Phát triển dịch vụ luôn là hướng đi bền vững
Nhân dịp khai trương chi nhánh mới tại An Giang, Báo An Giang đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietBank...
Thưa ông, xin ông cho biết tình hình kinh doanh của LienVietBank từ đầu năm đến nay như thế nào? Kết quả này so với cùng thời gian năm ngoái ra sao?
Hoạt động kinh doanh của LienVietBank 9 tháng đầu năm 2010 rất khả quan: Tổng tài sản đạt trên 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 550 tỷ đồng. Tốc độ hoạt động kinh doanh của LienVietBank năm sau cao hơn năm trước. Từ đầu năm đến nay, LienVietBank đã tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2010 theo tỷ lệ 7%/ tổng mệnh giá. Sắp tới, LienVietBank sẽ tiếp tục tạm ứng cổ tức đợt 2 là 5%/ tổng mệnh giá cổ phần sở hữu của mỗi cổ đông theo danh sách cổ đông chốt tại thời điểm 17h00 ngày 30/9/2010. Dự kiến, từ giờ đến cuối năm, LienVietBank đạt kế hoạch đã đề ra.
Điều quan trọng là LienVietBank đã xác định được “hoạt động đường dài” và “không có khách hàng – không có ngân hàng” nên trong điều kiện thị trường có biển đổi thế nào thì LienVietBank xác định chỉ là tạm thời. Bản chất kinh tế xã hội và quy luật thị trường tác động đến hoạt động Ngân hàng mới là quan trọng nên LienVietBank hướng tới đích lâu dài bền vững. Từ đó, LienVietBank đưa ra những quyết sách phù hợp với thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, tình hình hoạt động tín dụng ở các NHTM hiện không như mong muốn vì đầu ra của DN khó khăn nên dòng vốn đi vào sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Trong điều kiện kinh tế thị trường thì thuận lợi của doanh nghiệp này lại là khó khăn của doanh nghiệp kia. Tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam năm 2010 đã đi vào ổn định và hồi phục rõ rệt. Vì vậy, nếu nhìn nhận tình hình chung thì hoạt động cho vay của các NHTM có thuận lợi hơn rất nhiều năm trước, nhất là tín dụng không tăng trưởng nóng và hậu khủng hoảng, ngân hàng nhìn thấy rõ sức khỏe của từng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng của một số NHTM có khó khăn nhất định nhưng không phải xuất phát từ những món vay năm 2010 mà 2010 là điểm rơi của “hiệu quả cho vay của những năm trước thành hậu quả của năm 2010” (một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn). Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là tạm thời vì mười doanh nghiệp không thể cả mười đều kinh doanh hiệu quả, mười món vay không thể vẹn mười. Hơn nữa, việc trả nợ không đúng hạn cũng xảy ra không riêng gì ở Việt Nam mà ở cả các NHTM trên thế giới. Đó là lý do các NHTM đều hình thành quỹ phòng trừ rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, việc khó thu hồi vốn ở một số NHTM do sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa hiệu quả là chắc chắn có xảy ra nhưng các NHTM sẽ “thu bù chi”.
Đến cuối năm nay, mức tối thiểu vốn pháp định của các ngân hàng sẽ là 3.000 tỷ đồng, LienVietBank hiện đã đạt trên 3.500 tỷ đồng. Có lẽ áp lực từ việc tăng vốn không còn căng thẳng nữa nhưng nhiều người lo ngại áp lực sử dụng vốn cũng căng thẳng không kém. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đối với LienVietBank không hề có áp lực “làm sao để tăng được vốn” mà vấn đề là “làm thế nào để tăng vốn có hiệu quả”. Hiện nay, LienVietBank có rất nhiều đối tác đặt vấn đề góp vốn, quan điểm của LienVietBank là “làm bạn với tất cả, chỉ có đối tác, không có đối thủ” trên tinh thần hai bên cùng có lợi, quan hệ bình đẳng.
Việc sử dụng vốn kể cả vốn ít hay vốn nhiều cũng luôn luôn có áp lực, LienVietBank luôn chú trọng phương châm “an toàn – hiệu quả - thượng tôn pháp luật”, hạn chế tối đa rủi ro chủ quan, lường trước rủi ro khách quan, sinh lợi lâu dài, bền vừng, biện pháp bảo toàn hiệu quả. LienVietBank đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân sự vì rủi ro từ con người là rủi ro lớn nhất.
Bên cạnh tín dụng thì việc đẩy mạnh các dòng sản phẩm dịch vụ là một trong những hướng phát triển bền vững của các ngân hàng. Hiện tại, LienVietBank đang đẩy mạnh phát triển những sản phẩm gì?
Sản phẩm dịch vụ tại các NHTM thì nhiều, các NH khác có sản phẩm gì thì LienVietBank có sản phẩm ấy nhưng LienVietBank đặc biệt chú trọng đến việc nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới đi theo nhu cầu của khách hàng. Hiện LienVietBank đang chuẩn bị cho ra đời 3 sản phẩm mới, đó là: Ví điện tử, cho vay mua và thế chấp thẻ golf và sản phẩm tiết kiệm thừa kế. Với sản phẩm ví điện tử, khách hàng chỉ cần chuyển tiền qua tin nhắn điện thoại, biến điện thoại thành ngân hàng di động rất tiện lợi và an toàn. Đối với sản phẩm cho vay mua và thế chấp thẻ golf, chúng tôi nhận thấy thẻ Golf là một loại tài sản có giá và luôn tăng giá trị, khách hàng chơi golf là các khách hàng có đẳng cấp. Nếu mời được các khách hàng uy tín và có đẳng cấp như các Golf thủ đến Ngân hàng, chẳng khác nào năm mới mời được thần tài về nhà.
Đối với sản phẩm tiết kiệm thừa kế, đây là sản phẩm lần đầu tiên có mặt trên thị trường Việt Nam, vừa có tính chất đầu tư và bảo hiểm. Sản phẩm này đặc biệt dành cho các khách hàng muốn để một khoản tiền tiết kiệm cho con cháu hoặc con cháu muốn báo hiếu với ông bà, bố mẹ thông qua phương thức an toàn bằng cách nhờ “ngân hàng giữ hộ” mà vẫn nhận được hưởng lãi suất điều chỉnh theo thị trường. Đồng thời, người được thừa kế sẽ là người lĩnh tiền.
Song song với việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo hướng hiện đại, LienVietBank sẽ phát triển mạng luới hướng tới ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Theo Báo An Giang
Số lượt đọc: 9 Cập nhật lần cuối: 29/08/2011