Sang Úc xem… mắc ca: Mô hình MPC & bài học cho Việt Nam

Chúng tôi đã có dịp đến tham quan bốn nhà máy chế biến mắc ca thuộc top đầu nước Úc nhưng đặc biệt ấn tượng với mô hình của Công ty MPC...

Sau nửa thế kỷ phát triển, hiện ngành công nghiệp mắc ca của Úc đã và đang tạo ra một chuỗi sản xuất thực phẩm sạch và đa dạng đến bất ngờ nhưng vẫn có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Chúng tôi đã có dịp đến tham quan bốn nhà máy chế biến mắc ca thuộc top đầu nước Úc nhưng đặc biệt ấn tượng với mô hình của Công ty MPC ở vùng Lismore, Tiểu bang New South Wales. Đón đoàn khách đến từ Việt Nam, Tổng giám đốc Cty Steven Lee rất thân thiện, giới thiệu toàn bộ quá trình phát triển của nhà máy từ khi thành lập vào năm 1983 với xuất phát điểm là 100 ngàn đô la Úc của 4 cá nhân đóng góp tạo dựng, nhưng đến nay cơ sở đã có doanh thu trên 40 triệu đô la/năm với 200 cổ đông.

Tìm hiểu thêm thì đây chính là mô hình hợp tác xã phân chia lợi nhuận theo chuỗi liên kết, từ người trồng cũng là cổ đông đến nhà máy thu mua chế biến trên cơ sở gắn chặt trách nhiệm với nhau. Có nghĩa là nhà máy phải đảm bảo thu mua hết sản phẩm mà người trồng làm ra, trong khi các chủ vườn cũng phải cam kết sẽ chăm sóc, thu hoạch được nguồn nguyên liệu có giá trị tốt nhất để cung cấp cho nhà máy.


sang_uc_xem_macca.jpg
Ông Nguyễn Đức Hưởng tìm hiểu quy trình sản xuất giống mắc ca của Úc
 
 
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank:
 
"Việt Nam chúng ta đi sau nên có cơ hội để kế thừa những thành tựu, đồng thời loại bỏ những thất bại mà Úc và các nước đi trước đã từng trải qua. 

Qua chuyến khảo sát tại Úc lần này, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ khâu chọn giống, nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, phát triển thị trường và công tác quản lý một cách rất bài bản, chuyên nghiệp.
Việc vừa chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Mắc ca Úc hy vọng sẽ mở ra nhiều chương trình hợp tác, chuyển giao kỹ thuật nhân giống, đào tạo trong nhiều khâu, tạo đà cho gói dự án 20.000 tỷ đồng phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên. 
 
 
Hiện chúng tôi đã thuê các chuyên gia của Úc, Mỹ về trực tiếp khảo sát các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, chuyển giao kỹ thuật giống và chăm sóc cũng như đang tiếp tục khảo sát thực tế các thị trường lớn như Trung Quốc, Úc, Mỹ và Nam Phi..."
 

Có nghĩa là nhà máy phải đảm bảo thu mua hết sản phẩm mà người trồng làm ra, trong khi các chủ vườn cũng phải cam kết sẽ chăm sóc, thu hoạch được nguồn nguyên liệu có giá trị tốt nhất để cung cấp cho nhà máy.

Phía Công ty cũng thường xuyên cắt cử các kỹ sư giỏi hỗ trợ cho những người trồng mắc ca trong vùng nguyên liệu như tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn cách đối phó bệnh dịch và bảo quản sau thu hoạch…

Do đặc thù là vùng nguyên liệu trải dài hàng trăm cây số nên khoảng cách từ các vườn cây đến nhà máy khá xa nên Cty cũng có chính sách hỗ trợ phí vận chuyển nguyên liệu cho người sản xuất.

Cụ thể, nếu khoảng cách từ trang trại đến nhà máy dài trên 25 km trở lên thì mỗi kg nguyên liệu, người trồng sẽ được nhận khoản hỗ trợ phí vận chuyển từ 2,5 đến 4,5 xu.

Hiện MPC là Công ty chế biến mắc ca lớn nhất Úc, chiếm trên 25% tổng sản lượng mắc ca hàng năm tại nước này và họ có hẳn một Công ty tiếp thị sản phẩm rất chuyên nghiệp. Vào thời kỳ cao điểm, dây chuyền của nhà máy có thể chạy với công suất 1.000 tấn hạt nguyên liệu/tuần, được thu mua theo hợp đồng với 230 nhà trồng mắc ca trong vùng. Ông Lee cho biết, hộ nhỏ nhất trồng mắc ca ở đây mỗi vụ cũng cung cấp cho nhà máy trên dưới 10 tấn hạt, còn hộ lớn có năm đạt 2.500 tấn chuyển đến nhà máy để sấy khô phục vụ các công đoạn chế biến sâu và đóng gói chuyển đến khu vực thương mại đem đi tiêu thụ, xuất khẩu.

Ông Steven Lee cho biết, việc những người trồng và các nhà máy chế biến mắc ca có chân trong Hiệp hội Mắc ca (thành viên phải đóng lệ phí hàng năm) có vai trò tích cực, tạo ra “một tiếng nói chung”, không những bảo vệ được quyền lợi của các thành viên mà còn đảm bảo tạo dựng được giá trị cũng như uy tín của sản phẩm mắc ca Úc trên thị trường quốc tế. Hiệp hội cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật phổ biến những kết quả nghiên cứu mới cũng như cách làm tiến bộ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong ngành.

Ngoài ra, việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng được đặc biệt coi trọng. Quỹ này do người trồng đóng góp một nửa theo luật định còn một nửa do chính phủ tài trợ. Tuy nhiên, khác với Việt Nam hay Trung Quốc, hoạt động R&D ở Úc là do Hiệp hội phụ trách, điều hành chứ không phải do các viện nghiên cứu quản lý. Trung bình hàng năm, nước này giành khoảng trên 2 triệu đô la cho công tác R&D và dự kiến thời gian tới sẽ nâng lên 4 triệu đô la để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, quảng bá sản phẩm..

 
Chủ tịch Hội Lâm nghiệp nhiệt đới Úc Martin Novak: Trồng xen mắc ca - cà phê, một lối tư duy rất hay. 

sang_uc_xem_macca_martin.jpg

Là một chuyên gia nghiên cứu về cây mắc ca, đồng thời sở hữu vườn mắc ca 4.000 cây, và từng nhiều lần đến Tây Nguyên tìm cơ hội hợp tác phát triển, ông có nhận xét gì về điều kiện tự nhiên ở vùng đất này?

Có hai điểm khác biệt giữa Việt Nam và Úc là độ ẩm và nhiệt độ giữa ngày và đêm nhưng sau một số chuyến khảo sát ở Tây Nguyên, tôi cho rằng các bạn đang sở hữu nguồn tài nguyên đất đai rất lợi thế để phát triển cây mắc ca.

Đúng như một nhà khoa học Úc đã ví von rằng, “đất ở Tây Nguyên của các bạn đứng ở bất kỳ chỗ nào cũng có thể mọc rễ” vì nó quá tốt.

Ông có đánh giá, nhận xét gì về kế hoạch trồng xen cây mắc ca trong các vườn cà phê đang ở cuối chu kỳ khai thác ở Tây Nguyên?

Tôi nghĩ đấy là một lối tư duy rất hay và phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam, dù ở Úc chúng tôi chỉ trồng thuần mắc ca nhưng trong bối cảnh của các bạn thì bài toán kinh tế lúc này là nên kết hợp tận thu hết khả năng từ cây cà phê song song với việc phát triển vườn mắc ca là rất đúng. Tôi đánh giá cao tính cần cù, chịu khó của người nông dân Việt Nam nên tôi nghĩ trong vòng vài năm nữa chúng ta sẽ nhìn thấy hiệu quả.

Nhưng có ý kiến cho rằng, nếu trồng xen mắc ca với cà phê thì làm sao cơ giới hóa, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, đấy là sự lo lắng hơi sớm bởi trong vòng 10 năm tới thì vấn đề sẽ khác, khi cây mắc ca có hiệu quả thì vườn cà phê già cỗi sẽ được chặt bỏ để có không gian cho mắc ca là hợp lý, và việc đưa máy móc vào cũng chưa muộn. Mặt khác hiện Việt Nam đang có lực lượng lao động dồi dào, tôi nghĩ cơ giới hóa tính ra chưa chắc đã là một giải pháp kinh tế.

Là người rất tâm huyết với cây mắc ca, theo ông, vấn đề hiện nay của nông dân Việt Nam là gì?

Ngoài những gì như đã nói, tôi cho rằng người nông dân Việt Nam rất thông minh, nhanh nhẹn, dễ nắm bắt cái mới. Tuy nhiên, qua những gì tôi thấy từ khâu làm giống thời gian qua thì nhược điểm là hơi ẩu và chưa có kỹ năng quản lý tốt, thà làm được ít mà tốt còn hơn nhiều mà không ra sao...
 

Trần Doanh

Theo http://nongnghiep.vn/sang-uc-xem-mac-ca-mo-hinh-mpc-bai-hoc-cho-viet-nam-post145926.html
Số lượt đọc: 17 Cập nhật lần cuối: 13/07/2015