Mua ngân hàng 0 đồng - "Đánh chuột không vỡ bình"

TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank
 

“3 năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng” - 3 năm nhìn lại tuy rất ngắn nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đã bước một bước rất dài, đạt thành tựu lớn về quản lý kinh tế nói chung và thực hiện chính sách tiền tệ nói riêng. Điểm nhấn rất quan trọng là đã chinh phục được “những tảng băng, những đỉnh cao phức tạp”:

1. Lạm phát giảm từ gần 19% năm 2011 xuống mức dự báo dưới 2% năm 2015
2. Lãi suất: giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay từ trên 15% xuống dưới 10%
3. Vàng: ổn định thị trường vàng, đem lại hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách
4. Tỷ giá: góp phần ổn định tỷ giá, kích thích xuất nhập khẩu, giảm nhập siêu đáng kể
5. Tái cơ cấu ngân hàng với giải pháp đột phá:
+ Thành lập và triển khai hiệu quả Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC)
+ Mua Ngân hàng Thương mại Cổ phần với giá 0 đồng, thực hiện đúng định hướng xã hội chủ nghĩa: bảo vệ quyền lợi của nhân dân, không gây đổ bể hàng loạt các ngân hàng và gắn trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Quản trị và cổ đông vì quản lý ngân hàng không có hiệu quả; đây là giải pháp “đánh chuột không vỡ bình”
6. Thành quả bao trùm, nổi bật chính là giữ được niềm tin của người dân và doanh nghiệp tin tưởng vào chính sách tiền tệ nói riêng và cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung

Nhìn chung, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng trong thời gian qua đã có những tiến triển rất tốt, là thành tích lớn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với biện pháp mua bán nợ với VAMC và mua 0 đồng, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới cũng nhận định rằng đây là sáng kiến chưa có tiền lệ, kể cả ở Mỹ, một nước tư bản nhưng cũng thực hiện “Chính sách Xã hội chủ nghĩa” đó là dùng ngân sách để cứu các ngân hàng, nhưng Việt Nam lại không dùng ngân sách, bởi vậy đây là việc làm dù chưa có tiền lệ nhưng đã có hiệu quả thiết thực. 

Đặc biệt về vấn đề vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã đi ngược đám đông, đạp bằng mọi khó khăn, vượt qua dư luận và đã có công làm “biến mất” “đồng tiền thứ hai” đã ăn sâu trong tiềm thức nhiều thế hệ người dân Việt Nam, đó là mua bán, tích trữ vàng, làm chảy máu ngoại tệ trong thời gian vừa qua.

Gần 4 năm trước, trong tiềm thức của người dân Việt Nam có lẽ mãi mãi không bao giờ quên hình ảnh điển hình khi người dân vạ vật xếp hàng chờ rút tiền tại một số ngân hàng, thậm chí cán bộ ngân hàng phải cứu đói bằng cơm hộp, bánh mỳ tiếp sức cho người dân rút tiền trong lần tái cơ cấu đầu tiên qua hình thức hợp nhất3 ngân hàng: Đệ nhất (Ficombank) – Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB)… Còn hiện nay thì sao? Đến thời điểm vừa rồi có rất nhiều cuộc tái cơ cấu, sáp nhập, mua lại 0 đồng diễn ra êm ả, bình lặng. Nhiều người băn khoăn, đặt câu hỏi: 0 đồng nhưng có vấn đề gì không? 

Riêng vấn đề nợ xấu, đã đến lúc nợ xấu… không còn xấu lắm, vì VAMC mua những khoản nợ xấu rất “ngon lành”, giá tăng bất cứ lúc nào nên giống như một loại “đồ cổ đặc biệt” vì càng để lâu càng… có giá, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang dần ấm lên, khả năng thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại sẽ không khó khăn như những năm trước đây.

Về kiến nghị, tôi mạnh dạn có 2 kiến nghị như sau:

- Thứ nhất, tiếp tục tái cơ cấu bằng cách tái cơ cấu từ gốc, đó là sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng và quy định về hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần, ví dụ: xem xét nen có đại diện vốn của nhân dân trong Hội đồng Quản trị của các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nhà nước nên cử đại diện trong các ngân hàng thương mại cổ phần; thậm chí khi vốn tăng lên nhiều lần, khi bỏ phiếu đại diện của vốn nhân dân cũng nên theo tỷ lệ vốn nhất định để bảo vệ quyền lợi của người dân… 
- Thứ hai, thời gian qua, việc tăng trưởng tín dụng có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế và trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhưng cần thận trọng đề phòng với “chu kỳ luẩn quẩn”. “Chu kỳ luẩn quẩn” ở Việt Nam bắt đầu từ lạm phát, lãi suất cao bất ngờ, phải khoán huy động vốn, sauđó giảm phát lại khoán cho vay, thi nhau chào lãi suất thấp; sau giảm pháp thừa nguồn sẽ dẫn đến kịch bản các ngân hàng thi nhau ký hợp đồng tín dụng, khoán cho vay dẫn đến thừa nguồn, tăng lãi suất, lạm phát và tỷ giá bị đe dọa, bẫy thanh khoản xuất hiện…
Số lượt đọc: 14 Cập nhật lần cuối: 06/10/2015