LienVietPostBank: “Thánh Gióng” ngành ngân hàng!

Theo đại diện HĐQT Ngân hàng Liên Việt, sự tham gia góp vốn của Tổng Công ty Bưu chính VN sẽ mở ra cơ hội để ngân hàng này “rút ngắn” tới 100 năm trong việc phát triển mạng lưới.

Bước tiến…100 năm về mạng lưới

Sự kiện ngày 29/7/2011 Ngân hàng Liên Việt (LienVietPostBank) công bố tên gọi, thương hiệu mới: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) được nhận định là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lớn đối với quá trình phát triển của cả Ngân hàng Liên Việt và Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost).

Cụ thể, ngày 1/7/2011, Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) được chuyển giao về Ngân hàng Liên Việt. Điều này đồng nghĩa với việc VietnamPost chính thức góp vốn vào ngân hàng bằng giá trị VPSC, tương đương 360 tỷ đồng.

 

Dự kiến đến năm 2018, mạng lưới của LienVietPostBank sẽ được mở rộng tới hơn 10.000 bưu cục và điểm BĐVHX.

Với LienVietBank, theo Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Hưởng, việc Bưu chính VN tham gia góp vốn đã mang lại nhiều lợi ích cho Liên Việt. Nhiều người đã liên tưởng bước phát triển của LienVietBank sau khi sáp nhập VPSC với truyện “Thánh Gióng”, bởi lẽ sự kết hợp này đã đưa Liên Việt phát triển mạnh mẽ, cụ thể: vốn điều lệ đã tăng thêm từ 5.650 tỷ đồng lên 6.010 tỷ đồng; tổng tài sản từ 45.000 đã tăng lên hơn 51.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, sự liên kết, hợp tác với VietnamPost, đã mở ra cơ hội để Ngân hàng Liên Việt vươn lên trở thành ngân hàng có mạng lưới rộng nhất. Thời gian tới, nếu khai thác tốt mạng lưới của Bưu chính VN, LienVietPostBank sẽ có hơn 10.000 điểm giao dịch ngân hàng trên mạng lưới bưu chính, kết nối tới tận huyện, xã. Hơn thế, tất cả các điểm phục vụ của VietnamPost đều nằm ở “km số 0”, vị trí trung tâm, đắc địa nhất tại các tỉnh, thành phố cũng như huyện, xã. “Nếu thực hiện được mục tiêu này, mạng lưới của LienVietPostBank sẽ phát triển “vượt trước” ít nhất 100 năm”, ông Hưởng nói.

Lợi ích cho bưu chính

Về phía Bưu chính VN, ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng Giám đốc VietnamPost khẳng định, lợi ích của Bưu chính cũng khá rõ. Bởi lẽ, trước thời điểm sáp nhập vào ngân hàng, Công ty VPSC trực thuộc VietnamPost không được hoạt động đầy đủ với chức năng ngân hàng, chỉ cung cấp duy nhất dịch vụ tiết kiệm bưu điện, và “đầu ra” lượng tiền gửi VPSC huy động được là Ngân hàng Phát triển VN.

Do hạn chế này, hạch toán một cách thật đầy đủ thì VPSC chưa chắc đã có lãi. Đây là khó khăn không nhỏ đối với VietnamPost, nhất là trong bối cảnh Bưu chính tách ra hoạt động độc. Do đó, VPSC cần phải được chuyển hóa, hòa đồng và thêm vào các chức năng hoạt động của ngân hàng là cần thiết.

Mặt khác, theo ông Bình, cùng với việc VPSC sáp nhập vào LienVietBank theo hình thức Bưu chính góp vốn, LienVietPostBank và Bưu chính VN sẽ kết hợp được thế mạnh của mạng lưới bưu chính được nhà nước đầu tư hơn 60 năm qua, với hoạt động của ngân hàng nhằm khai thác, phát huy hiệu quả của mạng lưới. Mạng lưới này rộng tới tận xã, nếu chỉ cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản thì hiệu quả sẽ không cao.

“Với sự kết hợp này, việc “thêm vào” các dịch vụ tài chính ngân hàng, sẽ phát huy hiệu quả mạng lưới, tăng nguồn thu cho Bưu chính VN, góp phần giảm gách nặng bù lỗ, hỗ trợ cho các dịch công ích của Nhà nước. Quan trọng hơn, với mạng lưới ngân hàng bán lẻ rộng khắp sẽ được thiết lập, mở rộng thời gian tới, sẽ đưa các dịch vụ, tiện ích của ngân hàng về gần với người dân nông thôn hơn, mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng, xã hội và nhất là những người dân vùng sâu, vùng xa”, ông Bình nhấn mạnh
 

ICTnews

 

Số lượt đọc: 2 Cập nhật lần cuối: