LienVietBank đi đúng mục tiêu cam kết với cổ đông
Trụ sở LienVietBank tại Hà Nội
LienVietBank cũng công bố kết quả kinh doanh, bước đầu khả quan qua 1 tháng hoạt động đầu tiên của mình. Báo Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt xung quanh việc Ngân hàng “xung phong” thời “bão” tỷ giá và lạm phát.
LienVietBank chính thức bước vào hoạt động trong bối cảnh ngành tài chính, ngân hàng gặp cơn “bão” tỷ giá, lạm phát. Theo ông, đó là thuận lợi hay khó khăn?
Đã gặp “bão” thì cơn bão nào cũng nguy hiểm, nhưng “bão” tỷ giá và lạm phát là loại bão đặc biệt nguy hiểm vì sức càn quét cực mạnh, ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội không chỉ dừng ở một quốc gia…. Chính vì vậy, LienVietBank ra đời trong bối cảnh này gặp khó khăn là chính.
Khó khăn nổi bật là lạm phát và tỷ giá đã làm suy yếu năng lực sản xuất của nhiều doanh nghiệp và hộ kinh tế gia đình, mà đây chính là đối tượng khách hàng quan trọng của tất cả các ngân hàng nói chung, LienVietBank nói riêng.
Thua lỗ, mất vốn là căn bệnh trầm kha, dễ truyền nhiễm trong nền kinh tế có “bão” lạm phát. Đối với một ngân hàng mới ra đời phải biết tổ chức phòng tốt mới “tránh” được. Nhưng tôi tin Chính phủ sẽ có giải pháp tháo gỡ những khó khăn hiện tại của cả nền kinh tế cũng như của ngành tài chính ngân hàng một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, “trong rủi có may, trong may có rủi”, LienVietBank ra đời trong hoàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và ngành tài chính ngân hàng nhưng cũng có cái “lợi” riêng. Đó là LienVietBank có thời gian nghiên cứu, đúc kết được những bài học thành công cũng như những hạn chế của các ngân hàng, doanh nghiệp đi trước, từ đó có những bài học tốt để kế thừa và phát huy, biết được hạn chế để kịp thời tránh.
Đồng thời, “cái khó ló cái khôn”, chúng tôi cũng ý thức được rằng đối với một tổ chức, điều kiện tiên quyết là phải tôn trọng tính hệ thống, làm việc bài bản và chuyên nghiệp, đối với bất kỳ việc gì dù nhỏ cũng phải trên cơ sở có kế hoạch, có chiến lược cụ thể, tôn trọng pháp luật và quy luật kinh tế.
Đặc biệt, lãnh đạo phải là những người có kiến thức, am hiểu thị trường, dám nghĩ, dám làm nhưng không “dám liều” và tôn trọng quản trị rủi ro trong mọi lĩnh vực hoạt động.
Qua 1 tháng hoạt động đầu tiên của LienVietBank, ông có thấy cần điều chỉnh gì trong những phương án, kế hoạch đã công bố với cổ đông?
Theo tôi, điều quan tâm lớn nhất của cổ đông gửi gắm cho những người điều hành như chúng tôi là hướng tới 2 mục tiêu an toàn và lợi nhuận.
Hai tiêu chí này, qua 1 tháng hoạt động tuy chưa nói lên điều gì nhiều, nhưng thay mặt HĐQT, Ban điều hành tôi xin nhắn nhủ các cổ đông là:
Chúng tôi đang điều hành LienVietBank đi theo đúng hướng hai mục tiêu trên, trước hết năm đầu tiên sẽ về đến đích tốt đẹp với doanh thu tháng đầu đã đạt 40 tỷ đồng. Khi điều hành, chúng tôi luôn đặt an toàn lên vị trí số 1, các yếu tố khác luôn xoay quanh 2 mục tiêu trên.
Một câu hỏi riêng tư: Đang là Giám đốc một chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cấp 1 hạng I rất thuận lợi, sao ông lại rẽ ngang?
Tôi vẫn đang đi đúng đường đã chọn, đó là chuyên tâm với nghề ngân hàng. Nhiệm vụ của tôi tại đây là cùng với HĐQT, ban điều hành của LienVietBank xây dựng LienVietBank thành một thương hiệu mạnh thực sự.
Riêng tôi, nhiệm vụ này phải gánh vác thêm cả trọng trách của AGRIBANK giao cho, bởi vì, hai ngân hàng là đối tác chiến lược quan trọng của nhau.
Xin cảm ơn ông!