“Doanh nghiệp chỉ nên vay vừa phải để cầm cự”
Thưa ông, nếu đánh giá tổng quát hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong hơn ba tháng qua, ông sẽ nói gì?
Điểm nhấn đầu tiên trong hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước kể từ khi ngành ngân hàng có Thống đốc mới là ban hành quyết định hành chính gắn với chế tài xử phạt mà vụ việc xử lý các ngân hàng vi phạm trần lãi suất tiền gửi 14%/năm là một ví dụ.
Qua đó, buộc các ngân hàng phải chấp hành nghiêm kỷ luật của Ngân hàng Nhà nước, từng bước đưa hoạt động kinh doanh ngân hàng vào nề nếp, quy củ sau một thời gian dài lộn xộn. Thứ hai, tuyên bố “từ 7/9 đến hết năm 2011, Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh tỷ giá quá 1%” vừa đưa lãi suất cho vay về 17-19%/năm đã thành hiện thực.
Thứ ba, từ những kết quả bước đầu, Ngân hàng Nhà nước đã tạo được sự yên tâm và đồng thuận của cả hệ thống, làm cơ sở cho việc triển khai đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, điều mà nhiều năm trước, rất ít người trong bộ máy quản lý đề cập một cách công khai.
Điều đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành vụ hợp nhất ba ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank, SCB một cách bài bản, quyết liệt và không để lại tác động xấu cho thị trường, nhất là đối với tư tưởng, tâm lý người gửi tiền. Nhờ đó, đã ổn định được tâm lý cho khách hàng của các ngân hàng này và của cả thị trường.
Còn đối với hoạt động điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, ông có nhận xét gì?
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì trần lãi suất tiền gửi 14%/năm như trước đó nhưng không khống chế lãi suất tiền vay. Cơ chế này làm cho lãi suất tiền vay quá cao và kết chuyển vào giá bán hàng hóa, một nhân tố góp phần đẩy cao chỉ số CPI.
Tuy nhiên, điều đó cũng tạo ra hiệu ứng tích cực, ở chỗ: những ngân hàng nào cho vay lãi suất cao và doanh nghiệp chấp nhận giá vốn cao thì cả hai đều bị rơi vào tình cảnh “làm liều khó gặp lành”. Bởi vì, chỉ có doanh nghiệp với tình hình tài chính không tốt thì mới chấp nhận giá vốn ấy để tồn tại.
Nhưng, đó cũng là cơ sở để loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém; còn những ngân hàng mạo hiểm cho vay những khách hàng đó, sẽ khó thu hồi nợ, gia tăng nợ xấu và làm cho bảng cân đối tài chính ngày càng xấu thêm. Nói cách khác, đó là cơ hội để sàng lọc những ngân hàng và doanh nghiệp yếu kém ra khỏi thị trường một cách công bằng nhất.
Vay đủ để tồn tại
Nhưng như thế thì vô tình, mặt bằng lãi suất đó đã làm tổn thương đến cả những doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, ông nghĩ sao về thực tế này?
Trên thực tế, những ngân hàng hoạt động lành mạnh vẫn phải tìm cách lo cho khách hàng của mình trong lúc khó khăn, nên những khách hàng tốt, dự án tốt vẫn được vay lãi suất phù hợp.
Bởi ngân hàng phải tính xa rằng, khi khách hàng cần mình thì mình chỉ nên lấy lãi vừa phải để họ tồn tại và phát triển. Khi đó, doanh nghiệp vừa trả được nợ, vừa trả được lãi và ngân hàng kinh doanh hiệu quả.
Còn trong lúc khó khăn mà ngân hàng bỏ mặc doanh nghiệp thì đến lúc khó khăn qua đi, ngân hàng rất khó mời doanh nghiệp trở lại với mình.
Ngược lại, khi thị trường kinh doanh không thuận lợi thì doanh nghiệp không nên vay nhiều, chỉ nên vay ở mức độ vừa phải để cầm cự. Tôi từng chứng kiến những doanh nghiệp đáng lẽ vay 5 tỷ thì vay tới 10 tỷ đồng và một thời gian sau đều bị phá sản.
Nói cách khác, trong hoàn cảnh khó tiếp cận vốn vay như hiện nay, tôi cho rằng, các doanh nghiệp nên hạn chế vay, vay chỉ đủ để tồn tại và lấy đó làm cơ hội để tái cơ cấu lại chính hoạt động của mình.
Từ vụ hợp nhất Ficombank, TinNghiaBank, SCB, có ý kiến cho rằng, những đơn vị yếu hợp nhất với nhau sẽ rất rủi ro vì sau hợp nhất, sẽ xuất hiện một đơn vị yếu có quy mô lớn. Quan điểm của ông như thế nào?
Cũng không hoàn toàn như thế. Trên thực tế, có những ngân hàng “yếu so le” khi hợp nhất với nhau, sẽ trở thành ngân hàng mạnh.
Chẳng hạn, một ngân hàng mạnh nguồn vốn nhưng hạn chế cho vay vì thiếu khách hàng tốt nếu được kết hợp với ngân hàng mạnh về khách hàng nhưng nguồn vốn chưa tốt thì khi hợp nhất, họ sẽ bổ trợ cho nhau. Theo đó, ngân hàng dư vốn đẩy sang ngân hàng có khách hàng tốt và ngược lại. Vì thế, những ngân hàng có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau thì khi hợp nhất sẽ tốt hơn là đứng riêng lẻ.
Còn chuyện “rủi ro lớn hơn khi hợp nhất” như nói trên thì tôi thấy, cần có sự rạch ròi ở đây. Nếu là giải thể thì quyền lợi khách hàng có thể bị ảnh hưởng vì theo luật, phần tài sản sau đánh giá sẽ được phân bổ tỷ lệ cho từng chủ nợ theo trật tự ưu tiên. Ví dụ, sau khi sáp nhập, ngân hàng có 100 tỷ đồng tài sản nhưng nợ tới 1.000 tỷ đồng thì chia bình quân, mỗi người chỉ được một cơ số phần trăm nhỏ nhoi nào đó.
Nhưng với hợp nhất thì không hề ảnh hưởng tới khách hàng. Nếu có ảnh hưởng thì chỉ ảnh hưởng tới vốn điều lệ và các cổ đông bị thiệt thòi. Chẳng hạn, giá mua cổ phần trước đây là “1.0” thì nay giá chỉ còn “0.8”, còn khách hàng thì hầu như không bị ảnh hưởng gì.
Nhà nước nên quản lý triệt để thị trường vàng
Hơn ba tháng nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa kiểm soát được thị trường vàng như mong muốn, bằng chứng là giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới trên 3 triệu đồng/lượng, cùng đó, giá trong nước lên xuống rất thất thường. Ông đánh giá cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước như thế nào?
Sự phức tạp trên thị trường vàng chính là các chủ thể tham gia, từ các cửa hàng kinh doanh vàng đến ngân hàng, doanh nghiệp lớn vừa sản xuất, gia công chế tác, vừa kinh doanh mua đi bán lại. Để quản lý được cả hệ thống này trong điều kiện giá vàng thế giới quá bất ổn là điều không dễ.
Mặt được trong điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước gần đây chính là tính hiệu lực của cơ quan quản lý. Ở chỗ, khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu bán ra là các đơn vị chịu trách nhiệm bình ổn giá vàng phải bán ra.
Thời gian trước đây, mỗi khi các đơn vị bình ổn bán ra thì bán đến đâu hết đến đấy, bởi giới đầu cơ có khả năng tích trữ rất lớn; hơn nữa, do lệnh phát đi từ Ngân hàng Nhà nước đến thị trường có một khoảng cách thời gian khá lâu nên giới đầu cơ vẫn tìm cách trì hoãn tạo ra căng thẳng giả tạo và hiệu lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước không cao.
Tuy nhiên, gần đây, mệnh lệnh điều hành từ quản lý đến thị trường rất ngắn, đúng lúc và có cơ chế kiểm tra tức thì nên tình trạng trên đã không xảy ra. Ví dụ, ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu bán ra và cuối ngày bao giờ cũng kiểm tra xem có bán không, vì thế, các doanh nghiệp đều chấp hành nghiêm điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ đó, giá xuống ngay.
Tôi cho rằng, về lâu dài, Nhà nước nên quản lý toàn diện triệt để thị trường vàng. Các ngân hàng không nên mở rộng kênh kinh doanh vàng vì rủi ro lớn mà chỉ nên là đại lý mua vào bán ra theo lệnh của Ngân hàng Nhà nước.
Mặt khác, nếu ngân hàng cứ huy động - cho vay vàng thì hay có sự lẫn lộn qua lại giữa vàng - VND; vàng - ngoại tệ vì đó đều là tín dụng cả, đến lúc nào đó sẽ xảy ra rủi ro hàng loạt và nhiễm vào nhau. Như thế, còn tránh được hiện tượng đầu cơ tích trữ vàng ngay tại ngân hàng.
Cần bỏ cào bằng “room” tín dụng
Có ý kiến rằng, tái cơ cấu ngân hàng ở các ngân hàng thương mại đã bắt đầu triển khai nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải tái cơ cấu. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước có cần thiết phải nhiều chi nhánh ở 63 tỉnh thành như hiện nay?
Mô hình Ngân hàng Nhà nước đã bàn nhiều và được luật hóa. Trong điều kiện hiện nay, vẫn phải cần đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ở các địa phương vì không phải các vấn đề xảy ra ở chi nhánh của ngân hàng thương mại thì hội sở của họ đều nắm được.
Tuy nhiên, về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu mô hình thành lập Ngân hàng Nhà nước chi nhánh vùng, có nghĩa, một chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước có thể phụ trách mấy tỉnh, thay vì mỗi tỉnh có một chi nhánh như hiện nay. Hơn nữa, ở cơ sở chủ yếu là hoạt động thanh tra giám sát, không cần phải đầy đủ ban bệ như ở ngân hàng Trung ương.
Xung quanh vấn đề “room” tín dụng “dưới 20%”, Ngân hàng Nhà nước nên ứng xử với vấn đề này như thế nào trong năm 2012, thưa ông?
Tôi thấy, “room” tín dụng năm 2011 ở mức “dưới 20%” là tương đối chấp nhận được vì vẫn kiềm chế được lạm phát và ổn định được kinh doanh. Thế nhưng, việc cào bằng “room” đó cho mọi ngân hàng là điều cần sửa đổi trong năm tới.
Điều này dẫn đến tình trạng, có ngân hàng thừa “room” nhưng thiếu vốn nên không thể cho vay; ngược lại, có ngân hàng thiếu “room” nhưng dư vốn cũng không thể cho vay. Trong khi doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả vẫn cần vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng “dưới 20%” toàn ngành vẫn chưa thực hiện hết thì quy định như trên là không phù hợp, Ngân hàng Nhà nước cần phải sửa đổi.
Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước nên xử lý vấn đề này theo hướng linh hoạt, chẳng hạn: ngân hàng nào thanh khoản tốt, hệ số CAR cao, khả năng huy động vốn dồi dào thì nên cho họ một tỷ lệ tín dụng thích hợp với điều kiện của họ. Còn ngân hàng nào thanh khoản kém, hệ số CAR thấp, quy mô tài sản lỏng lẻo thì chỉ cho phép tăng tín dụng ở mức vừa phải.
Tất nhiên, tổng lượng hóa tăng trưởng tín dụng cả năm cũng chỉ trong phạm vi khống chế của Ngân hàng Nhà nước để tránh phá vỡ những mục tiêu khác.
Nguyễn Hoài