Hệ thống kinh doanh: Mỏ vàng còn lãng phí
Hệ thống kinh doanh sẵn có của các DNNN là một tài sản lớn, song, giá trị của chúng hiện chưa được đánh giá hết. Thậm chí, rất nhiều giá trị đã không được tính đúng, tính đủ khi đưa vào hợp tác kinh doanh, đầu tư và cả trong quá trình đổi mới DN.
Để doanh nghiệp lớn mạnh, các DN nhất thiết phải mở rộng hệ thống kinh doanh của mình. Việc này đòi hỏi cần đầu tư tiền bạc và công sức... lâu dài, có khi mất cả chục năm trời. Nhiều DNNN đang có hệ thống kinh doanh rộng lớn - một giá trị, một lợi thế - mà đơn vị nào cũng thèm muốn nhưng không dễ làm được.
Những cú đột phá
Mới đây, Ngân hàng Ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt (LVB) tuyên bố chính thức đổi tên thành Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB). Sở dĩ có sự thay đổi này là do LVB đã thành công trong việc sáp nhập với Công ty Tiết kiệm Bưu điện. Đây là việc mà LVB đã theo đuổi từ mấy năm nay và được đánh giá một thành công tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển của ngân hàng mới này.
Sáp nhập với Công ty Tiết kiệm Bưu điện, LVB có hai cái lợi đáng kể.
Thứ nhất, ngân hàng được tăng vốn. Cụ thể, khi "kết hôn" với ngân hàng Liên Việt, Công ty Tiết kiệm Bưu điện sẽ mang theo số vốn góp 997 tỷ đồng, chiếm gần 15% vốn điều lệ. Trong đó, 360 tỷ đồng là giá trị của chính công ty, phần còn lại sẽ được Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) góp nhiều lần bằng tiền mặt. Điều này sẽ giúp ngân hàng tăng vốn từ 5.650 tỷ đồng trước sáp nhập lên 6.010 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều quan trọng là ngân hàng mới sẽ được hưởng lợi thế của một hệ thống phân phối kinh doanh từ Công ty Tiết kiệm Bưu điện. Cụ thể, ngân hàng với tên mới LPB được sử dụng 10.000 điểm giao dịch của Tiết kiệm Bưu điện trên toàn quốc, bao gồm cả những điểm đặt tại vùng sâu, vùng xa nhất Việt Nam, trong việc triển khai các hoạt động kinh doanh.
Sáp nhập với Công ty Tiết kiệm Bưu điện, LVB sẽ được hưởng lợi thế của một hệ thống phân phối kinh doanh của công ty này.
Tại huyện này, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã thành lập Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần để
hỗ trợ phát triển hạ tầng, sinh kế và thương mại cho cộng đồng dân tộc địa phương.
Lãnh đạo Ngân hàng Liên Việt cho biết, họ đã quyết tâm theo đuổi thương vụ này trong nhiều năm và phải đánh bại hàng chục đối thủ khác để có thành công. Nhưng, cái giá để có được đối tác này cũng không hề đắt khi phải trả mức giá cao gấp 4 lần giá trị của đối tác và chấp nhận xử lý khoản lỗ 145 tỷ đồng do Công ty Tiết kiệm Bưu điện để lại.
Một cựu lãnh đạo LVB - người đích thân đi đàm phán thương vụ này - khi hợp đồng mới chỉ thống nhất về nguyên tắc, đã khẳng định đây là một thắng lợi lớn và tỏ ra rất hả hê trong việc được quyền khai thác tại 10.000 điểm giao dịch. Theo ông, trước mắt sẽ khó có thể nhận hết và một lúc khai thác ngay được hệ thống này, nhưng đây là lợi thế lớn mà một ngân hàng mới thành lập có mơ cũng không thể nghĩ đến, nếu không có vụ sáp nhập này.
Được biết, trong số các điểm giao dịch, sẽ có những điểm được nâng cấp đưa vào khai thác ngay, có điểm duy trì và đầu tư cho phát triển trong tương lại hay có những điểm không phù hợp, phải bỏ. Và để khai thác hiệu quả hệ thống này, cần đầu tư nhiều tiền bạc, công nghệ và con người.
Nhưng rõ ràng, vụt chốc, một ngân hàng cổ phần nhỏ bỗng biến thành "khổng lồ" nhờ có được một hệ thống kinh doanh lớn. Mà trong kinh doanh tiền tệ, ngân hàng có hệ thống kinh doanh lớn nhất hiện nay là Agribank, sau hàng chục năm phát triển, nhưng cũng chỉ có số lượng điểm giao dịch tương đương.
Trước đó, dù không đình đám bằng nhưng một số ngân hàng cũng được hưởng lợi từ hệ thống kinh doanh mà chủ đầu tư có được. Đó thường là những DNNN lớn. Đáng kể nhất là Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex.
Từ một ngân hàng cổ phần nông thôn, nhờ sự đầu tư của Petrolimex và các đối tác khác, nó đã đổi phận trở thành ngân hàng cổ phần đô thị. Ngân hàng này cũng được hưởng lợi đáng kể khi tận dụng hệ thống kinh doanh rộng lớn của Petrolimex trên cả nước. Đến nay, người ta đã nhận thấy sự xuất hiện của PG Bank bên cạnh Petrolimex tại những điểm giao dịch truyền thống của Tổng công ty Xăng dầu. Dịch vụ của ngân hàng được nhiều người biết đến nhất chính là thẻ ATM kết hợp mua xăng dầu Flexicard.
PG Bank cũng tận dụng được hệ thống kinh doanh của Petrolimex.
Trong tương lai, chắc chắn việc khai thác hệ thống kinh doanh của Ngân hàng thương mại cổ phần Petrolimex cho các hoạt động ngân hàng sẽ còn song hành và mở rộng, bởi tổng công ty có hàng nghìn điểm kinh doanh trải rộng khắp cả nước và thương hiệu của Petrolimex chắc chắn đã được khẳng định.
Một số ngân hàng khác, dù không khai thác được nhiều hệ thống kinh doanh của các chủ đầu tư về điểm giao dịch, sự hiện diện thương mại, nhưng cũng khai thác được nhiều lợi thế về vốn, tín dụng và dịch vụ. Trong số đó, có thể kể đến An Bình với nhà đầu tư EVN, OceanBank với PVN.
Giá trị tiềm năng
Cách đây 2 năm, khi tiến hành cổ phần hóa Vietinbank, rất nhiều lợi thế của một ngân hàng quốc doanh được tiếp thị đến nhà đầu tư. Trong đó, có một thế mà chính Tổng giám đốc của Vietinbank đã nhiều lần tự hào chính là hệ thống kinh doanh rộng lớn của ngân hàng này.
Tính về số lượng, Vietinbank xếp thứ hai sau Agribank, nhưng xét về "chất lượng" thì Vietinbank có vẻ nhỉnh hơn. Nói như lãnh đạo của Vietinbank là họ có mặt khắp các tỉnh thành, có "sổ đỏ" và toàn chiếm vị trí đẹp ở trung tâm các đô thị, có vị thế mạnh ở các địa phương nó xuất hiện.
Nói về điều này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, dù công nghệ phát triển đã phát triển thêm nhiều dịch vụ qua mạng nhưng một trong những yếu tố quan trọng, đảm bảo kinh doanh thành công của các ngân hàng là phát triển hệ thông kinh doanh.
Tuy nhiên, để làm điều này không hề dễ. Mở một một điểm kinh doanh mới, ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chí chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước thì đòi hỏi đầu tư và chi phí duy trì rất lớn mà chưa chắc đã thành công. Rất nhiều các ngân hàng mới hiện nay đang chấp nhận hy sinh một phần hiệu quả hoặc lợi nhuận để tập trung phát triển hệ thống cho chiến lược tương lai.
Vì thế, việc kết hợp với các chủ đầu tư, nhất là các DNNN lớn có hệ thống kinh doanh được gây dựng và tích tụ từ nhiều chục năm, là một cách làm khôn ngoan mà nhiều người mong muốn. Và nhiều DNNN cũng đã ý thức được giá trị này trong việc hợp tác khai thác và tận dụng thế mạnh trong kinh doanh.
Đây là yếu tố hỗ trợ cho nhiều DN khi mở ra những hướng kinh doanh mới. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cách đây 3-4 năm bắt đầu việc phát triển hướng kinh doanh siêu thị. Vào thị trường khá chậm, nhưng nhờ nỗ lực và tận dụng được lợi thế về các địa điểm và vị trí giao dịch thuận lợi có từ trước trên địa bàn Hà Nội, cộng với hệ thống kinh doanh mạnh trong mua bán và phân phối hàng hóa nên Hapro đã nhanh chóng khẳng định được thế mạnh trong lĩnh vực bán lẻ.
Thừa nhận những lợi thế từ hệ thống kinh doanh sẵn có của các DNNN mang lại, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một tài sản lớn không dễ gì có được. Nếu không phải là các DNNN, không nhận được sự ưu ái, hỗ trợ thì không dễ gì xây dựng được. Giá trị của nó không chỉ là đất đai, nhà xưởng, con người mà quan trọng không kém chính là những lợi thế kinh doanh đã được tích lũy từ nhiều năm, mà không phải cứ có tiền là làm được.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra e ngại khi giá trị của hệ thống kinh doanh hiện nay vẫn chưa được đánh giá hết. Thậm chí, rất nhiều giá trị đã không được tính đúng, đủ khi đưa vào hợp tác kinh doanh, đầu tư và cả trong quá trình đổi mới DN.
Lo ngại trên đây không phải là không có cơ sở khi trên thực tế, đã có rất nhiều DNNN cổ phần hóa thời kỳ đầu nhưng giá trị lợi thế đất đai, thương hiệu... chưa được tính đến. Cho đến nay, đã có những quy định tính toán những giá trị này nhưng còn nhiều lúng túng và thiếu sót khiến cho nhiều lợi thế đất đai, giá trị được gây dựng từ nhiều năm với sự ưu đãi của nhà nước, đóng góp của nhiều thế hệ đã rơi rụng. Và như thế, lợi thế từ những hệ thống kinh doanh mà DNNN hẳn là một tiềm năng cần được đánh giá đúng hơn.
Theo vef.vn ngày 1/8/2011.