Thương hiệu của một tầm nhìn

Giờ đây, trên thị trường ngân hàng, bên cạnh những tên tuổi lớn có bề dày hoạt động hàng chục năm, có một thương hiệu dù mới xuất hiện hai năm nhưng đã tạo được một dấu ấn hết sức đặc biệt: LienVietBank!

Không như nhiều ngân hàng khác, sự ra đời của Ngân hàng TMCP Liên Việt – LienVietBank, gắn với hàng loạt sự kiện đầy ắp khó khăn mà đầu tiên là giấy phép.  

Cuộc vượt cạn đầu tiên

Năm 2007 và 2008 được coi là năm rầm rộ của phong trào “lập ngân hàng”, đến nỗi có người đã thốt lên, không lẽ sắp tới sẽ có thêm các ngân hàng cao su, ngân hàng chè, ngân hàng gỗ…?
Thật may, Ngân hàng nhà nước (NHNN) sớm nhận ra rằng, kinh doanh ngân hàng không như buôn sắt thép, ô tô xe máy, đất cát mà đó là lĩnh vực có nhiều đặc thù; nếu dễ dãi trong việc cấp giấy phép hoạt động, thị trường ngân hàng sẽ rất lộn xộn và tác động xấu đến cả hệ thống.
 
Bởi vậy, nhằm thiết lập lại kỷ cương trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, cơ quan này đã ban hành hàng loạt tiêu chí hay đúng hơn là rào cản khá khắt khe, khiến hàng chồng hồ sơ xin lập ngân hàng cứ năm này qua năm khác nằm im phủ bụi ở NHNN. Thậm chí, một lãnh đạo NHNN còn thẳng thừng: “Muốn lập ngân hàng, nếu vượt được rào thì hãy qua”!
 
Xác định đây là cuộc “vượt cạn” đầu tiên, những cổ đông sáng lập của ban lãnh đạo trù bị ngân hàng LienVietBank lúc bấy giờ gồm Công ty Cổ phần Him Lam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và Công ty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) không còn cách nào khác ngoài việc nỗ lực đáp ứng đòi hỏi của NHNN xét trên mọi mặt: tầm nhìn chiến lược, cách thức xây dựng bộ máy, cơ chế quản trị điều hành… và một yếu tố không thể thiếu là số vốn điều lệ (vốn điều lệ của LienVietBank hiện nay là 3.300 tỷ đồng, đứng thứ tư trên thị trường). Những nỗ lực không ngừng ấy đã được đền đáp và ngày 28/03/2008, LienVietBank chính thức được NHNN cấp giấy phép thành lập và hoạt động.
 
Cũng xin nói thêm, tại thời điểm LienVietBank ra đời, chỉ có thêm một ngân hàng khác, trong khi đó, hàng chục bộ hồ sơ xin lập ngân hàng mới mặc dù có các cổ đông đứng phía sau là “tổng”, “tập” của nhiều ngành hàng lớn nhưng vẫn tiếp tục chờ và đợi. Đơn giản, ngay từ khâu thiết kế hồ sơ và sâu xa hơn trong tiềm thức bộ máy sơ khai của những dự định trên thiếu hẳn một tầm nhìn tổng thể, chiến lược lâu dài cũng như sự chuẩn bị kỹ càng về con người và cả phương thức hoạt động. Và đó là một sự khác biệt giữa họ với LienVietBank và ngân hàng kia. 

Khôn ngoan chọn lối mà đi
 
Có lẽ, dù mai này LienVietBank phát triển theo hướng nào đi nữa thì năm 2008 và 2009, thực sự là giai đoạn đóng dấu son vào lịch sử phát triển của ngân hàng này, với những bước đi táo bạo nhưng đầy khôn ngoan.
 
Ai cũng biết, kinh doanh ngân hàng muốn hoạt động hiệu quả trên thị trường 1 (huy động – cho vay) thì phải có hệ thống mạng lưới rộng rãi. Thực tế, chẳng phải ngân hàng nào muốn có nhiều chi nhánh, phòng – điểm giao dịch là có ngay bởi điều đó còn phải phụ thuộc vào tiến trình cấp phép của Ngân hàng Nhà nước cũng như khả năng chịu đựng chi phí (thuê nhà, trả lương, đầu tư công nghệ, điện, nước, Internet…) của mỗi ngân hàng.
 
Vì vậy, với 3.300 tỷ đồng vốn điều lệ trong tay, để đảm bảo khả năng sinh lời như mong đợi của cổ đông nhưng không được mạo hiểm quả là bài toán rất khó với đối với đội ngũ quản trị điều hành LienVietBank.
 
Một bất lợi nữa, tại thời điểm ngân hàng này đi vào hoạt động thì nền kinh tế Việt Nam bị lâm vào suy giảm kinh tế theo trào lưu suy thoái chung của thế giới. Cùng đó, lạm phát leo thang từng ngày, buộc NHNN phải thẳng tay thực thi chính sách “thắt chặt tiền tệ”. Thực tế này khiến cho nền kinh tế  chưa kịp đi qua lạm phát lại phải đối mặt với thiếu VND, các DN kêu trời vì chi phí lãi vay quá cao, trong khi hàng loạt ngân hàng đôn đáo đi tìm vốn, hệ thống tài chính – ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ, bởi lẽ, DN và ngân hàng được ví như hai cơ thể cộng sinh. Trong bối cảnh đó, liệu LienVietBank có thể huy động và cho vay tốt trên “thị trường 1”? 
 
Trong cuộc đời làm báo chuyên ngành kinh tế, được tiếp xúc với hàng trăm doanh nghiệp và những con số lãi “vượt trội”, rồi các mỹ từ “tình hình kinh doanh khả quan” trong cáo báo cáo kinh doanh của họ, chúng tôi chẳng xa lạ gì. Nhưng đó là lúc nền kinh tế vận hành trong những ngày tháng thanh bình.
 
Khi nhìn báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của LienVietBank sau hai năm, từ số vốn điều lệ 3.300 tỷ đồng “nở” thành hơn 17.000 tỷ đồng tổng tài sản, lãi mỗi năm dăm trăm tỷ đồng, đúng vào thời điểm nền kinh tế ở trong “đáy” khó khăn, khiến không ít người hồ nghi. Lãi ở đâu ra? Chúng tôi đem câu chuyện này hỏi TS. Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc LienVietBank lúc đó (nay ông giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT), ông tủm tỉm: “Cũng kinh doanh như mọi người thôi”. Ở vào địa vị của người lãnh đạo tài ba này, hẳn không ai muốn người khác biết chuyện “bếp núc” trong làm ăn nhưng với chúng tôi thì đó lại là câu chuyện hơn cả sự tò mò. Và lắm khi, chúng lại được hé lộ bởi “những người hàng xóm” hoặc trong giới làm ăn với nhau về cái gọi là “kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng” mà kẻ đi vay vẫn hay “mát mẻ”: Kinh doanh trên lưng kẻ khác!
 
Thực tế, thì tại thời điểm quý II/2008, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo trái phiếu để rút vốn về tập đoàn mẹ nơi bản địa, khiến cho giá trái phiếu sau mỗi lần chuyển nhượng (yield) rất rẻ, thậm chí tới 20%. Dĩ nhiên, khi thị trường trái phiếu ảm đạm, tính thanh khoản giảm dần thì đối với những người đứng đầu bộ máy LienVietBank lúc đó thực sự là một cơ hội lớn. Và từ những phi vụ mua bán trái phiếu nói trên sau đó chuyển đổi thành tiền, cộng với số vốn điều lệ không nhỏ biến thành một nguồn lực tài chính mạnh mẽ để LienVietBank thỏa sức vẫy vùng trên thị trường liên ngân hàng khi lãi suất thị trường ngất ngưởng, trong tình cảnh hàng loạt ngân hàng đói vốn là cả một nghệ thuật kinh doanh và sự táo bạo trong nắm bắt cơ hội.
 
Nói như vậy không có nghĩa kết quả kinh doanh của LienVietBank hoàn toàn phụ thuộc vào mảng đầu tư (trái phiếu và các tài sản có khác). Trên thực tế, Ngân hàng này luôn tận dụng tốt mọi thời cơ để có được những dự án, khách hàng tốt nhất nhằm đẩy mạnh hoạt động tín dụng. 

Về một thương vụ M&A khủng khiếp!
 
Sau này, khi nhìn lại kết quả hoạt động của LienVietBank sau hai năm, cũng có người trong giới chưa “tâm phục, khẩu phục”. Họ nói: “Đó là nhờ vào mảng đầu tư, còn ở thị trường 1 thì chưa chứng minh được gì!”.
 
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, đã kinh doanh trên thị trường huy động cho vay thì phải mở rộng mạng lưới. Tính tới thời điểm này, mạng lưới của LienVietBank vỏn vẹn gần 30 chi nhánh và phòng giao dịch. Sự khiêm tốn này không phải vì LienVietBank không chú ý mở rộng hiện diện mà bởi quy định ngặt nghèo của NHNN trong việc hạn chế ngân hàng tăng trưởng nóng.
 
Tuy nhiên, khi cơ hội cho mảng đầu tư không còn nhiều thì cũng chính là lúc mà ngân hàng này trở về với hoạt động truyền thống bằng một thương vụ M&A “hàng khủng”. Theo đó, một tập đoàn kinh tế hàng đầu sẽ trở thành cổ đông ngân hàng này thông qua góp vốn cả một hệ thống tiết kiệm với hơn 13 nghìn điểm giao dịch! Và phần vốn góp trên tương đương 18% vốn điều lệ của LienVietBank! Thử hình dung, Agribank với bề dầy lịch sử hơn 50 năm, với mạng lưới gần 3.000 chi nhánh, phòng – điểm giao dịch được coi là lớn nhất trên hệ thống vậy mà LienVietBank mới ra đời, mạng lưới đã vượt qua con số 13.000 điểm!
 
Cũng là chuyện “bếp núc”, khi LienVietBank vừa “chốt” được thương vụ này, gần 20 ngân hàng khác cùng vào cuộc nhưng cánh cửa đối với họ đã… kịp khép lại!
 
Tại thời điểm này, có người ví “chiếc áo” mà LienVietBank đang mặc đã trở nên chật chội trước sức vóc tương tự chàng thanh niên tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Cũng bởi thế, mới đây, ngân hàng này đã phải làm một cuộc đại phẫu, cơ cấu lại toàn bộ tổ chức từ vị trí lãnh đạo cao nhất đến nhân sự và bộ máy phòng ban. Từ sự kiện này, một số người nhàn hạ theo quan niệm bất di bất dịch “ai đó đã làm việc gì thì cứ phải làm việc đó mãi mãi” bắt đầu đồn đoán rằng: “Nội bộ có vấn đề, hàng loạt lãnh đạo sẽ đầu quân cho ngân hàng khác”!
 
Nhưng trong số những người đồn đoán này có không ít nhà đầu tư cố tình đồn thổi để chính họ hy vọng sẽ mua được cổ phiếu rẻ của LienVietBank. It ai hiểu rằng, vấn đề đối với LienVietBank hiện nay không phải chuyện “đi” hay “ở” của ai đó mà là việc sáp nhập với hệ thống tiết kiệm nói trên ra sao để không rơi vào tình cảnh “bầu với nước lã” là điều sống còn. Và để chuẩn bị cho quá trình này, sự “ra đi” của người này để ngồi vào một vị trí khác phù hợp hơn trong tình hình mới cũng là lẽ thường mà thôi.
                                                                                 
Nguyễn Hoài
Số lượt đọc: 12 Cập nhật lần cuối: 30/04/2013