Phải có chiến lược rút ngắn khoảng cách với ngân hàng nước ngoài

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước dù đã “sáng” hơn song vẫn còn không ít những khó khăn trước mắt. Đối với hệ thống ngân hàng thương mại trong nước, đặc biệt là những ngân hàng mới ra đời, đây cũng là khoảng thời gian thử thách không nhỏ....
 

PV: Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế hiện nay sẽ là thách thức không nhỏ với các ngân hàng mới thành lập?

Ông Nguyễn Đức Hưởng: Tôi nghĩ rằng chính qua thời điểm này từng ngân hàng, doanh nghiệp phải biết vượt qua khó khăn để từ đó trưởng thành lên. LienVietBank là ngân hàng mới, qua thời điểm này chúng tôi cũng đã rút ra nhiều bài học, nhất là những bài học thành công của các ngân hàng khác và cũng có thể nhận ra những khó khăn để tháo gỡ, vượt qua thời điểm này. Từ việc tháo gỡ khó khăn, chúng tôi có bước đi vững chắc, bài bản hơn trong thời gian tới. Có thể nói rằng, cái “mất mát” của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời điểm này là không đáng kể. Điều quan trọng là thời gian tới chúng ta phải xây dựng chiến lược để làm sao rút ngắn khoảng cách giữa các ngân hàng trong nước với các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

 

PV: Ông vừa nói đến việc các ngân hàng Việt Nam phải tìm cách rút ngắn khoảng cách với ngân hàng nước ngoài. Vậy theo ông, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng Việt Nam với ngân hàng nước ngoài sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Hưởng: Qua thời điểm khó khăn này sẽ có cuộc bứt phá mạnh mẽ giữa các ngân hàng và cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Ở nhiều nước trên thế giới đã đúc kết, cứ sau một cuộc khủng hoảng hay khó khăn về kinh tế thì lại chuyển sang một chu kỳ phát triển. Nếu như qua những khó khăn đó, ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp nói chung biết nhìn nhận những khó khăn, biết hướng đi thì sẽ là cơ hội để vươn lên.

Theo tôi sẽ có 4 yếu tố liên quan đến cạnh tranh giữa ngân hàng “nội” và “ngoại” và hiện nay vẫn chưa “cân sức” là: Quy mô tổng tài sản, hệ thống công nghệ, nguồn nhân lực và quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Xét về 4 yếu tố trên, ngân hàng Việt Nam còn yếu hơn so với các ngân hàng quốc tế, chính vì thế trước mắt chúng ta nên chú trọng và đi sâu vào việc đào tạo nguồn nhân lực và hiện đại hoá công nghệ thì sức cạnh tranh giữa ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài sẽ ngắn dần.

 

PV: Thưa ông, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, các ngân hàng Việt Nam đang tập trung quá nhiều ở thành thị và rất ít ở các vùng nông thôn. Là ngân hàng ra đời sau, vùng nông nghiệp, nông thôn có nằm trong kế hoạch phát triển của LienVietBank?

Ông Nguyễn Đức Hưởng: Nông nghiệp – nông thôn – nông dân là một trong những môi trường kinh doanh mới và có nhiều tiềm năng của các ngân hàng. Nhưng hiện nay trong hệ thống NHTM chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là đã tiếp cận phục vụ tốt các đối tượng này. Theo tôi, khi nguồn vốn dồi dào phải trung chuyển từ khu thành thị về khu vực nông thôn, vì cứ cho vay ở khu vực thành thị thì có thể sẽ dẫn đến việc thua lỗ do nguồn nhiều quá. Chính vì thế, cho vay vùng nông thôn, đặc biệt là các làng nghề sản xuất hàng xuất nhập khẩu, các ngân hàng cũng nên hướng tới.

Không phải ngẫu nhiên mà LienVietBank chọn trụ sở chính ở tỉnh Hậu Giang, một vựa lúa của đồng Bằng Sông Cửu Long. Và chính trụ sở này đã giúp chúng tôi gặt hái được những kết quả thành công bước đầu.

 

PV: Là một đơn vị tham gia Triển lãm Ngân hàng - Tài chính – Bảo hiểm năm nay, ông đánh giá như thế nào về Triển lãm này?

Ông Nguyễn Đức Hưởng: Triển lãm là dịp để các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng - Bảo hiểm quảng bá hình ảnh không phải chỉ của riêng một ngân hàng mà còn là của thống ngân hàng. Ngoài ra, nó còn thể hiện sự nhận thức về cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Để hình ảnh của ngành Ngân hàng Việt Nam được quảng bá rộng hơn nữa thì triển lãm cũng cần phải được tổ chức quy mô rộng hơn nữa và địa điểm tổ chức có thể vươn ra cả ở miền Trung và miền Nam để người dân, doanh nghiệp ở các địa phương này thấy được sự phát triển lớn mạnh của lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong những năm qua.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Bình (thực hiện)

Số lượt đọc: 4 Cập nhật lần cuối: 03/02/2013