ những hành động rất nhỏ: ăn uống, đi lại, nói năng, quan sát, suy nghĩ và làm… hàng ngày.

Thứ bảy: học “biết lui, biết tiến ; biết đủ, biết dừng”, trong cuộc sống biết lui biết tiến có lẽ dễ thực hiện, nhưng biết đủ biết dừng thì cực kỳ khó vì không ai định nghĩa được “thế nào là đủ để mà dừng”, việc khó mà làm được mới gọi là thành công.

Thứ tám: học “tự thương mình”, không ai thương mình bằng chính mình! Có thương mình, tự lo cho mình tốt thì mới lo cho người khác tốt được. Sức khoẻ là quý nhất. Muốn thân thể khoẻ mạnh thì phải biết duy trì bảo dưỡng tinh thần sau đó mới đến thể xác, vì chỉ có tinh thần mới có thể đốt cháy thể xác không cần lửa và vũ khí. Thân thể khỏe, tinh thần thoải mái không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè, tập thể, xã hội yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu lễ với người thân.

Thứ chín: học “giấu lưỡi”
Cẩn ngữ
Cái miệng là cửa tai hoạ
Lưỡi không xương là con dao diệt thân
Cái miệng che giấu lưỡi thân yên ổn cả đời.
Người chín chắn và biết “giấu lưỡi” là người biết “tròn vai, thuộc bài, không nói dài, không Mister Oai, không lai rai nói xấu người khác sau lưng”.

Thứ mười: học chữ “thoát”. Cuộc sống có nhiều điều, hàng ngày con người có nhiều việc không thể quan tâm và giải quyết hết, thẩm thấu hết được nên đôi khi phải biết tự thoát ra để thương mình, mặc kệ nó cho nhẹ nhàng đầu óc, tránh stress. Phải biết “đơn giản hóa những vấn đề phức tạp”.

Văn hóa LienVietPostBank  cũng đã chỉ đường rõ cho toàn thể cán bộ nhân viên “tu”, cụ thể, xuyên suốt là:
-   Kỷ cương
-   Sáng tạo
-   Nhân bản

Khi thừa hành công việc và đối nhân xử thế thì phải “tu” theo hướng:
-    Không được làm việc sai
-    Chỉ được làm việc đúng
-    Cố gắng làm việc trúng

Riêng cán bộ lãnh đạo LienVietPostBank phải thấm nhuần 18 chữ vàng trong quản trị điều hành đó là: “Tâm huyết – Minh bạch – Đoàn kết – Lắng nghe – Thấu hiểu – Bàn bạc – Quyết định – Quyết liệt”.

“Tu Tại Gia LienVietPostBank” tuy không bắt buộc phải ăn chay ngồi thiền (tôi khuyến khích mọi người thỉnh thoảng ăn chay ngồi thiền nếu có điều kiện vì rất tốt cho sức khỏe) nhưng chỉ dành cho những ai tâm huyết, có quyết tâm cao và phải hội đủ bốn yếu tố “Tâm – Tín – Tài – Tầm” mới thực hiện có hiệu quả được. Tôi tin tưởng rằng 100% cán bộ nhân viên LienVietPostBank sẽ thực hiện không những được mà là rất được, thậm chí nâng tầm cao hơn nữa văn hóa tu tại gia LienVietPostBank, đem lại lợi ích cho mỗi cá nhân, gia đình, tập thể và xã hội.

Cung chúc tân xuân
Tân tài tân lộc
N.Đ.H
Số lượt đọc: 140 Cập nhật lần cuối: 07/02/2014