Mang mùa Xuân đến với Xín Mần
Xín Mần – huyện biên cương miền núi heo hút của tỉnh Hà Giang có thể sẽ bị lãng quên trong tâm trí nhiều người nếu không có Chương trình hỗ trợ huyện nghèo (theo Nghị quyết 30 a của Chính Phủ). Và cũng có thể, người ta chỉ nhớ đến Xín Mần trong thoáng chốc, khi đi qua vùng đất này nếu không có cách làm “từ thiện” độc đáo của Ngân hàng TMCP Liên Việt và Công ty CP Him Lam
… Hôm nay, một mùa xuân mới đã về, Xín Mần như cánh đào rừng bung nở giữa đại ngàn mờ sương. Mùa xuân của muôn hoa khoe sắc, của cây cối đâm chồi nảy lộc, của rạo rực lòng người, của cuộc sống ấm no… đang thực sự về với Xín Mần.
Doanh nghiệp đặc biệt !
Từ dạo lâu lâu, khi mô hình Công ty CP phát triển Xín Mần do Ngân hàng TMCP Liên Việt và Công ty CP Him Lam phối hợp đầu tư còn chưa được nhiều người biết đến, tôi và một vài đồng nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh Hà Giang dẫn đi tham quan Xín Mần nhân chuyến công tác về tỉnh miền núi này. Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Minh Nhất ngày đó cứ nhắc đi nhắc lại “Nhà báo về Hà Nội, nhớ đến chỗ ông Minh, ông Hưởng (lãnh đạo Ngân hàng Liên Việt - pv) để tìm hiểu về cách làm từ thiện của họ. Đó là ngân hàng “tư nhân” duy nhất làm được việc này. Muốn có bài viết hay về Xín Mần, về Hà Giang, thì nhớ tìm hiểu ở đó….”
Về Hà Nội, công việc cuốn đi nên tôi cũng chưa có dịp gặp TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Liên Việt để tìm hiểu sâu về mô hình doanh nghiệp độc đáo này. Bẵng đi một thời gian, thông tin khánh thành cầu Na Lan - huyện Xín Mần (do Him Lam và LienVietBank đầu tư 20 tỷ để xây dựng) khiến giới truyền thông xôn xao, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Điện thoại chúc mừng TS. Nguyễn Đức Hưởng và LienVietBank, tuy nhiên tôi vẫn không khỏi băn khoăn: Liên Việt là ngân hàng Cổ phần, ngoài quốc doanh, đâu có thuộc đối tượng được giao thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ ?
- Tất nhiên là chúng tôi không thuộc đối tượng được giao thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nhưng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt, ông Dương Công Minh vốn là người luôn mong muốn “Gắn xã hội trong kinh doanh” nên ngay khi nghe tin còn một số huyện nghèo chưa có đơn vị đỡ đầu, ông đã bàn với ban lãnh đạo LienVietBank và đi đến quyết định nhận giúp đỡ một huyện. Xín Mần là nơi chúng tôi lựa chọn để đầu tư …
- Nghe lãnh đạo tỉnh Hà Giang nói mô hình Công ty CP phát triển Xín Mần rất đặc biệt!
- Đúng là nó khá đặc biệt. Ngay từ cái tên “Công ty CP Đầu tư Xín Mần” chỉ với 2 cổ đông là Công ty CP Him Lam và Ngân hàng Liên Việt (theo luật ít nhất phải có 3 cổ đông - PV), thông qua cầu nối là Hội Cựu chiến binh trực tiếp cầm tay chỉ việc cho bà con. Sau đó, lợi nhuận thu được cũng không đưa ra khỏi địa bàn Xín Mần… Đây là mô hình hoạt động chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Vì thế đề án phải trình Chính phủ phê duyệt mới đi vào hoạt động. Thực tế, khác với cách làm của nhiều đơn vị đang thực hiện là rót tiền vào giúp dân làm nhà, xây dựng hạ tầng (làm đường, thủy lợi), chúng tôi đi theo một hướng khác, dài hạn hơn. Đó là tập trung vào giáo dục, đào tạo con người bởi chúng tôi hiểu, tầm nhìn của con người thay đổi thì xã hội mới thay đổi; con cái học hành tốt sẽ “dạy” lại cha mẹ thay đổi nếp sống hiệu quả nhất. Thay đổi một huyện nghèo cần có thời gian và phải bắt đầu từ bây giờ - đầu tư cho con trẻ – Đó là cách chúng tôi nghĩ và làm. Vì thế chúng tôi còn bắt tay xây dựng trường học nội trú, cấp tiền ăn học cho con em dân tộc, thậm chí thuê, trả lương cao cho giáo viên để phát triển giáo dục vùng đất này. Rồi là xây trường dạy nghề, thuê thầy, thuê thợ giỏi lên Xín Mần đào tạo nghề cho các em….
- Nghe nói các công trình do Công ty đầu tư xây dựng tại địa phương được làm theo phương thức “chìa khóa trao tay”?
- Thực ra, lúc đầu địa phương cũng muốn chúng tôi làm theo ý họ, đại khái như làm một con đường hay một công trình thủy lợi… Nhưng sau khi nghe qua phác thảo đề án, lãnh đạo huyện rất thích và liên tục có văn bản gửi lên Chính phủ đề nghị sớm tạo điều kiện để Ngân hàng Liên Việt và Tập đoàn Him Lam (cổ đông sáng lập chủ chốt của LienVietBank) đầu tư về huyện. Sở dĩ chúng tôi muốn làm “chìa khóa trao tay” là bởi hai mục đích: tiết kiệm, tránh thất thoát và hiệu quả, giữ thương hiệu ở từng điểm từ thiện. Đặc biệt, Him Lam có sẵn một công ty chuyên xây dựng tự thiện với kỹ thuật lành nghề, có những người điều hành với cái tâm xứng tầm… nên mọi việc đều rất thuận lợi.
Trong đề án thoát nghèo cho Xín Mần, ngay từ đầu Công ty CP Đầu tư Xín Mần đã lên kế hoạch xây dựng ngay một câu cầu để phá vỡ thế độc đạo của huyện nhằm phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Và cầu Na Lan bắc qua suối Na Lan, nơi đầu nguồn sông Chảy đã được đầu tư và đi vào sử dụng với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng do LienvietBank và Him Lam tài trợ, giúp nối liền giao thông 6 xã phía đông huyện Xín Mần, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là mùa mưa lũ… Đó là dấu ấn của những lãnh đạo LiênViệt Bank và Him Lam, là niềm tự hào và hy vọng cho tương lai phát triển huyện nghèo.
Đầu tư cho tương lai!
Luôn quan niệm, con người là yếu tố quyết định mọi sự đổi thay, và chỉ có người dân Xín Mần mới tự mang lại cho mình cuộc sống ấm no lâu dài. Vì thế lãnh đạo Công ty CP phát triển Xín Mần luôn hướng tới xây dựng những phương án hỗ trợ đào tạo cán bộ nguồn tại địa phương. Thời gian qua, công ty đang triển khai dự án đào tạo 80 giáo viên mầm non, 38 y sĩ, 124 y tá kiêm cô đỡ thôn bản. Với số lượng cán bộ được đào tạo như vậy chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu thăm khám bệnh cũng như gửi trẻ của nhiều người dân ở một số địa phương.
Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng: “Công ty CP phát triển Xín Mần đặc biệt chú trọng đầu tư vào con người, xem đây là yếu tố quan trọng đầu tiên trong quá trình thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo”. Ông còn cho biết, thời gian tới sẽ đề nghị huyện cử những học sinh, giáo viên y tế đi học tập tại Hà Nội, và sẽ kết hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức đào tạo lao động là người Xín Mần để xuất khẩu lao động. Mọi chi phí đào tạo đều do Công ty CP Đầu tư Xín mần chi trả.
Bên cạnh việc chú trọng đào tạo kiến thức cho cán bộ thì việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân cũng đang được công ty triển khai đặc biệt hiệu quả. Chính quyền địa phương rất ủng hộ, người dân rất phấn khởi, vui mừng vì lần đầu tiên có doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm với nhiều ưu đãi và thu được khoản tiền lớn trong thời gian ngắn.
Ngoài các dự án như: trồng và chế biến chè sạch, chăn nuôi lợn đen đang từng bước được thực hiện… dự án trồng 10.000 ha rừng kinh tế giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn huyện Xín Mần do Ngân hàng Liên Việt bảo trợ cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Công ty còn phối hợp với Viện nghiên cứu sành sứ thủy tinh công nghệ - Bộ Công thương để thí nghiệm và đưa công nghệ gạch không nung, đất hóa đá vào sản xuất. “Thực tế đời sống người dân Xín Mần còn nghèo khó lắm. Sự giúp đỡ của Him Lam và Liên Việt tuy đạt kết quả bước đầu nhưng chưa đáng là bao, chưa thể bù đắp được sự hy sinh gian khó của cán bộ và bà con nơi vùng núi biên cương địa đầu tổ quốc…”– TS. Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ.
Mùa xuân mới đang về…
Câu chuyện với vị Phó Chủ tịch HĐQT LienVietBank khiến tôi nảy quyết tâm trở lại Xín Mần vào một ngày cuối năm. Trong tiết trời cuối đông lạnh lẽo, cheo leo trên con đường độc đạo đến Xín Mần, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay rõ nét của huyện được coi là “nghèo nhất nước” này. Từ các xã vùng sâu, vùng xa đến trung tâm huyện, nhiều công trình được xây dựng khang trang, đường giao thông đi lại thuận tiện, đời sống của đồng bào các dân tộc được đổi thay rất nhiều từ cách nghĩ đến cách làm. Những gương mặt sáng trong, những nụ cười no đủ, những ánh nhìn ấm áp… đều dễ bắt gặp khi đặt chân đến nơi đây.
Nhìn diện mạo mới của Xín Mần hôm nay, ít ai có thể ngờ, chỉ vài năm trước, nơi đây được biết đến như một huyện nghèo nhất của tỉnh Hà Giang, thậm chí nghèo nhất nước. Cuộc sống của người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong một thời gian dài luôn trong cảnh đói ăn, thiếu mặc, khát chữ… Thế rồi, ánh sáng từ Nghị Quyết 30a của Chính Phủ được hiện thực hoá nơi này, với sự hỗ trợ trực tiếp cũng như đóng góp xây dựng của các nhà từ thiện, đặc biệt là từ khi Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Liên Việt chủ trương đầu tư xây dựng nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, Xín Mần đang từng ngày thay da đổi thịt.
Hướng đi đúng, cách làm hay và cái tâm trong sáng “Vì sự phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam” của những người lãnh đạo Ngân hàng Liên Việt đã góp phần to lớn, thổi bùng ngọn lửa ấm no, hạnh phúc nơi vùng núi heo hút Xín Mần. Chợt nhớ lại lời phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng tại lễ khánh thành cầu Na Lan “Tôi xin biểu dương tinh thần chủ động, tích cực của Ngân hàng Liên Việt, Công ty CP Him Lam trong việc phối hợp với huyện Xín Mần thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển huyện Xín Mần theo Nghị quyết 30a. Đây là cách làm mới, đặc biệt hiệu quả. Tôi mong mô hình này sẽ được nhân rộng trong cả nước…”. Đó là cái kết ý nghĩa cho một việc làm thực sự ý nghĩa!
Chính cách làm “từ thiện” đặc biệt của Him Lam và LienVietBan đã mang những mùa xuân ấm áp về với Xín Mần!
Theo Hoàng Lan
Thời báo Doanh nhân
Thời báo Doanh nhân
Số lượt đọc: 11 Cập nhật lần cuối: 16/04/2013