Thị trường Phát triển “cây tỷ đô” tại Việt Nam: “Đứng trên đất Tây Nguyên, chân tôi như mọc rễ”

Chuyên gia mắc-ca Úc ấn tượng với khí hậu và thổ nhưỡng của Tây Nguyên, cùng góc nhìn hiền hòa hơn với cách làm tự phát.......
 
Chuyên gia mắc-ca Úc ấn tượng với khí hậu và thổ nhưỡng của Tây Nguyên, cùng góc nhìn hiền hòa hơn với cách làm tự phát...

“Cây mắc-ca giống như bà vợ tôi ấy, một người phụ nữ phức tạp, tìm hiểu mãi vẫn chưa đủ, nhưng thú vị là càng tìm hiểu càng có kết quả tốt”, ông Brice Kaddatz, phụ trách dịch vụ cây trồng của công ty Suncoast Gold Macadamia, dí dỏm khi giới thiệu quá trình nghiên cứu mắc-ca tại Úc.

Cách nói dí dỏm trên của ông Brice hàm ý, với loại cây mới này tại Việt Nam, quá trình tìm hiểu và gắn bó sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.

Tự thân là chính

Gặp gỡ đoàn khảo sát mắc-ca của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ông Brice cho biết, tại Úc, quá trình tìm hiểu “người phụ nữ phức tạp” đó kéo dài và liên tục hàng chục năm qua. 

Và cũng như tại Việt Nam hiện nay, Úc đã trải qua nhiều thất bại và thử thách để trở thành quốc gia phát triển mắc-ca hàng đầu thế giới.

Họ đã từng tự phát, qua đó để sàng lọc những hạn chế về giống, quy trình kỹ thuật. Có những hạn chế phải 10 - 15 năm sau mới nhận ra để loại trừ, đến nay vẫn tiếp tục loại trừ.

Xuyên suốt quá trình này là sự tự thân của các chủ trang trại, về sau là sự tham gia kích hoạt phát triển từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cho nên, làm mắc-ca tự phát ban đầu không hẳn là tiêu cực, theo quan điểm của ông Brice. Vì đó là một quá trình tự thân để tìm ra cách làm đúng, khi mà sự hỗ trợ và chủ động từ chính quyền chỉ là có hạn.

Tại Úc, quá trình phát triển mắc-ca cũng xuất phát từ những trang trại, các chủ đất tự tìm hiểu, tự góp vốn đầu tư và thúc đẩy các quá trình. Như ví dụ tại chính Suncoast Gold Macadamia, ra đời từ năm 1985, tự góp vốn và xây dựng, tự tìm cách làm để đến nay trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai của quốc gia này.

Hai tuần trước, ông Brice Kaddatz đến Việt Nam, cũng tận mắt thấy cách làm tự phát của các hộ dân. Nhưng ở chuyên gia này là một góc nhìn hiền hòa hơn với dư luận hiện nay: người dân phải tự thân tìm cách làm, tự tìm cách cải thiện sản xuất và đời sống, khi mà sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành còn hạn chế.

“Trước khi chờ đợi Chính phủ hay bộ ngành hỗ trợ, tôi nghĩ Việt Nam cần sớm có một hiệp hội, tập hợp các hộ dân lại, tổ chức nghiên cứu và ứng dựng thực tế, và cả tự đầu tư nữa. Các bạn đi sau, nên có lợi thế để hạn chế những thất bại như chúng tôi từng trải qua”, ông Brice Kaddatz khuyến nghị từ thực tế quá trình tự thân đã có tại Úc.

Như với Hiệp hội Mắc-ca Úc, cơ chế trích quỹ thực hiện trực tiếp trên mỗi kg nguyên liệu các chủ trang trại bán cho nhà máy. Nguồn vốn này được dùng đầu tư cho nghiên cứu phát triển mắc-ca và làm công tác thị trường.

Cùng với lợi thế đi sau, ông Brice nhìn nhận hiện Việt Nam đã xuất hiện những nhà đầu tư tự thân, trực tiếp tìm hiểu, đầu tư vốn triển khai để rút ngắn quá trình chờ đợi từ nhà chức trách nghiên cứu và hỗ trợ.

“Vừa rồi đến Việt Nam tôi thấy đã có những nhà đầu tư có tầm nhìn để thúc đẩy quá trình tiến xa hơn. Để làm tốt, cần triển khai nhanh việc thành lập hiệp hội chuyên trách để liên kết các nhà lại với nhau. Trong khi chờ Chính phủ thì chúng ta vẫn có thể tự làm được”, ông Brice nói.

“Làm nhanh mà phải chậm”

Đến Việt Nam, biết đến nhu cầu phát triển mắc-ca đang nóng lên và tham vọng có thể đạt 200.000 ha trong tương lai, ông Brice Kaddatz tin là có thể làm được.

“Cảm giác của tôi là khi đứng trên đất Tây Nguyên, là chân tôi như mọc rễ được. Vì đất tốt quá”, chuyên gia này nói và giải thích rằng, để có được chất lượng sản phẩm không phải là từ nhà máy và công nghệ chế biến, mà quyết định ở yếu tố khí hậu và thổ nhưỡng.

Ấn tượng với khi hậu và thổ nhưỡng Tây Nguyên, đã bắt đầu có những nhà đầu tư tự thân, nhưng Brice Kaddatz nhận định, Việt Nam đang còn nhiều vấn đề phải tính toán.

“Như tầm nhìn 200.000 ha, phát triển được sẽ tốt cho Việt Nam thôi. Có thể phát triển nhanh được, nhưng phải có kế hoạch kỹ lưỡng và thận trọng. Làm nhanh mà phải chậm. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác. Thị trường ở đây là mở, nhu cầu rất lớn để cùng phát triển. Nhưng, tôi cũng nói thế này, người Úc không bắt tay với những cách làm thiếu khoa học và không bài bản”, ông Brice thẳng thắn.

Làm nhanh mà phải chậm, vì Việt Nam phải có kế hoạch chi tiết cho từng lựa chọn, ngay ở lợi thế đang có là chi phí nhân công và khí hậu, thổ nhưỡng quá tốt tưởng như làm được ngay, trồng giống nào cũng cho quả.

Như tại Suncoast Gold, chi phí nhân công lên tới 2 triệu đồng/người mỗi ngày, do mức lương tối thiểu tại Úc khá cao. Năm 2002, mỗi phân xưởng cần có khoảng 30 người, nhưng nay chỉ còn 2 - 3 người, do đã đầu tư máy móc để nâng cao năng suất lao động.

Với ví dụ trên, Việt Nam sẽ phải lựa chọn tranh thủ lợi thế chi phí nhân công thấp, hay đầu tư hiện đại hóa công nghệ chế biến để phát triển chuyên nghiệp. Cũng lưu ý rằng, để có được một nhà máy như của Suncoast Gold (hiện sản xuất bình quân khoảng 16.000 tấn hạt có vỏ/năm), chi phí đầu tư ban đầu lên tới khoảng 500 - 600 tỷ đồng.

Lựa chọn trên sẽ quyết định lợi thế cạnh tranh đầu ra sản phẩm. Và trong cạnh tranh còn phải gắn với chất lượng, mà yếu tố quyết định lại nằm ở thực địa.

“Tìm hiểu thực tế ở Việt Nam, tôi hỏi nhiều người dân trồng giống và nguồn thế nào, họ không nắm rõ. Vậy thì những năm sau, khi cây cho kết quả, nếu có sai lầm thì họ sẽ không biết cụ thể vì sao lại sai lầm để sửa. Hay có những loại giống chúng tôi đã loại bỏ cả chục năm qua vì dễ nhiễm bệnh, nhưng vẫn được cơ quan chuyên môn khuyến nghị trồng. Thực tế này rất đáng ngại”, ông Brice Kaddatz cho biết.

Vì vậy, chuyên gia này khuyến nghị phải hồ sơ hóa chi tiết từng thửa vườn để kiểm soát rủi ro về sau, theo một cách làm có tổ chức và kế hoạch kỹ lưỡng, chuẩn hóa ngay từ đầu các loại giống.

Ví như, trong khi Việt Nam vẫn có khuyến nghị trồng loại giống đã lạc hậu, bị loại trừ, thì tại Úc đã phát triển được hàng chục loại mới, có loại cho tỷ lệ nhân lên tới 47%, trong khi tiêu chuẩn thị trường chỉ 33%, để có giá bán tới 7 đô la Úc/kg quả tươi tại vườn (gần 120.000 đồng/kg).

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và chuyển giao các loại giống tốt, nhưng các hộ dân các bạn có sẵn sàng chi phí để mua không? Có hồ sơ hóa và kiểm soát được từng gốc cây họ trồng không?”, ông Brice Kaddatz đặt vấn đề.

Trước những yêu cầu đầu tư và kiểm soát đó, theo chuyên gia này, phải có những nhà đầu tư đủ lực, có tầm nhìn và thực sự bỏ tiền ra làm với mắc-ca thì mới làm tốt được.

Như lời ông Brice, cây mắc-ca giống như một người phụ nữ phức tạp, tìm hiểu hoài vẫn chưa đủ, nhưng thú vị là càng tìm hiểu càng có kết quả tốt. Sau khi “cưới” mắc-ca, những nhà đầu tư tại Việt Nam như công ty Him Lam, LienVietPostBank hay một số doanh nghiệp khác cũng đang tự thân vừa làm vừa tìm hiểu để từng bước chinh phục.

Nhưng họ có lợi thế để rút ngắn quá trình chinh phục “người phụ nữ phức tạp” này bằng tranh thủ kinh nghiệm và hỗ trợ từ bên ngoài, như từ những người bạn Úc.

Minh Đức

Theo http://vneconomy.vn/thi-truong/dung-tren-dat-tay-nguyen-chan-toi-nhu-moc-re-20150618040531991.htm
Số lượt đọc: 10 Cập nhật lần cuối: 02/06/2014