Ngân hàng phải cùng “xắn tay” với nông dân!

“Làm thế nào để đưa vốn về nông thôn?” là câu hỏi trăn trở của nhiều chuyên gia nông nghiệp bởi nhu cầu vốn của khu vực này chưa bao giờ được đáp ứng đầy đủ. Thiếu vốn, người nông dân và các DN kinh doanh lương thực gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, câu trả lời cho câu hỏi này đang dần hiện hữu với sự chung tay của các ngân hàng.

Thưa ông, đề án “Đầu tư phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2010-2013” ra đời như thế nào?
Nghị  quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP Ban hành Chương trình hoạt  động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW là những chủ trương lớn đối với việc phát triển khu vực nông thôn. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo: “Ngân hàng Liên Việt phải cùng với Agribank cố gắng kéo lãi suất cho vay bà con nông dân xuống, tránh tình trạng vay nặng lãi đè nặng lên vai bà con nông dân…”. Bởi vậy, LienVietBank đã tập trung nghiên cứu đề án “Đầu tư phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2010-2013”.
Theo Đề án, từ 2010 đến 2013, LienVietBank sẽ dành 3.000 - 5.000 tỷ đồng cho vay ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt, sẽ tập trung vào một số tỉnh như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang. Hiện chúng tôi đã phân 600 tỷ đồng cho 3 tỉnh này, còn 600 tỷ đồng còn lại sẽ giải ngân vào cuối năm. 

LienVietBank sẽ cải cách thủ tục vay vốn theo hướng nào để thuận tiện hơn cho bà con vay vốn, thưa ông?
Đối với thủ tục cho vay, chúng tôi cũng đang thực hiện mô hình mới, trong đó có việc cải tiến quy trình thủ tục cho vay theo hướng đơn giản. Hiện nay, khó nhất của khách hàng nói chung và nông dân nói riêng là phương án sản xuất kinh doanh của họ chưa tốt hoặc chưa làm được. Vì thế, chúng tôi sẽ ban hành các mẫu biểu cho vay đơn giản và cùng đó, cán bộ tín dụng phải “xắn tay” giúp hộ nông dân xây dựng phương án kế hoạch sản xuất kinh doanh.  

Nhưng rủi ro cũng là một trong những lý  do khiến nhiều ngân hàng “e ngại”. Vậy theo ông, làm thế nào để giải quyết vấn  đề này?
Hoạt động kinh doanh nào cũng có rủi ro. Nhưng với quá trình công tác tại Agribank, chúng tôi nhận ra chính nông dân mới là ân nhân của ngân hàng này và chính Agribank đã đóng vai trò chuyển tải vốn, đổi mới bộ mặt nông thôn. Vì thế, theo tôi, không chỉ Agribank hay LienVietBank mà cần có thêm nhiều ngân hàng thâm nhập sâu hơn ở khu vực nông thôn. Bởi khu vực nông thôn, đặc biệt là ĐBSCL là khu vực sản xuất hàng hàng hóa có tiềm năng lớn và có cơ hội phát triển rất tốt. Mặt khác, đằng sau nông nghiệp nông thôn là các dịch vụ đi kèm, nếu phát triển được thì đó là thị trường tín dụng rất tốt.  

LienVietBank sẽ tiếp cận khu vực này qua kênh nào, thưa ông?
Hiện Ngân hàng Chính sách Xã hội và Agribank áp dụng cơ chế cho vay thông qua các “tổ vay vốn”, chủ yếu là Hội phụ nữ với cơ chế “khoán tài chính”. Còn LienVietBank sẽ đi sâu vào tổ chức “Hội Cựu chiến binh”. Vì ở đâu cũng có bộ đội về phục viên, nghỉ hưu nên đây là lực lượng lớn. Theo đó, chúng tôi cũng tính toán phí hoa hồng nhất định theo hướng vừa kết hợp giữa ký hợp đồng và giao khoán.  
 
Sắp tới, một hệ thống tiết kiệm với 13.000 điểm giao dịch sẽ được sáp nhập vào LienVietBank, điều này tác động thế nào đến hoạt động cho vay của LienVietBank ở khu vực nông thôn?
Khi sáp nhập hệ thống tiết kiệm vào LienVietBank, chúng tôi vẫn giữ nguyên mô hình vốn có. Chỗ nào có điểm giao dịch của hệ thống này thì ở đó có LienVietBank và mạng lưới này cùng với thương hiệu LienVietBank sẽ phủ về tận xã. Lúc đó, sẽ mở ra nhiều cơ hội mở rộng quy mô hoạt động, trong đó có việc huy động và cho vay vùng nông thôn. 
 
Trong chiến lược phát triển “tam nông” có đề cao vai trò của nghiên cứu khoa học (NCKH). Vậy ngân hàng sẽ đóng vai trò gì trong việc đưa các công trình NCKH đến người nông dân?
Muốn nâng cao ý nghĩa thực tiễn của các công trình khoa học nông nghiệp, cần tiếp sức cho các nhà khoa học bằng cách kết hợp giữa họ với doanh nghiệp. Chẳng hạn, đổi mới giống lúa, hàng nông sản xuất khẩu phải do chính các doanh nghiệp xuất khẩu ra “đề bài”.
Về phía ngân hàng, chúng tôi sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước bổ sung quy định cho vay NCKH vì hiện nay, cơ chế cho vay trong lĩnh vực này chưa có. Hơn nữa, theo tôi, đối với NCKH vần có nhiều người, nhiều nghề, nhiều ngành cùng hợp lực mới đem lại hiệu quả cao. Tôi nghĩ, các doanh nghiệp xuất khẩu nên có một bộ phận NCKH và ngân hàng sẵn sàng cho vay đối với hoạt động này.
                                                                                                                       
Theo TBKTVN      
                                                                                     
Số lượt đọc: 8 Cập nhật lần cuối: 17/03/2013