Tái cơ cấu ngân hàng đã đi đúng hướng

“Kết quả đạt được cho thấy, các giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) đã thực hiện trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua là phù hợp, đúng hướng hiệu quả” - đó là đánh giá của TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng (NH) TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).


Ông đánh giá thế nào về tiến độ cũng như hiệu quả tái cơ cấu hệ thống các TCTD trong thời gian qua? Nợ xấu bước đầu được kiểm soát

Về cơ bản, quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đã thực hiện được các mục tiêu và theo đúng lộ trình đặt ra trong đề án. Đến nay, thành công chính, nổi bật nhất của quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đó là đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo sự ổn định trong ngành. Đó là cơ sở để ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô. Rủi ro hệ thống giảm dần, an toàn hệ thống và khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện.

NHNN đã kiểm soát được tình hình của các NHTM cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các NH này đã được cải thiện đáng kể, tài sản của nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, vì vậy nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước được giảm bớt.

Bên cạnh đó, không chỉ các TCTD yếu kém mà ngay cả các NHTM nhà nước, các TCTD nước ngoài, các công ty tài chính, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cũng thực hiện tái cơ cấu dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến nay, hệ thống đã hình thành các TCTD có hoạt động lành mạnh, hiệu quả, khả năng cạnh tranh tốt, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững.

Một thành công khác thể hiện ở việc nợ xấu bước đầu được kiềm chế và xử lý góp phần lành mạnh hóa tài chính và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9.2014 theo báo cáo của các TCTD là 3,88% và theo đánh giá của NHNN là 5,43%. Việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD VN (VAMC) để xử lý nợ xấu là giải pháp khá đặc biệt và đã phát huy hiệu quả bước đầu (sau hơn một năm đi vào hoạt động, tính đến hết tháng 9.2014, VAMC đã mua được 125.000 tỉ đồng nợ xấu). 


Các giải pháp tái cơ cấu hệ thống các TCTD mà NHNN đã triển khai thì như thế nào, thưa ông?

Kết quả đạt được cho thấy, các giải pháp mà NHNN đã thực hiện trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thời gian qua là phù hợp, đúng hướng và hiệu quả. Điều đáng nói là, tất cả các phương án tái cơ cấu NHTM cổ phần yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào. Sau khi sáp nhập, hợp nhất hoặc phương án cơ cấu lại được NHNN chấp thuận, các NH đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát của NHNN. Đến nay, hầu hết các NH yếu kém được cơ cấu lại theo các phương án được duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại.

Đặc biệt, các giải pháp tái cơ cấu mà NHNN đưa ra không sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà tận dụng tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, duy trì an toàn và ổn định hệ thống. 

Tăng thêm cơ chế cho VAMC

Để tái cơ cấu hệ thống các TCTD đúng lộ trình đến năm 2015 và hướng đến mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2020, theo ông, thời gian tới, ngành NH cần có những giải pháp gì?

Tái cơ cấu hệ thống các TCTD không chỉ là một quá trình để vượt qua khủng hoảng mà còn là một xu thế phát triển tất yếu của hệ thống các TCTD theo hướng bền vững. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ ngành NH 6 tháng cuối năm 2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, tái cấu trúc hệ thống các TCTD những tháng cuối năm sẽ có bước đột phá.

Theo đó, ngành NH tiếp tục triển khai các giải pháp cơ cấu lại một cách toàn diện đối với tất cả các TCTD (bao gồm cả các TCTD lớn, hoạt động bình thường) trên các mặt tài chính, hoạt động và quản trị điều hành. NHNN sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra các TCTD thực hiện phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt; kiên quyết xử lý những TCTD yếu kém.

Cùng với những giải pháp trọng tâm trên, tôi cho rằng, chúng ta cần chú trọng tăng cường năng lực tài chính, tăng quy mô, chất lượng vốn tự có của TCTD; đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa nợ xấu mới gia tăng, đảm bảo đúng định hướng của Đề án xử lý nợ xấu. Tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất để xử lý các TCTD yếu kém và từng bước hình thành các TCTD có quy mô, năng lực cạnh tranh lớn hơn.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh phối hợp và triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg. Công cụ xử lý nợ xấu VAMC sẽ hữu hiệu hơn nếu được nâng cao năng lực tài chính (như tăng vốn điều lệ, phát hành tín phiếu của NHNN...), tăng cường thẩm quyền xử lý nợ xấu đã mua và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quá trình xử lý nợ xấu. Hiện nay, VAMC vừa không có đủ nguồn lực vừa không đủ quyền lực để xử lý nhanh chóng nợ xấu do còn nhiều vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật (luật dân sự, luật tố tụng, nghị định về xử lý tài sản bảo đảm...).

Xin cảm ơn ông.

Duyết Khanh

Số lượt đọc: 12 Cập nhật lần cuối: 03/06/2014