Phấn đấu trở thành người… bình thường

Xuất hiện với phong thái khá đặc biệt, nổi đình nổi đám một dạo trên mặt báo chí cũng như trong ngành ngân hàng, rồi mới đây anh tuyên bố một câu xanh rờn: “Tôi phấn đấu để trở thành người bình thường!”. Thế nhưng, triết lý “người bình thường” của anh cũng rất khác lạ, có vẻ không giống như cách nghĩ của một ông chủ ngân hàng. Đó là TS. Nguyễn Đức Hưởng (ảnh), Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Trong nguy có cơ

Tôi gặp TS. Nguyễn Đức Hưởng khi anh vừa rời Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) sang làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietBank (nay là LienVietPostBank).

Trước đó, làm phóng viên theo dõi ngành ngân hàng gần 10 năm, tôi đã biết tiếng Nguyễn Đức Hưởng về mức độ quyết liệt trong kinh doanh, cũng như tốc độ thăng tiến rất nhanh trong nghề của anh.

Trong hệ thống Agribank, tên tuổi Nguyễn Đức Hưởng đã nổi như sóng cồn từ khi anh còn là Giám đốc Chi nhánh Kon Tum khi mới ngoài 30 tuổi. Đội ngũ những người làm tín dụng của Agribank đến nay vẫn còn nhắc tới “tín dụng bò”.

Thời đó Nguyễn Đức Hưởng đang giữ chức vụ Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh, đề xướng thực hiện nghiệp vụ “cho vay bằng bò” để góp phần đẩy mạnh tăng trưởng cơ học đàn bò của bà con nông dân (thay vì cho vay bằng tiền mặt).

Thành công ở Tây nguyên, Nguyễn Đức Hưởng được điều ra Hà Nội và nhanh chóng được bổ nhiệm Giám đốc Agribank Sở Giao dịch 1 (sau đó đổi thành chi nhánh Thăng Long - chi nhánh hàng đầu trong hệ thống ngân hàng nông nghiệp, mà có thời điểm tổng tài sản lên đến 15.000 tỷ đồng).

Kinh doanh thành công khiến Nguyễn Đức Hưởng nhận không ít lời mời hấp dẫn, nhưng anh đều từ chối. Đùng một cái, Nguyễn Đức Hưởng về Liên Việt và tên tuổi anh gắn bó với thương hiệu này từ đó đến nay.

Tôi hình dung một người tiếng tăm như thế chắc ngoại hình cũng phải “dữ dằn” lắm. Nhưng ông chủ nhà băng tuổi Hổ ấy (anh sinh năm Nhâm Dần 1962) - người luôn tự nhận tính mình “nóng như lửa”, lại có vóc dáng nho nhã và tính khí hiền hòa.

Cuộc gặp để bàn chuyện công việc, nhưng suốt 3 tiếng ngồi với nhau, Nguyễn Đức Hưởng như mê hoặc chúng tôi bởi các câu chuyện về văn hóa, đặc biệt là văn hóa… tâm linh! Sau này tôi mới biết những chặng đường đã qua không suôn sẻ như lời đồn thổi mà anh đã gặp khá nhiều trắc trở.

Vì thế những triết lý nhân sinh anh đúc rút được cũng là điều tất yếu trong cuộc sống. Nhưng với công việc, cũng hiếm gặp người nào đam mê, bản lĩnh như anh.

Còn nhớ vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước năm 2008, Nguyễn Đức Hưởng vẫn rất bình thản. Anh cho rằng  đã làm kinh doanh phải thấy “trong nguy có cơ”, cần phân tích thế khó mà tìm lối ra, sức bật cho mình.

Năm đó, LienVietBank - dù là ngân hàng vừa thành lập,  đã thu lãi lớn. Hỏi anh, dông bão như vậy, vì sao “đứa con” vừa ra đời đã phát triển, đâu là bí quyết? Nguyễn Đức Hưởng cười bảo điều quan trọng là phải thấy được cơ hội trong khủng hoảng: “Mỗi trận gió bão đều có thể làm nghiêng ngả con tàu.

Nhưng dông bão không đơn thuần chỉ là hiểm nguy! Có đôi khi dông bão là cơ hội để cho ta ngẩng cao đầu đối mặt thách thức, là động lực giúp ta vượt lên, miễn là không bị nhấn chìm”.

Năm nay, lạm phát tăng cao khiến kinh tế vĩ mô bất định, triết lý “trong nguy có cơ” lại được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc tới. Đương nhiên, nếu không có sự nhanh nhạy và bản lĩnh, việc tận dụng cơ hội trong khủng hoảng sẽ chẳng dễ dàng.

Tầm nhìn chiến lược

Tôi có duyên được gắn bó với Nguyễn Đức Hưởng và LienVietBank trong nhiều hoạt động do báo hoặc ngân hàng tổ chức. Chúng tôi là những đối tác luôn hỗ trợ nhau trong công việc. Vì vậy ngoài chuyện làm chúng tôi còn hay trao đổi về chuyện đời. Có lần tôi cảm ơn anh vì cứ gặp anh là tôi lại nạp được nhiều thông tin mới, học thêm nhiều điều.

Những điều ấy, chẳng phải liên quan đến chuyện kinh doanh ngân hàng hay báo chí, mà lại là chuyện văn hóa, cách sống. Chuyện thành công trong kinh doanh của Nguyễn Đức Hưởng, thú thật tôi không thể lột tả đầy đủ. Có chăng, tôi chỉ dám gói gọn trong 2 chữ: tầm nhìn.

Ở ngành ngân hàng, ai cũng biết chuyện có dạo mười mấy ngân hàng nông thôn ồ ạt xin nâng cấp thành ngân hàng đô thị. Ấy là người ta muốn mở rộng thị phần tại đô thị, nơi được coi là mảnh đất màu mỡ kinh doanh ngân hàng. Những bất cập từ đó khiến giờ đây Nhà nước muốn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tôi chẳng dám nói. Nhưng chuyện tôi ngẫm nghĩ mãi là Nguyễn Đức Hưởng lại lái con tàu Liên Việt đi theo hướng ngược lại.

Không hiểu có phải do từng công tác ở Agribank hay không, bên cạnh việc đặt nền móng kinh doanh ở các đô thị lớn, LienVietBank lại chọn hướng đột phá là thị trường tín dụng nông nghiệp - nông thôn.

Đến nay, LienVietBank được ghi nhận là một trong những ngân hàng cổ phần đầu tư mạnh và đạt được nhiều thành công ở thị trường này. Năm 2009, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm LienVietBank ở Hậu Giang và đặt câu hỏi vì sao ngân hàng lại quan tâm đến khu vực nông nghiệp - nông thôn, TS. Nguyễn Đức Hưởng đã trả lời: “Bởi nông dân chính là ân nhân của ngân hàng!”. Sau này, anh giải thích thêm với tôi về tiềm năng của thị trường nông thôn: Cho vay nông thôn là phương thức "cho vay tay phải thu nợ tay trái".

Theo đó, ngân hàng là trung gian giữa nông dân với doanh nghiệp: cho nông dân vay vốn sản xuất và cho doanh nghiệp vay vốn thu mua nông sản, ngân hàng vừa thu được nợ doanh nghiệp, vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân. Nhờ đó, ngân hàng không chỉ thu được nội tệ mà còn thu cả ngoại tệ khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.

TS. Nguyễn Đức Hưởng trong một chuyến công tác từ thiện

Cũng với tầm nhìn đó, LienVietBank đã đi một nước cờ táo bạo, thực hiện thành công vụ mua bán, sáp nhập “khủng”: Tổng công ty Bưu chính Việt Nam góp vốn bằng tiền và hệ thống tiết kiệm bưu điện vào Liên Việt để ra đời ngân hàng bưu điện đầu tiên ở Việt Nam: LienVietPostBank.

Chỉ cần nhìn vào hệ thống 10.000 điểm giao dịch của tiết kiệm bưu điện mà sắp tới ngân hàng này có thể khai thác sẽ thấy giá trị thương vụ này không thể đo đếm bằng tiền.

Vì thế, sau khi thương vụ thành công, Nguyễn Đức Hưởng khoe trong quá trình đàm phán, ngay từ đầu LienVietBank “quyết” mức giá cao, bởi nhìn thấy phía sau đó là cả một “kho vàng” về mạng lưới. Tôi cũng nghe chuyện “bếp núc” xung quanh thương vụ này, rằng cùng với LienVietBank, có gần 20 ngân hàng khác đã vào cuộc nhưng cánh cửa đối với họ bị… khép lại.

Chữ “Nhẫn” và “Thoát”

Sau hơn 4 năm gắn bó với con tàu Liên Việt và thành công trên thương trường, điều người ngoài ít biết được là những nền tảng văn hóa kinh doanh mà Nguyễn Đức Hưởng gầy dựng. Hồi mới về Liên Việt, đích thân anh đã soạn "Đại cương văn hóa LienVietBank".

Trong đó quy định rõ chi tiết từ tầm nhìn, triết lý kinh doanh đến cách thức sinh hoạt hàng ngày, như nghiêm cấm uống rượu trong giờ làm việc; nghiêm cấm phong bao, quà cáp cho lãnh đạo; quy định quà sinh nhật là hoa và sách hay; nghiêm cấm nhân viên đến nhà sếp dịp lễ tết…

Nhiều người tôi quen biết ở LienVietPostBank nhận xét chính nền tảng văn hóa đó và sự thẳng thắn, đồng thuận của tập thể Hội đồng Quản trị đã góp phần tạo nên những thành công liên tiếp của “đại gia đình” Liên Việt hôm nay.

Một tố chất khác của Nguyễn Đức Hưởng là khát vọng sống, khát vọng doanh nhân khiến anh luôn trăn trở, tự buộc mình làm việc không mệt mỏi. Anh nói vui rằng dù trăm công ngàn việc, nhưng mỗi ngày anh đều dành 30 phút để “ngẫm về… cái ngu của chính mình!”.

“Người thông minh, thành đạt như anh sao lại phải ngẫm về điều đó?” - tôi hỏi. “Ngẫm để rồi liên tục sửa. Có cái sửa được ngay, có cái phải mất cả tuần, cả tháng, thậm chí phải mất cả năm mới sửa được, mà vẫn thấy còn ngu vì trên đời không cái ngu nào giống cái ngu nào”.

 
Đầu tư nông nghiệp - nông thôn - nông dân không chỉ là nhiệm vụ chính trị, là việc làm “trả nghĩa” đối với nông dân khi ta cầm chén cơm mỗi ngày, mà còn là kênh đầu tư tiềm năng. Việc cho nông thôn, nông dân vay vốn là cách kinh doanh "không bỏ trứng vào một giỏ". Rủi ro thấp, vì các món cho vay nông nghiệp thường nhỏ và không tập trung. Thực tế chỉ một món nợ xấu của đô thị phải tính bằng hàng triệu hộ nông dân vay vốn cộng lại.
 

Ông NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG,
Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank

Có lần, sau cuộc phỏng vấn, anh Hưởng giữ tôi lại để nói về chữ “Thoát”. Anh tâm sự: “Trong cuộc sống hiện tại và cuộc sống bận rộn của chính mình, lĩnh hội chữ “Nhẫn” xem ra rất khó. Nhịp độ cuộc sống càng nhanh, càng phát sinh nhiều phức tạp nên chữ “Nhẫn” dễ gây sức ép tâm lý, ức chế lên số đông và ảnh hưởng không tốt về tinh thần.

Tôi nghĩ rất kỹ về vấn đề này và tự ngộ ra cuộc sống còn thiếu một thứ, đó là cần phải “Thoát” chứ không chỉ là “Nhẫn”". Theo anh, con người phải biết thoát ra khỏi những ràng buộc, những quy tắc cũng như sự cám dỗ.

Trong cuộc sống có bao điều không bình thường đôi lúc phải quy nó về bình thường thì mới có sự thanh thản tâm hồn, và như thế mới sống khỏe được. Suy cho cùng, mục tiêu cốt lõi của cả đời người là “phấn đấu vì sự nhàn hạ - hiệu quả”. Muốn nhàn thân thì tâm phải thanh thản.

Biết đủ, biết dừng cũng là một bí quyết sống và thoát. Nguyễn Đức Hưởng đã nghĩ là làm. Tôi không rõ đến giờ anh đã “Thoát” được chưa, nhưng mới đây gặp lại thấy anh rắn rỏi, mạnh khỏe và vui vẻ lạc quan lắm. Nghe bảo giờ ngoài công tác từ thiện, anh thường xuyên đi chơi thể thao.

Anh tuyên bố: “Giờ mình đang phấn đấu trở thành người... bình thường!”.  Theo anh, trở thành người bình thường là để thấu hiểu được giá trị của những điều bình thường, là bí quyết sống đồng cảm với mọi người. Chỉ khi làm được những việc bình thường mới làm được những việc vĩ đại. Bởi tất cả các vĩ nhân làm chuyện lớn đều bắt đầu từ việc xử lý, xử sự những chuyện nhỏ thành công.

​Theo Sài Gòn Đầu tư tài chính   

​Số lượt đọc trên nguyenduchuong.net: 6.363

Số lượt đọc: 78 Cập nhật lần cuối: 19/09/2012