Tái cơ cấu ngân hàng cần cơ chế đồng bộ

Đánh giá về kết quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt trong tư cách một chuyên gia tài chính - cho biết:

chuyengia_nguyenduchuong.jpg
 

Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015 không đặt vấn đề xử lý tất cả mọi tồn tại, yếu kém trong giai đoạn này mà xác định mục tiêu: “Tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng (NH)”.

Kết quả tái cơ cấu trong hơn 2 năm qua góp phần đưa 11 NH của VN được lọt vào danh sách 1.000 NH tốt nhất thế giới năm 2014 do Tạp chí The Banker mới công bố. Trong xếp hạng khu vực Đông Nam Á về Chỉ số an toàn vốn cấp 1, các NH VN chiếm đa số trong top 10.

Là người có kinh nghiệm lâu năm về hoạt động NH, ông có thể cho biết những khó khăn đối với việc tái cơ cấu hệ thống TCTD trong thời gian tới?

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD trong thời gian tới sẽ còn gặp một số khó khăn:

Thứ nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản phục hồi chậm... sẽ ảnh hưởng không ít tới việc huy động vốn, thu hút các nhà đầu tư trong nước tham gia tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của NH.

Thứ hai, quá trình cơ cấu lại các TCTD vừa bảo đảm mục tiêu chấn chỉnh, củng cố, xử lý tồn tại, yếu kém vừa phải tiếp tục tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nên nguồn lực của TCTD bị phân tán và có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu đã đề ra.

Thứ ba, khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, đồng thời thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa được nghiêm, chưa bảo vệ quyền của chủ nợ. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho TCTD. Các cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu NH và xử lý nợ xấu còn thiếu, chưa đủ hấp dẫn và tạo thuận lợi cho sự tham gia của các nhà đầu tư.

Cuối cùng, một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng, đó là DN chưa chủ động tái cơ cấu hoạt động, còn tồn tại tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước và kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường. Nhiều trường hợp khách hàng vay chây ì, trốn tránh trách nhiệm trả nợ, không hợp tác với NH trong việc xử lý nợ.

Theo ông, cần có giải pháp gì để ngành NH vượt qua những khó khăn trên?

Để quá trình tái cơ cấu đạt mục tiêu theo đề án, theo tôi cần tiếp tục tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát có hiệu quả lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phục hồi và tăng trưởng.

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, công khai để tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư, mua bán, xử lý nợ và tài sản bảo đảm; từng bước áp dụng cơ chế phá sản TCTD với các quy định rõ ràng, minh bạch và thủ tục đơn giản hơn để giảm bớt chi phí cho nhà nước cũng như xã hội. Có cơ chế, chính sách khuyến khích sáp nhập, hợp nhất và tham gia tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu như miễn, giảm thuế, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi…

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời giữa các cơ quan chức năng trong việc truyền thông, hoạch định, thực thi chính sách và xử lý vi phạm pháp luật để góp phần ổn định môi trường kinh tế xã hội và đảm bảo an toàn hệ thống.

Cuối cùng, để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, một trong những điểm mấu chốt là cần sớm xử lý có hiệu quả vấn đề nợ xấu. Nhà nước cũng cần dành một số tiền nhất định để hỗ trợ, tạo động lực cho việc xử lý nợ xấu, qua đó góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Ánh

Số lượt đọc: 27 Cập nhật lần cuối: 29/09/2014