LienVietBank cho vay ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL

LienVietBank cho vay ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSCLSáng mai 6-3-2010, tại thành phố Long Xuyên, Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) sẽ long trọng tổ chức lễ khai trương, đưa vào hoạt động Ngân hàng Liên Việt An Giang và triển khai chương trình phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2010-2013. Phóng viên Báo An Giang đã có cuộc trao đổi cùng TS.Nguyễn Đức Hưởng- Phó Chủ tịch HĐQT LienVietBank xung quanh vấn đề này
Xin ông cho biết đôi nét về quá trình phát triển của LienVietBank?

Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) được thành lập vào tháng 3-2008, theo giấy phép số 91/GP-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại đa năng, thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ ngân hàng và dịch vụ kinh doanh tiền tệ. Với số vốn điều lệ 3.300 tỷ đồng ở thời điểm thành lập, LienVietBank được xem là ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai trong khối ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam tại thời điểm đó.
Đến nay, Ngân hàng Liên Việt đã phát triển được mạng lưới gồm 28 Sở Giao dịch, Chi nhánh và Phòng giao dịch trong cả nước, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 3.650 tỷ đồng. Năm 2009 vừa qua, mặc dù chịu tác động không nhỏ từ tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu, song LienVietBank đã quản trị, điều hành và kinh doanh thành công, đạt tổng lợi nhuận sau thuế là trên 540 tỷ đồng (vượt 16% so với kế hoạch đề ra), tổng tài sản đạt 17.400 tỷ đồng, 100% các Chi nhánh của Ngân hàng Liên Việt đã kinh doanh có lãi trong năm 2009. Về nhân sự, số lượng nhân sự đã tăng gần gấp đôi, từ hơn 400 người lên đến 800 người.
Hiện nay, LienVietBank đang gấp rút hình thành mô hình tập đoàn với việc thành lập các công ty con như công ty chứng khóan, quản lý quỹ, sàn kinh doanh hàng hóa, bất động sản…
 

 Nhân dịp khai trương, đưa vào hoạt động chi nhánh tại An Giang, LienVietBank sẽ triển khai chương trình phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2010-2013. Đâu là nguyên nhân để LienVietBank thực hiện chương trình này, thưa ông?

 

 Cá nhân tôi xuất phát từ ngân hàng nông nghiệp Việt Nam (Agribank), tôi ý thức được rằng chính nông dân mới là “ân nhân” của ngân hàng nông nghiệp Việt Nam bởi dư nợ cho vay của khu vực này chiếm trên 60% tổng dư nợ của Agribank. Như vậy, lợi nhuận ở khu vực này rất lớn. Thời gian qua, Agribank đã góp phần đáng kể trung chuyển vốn từ thành thị để phát triển nông nghiệp nông thôn. Nhưng địa bàn nông nghiệp của nông thôn Việt Nam rất rộng lớn và hiện tượng cho vay nặng lãi, bán lúa non ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long vẫn là một trong những tệ nạn đè nặng lên nông dân. LienVietBank được sinh ra ở Hậu Giang, một vựa lúa của miền tây, chúng tôi có trách nhiệm phải chung sức với Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam và chính quyền địa phương góp phần kéo lãi suất cho vay nông dân ở đồng bằng Sông Cứu Long xuống. Đồng thời, LienVietBank phải làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn từ thành thị về nông thôn và gắn kết cùng các nhà :Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông nhằm tạo ra quy trình sản xuất, tiêu thụ, cho vay, thu nợ khép kín với hiệu quả cao. Chúng tôi xác định rằng chính khu vực miền tây là nơi sản xuất hàng hóa tiềm năng rất lớn, là thị trường tín dụng phong phú, hiệu quả.
Cụ thể, chương trình phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2010-2013 sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi dự kiến tổng mức cho vay của chương trình từ 2010 đến năm 2013 sẽ khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng với đối tượng cho vay là nông dân và các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp, thủy sản. Trước mắt, năm 2010, LienVietBank đã có đề án báo cáo ngân hàng Nhà nước cho vay nông dân với số vốn 1.200 tỷ đồng. Để đảm bảo triển khai có hiệu quả trên cơ sở bài bản, khoa học và phù hợp với truyền thống sản xuất nông nghiệp của đồng bằng Sông Cửu Long, chúng tôi sẽ triển khai thí điểm ở một số xã, huyện trọng điểm bằng cách kết hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức trình diễn sản xuất nông nghiệp. Sau đó, LienVietBank sẽ đúc kết, nhân rộng mô hình kết hợp với hội cựu chiến binh trong việc giải ngân, quản lý, thu nợ đối với hộ nông dân tại đồng bằng Sông Cứu Long.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn bên cạnh sự nỗ lực của các tổ chức ngân hàng, thì các địa phương cần phải làm gì, thưa ông?
Phát triển tam nông là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, đòi hỏi các ngành, các cấp và chính quyền địa phương phải nỗ lực đổi mới kết hợp sức mạnh đồng bộ, xóa dần thói quen làm ăn manh mún, cải tạo được giống lúa có chất lượng, không những chỉ chất lượng sử dụng mà cả chất lượng xuất khẩu. Vấn đề này không thể một ngành đứng ra làm một mình được mà phải có quy hoạch, có chiến lược, bài bản, biến thế “độc canh” thành “quảng canh” và thâm canh tốt. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển, đòi hỏi cả vật lực, sức lực, tài lực tạo động lực phát triển tốt và không thể làm trong ngày một ngày hai, phải có sức mạnh tổng hợp để biến vựa lúa đồng bằng Sông Cửu Long xứng đáng được phong là “Bát cơm Châu Á”.

            Cám ơn ông!
 THANH MIÊNG (Thực hiện)
Số lượt đọc: 6 Cập nhật lần cuối: 01/03/2013