Nước cờ của LienVietBank
Hai năm trước, vào tháng 7.2009, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt - LienVietBank (LVB) đã bắt đầu xem xét khả năng sáp nhập Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) - thành viên của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (Vietnam Post) - vào LVB nhằm khai thác mạng lưới điểm giao dịch phủ khắp cả nước của VPSC.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, ngày 29.7.2011 LVB chính thức công bố sáp nhập VPSC vào LVB, tạo ra một ngân hàng mới: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank (LPB).
Món hời!
Đó là nhận xét của một chuyên gia tài chính (không muốn nêu tên) về thương vụ được giới báo chí gọi là “chưa từng có tiền lệ trong ngành ngân hàng” này. Gọi là “chưa từng có tiền lệ” bởi từ trước đến nay, chưa có tổng công ty nhà nước nào góp vốn vào một ngân hàng thương mại cổ phần bằng cả tiền lẫn giá trị của công ty thành viên.
Trước đây đã có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp 20% vốn vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) nhưng theo hình thức góp vốn thông thường chứ không góp vốn bằng cả tiền lẫn giá trị của công ty thành viên như Vietnam Post.
Sau vụ sáp nhập, lần đầu tiên tại Việt Nam có một ngân hàng bưu điện được thành lập từ cuộc “hôn nhân” được sắp đặt giữa ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân với công ty tiết kiệm bưu điện của Nhà nước. Tạm bỏ qua chuyện hậu trường của thương vụ này, có thể nói Hội đồng Quản trị LVB đã có một nước cờ khôn ngoan.
Trước hết, hãy nhìn vào những ưu thế không thể phủ nhận của VPSC mà giờ đây đã thuộc về LPB. Đi vào hoạt động từ năm 1999, VPSC là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Vietnam Post. Trong nghiệp vụ huy động vốn, doanh nghiệp này sử dụng hệ thống các bưu cục rộng lớn của Vietnam Post tại 63 tỉnh, thành với 10.000 điểm giao dịch trên cả nước kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các bưu cục này hoạt động giống như các đại lý của VPSC. Đây là những ngõ ngách mà các ngân hàng chưa thể vươn tới được.
Như vậy, việc sáp nhập VPSC đồng nghĩa với việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng của LPB tới các địa bàn xa xôi sẽ không quá khó.
Điều đáng lưu ý là theo Quyết định 270 ngày 31.10.2005 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, VPSC là doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi đặc biệt.
VPSC được phép hoạt động theo “cơ chế riêng”, không phải tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về dự trữ bắt buộc và dự trữ thanh khoản. Công ty này cũng không phải mua bảo hiểm tiền gửi và không phải nộp dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước. Thay vào đó, VPSC phải chuyển vốn theo chỉ đạo hằng năm của Chính phủ vào Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Được phép huy động vốn thông qua hình thức tiết kiệm bưu điện nhưng không phải thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về dự trữ bắt buộc như các ngân hàng thương mại khác, rõ ràng VPSC mang lại cho LPB những lợi ích mà các ngân hàng khác không thể có. VPSC cũng cung cấp các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng đa dạng như tiết kiệm có kỳ hạn 3, 6, 12 và 24 tháng.
Trong thỏa thuận giữa LVB (trước khi sáp nhập) và VPSC có điều khoản quy định LPB (sau khi sáp nhập) có trách nhiệm phải xử lý khoản lỗ 145 tỉ đồng mà VPSC để lại. Khoản lỗ này phát sinh do Công ty huy động vốn trong dân cư với lãi suất cao nhưng gửi Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất thấp để cho vay và đầu tư theo chủ trương của Chính phủ.
Số dư tiền gửi này hiện nay, theo ông Trần Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Tín dụng LPB, vào khoảng 5.380 tỉ đồng với lãi suất 12% trong khi lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại là 14%.
Nếu xét những lợi thế sẵn có từ cơ chế hoạt động đặc thù của VPSC, khoản lỗ 145 tỉ đồng mà LPB phải xử lý là không đáng kể. Vị chuyên gia tài chính ở đầu bài viết cho rằng, chỉ cần nhìn vào con số hơn 60 điểm giao dịch trên toàn quốc của LVB trước khi sáp nhập và hơn 10.000 điểm giao dịch còn chưa khai thác hết sau khi sáp nhập, rõ ràng đây là món hời của LPB.
Có lẽ đó cũng là lý do để Hội đồng Quản trị LVB và các cổ đông sáng lập gồm Công ty Cổ phần Him Lam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất quyết định trả gấp 4 lần mệnh giá để mua bằng được VPSC sau khi vượt qua 20 đối thủ khác.
Theo một nguồn tin riêng của Nhịp Cầu Đầu Tư, lúc đầu Vietnam Post không có ý định bán lại VPSC nhưng cuối cùng thương vụ cũng đã hoàn tất. Liệu điều này có liên quan gì đến ý tưởng thành lập Ngân hàng Bưu chính trước đây không thành hiện thực?
Cũng cần nói thêm rằng ngày 21.8.2009, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 5737 chấp thuận cho Vietnam Post và LVB xây dựng đề án “Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam góp vốn vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt”. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thời điểm đó thương vụ này coi như đã nhận được sự đồng ý từ phía Chính phủ.
LPB thời hậu sáp nhập
Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh của LPB thời hậu sáp nhập mới là điều giới ngân hàng quan tâm. VPSC sáp nhập với LVB để thành lập nên LPB với tổng vốn góp 997 tỉ đồng, trong đó 360 tỉ đồng là giá trị của chính VPSC, phần còn lại Vietnam Post sẽ góp nhiều lần bằng tiền mặt theo lộ trình giữa 2 bên. Toàn bộ vốn góp của Vietnam Post vào LPB tương đương 14,99% vốn điều lệ của ngân hàng này. Sau thương vụ sáp nhập, LPB nâng vốn điều lệ lên 6.010 tỉ đồng từ mức 5.650 tỉ đồng trước đó.
Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội (không muốn nêu tên) cho rằng, mặc dù đã có được mạng lưới giao dịch phủ khắp cả nước của VPSC, nhưng LPB vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước. Ông cho rằng, thực chất VPSC chỉ “ké” vào mạng lưới bưu cục của Vietnam Post trong khi số tiền thu về từ hoạt động tiết kiệm bưu điện của VPSC không nhiều do đặc thù riêng của loại hình này. Chi phí duy trì cơ sở vật chất của VPSC trên cả nước là khá lớn.
Trong khi đó, mỗi năm Vietnam Post vẫn lỗ 1.000 tỉ đồng do việc gửi thư của người dân đã giảm đáng kể dưới sự bùng nổ của internet và thư điện tử.
Một vấn đề nữa là VPSC huy động vốn trong dân cư với lãi suất cao rồi gửi vào các ngân hàng chính sách với lãi suất thấp. Khoản vốn này sẽ được hạch toán như thế nào sau khi gia nhập LPB?
Còn Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng khác thì cho rằng, trên thế giới mô hình ngân hàng bưu điện rất phổ biến nhưng đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống bưu điện do ngân hàng quản lý với cách quản trị hiện đại chứ không mang nặng tính phục vụ chính sách như tại Việt Nam. Vì thế, rất khó để biết liệu VPSC có thực sự sở hữu mạng lưới bưu cục của công ty mẹ hay không.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, ở góc độ một thương vụ mua bán - sáp nhập, thương vụ này là lành mạnh và bình thường. Ông cho biết, từ nay VPSC đã trở thành bộ phận của một ngân hàng thương mại, nên các nghiệp vụ ngân hàng trong doanh nghiệp này sẽ nhiều hơn cả về quy mô lẫn chức năng và sẽ giúp Công ty tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Về thực chất, theo ông Quang A, đây là câu chuyện tư nhân hóa một bộ phận của doanh nghiệp nhà nước và điều đó cũng tạo ra thách thức lớn cho LPB. “Ôm một doanh nghiệp bị lỗ dù không lớn nhưng có mô hình hoạt động khác hẳn so với mô hình của Ngân hàng, lại phải tạo nhiều việc làm cho nhân viên là một gánh nặng cho LPB”, ông nhận xét.
Theo Thành Trung
NCĐT