M&A ngân hàng bắt đầu sôi động

Cuối tuần trước, thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) lớn nhất trong năm 2011 của ngành NH đã được công bố: NHTMCP Liên Việt chính thức đổi tên thành NH Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) sau khi Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) trở thành cổ đông lớn nhất của NH này. Đây được coi là điểm nhấn quan trọng, khởi đầu cho một giai đoạn sôi động của hoạt động M&A NH tại Việt Nam.

 

Điểm nhấn

 

Đây là thương vụ M&A lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2011. Có 3 bài học được rút ra từ thương vụ này, đó là “đàm phán kỹ nhất, thời gian ngắn nhất và mục tiêu lớn nhất”. LienVietPostBank là sự kết hợp của 2 thương hiệu để tạo ra một giá trị lớn. Với việc áp dụng mô hình NH bưu điện đầu tiên ở Việt Nam, LienVietPostBank cũng xác định thay đổi chiến lược kinh doanh: Từ một NH đầu tư, bán buôn, kết hợp với bán lẻ đa năng, chuyển sang mục tiêu trở thành NH bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

TS. NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG,
Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank

Ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng giám đốc VNPost giải thích: “Thương vụ trên không nên hiểu là LienVietBank mua lại hệ thống tiết kiệm bưu điện của VNPost, hay hệ thống tiết kiệm bưu điện sáp nhập với LienVietBank. Bản chất của thương vụ này là VNPost góp vốn vào LienVietPostBank bằng giá trị Công ty Tiết kiệm bưu điện (360 tỷ đồng) và góp vốn nhiều lần bằng tiền mặt để tăng tổng số vốn thuộc sở hữu của VNPost tại NH này lên 997 tỷ đồng, tương đương 14,9% vốn điều lệ”.

Sự chuyển đổi chiến lược là có lý do. Bởi lẽ, với hệ thống tiết kiệm bưu điện, LienVietPostBank sẽ trở thành NH có mạng lưới rộng nhất, có mặt tại những xã vùng sâu, vùng xa nhất với hơn 10.000 điểm giao dịch trên cả nước.

Bước đầu, sẽ có khoảng 800 điểm giao dịch của hệ thống tiết kiệm bưu điện được đào tạo, trang bị và cung cấp các sản phẩm dịch vụ NH đơn giản, phổ biến. Tiếp sau đó, theo lộ trình cứ mỗi năm LienVietPostBank sẽ phát triển thêm khoảng 1.000 điểm giao dịch tại các bưu cục của VNPost, để đến năm 2018 đạt con số 10.000 điểm giao dịch trên toàn quốc.

“Trong các thương vụ M&A ngành NH, thách thức lớn nhất là yếu tố con người, nhân sự chứ không phải là giá trị mua bán” - ông Hưởng chia sẻ.

Tái cấu trúc mạnh mẽ

Với điểm nhấn LienVietPostBank, hoạt động M&A trong ngành NH nước ta đã thực sự diễn ra một cách sôi động. Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), các thương vụ M&A năm sau luôn cao hơn năm trước, trong đó lĩnh vực tài chính - NH vẫn chiếm nhiều nhất.

Trên thực tế, hệ thống quá nhiều NH và năng lực tài chính giữa các NH quá chênh lệch là một yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động M&A trong ngành NH nước ta. Trong 10 kiến nghị gửi Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII đã nhấn mạnh yêu cầu tái cấu trúc hệ thống NH trong thời gian tới.

 

Ông Phạm Long Trận, Chủ tịch HĐTV của VNPT, phát biểu tại lễ ra mắt LienVietPostBank.

Cuối năm 2010, có 10 NH chưa tăng đủ mức vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng theo quy định được Chính phủ cho kéo dài lộ trình tăng vốn thêm 1 năm. Theo nguồn tin từ NHNN, đến thời điểm này chỉ còn 5 NH chưa đạt mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.

Hiện nay thị trường chứng khoán đang khá ảm đạm, do đó kế hoạch phát hành cổ phiếu của NH chưa đủ mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng không tránh khỏi bất lợi. Vì thế, nhiều NH hướng tới một giải pháp khác là tìm đến các đối tác chiến lược. Giải pháp này cũng được nhiều NH lớn (đã đạt số vốn trên 3.000 tỷ đồng) lựa chọn để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính và quản trị.

 

Tới đây, NH nào quá yếu cần phải bị đào thải. Vấn đề tái cơ cấu được đặt ra khá lâu. Hiện nay đã có đề án và NHNN cũng chuẩn bị lâu rồi, nhưng cần phải có quá trình vì tính chất phức tạp và nhạy cảm của nó. Đã đến lúc điều kiện tương đối chín muồi để có thể thực thi các giải pháp quyết liệt hơn.

Ông VŨ VIẾT NGOẠN,
Tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Mới đây, SouthernBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho đối tác UOB với tỷ lệ sở hữu cổ phần 20% thay vì 15% trước đó. Tương tự, VIB cũng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 4.250 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho Commonwealth Bank, với tỷ lệ sở hữu cổ phần CBA được nâng từ 15% lên 20%. Một số thương vụ lớn hơn, như IFC mua 10% của VietinBank; VietinBank dự kiến bán tiếp 15% cổ phần cho Bank of Nova Scotia của Canada vào quý III năm nay. Trong khi mới đây có tin Vietcombank đang có kế hoạch bán 15% cổ phần cho cho NH Mizuho của Nhật.

Hoạt động M&A trong lĩnh vực NH là một xu hướng tất yếu, nhưng theo TS. Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, cho dù đang khá sôi động và đã có hành lang pháp lý (Thông tư 04/2010/TT-NHNN quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng), nhưng vẫn cần những quy định  cụ thể hơn và ý chí của các cơ quan quản lý cũng cần quyết liệt hơn.

Chỉ có như vậy, hoạt động M&A trong lĩnh vực NH mới phát triển theo hướng công khai, minh bạch, đem lại lợi ích chung cho nền kinh tế.

Số lượt đọc: 13 Cập nhật lần cuối: