Chào đón thương hiệu mới: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank
Ngày 29/7/2011, Ngân hàng TMCP Liên Việt chính thức công bố tên gọi mới: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt theo quyết định của Chính phủ và Quyết định số 1633/QĐ-NHNN về việc thay đổi tên gọi của Ngân TMCP Liên Việt (LienVietBank) ngày 22/7/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, tên gọi mới đầy đủ bằng tiếng Việt là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt; tên đầy đủ bằng tiếng Anh: LienViet Post Joint Stock Commercial Bank; tên viết tắt bằng tiếng Việt: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt; Tên viết tắt bằng tiếng Anh: LPB.
Đây được coi là sự kiện lớn nhất và đặc biệt nhất trong lĩnh vực M&A của ngành ngân hàng và của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán chao đảo như hiện nay.
Ở các quốc gia phát triển, thương hiệu PostBank đã là một thương hiệu lớn, trong khi ở Việt Nam, hai từ “Bưu điện” đã đi sâu vào lòng người dân Việt Nam. Việc ra đời Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ đánh dấu sự có mặt đầu tiên của mô hình này ở nước ta. Đặc biệt, hiện nay, cả hệ thống Tiết kiệm Bưu điện và Ngân hàng Liên Việt đều đang có một khối luợng khách hàng giao dịch lớn. Do không muốn có xáo trộn và hiểu lầm từ khách hàng khi đổi tên; đồng thời cả hai muốn giữ lại và phát triển tiếp thương hiệu “Bưu điện” – “Liên Việt” nên HĐQT và cổ đông Ngân hàng Liên Việt đã chọn và được Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tên gọi mới: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.
Thực hiện các quyết định trên, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) và Ngân hàng Liên Việt đã chủ động gặp gỡ trao đổi, tích cực triển khai các công việc liên quan. Việc bàn giao dịch vụ Tiết kiệm Bưu Điện và Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu Điện được thực hiện theo nguyên tắc bàn giao nguyên trạng từ tổ chức, lao động, nguồn vốn, tài sản đến công nợ… Do phương pháp làm việc, cách thức tiếp cận và xử lý vấn đề của các bên có liên quan rất tích cực nên đến thời điểm này, tất cả vướng mắc, khó khăn đã được giải quyết khá cơ bản, ổn thỏa, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bàn giao nguồn lực.
Thời báo Kinh tế xin trích dẫn một số ý kiến những người trong cuộc xung quanh thương vụ được coi là “hàng khủng” trong lĩnh vực M&A của ngành ngân hàng:
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank:
Liên kết thương hiệu - Lợi ích “ba nhà”
Chiến lược kinh doanh của LienVietBank xưa và LienVietPostBank hôm nay luôn luôn được HĐQT xác định là dài hạn bởi ngân hàng là một doanh nghiệp đặc biệt, hoạt động tới 99 năm. Vì vậy, trong mọi hoạt động kinh doanh, chúng tôi luôn đề cao tôn chỉ: AN TOÀN – THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT.
Nhiều người cứ nghĩ là LienVietBank mua lại hệ thống Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) nhưng thực chất, đó là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) thông qua Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Vietnam Post) góp vốn vào LienVietBank bằng tiền mặt và bằng giá trị VPSC. Việc liên kết giữa các thương hiệu hướng tới giá trị chung, đó là đem lại lợi ích cho 3 nhà: nhà dân, nhà doanh nghiệp và nhà nước. Đây cũng là mục tiêu lâu dài mà VNPT, Vietnam Post và LienVietBank luôn hướng tới.
Bài toán kinh tế cụ thể có lợi cho cả 3 nhà ở đây cụ thể là:
Nếu VPSC đứng một mình thì chỉ huy động, không cho vay và như vậy không khai thác được dịch vụ tiện ích cũng như hệ thống mạng lưới “khổng lồ” của mình.
Ngân hàng Liên Việt muốn trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam thì phải có hệ thống mạng lưới rộng khắp. Ngân hàng hiện đại chính là ngân hàng có nguồn thu lớn từ dịch vụ chứ không phải là huy động và cho vay đơn thuần.
Khi kết hợp giữa VietnamPost thông qua VPSC, sản phẩm, tiên ích ngân hàng cung cấp tới người dân sẽ được phong phú hơn. Người dân không những được đảm bảo nguyên vẹn quyền lợi mà còn được hưởng nhiều dịch vụ chất lượng hơn nữa.
Như vậy là, sự liên kết giữa “Bưu điện” và “Liên Việt” đã cho ra đời một thương hiệu lớn: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Đây chính là sự “cộng sinh – cộng lực – cộng hưởng”, mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng, góp phần thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng, đưa vốn ngày càng nhiều hơn về khu vực nông thôn.
Triển khai các dự án tài chính vi mô trên phạm vi toàn quốc, trong đó chú trọng đến đề án không dùng tiền mặt, Phục vụ tốt cho 70 triệu nông dân Việt Nam trong đó có hơn 10 triệu hộ nông dân nghèo chính là ý nghĩa cốt lõi của sự ra đời Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.
Một vấn đề khác tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, Bưu chính Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với Bưu chính của gần 200 quốc gia trên thế giới. Đây là một lợi thế mà LienVietPostBank không thể bỏ qua bởi lẽ “đổi mới - hội nhập - phát triển” cũng là tôn chỉ hoạt động của chúng tôi. Nhờ đó, LienVietPostBank có thể học hỏi kinh nghiệm, thu hút các dự án tài chính vi mô, tăng cường kỹ năng kinh doanh và quản trị để trang bị thêm nhiều lợi thế cạnh tranh cho mình.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank:
“Chúng tôi hướng đến tầm nhìn 100 năm phát triển”
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông góp vốn vào LienVietBank thông qua Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, tương đương 15% vốn điều lệ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Riêng giá trị VPSC được công ty tư vấn và Tập đoàn bưu chính viễn thông xác định và Bộ Tài chính chấp thuận mức giá 360 tỷ đồng. Mức giá này so với giá thị trường thời điểm thị trường chứng khoán đang chao đảo hiện nay thì quá cao.
Ngay từ khi bắt tay vào thương vụ này, tập thể HĐQT và cổ đông Ngân hàng Liên Việt đã xác định: “ích nước lợi nhà” nên dù (nếu có) nhà nước có lợi hơn thì chúng tôi cũng thỏa lòng và coi đó như là một phần trách nhiệm xã hội mà Ngân hàng cần làm.
Thêm vào đó, trong quá trình đàm phán, chúng tôi quán triệt việc thực hiện 3 cái “nhất”: Mục tiêu lớn nhất, Thời gian ngắn nhất, Phương án đơn giản nhất. Điều quan tâm lớn nhất của chúng tôi là sau một ngày đổi tên, mạng lưới điểm giao dịch của Ngân hàng Liên Việt đã bằng 100 năm phát triển, cơ hội kinh doanh mở ra là vô cùng lớn. Nếu biết khai thác hiệu quả thì giá trị đem lại là vô giá đối với một NHTM còn trẻ như chúng tôi.
Có ý kiến cho rằng, bên cạnh những lợi thế to lớn nêu trên, thách thức cần phải đương đầu của LienVietBank là không nhỏ như khả năng quản lý, chi phí, trình độ nhân lực…
Tuy nhiên, trên thực tế, số cán bộ, nhân viên chuyên trách bàn giao về LienVietPostBank chỉ vỏn vẹn 200 người và chúng tôi đã có lộ trình cho việc đào tạo, thích ứng của số lượng cán bộ nhân viên trên. Về sự tương thích giữa phần mềm của 2 hệ thống khác nhau thì thực ra, hiện nay chúng tôi đang dùng đường truyền của các đơn vị bưu chính viễn thông nên không hề phải chờ thời gian “kéo dây lắp đặt” mới đi vào hoạt động. Vì vậy, khi bàn giao giữa hệ thống cũ sang hệ thống mới, VPSC và LienVietBank không phải dừng hoạt động ngày nào. Chúng tôi cũng đã thành lập Chi nhánh Tiết kiệm Bưu điện trong lòng LienVietPostBank để quản lý tập trung toàn bộ mạng lưới Tiết kiệm Bưu điện trên toàn quốc.
Hơn nữa, điều đặc biêt quan trọng là VNPT, Vietnam Post sẽ chung tay sát cánh cùng LienVietPostBank trong việc triển khai các hoạt động kinh doanh, điều hành giám sát nên việc quản lý hoàn toàn trong tầm kiểm soát hiệu quả.
Ông Đỗ Ngọc Bình, TGĐ Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost)
Vì sao chúng tôi phải liên kết?
Dịch vụ Tiết kiệm Bưu Điện tồn tại, phát triển được gần 13 năm, đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường tài chính. Khi nền kinh tế càng phát triển, thu nhập của các tầng lớp dân cư tăng lên là “mảnh đất tốt” cho dịch vụ Tiết kiệm Bưu Điện phát triển. Dựa vào mạng lưới rộng lớn của Bưu chính trên phạm vi cả nước, dịch vụ Tiết kiệm Bưu Điện đã có hơn 360.000 khách hàng, với số dư huy động đạt gần 7.000 tỷ đồng, Qua theo dõi cho thấy, chính ở các tỉnh, thành phố ở các vùng kinh tế trọng điểm lại có số lượng khách hàng lớn và giá trị huy động cao.
Do tính chất và đặc thù của dịch vụ tiết kiệm bưu điện là chỉ có một gói sản phẩm với lãi suất bó cứng, không hoạt động theo các chức năng của một ngân hàng, tính chất “thị trường” của dịch vụ bị hạn chế, dịch vụ chưa có lãi nên Tập đoàn VNPT, Tổng Công ty phải bù đắp chi phí cho dịch vụ trong những năm qua. Tuy nhiên với số lượng huy động hàng ngàn tỷ mỗi năm thì sự đóng góp của dịch vụ đối với nền kinh tế là rất đáng ghi nhận.
Từ những những mặt làm được và những hạn chế của dịch vụ, chúng tôi thấy rằng, rất cần thiết phải có sự đổi mới, hoàn thiện để hệ thống này có đầy đủ chức năng của một ngân hàng, tận dụng mạng lưới Bưu chính để đến gần với khách hang và với người dân hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 01/7/2011, dịch vụ Tiết kiệm Bưu Điện và Công ty Dịch vụ Tiết kiệm được bàn giao từ Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam sang Ngân hàng Liên Việt và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu Điện Liên Việt. Đây là kết quả của việc mở rộng liên kết của cả hai bên.
Nhận thức được những cơ hội hợp tác phát triển, Bưu chính Việt Nam đã và đang tập trung nghiên cứu triển khai các đề án hợp tác với Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt. Tổng Công ty đã thành lập Ban Phối hợp Bưu chính - Ngân hàng để thực hiện các nhiệm vụ trên. Ngày 23/6 vừa qua, Tổng Công ty và Ngân hàng Liên Việt đã ký khung Hợp đồng hợp tác kinh doanh, mở ra các cơ hội hợp tác.
Việc chủ động, chuẩn bị để cho Ngân hang có bước đi vững chắc tiếp theo đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai bên (cả của Tổng Công ty và Ngân hàng). Thứ nhất, là phải chú ý tới phát triển nguồn nhân lực bao gồm cả đào tạo nâng cao chất lượng, sử dụng và các cơ chế tạo động lực. Thứ hai, là phải nhanh chóng hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin và các công cụ quản lý, hệ thống giám sát. Thứ ba, là thiết kế các gói sản phẩm dịch vụ mới, đặc biệt là các dịch vụ tài chính bán lẻ để khai thác có hiệu quả nhất năng lực của mạng lưới. Thứ tư là phải chú ý đầu tư nâng cao năng lực của toàn bộ hệ thống theo kịp sự phát triển
Để triển khai được những công việc trên, Tổng Công ty và Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt đã và đang xúc tiến hoạch định kế hoạch lien kết hợp tác phát triển. Với 13 năm kinh nghiệm quản lý khai thác kinh doanh dịch vụ Tiết kiệm Bưu Điện (800 bưu cục, việc quản trị dòng tiền, ứng dụng công nghệ thong tin…), Tổng Công ty sẵn sàng chia sẻ cùng với ngân hàng.
TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia ngành tài chính
“Cẩn trọng nhưng đừng e ngại rủi ro”
Với việc VNPT thông qua Vietnam Post góp vốn vào LienVietBank bằng giá trị cả 1 công ty là VPSC và bằng tiền mặt đã hình thành mô hình ngân hàng bưu điện đầu tiên tại Việt Nam. LienVietPostBank sẽ phủ sóng tới 100% số xã, hay hơn 10.000 điểm bưu cục và điểm bưu điện văn hóa xã trên cả nước, một mật độ mạng lưới mà tất cả các Ngân hàng thương mại đều mong muốn có được. LienVietBank đã đủ điều kiện “thiên thợi, địa lợi” để hiện thực hóa mục tiêu trở thành Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Từ những cảm nhận ban đầu về sự ra đời và trước thềm hoạt động ở qui mô lớn hơn của LienVietBank xưa và LienVietPostBank hôm nay, có thể vui mừng để chia sẻ rằng, đó là con đường phát triển đúng quy luật. Tuy nhiên, cùng cần phải cảnh giác với những vấn đề dễ nảy sinh sau thương vụ mua bán, sáp nhập mà một số trường hợp trước đây đã từng gặp. Vì thế, tôi cho rằng, cần phải tích cực quảng bá nhiều hơn về hình ảnh mới của LienVietPostBank để giữ và nhân rộng niềm tin của khách hàng đối với VPSC trước đây. Ngoài ra, cần phải chú ý thêm một số vấn đề khác như: sự khác biệt giữa tác phong làm việc của nhân viên Công ty tiết kiệm chuyên “huy động ủy thác” và huy động để bán buôn với tác phong của nhân viên ngân hàng coi huy động vốn là một khâu của quá trình dịch vụ tài trợ tín dụng; sự tiến tới công bằng trong việc phân phối lợi nhuận trên cơ sở “của hồi môn” giữa các bên; vấn đề cơ cấu lại HĐQT và cơ cấu tổ chức; Vấn đề cạnh tranh trong môi trường thị trường tài chính đang rất phức tạp và mật độ ngân hàng khá “dày đặc” hiện nay ở Việt Nam…
Nếu chủ động nhìn và nhận dạng tốt các lợi thế, xử lý hợp lý các vấn đề nẩy sinh cũng như tổ chức tốt việc quảng bá thương hiệu mới, thì tôi tin và cũng là lời chúc cho con tàu LienVietPostBank liên tục phát triển và trưởng thành trong việc khám phá chân lý chung của hoạt động Ngân hàng là: “rủi ro lớn nhất là không dám chấp nhận rủi ro”!
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam
Số lượt đọc: 94 Cập nhật lần cuối: 05/05/2013