Phát triển mắc-ca: “Bộ cần thay đổi tư duy”

“Doanh nghiệp muốn đầu tư, ngân hàng muốn cho vay thì Bộ lại cản”...

Ngày 5/1, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 và định hướng năm 2016. Báo cáo tình hình phát triển mắc-ca một năm sau chỉ đạo của Ban được trình bày tại hội nghị này.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Trưởng ban Chỉ đạo nghiệp vụ và truyền thông dự án phát triển mắc-ca Tây Nguyên, trong một năm qua, nhiều hoạt động đã được triển khai trong khuôn khổ của đề án.
nguyen_duc_huong.jpg
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank - đầu mối tham gia triển khai dự án phát triển mắc-ca, phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 và định hướng năm 2016 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

LienVietPostBank và công ty Him Lam đã xúc tiến các thủ tục thành lập Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam, tổ chức các đoàn thực tế trong nước và các nước hàng đầu về công nghiệp mắc-ca như Úc, Trung Quốc, Nam Phi, Mỹ; tham gia Hiệp hội Mắc-ca Úc; thuê chuyên gia nước ngoài và trong nước tư vấn lập chiến lược phát triển; tài trợ nghiên cứu cây mắc-ca; xây dựng quy chế cho vay liên quan; tổ chức công tác truyền thông về giá trị và tiềm năng phát triển của loại cây này…

Bảo cáo tại hội nghị này cũng cho biết, các đầu mối triển khai đề án đã thực hiện khảo sát ý kiến của các hộ dân tỉnh Lâm Đồng, với trên 1.000 phiếu điều tra, cho thấy có đến 48% tỷ lệ hộ dân sẵn sàng trồng mắc-ca khi được hưởng các ưu đãi vay vốn, được hỗ trợ kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm và tham gia cổ phần vào công ty chế biến mắc-ca của Him Lam.

Vẫn chờ Bộ hướng dẫn

Tuy nhiên, trong một năm qua, tiến độ triển khai dự án cũng gặp nhiều trở ngại. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thay đổi tư duy, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư.

“Đáng lẽ, với tư cách là đơn vị chủ quản, Bộ cần đi đầu trong việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển, hỗ trợ tín dụng và bao tiêu sản phẩm... Nhưng với mắc-ca thì ngược lại, doanh nghiệp muốn đầu tư, ngân hàng muốn cho vay thì Bộ lại cản”, ông Hưởng phát biểu.

Thực tế, để triển khai dự án, các hồ sơ xin cấp phép liên quan vẫn phải chờ xét duyệt từ các cơ quan chuyên trách của Bộ; nguồn giống nhập khẩu của Him Lam buộc phải quay đầu dù đã về cảng, do chưa có cơ chế; tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hứa sớm lập quy hoạch phát triển nhưng vẫn chưa có tiến triển nào…

“Nhưng ngăn cản bằng lý luận không thuyết phục, vì thực tế đã chứng minh, chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đầu tư rất nhiều tiền để trồng thí điểm hơn chục năm và đã đem lại kết quả tốt với nhiều điển hình trên thực tế”, ông Hưởng nói.

Cũng theo nhìn nhận của vị đại diện nhà đầu tư triển khai đề án trên, hiện cà phê, cây cao su trên đất Tây Nguyên đang “kêu cứu” cần tái cơ cấu thì bị bỏ mặc, các nông trường ôm quỹ đất không ai đầu tư được do các doanh nghiệp nông nghiệp “chết nhưng không chôn được”, gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách, nông dân đã nghèo lại càng nghèo...

Chính phủ đã có Nghị định 210/2013/NĐ-CP, đã có chỉ đạo các ngành và cơ chế hỗ trợ ngân sách cho phát triển mắc-ca, nhưng đã ba năm mà Bộ chưa có hướng dẫn cụ thể, nên Ngân hàng Nhà nước chưa có cơ sở để hướng dẫn cho vay liên quan.

4 nhóm đề xuất

Để hỗ trợ phát triển mắc-ca tại Việt Nam thời gian tới, Phó chủ tịch LienVietPostBank đưa ra bốn nhóm đề xuất.

Thứ nhất, thay đổi quy định về hỗ trợ trồng cây mắc-ca. Mức hỗ trợ nên quy định thống nhất là cứ trồng 1 ha mắc-ca thì được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng để xây dựng vườn trồng, sẽ có ý nghĩa xã hội rất lớn (hỗ trợ cho người nghèo), vì phần lớn đất riêng của hộ dân trồng mắc-ca có diện tích dưới 50 ha.

Còn hiện tại, Nghị định 210/2013/NĐ-CP đang quy định, các dự án trồng cây mắc-ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách hỗ trợ 15 triệu đồng/ha. Điều này, theo ông Hưởng, là hỗ trợ cho người giàu.

Thứ hai, theo Phó chủ tịch LienVietPostBank, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ nên ban hành định hướng, còn xác định cụ thể quy hoạch từng địa phương thì do địa phương chịu trách nhiệm và cần đẩy nhanh xây dựng chương trình quốc gia về mắc-ca.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước ban hành chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển cây mắc-ca, bao gồm các chính sách ưu đãi về lãi suất và kỳ hạn vay tái cấp vốn.

Thứ tư, chính quyền các tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp cần đưa mắc-ca vào đề án tái cơ cấu kinh tế địa phương và xây dựng bản quy hoạch phát triển -ca tại địa phương trên cơ sở rà soát lại quỹ đất, đặc biệt là đất đang trồng cây cà phê già cỗi, năng suất thấp, đất trồng các cây hiệu quả thấp để chuyển đổi sang trồng mắc-ca.
 
Số lượt đọc: 31 Cập nhật lần cuối: 09/01/2016