Giải pháp đột quá phát triển kinh tế miền Trung

Kính thưa: -    Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ
-      Ông Vương Đình Huệ - Ủy viên TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế trung ương
Kính thưa Đoàn chủ tọa, kính thưa các vị khách quý!
Thay mặt Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tôi xin chúc diễn đàn không thành công chung chung như các Hội nghị khác ta thường gặp vì thành phần Hội nghị Diễn đàn hôm nay rất hoành tráng, toàn những người có tâm với miền Trung và thời điểm tổ chức diễn đàn rất phù hợp để miền Trung được nhờ. Xin chúc mừng!
Nói về miền Trung tất cả chúng ta ai cũng biết:
-        Khúc ruột miền Trung
-        Miền Trung anh hùng
-        Đôi vai gánh hai đầu Nam – Bắc
-        Và rất nhiều khẩu hiệu dốc sức cho miền Trung…

Nhưng làm cho miền Trung chúng ta đã làm được gì?... Rất nhiều, rất nhiều những nghiên cứu thông qua các chỉ số mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa nhắc đến đã cho thấy các chỉ số phát triển miền Trung của chúng ta đều thấp. So với yêu cầu, với tầm vóc, với đời sống người dân...thực chất chúng ta chưa làm được gì đáng kể vì chúng ta chưa xây dựng được thể chế cụ thể trong nhiều lĩnh vực, cơ chế xin cho; số lượng người nghèo và quá nghèo còn rất nhiều; nguyên nhân chủ yếu là quy hoạch còn lộn xộn, chắp vá và thiếu khoa học.

Do vậy, tôi xin đề xuất mấy giải pháp đột phá sau:
Thứ nhất, các tỉnh, ngành, cấp, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu văn hóa du lịch miền Trung… Nếu ra nước ngoài hỏi người nước ngoài biết gì về Việt Nam thì có 3 vấn đề truyền miệng mà đa số mọi người biết về Việt Nam là:
-        Việt Nam là bùm bùm (giai đoạn chiến tranh)
-        Việt Nam là zô zô (uống uống) – thời điểm hòa bình
-        Việt Nam là phở (món ăn) và “rất phở” (cách làm ăn không bài bản, 
          không tin tưởng  được).
Tôi và nhiều người Việt Nam ai cũng biết miền Trung là địa danh du lịch thiên đường so với nhiều nơi khác trên thế giới, nhưng hầu hết khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài khi đến miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung 1 lần thì rất ít người quay lại lần thứ 2. Nguyên nhân bởi cách làm du lịch thiếu văn hóa, không chuyên nghiệp, mất vệ sinh…Rất hiếm người làm du lịch bằng “Cái Tâm”.

Thứ hai, muốn đột phá thì ngành du lịch miền Trung phải chọn một nơi làm thí điểm cho người Việt Nam vào Casino…có nhiều người cũng biết, tôi là người đầu tiên phát biểu trên báo về “cho người Việt vào casino” (bài viết “Kích cầu qua vốn ưu đãi và… casino” đăng trên VnEconomy.vn, số đăng ngày 27/12/2012), bởi việc này sẽ giúp hạn chế chảy máu ngoại tệ của đất nước  (theo tính toán của các nhà cái: mỗi năm Việt Nam mất khoảng 10 tỷ$), bên cạnh đó là thu hút được nhà đầu tư nước ngoài và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, cho phép người Việt Nam vào casino sẽ giúp các nhà quản lý dễ dàng hơn trong việc nắm rõ lai lịch cũng như địa điểm casino mà người chơi Việt thường lui tới.

Tuy nhiên, để hạn chế người Việt Nam vào casino, chúng ta có thể thu một khoản phí vào cửa  khoảng 300$ - 500$/người/lần, khoản phí này có thể được sử dụng cho các quỹ hỗ trợ vì người nghèo, và casino ở Việt Nam chỉ nên xây dựng ở nơi hải đảo, vùng đất cằn cỗi để thu hút vốn đầu tư vào những nơi khó khăn về phát triển kinh tế và đi lại, chỉ dành cho khách du lịch và người nhiều tiền mới bước chân đến được (không kích thích những người ít tiền ở Việt Nam chơi casino).

Thứ ba: Về sản phẩm chuyên biệt, các NHTM phải có sản phẩm tín dụng chuyên biệt phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện phát triển kinh tế của từng địa phương. Ví dụ, ở Tây Nguyên hiện nay đang phát triển rất mạnh các cây công nghiệp như cà phê, tiêu, điều…, tuy vậy Tây Nguyên nên ưu tiên nghiên cứu phát triển cây mắc – ca có thể thay thế được cây cà phê trong tương lai. Vì cây mắc - ca được coi là hoàng hậu của các loại hạt. Chính vì vậy, các NHTM phải kết hợp cùng các cơ quan nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế và các bộ ngành, đi sâu vào nghiên cứu cây mắc-ca này, và nếu đầu tư mạnh vào cây mắc – ca thì hiện nay các thị trường Úc, Trung Quốc, Nhật Bản tiêu thụ rất tốt và có hiệu quả hơn hẳn cây cà phê. Nếu đầu tư dài hơi, có vốn trung dài hạn từ 10-15 năm thì đầu tư vào lĩnh vực này sẽ có nguồn vốn lâu dài và thị trường vốn ngắn hạn trong tương lai rất lớn. Đấy là sản phẩm chuyên biệt cho Tây Nguyên. Ngoài ra nên phát triển nghề cá, công nghiệp ô tô và các ngành hỗ trợ, khai thác du lịch ở khu vực duyên hải miền Trung.

Thứ tư: Về những giải pháp vốn cho doanh nghiệp miền Trung, tôi thấy trong điều kiện hiện nay là lúc dễ thu hút vốn nhất để mở rộng đầu tư. Do đó, Nhà nước nên phát hành trái phiếu miền Trung chẳng hạn. Nếu phát hành được trái phiếu với những dự án hiệu quả thì giai đoạn này sẽ thu hút được vốn rất lớn cho miền Trung; hai là khi có cơ sở hạ tầng tốt thì các nhà đầu tư mới vào mạnh, kể cả cảng biển, ví dụ như cảng Lý Sơn, nếu có cảng tốt thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ vào. Chúng ta không thể kêu gọi các nhà đầu tư khi không có đường đi. Đấy là một điều rất đơn giản nhưng lâu nay chúng ta không làm.
Một vấn đề nữa, Nhà nước phải có chính sách đột phá. Hiện nay, nền kinh tế vẫn chưa tìm thấy lối thoát khi mà ngân hàng thì đang thừa nguồn, còn doanh nghiệp với địa phương thì lại thiếu vốn. Vì thế, mấy năm nay, bài toán trên vẫn chưa thể nào giải được.

Ngoài ra, trong lúc kinh doanh khó khăn thì xu hướng hình sự hóa kinh tế lại trỗi dậy. Cũng vì thế, tất cả các ngân hàng, nhất là các ngân hàng có yếu tố nhà nước đều ngại đầu tư tín dụng vì sợ bị quy vào tội thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái, mà thực sự là nền kinh tế khó khăn thật nên đầu tư gặp rất nhiều rủi ro, đa số các ngân hàng nghĩ là để tiền “trong tủ[1]” cho chắc chắn, sau này kinh tế hồi phục rồi tính tiếp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng chỉ tăng trưởng hơn 3% trong 7 tháng vừa qua. Tôi có một đề xuất đột phá là, có hai cách:
Một là VAMC không chỉ can thiệp sau khi có nợ xấu (tức là mua nợ trực tiếp) mà áp dụng hình thức mua nợ tương lai – bảo lãnh ngay lúc bắt đầu đầu tư, tức là có thêm chức năng bảo lãnh cho một số dự án có hiệu quả, nếu có vấn đề thì mua nợ ngay. Với vấn đề này, đó là một biện pháp đột phát mà chưa có ai đề xuất.
Hai là, trong giai đoạn hiện nay, trong lúc chưa huy động được nguồn vốn từ trái phiếu, công trái Chính phủ thì Chính phủ đứng ra bảo lãnh một số dự án kinh tế thông qua Bộ Tài chính, kể cả dự án an ninh quốc phòng để các ngân hàng mạnh dạn rút vốn ra để đầu tư. Và khi ngân hàng bỏ vốn ra để đầu tư thì có môi trường, có điều kiện kinh doanh để kinh tế phát triển. Việc bảo lãnh của Chính phủ chỉ là một đòn tâm lý để làm vững chắc niềm tin của các nhà đầu tư và các ngân hàng, thế thì mới khơi thông được dòng vốn ở miền Trung này. Nhờ đó, các ngân hàng sẽ không còn kinh doanh đơn thuần mà phải nghiên cứu các sản phẩm chuyên biệt cho miền Trung.

Thứ năm: Kinh tế quốc phòng chưa có sự đầu tư thỏa đáng. Ví dụ, gần đây, khi Trung Quốc mang giàn khoan hạ đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì mới lộ ra một thực tế đáng ngại là đất liền đang rất thiếu trách nhiệm với biển đảo. Ở Lý Sơn, chỉ vỏn vẹn 10 cây số vuông nhưng dân số lên tới 22 nghìn người, trung bình 2 nghìn người/km2 – một kỷ lục của cả nước. Chưa kể ở đó thiếu thốn đủ thứ. Nếu như chúng ta mở rộng cơ sở hạ tầng theo hướng khai thác du lịch thì tự nhiên kinh tế của nhân dân Lý Sơn sẽ phát triển lên. Tôi đề nghị biến toàn bộ các bờ kè xung quanh đảo Lý Sơn thành con đường du lịch, và bên cạnh con đường du lịch thì những người dân nghèo ở đó sẽ mở các shop kinh doanh, để cho du khách trú chân và kích thích tiêu dùng. Và chỉ cần thế thôi thì vòng quanh đảo đã có một lượng lớn người lao động được hưởng, và có thể thu hút thêm gấp đôi lượng khách du lịch đến đây.

Ngoài ra, con đường đó còn là sự kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, kiêm thêm chức năng chắn sóng. Nhờ đó, người dân có thêm nguồn thu, sinh cảnh đẹp, người dân yên tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Tôi cứ nghĩ, giải phóng mấy chục năm rồi, đáng lẽ con đường đó đã phải làm từ lâu. Chưa kể là đến giờ Lý Sơn vẫn chưa có lưới điện quốc gia. Sáng hôm qua, tôi đã gặp trực tiếp và hỏi người dân đảo Lý Sơn, thì họ nói khi họ đi đánh cá ở đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì thấy Trung Quốc xây dựng như một thành phố lớn, trong khi Lý Sơn chỉ cách đất liền một giờ đi tàu mà vẫn để lụp xụp. Dù với bất cứ lý do gì, cũng đừng đổ lỗi cho kinh tế khó khăn vì Lý Sơn không những mang lại ý nghĩa kinh tế, văn hóa, chính trị mà còn cả vấn đề an ninh quốc phòng rất lớn. Tôi đề nghị có một hội thảo lớn về phát triển đảo Lý Sơn trong tương lai.

Cuối cùng tôi xin đọc lại nguyên văn một đoạn trong bài phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Mặc dù có rất nhiều cố gắng và nỗ lực nhưng do nước ta còn thiếu các thể chế về kinh tế vùng và liên kết vùng cũng như cơ chế điều phối vùng nên việc liên kết vùng và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của các vùng trong cả nước nói chung cũng như Vùng kinh tế các tỉnh Duyên hải miền Trung còn rất hạn chế”.

Tôi mong muốn những cơ chế còn thiếu trên sẽ có đủ trong thời gian tới và các Hội nghị lần sau sẽ không nhắc lại những tồn tại cũ, đó cũng là một trong những nguyên tắc, bí quyết của Quản trị, Điều hành có hiệu quả.  
 

[1] Tiền ngân hàng để trong tủ tức là: ngân hàng đầu tư vào những lĩnh vực lãi suất thấp nhưng bảo toàn vốn.

 

Số lượt đọc: 22 Cập nhật lần cuối: 20/08/2014