Phật pháp và Doanh nhân

Phật pháp và doanh nhân nếu kết hợp tốt sẽ tạo ra thương hiệu nổi tiếng, làm cho thẻ điểm doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp cất cánh bay lên khẳng định vị lai, góp phần “Tốt đời, đẹp đạo”.....
Phật pháp và Doanh nhân
 
Phật pháp và doanh nhân nếu kết hợp tốt sẽ tạo ra thương hiệu nổi tiếng, làm cho thẻ điểm doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp cất cánh bay lên khẳng định vị lai, góp phần “Tốt đời, đẹp đạo”.

 

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật
 
Phật là lời nói gọn, nói đủ là Phật-đà (Buddha), dịch nghĩa là Người Giác Ngộ. Phàm nói Phật là chỉ cho đức Thích-ca Mâu-ni (Sakyamuni). Phật giáo được khai sinh từ chiếc nôi là thành Ca Tỳ La Vệ (hiện nay là Nepal).

Trải qua 2.500 năm thăng trầm, chân lý Phật Giáo vẫn sừng sững trường tồn cùng năm tháng như vũ trụ bao la để cho mọi người ngắm nhìn, soi rọi và học tập. Đúng như Bác Hồ đã nói: “Đức Phật, Đức Chúa và những người xã hội chủ nghĩa đều cùng phấn đấu để đạt được cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Đúng vậy! Đạo Phật là đạo trí tuệ, tự bản thân mình phải rọi tuệ giác vào cuộc sống để nhập thể hành đạo, hòa nhập vào xã hội, giúp mọi người an vui, hạnh phúc làm sáng tỏ Phật pháp. Đó cũng là điểm sáng của Phật giáo Việt Nam, cùng xã hội hướng tới mục tiêu “Tốt đời đẹp đạo”.

Bốn đặc tính cơ bản của Phật giáo mà đời thường chúng ta hay ví như “kim chỉ nam” cho mọi người hành động để hành đạo, đó là tính “Nhân bản – Bình đẳng – Từ bi – Vô ngã”. 
 
Thứ nhất, nhân bản “Bắt đầu từ con người, tất cả vì con người”, đánh thức con người tính tự tin, tự chủ, tự trọng với tinh thần trách nhiệm đối với bản thân và toàn xã hội. Điều căn bản nhất mà chúng ta nhận thấy được ở chân lý Phật giáo là “Bắt đầu từ con người”, xuất phát từ TẤT ĐẠT ĐA.

Ngài thuộc giai cấp sát đế lợi, dòng dõi vua chúa, con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da. Vợ của ngài là công chúa Đa du đà la, con ngài là La hầu la. Ngài thấu rõ nỗi thống khổ của sinh lão bệnh tử và chứng kiến những lầm than cơ cực của dân chúng trước những bất công của xã hội thời bấy giờ.

Ngài đã một mình tìm ra chân lý để hóa giải những vấn đề trên. Sau một thời gian học đạo cùng các tu sĩ để giải quyết những vấn đề bức xúc trong lòng, đạo sĩ trẻ tuổi thông minh Tất Đạt Đa đã quyết định tự mình tham cứu suốt 49 ngày tham thiền nhập định dưới cội cây bồ đề.

Ngày cuối cùng, Ngài đã thấu đạt chân lý, hiểu rõ được chân tướng của vạn pháp, Ngài đã giác ngộ và thành đạo, hiệu THÍCH CA MÂU NI. Điều đó nói lên tính nhân bản của Phật giáo, con người là tâm điểm, không có nhân loại thì không có chân lý Phật giáo hiện hữu trên cõi đời.

Trong quan niệm chân lý Phật giáo, con người là chủ nhân của mọi hành vi của chính bản thân mình ở cả 3 thời: quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người cũng là Thượng đế duy nhất có toàn quyền thưởng phạt cho cuộc đời mình. Ngoài mình ra, không ai hoặc bất kỳ thần linh nào có khả năng đưa mình lên thiên đàng hoặc ném mình xuống địa ngục. Trong kinh pháp cú, câu 145, Đức Phật dạy rằng:

“Chỉ có Ta làm điều tội lỗi
Chỉ có Ta tránh điều tội lỗi 
Chỉ có Ta gột rửa cho ta
Không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch”

Phật giáo luôn đề cao nỗ lực và ý chí của bản thân con người. Đến bờ giác ngộ chẳng bao giờ có dấu chân của kẻ lười biếng, bạc nhược.
 
Thứ hai: Bình đẳng. Phật giáo quan niệm tất cả mọi người đều bình đẳng, có trí tuệ như nhau nhưng do đặc tính cố hữu của từng người, khó hay dễ, mau hay chậm, chỉ khác nhau để nhận được trí tuệ này. 
 
Thứ ba: Từ bi. Từ bi là chất liệu không thể thiếu trong Đạo phật Phật giáo. Lấy từ bi, vị tha là điểm quan trọng khiến sức mạnh của Phật giáo phát huy và tồn tại trên toàn thế giới. Đức Phật dạy rằng “Hận thù không dập tắt được hận thù, chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù, đó là định luật từ ngàn xưa”.
 
Thứ tư: Vô ngã. Đánh thức “Cái Ta, cái Tôi, cái của Tôi…” nó giả tạo, mong manh không bền chắc vì mọi sự vật luôn luôn vận động, biến đổi không ngừng. 
 
PHẬT PHÁP VỚI DOANH NHÂN

Đạo Phật là dạy làm người, “Tất cả bắt đầu từ con người”. Doanh nhân là con người nên nếu thấu hiểu những tinh hoa của Phật pháp thì chắc chắn doanh nhân sẽ thành đạt.

Trước hết, doanh nhân nên thấu hiểu và làm theo tính “Nhân bản – Bình đẳng – Từ bi – Vô ngã” của Phật pháp để học lấy chữ “Nhẫn - Hiếu – Lễ - Nghĩa – Trí – Tín – Phúc – Đức” để tạo dựng hình bóng một doanh nhân với 3 trụ vững chắc như kiềng 3 chân “Tâm – Tín – Tài” đạt tới “cái Tầm” nhất định và tạc ghi 7 mục tiêu tu thân của Khổng Tử:

Thứ nhất: Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích
Thứ hai: Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích
Thứ ba: Anh em không hòa, bạn bè vô ích
Thứ bốn: Làm việc bất chính, đọc sách vô ích
Thứ năm: Làm trái lòng người, thông minh vô ích 
Thứ sáu: Không giữ nguyên khí, thuốc bổ vô ích
Thứ bảy: Thời vận không thông, mưu cầu vô ích

Doanh nhân nếu thấu hiểu và làm theo Phật Pháp thì tự mình sẽ giúp được mình và người khác thoát ra được những vòng xoáy cuộc đời. Mục tiêu lớn nhất của doanh nhân thời đại mới không phải là làm được bao nhiêu tiền mà phải biết được đến đâu và giúp được bao nhiêu người ?

Giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp, doanh nhân cũng chính là “Tất cả bắt đầu từ con người, tất cả vì con người”, doanh nhân nào điều hành công việc suôn sẻ và con người êm ấm trong doanh nghiệp thì doanh nhân ấy sẽ thành công và thành đạt. Muốn thành đạt phải “tu thân”, muốn “tu thân” thì phải “chính tâm” và đặc biệt phải “thành ý” .

Thương hiệu Doanh nhân Việt Nam sẽ đạt đến độ chín, tầm cao mới nếu thực hiện được Tam cương – Bát mục của Khổng tử và 14 điều răn của Phật:

1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
2. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
3. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tỵ
5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
8. Đáng khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi vấp ngã
9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ và trí tuệ
11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
13. Khuyết điểm lớn nhất của đời người là kém hiểu biết
14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.

Đồng thời phải biết học tập, làm theo những đặc tính tinh túy của Phật pháp nhằm giác ngộ, giải thoát, niết bàn, trường tồn phát triển.

Điều cốt lõi cao cả của Phật pháp là giúp chúng sinh giác ngộ, giải thoát sinh tử, chứng nhập niết bàn. Tất cả các doanh nhân và phật tử hàng ngày nên tự hoàn thiện mình bằng cách cố gắng đổi mới tư duy không ngừng học, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và:

Nguyện cùng người niệm Phật
đều sinh về cực lạc,
thấy phật pháp sinh tử
như Phật độ tất cả.

Phật pháp và doanh nhân nếu kết hợp tốt sẽ tạo ra thương hiệu nổi tiếng, làm cho thẻ điểm doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp cất cánh bay lên khẳng định vị lai, góp phần “Tốt đời, đẹp đạo”. 
 
Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni Phật

TS. Nguyễn Đức Hưởng 

 
Số lượt đọc: 273 Cập nhật lần cuối: 31/08/2011