“Có thành tâm, Sẽ thành công”

“Cẩm Khê - Phú Thọ, quê tôi nghèo lắm. Nhưng chính vùng quê nghèo này đã thôi thúc tôi luôn nỗ lực hết mình, cố gắng vươn lên làm giàu. Tôi nghĩ, cái thắng lợi lớn nhất của tôi là có một xuất phát thấp điểm giúp tôi nung nấu ý chí tự thân lập nghiệp và biết điểm dừng nhất định, trong mọi hoạt động cá nhân và tập thể, tôi không phấn đấu bằng mọi giá mà chỉ cố gằng làm hết sức trong năng lực, giới hạn của mình”. Đó là những lời chia sẻ về khát vọng, con đường lập nghiệp mà TS. Hưởng chia sẻ với chúng tôi nhân ngày Doanh nhân Việt Nam sắp đến.

 tpv_tam_0.jpg

              THƯƠNG HIỆU NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG

“Từ nhỏ, tôi luôn chơi trò “Tiền đẻ ra tiền” bằng lá cây hoa dâm bụt. Chính trò chơi thuở ấu thơ đó đã đưa tôi tới quyết định chọn ngành ngân hàng để theo học, bởi một trong những bản chất nghiệp vụ vốn có của NHTM là “Đi vay để cho vay” thông qua hoạt động kinh doanh “Tiền đẻ ra tiền”. Thấm thoát cũng đã 20 năm”. Vị Tiến sĩ tuổi Nhâm dần, cái tuổi mà theo tướng số là tài giỏi “thả hồn” nhớ lại trò chơi thuở ấu thơ nơi triền quê nghèo đã đưa anh đến quyết định lựa chọn, gắn bó với nghề và nghiệp Ngân hàng.

Và 20 năm đó, đã tạo dựng nên thương hiệu Nguyễn Đức Hưởng trong ngành Ngân hàng hiện nay?

(Cười) Thương hiệu nghe to tát quá. Tôi có làm cố vấn thường trực cho chương trình Bản tin Tài chính VTV1, tư vấn và phân tích thị trường ngân hàng, chứng khoán theo chính kiến của riêng mình, thỉnh thoảng hay xuất hiện trên tivi, báo đài nên nhiều người biết đến chứ có thương hiệu gì đâu. Lắm vị còn giỏi hơn mình nhiều!

Nhưng nói đến lĩnh vực Ngân hàng, nhắc đến anh là nói về một chuyên gia có “nghề”, chứ không phải là chuyên gia “bàn giấy”?

Có nghề thì tất nhiên rồi. 20 năm nay tôi gắn bó với nó, trực tiếp chứng kiến, tham gia vào quá trình phát triển, trưởng thành, đổi mới và hoàn thiện của ngành Ngân hàng Việt Nam. Với thâm niên như vậy, tôi là người có “nghề” cũng là điều dễ hiểu.

Là cán bộ ngân hàng, tôi cũng luôn tự hào mình là “người số một về phục vụ khách hàng”.

Danh hiệu này anh được ngành Ngân hàng trao tặng, hay là anh tự phong?

Đó là điều tôi nhận thấy được từ phía các khách hàng của mình. Không có một giải thưởng hay bằng khen nào giá trị bằng những lời động viên, đánh giá từ phía người tiêu dùng, từ “thượng đế thực sự của mình”, từ hiệu quả hoạt động của đơn vị mình phụ trách.

Tất cả các khách hàng khi đã gặp thì không bao giờ bỏ tôi vì tôi không bao giờ nghĩ mối quan hệ giữa tôi với họ đơn  thuần là NH và khách hàng mà luôn tâm niệm rằng “Có khách hàng mới có sự tồn tại của Ngân hàng”. Bởi vậy, tôi luôn trăn trở làm thế nào để có thể giúp tôi với khách hàng hiểu nhau hơn và làm sao tư vấn, giúp đỡ khách hàng trong lúc họ khó khăn nhất? Cái “tâm” của tôi cũng luôn hướng tới khách hàng vì khách hàng sẽ nâng tầm cho tôi và họ. Bằng chứng là LienVietBank chỉ sau 4 tháng hoạt động đã thu hút được lượng khách hàng bằng 4 năm so với dự kiến. Rất nhiều khách hàng tri kỷ đã cùng tôi về LienVietBank.

             LIENVIETBANK "HÚT HỒN" TÔI

Phải chăng, “thương hiệu” đó khiến LienVietBank cần đến anh?

Nói thế mới chỉ đúng có một nửa. Trong công việc, mối quan hệ giữa hai bên là có đi, có lại. Tôi cần anh, nhưng anh cũng phải cần tôi. Thời thế tạo nên anh hùng, chứ anh hùng đâu có tạo nên thời thế. Không có LienViet Bank, thì có lẽ tôi vẫn là ông Hưởng – Giám đốc, chứ không phải là ông Hưởng – Tổng Giám đốc như bây giờ (cười).

Thú thật là sau khi được các cổ đông sáng lập Ngân hàng Liên Việt mời về làm Tổng Giám đốc, tôi suy nghĩ rất nhiều nhưng là người luôn luôn bị hấp dẫn với những ý tưởng mới, đột phá, cùng với việc nghiên cứu kỹ những kế hoạch phát triển, chiến lược hoạch định cho tương lai hết sức bài bản và trên hết là cái “tâm” và cái “tầm” của Ban trù bị LienVietBank đã “hút hồn” tôi!

Từ Giám đốc Chi nhánh (Agribank Thăng Long) của một Ngân hàng quốc doanh sang làm Tổng Giám đốc cho một Ngân hàng cổ phần. Anh có nghĩ đây là bước “tiến lớn” trong sự nghiệp của mình?

Tôi không nghĩ vậy. Đây chỉ là một bước sang ngang trong cùng một lĩnh vực. Vì ở chi nhánh ngân hàng cũ tôi đã quản lý tài sản hơn 10 nghìn tỷ đồng. Tuy đấy là chi nhánh, nhưng là chi nhánh cấp I, hạng I – một chi nhánh lớn nhất nhì của AGRIBANK với số lượng hơn 400 nhân viên. Trong khi quy mô hiện nay ở Ngân hàng Liên Việt cũng chỉ nhỉnh hơn chút so với chi nhánh trước đây. Nhưng sang LienVietBank, tôi có nhiều điều kiện để “bung” khả năng của mình, trách nhiệm, tầm bao quát trong công việc cũng rộng hơn. Nhất là đang làm cho Nhà nước chuyển sang mô hình cổ phần, giúp tôi trưởng thành, học hỏi được rất nhiều điều.

Những kinh nghiệm có được từ Agribank giúp được gì cho anh trong quản lý LienVietBank?

Có nhiều chứ, tôi học được rất nhiều điều từ AGRIBANK, nhất là những vướng mắc mà tôi từng gặp phải. Chính vì thế, khi sang LienVietBank, tôi vẫn thường xuyên đặt mình ở vị trí là giám đốc chi nhánh để thấu hiểu những những người ở dưới quyền mình. Từ đó, mở ra cho họ chủ động trong công việc, sao cho kích thích được tinh thần trách nhiệm cũng như phát huy tinh thần làm chủ tối đa của họ. Và đặc biệt, tôi luôn đặt niềm tin vào họ, học hỏi họ và biết ơn họ đã giúp mình hiện thực hóa ý tưởng và hoàn thành nhiệm vụ tập thể giao.

Trước đây hay bây giờ, dù ở vị trí lãnh đạo nào, tôi luôn thực hiện phương châm gói gọn trong 10 chữ: “Lắng nghe - Thấu hiểu - Bàn bạc - Quyết định - Quyết liệt”, và bí quyết thành công là: “Sức khỏe - Trí tuệ - Học hỏi - Chuyên nghiệp - Đổi mới - Năng động - Quan hệ rộng, nhưng phải sâu”.

Trong cuộc sống người ta hay nói đến từ hiểu biết, nhưng  “phải biết rõ mới hiểu được”. Trong quản lý cũng vậy, muốn là quản lý giỏi phải biết rõ mình lãnh đạo quản lý cái gì? Và từng cái cũng phải biết rõ để hiểu sâu hơn…nhưng không được biến mình thành công nhân đơn thuần, mà “cần thiết thì có thể đóng vai công nhân, để sâu sát hơn, lãnh đạo tốt hơn”. Khi giao việc, tôi chủ trương kiểm tra tiến độ hoàn thành công việc đã giao với mô hình tổ chức dọc – ngang để quản lý chéo quy trình nghiệp vụ, củng cố niềm tin và  tăng cường mạng lưới thông tin để tổng hợp xử lý, như vậy sẽ thâu tóm và hiểu được toàn bộ công việc

Người đứng đầu rất quan trọng, tác phong của người lãnh đạo ảnh hưởng tới 70% văn hóa doanh nghiệp ấy.

Phương châm này cũng là “chìa khóa” anh sẽ xây dựng cho LienVietBank?

Đúng vậy. Chúng tôi sẽ xây dựng LienVietBank theo hướng “An toàn - vững mạnh” trên cơ sở số 1 Việt Nam về “Hiện đại - Đổi mới - Chuyên nghiệp - Năng động và chữ Tín trong hoạt động”.

Thời gian trước mắt, chúng tôi kinh doanh đa năng, kết hợp bán buôn và bán lẻ, tìm một con đường riêng nhằm thực hiện thành công “Chiến lược đại dương xanh”. 

Năm 2009, chúng tôi phấn đấu liên kết bằng cách nối mạng với tất cả khách hàng, qua đó, khách  hàng có thể ở nhà nhưng vẫn thực hiện giao dịch bình thường với LienVietBank. Đặc biệt LienVietBank đã trở thành NH đầu tiên của Việt Nam sử dụng định vị vệ tinh (GPS) vào quản lý hoạt động ngân hàng.

Nhưng để được khách hàng chấp nhận là điều không hề đơn giản, vì hiện nay, đa số khách hàng đều có tâm lý e ngại với các giao dịch điện tử?

Cái mới bao giờ cũng có sự ngỡ ngàng và thiếu hoàn hảo ngay từ ngày đầu, vì vậy sự e ngại là đương nhiên, nhưng mọi sự tiện lợi, chân chính sẽ đi vào lòng người và cuộc sống… Tôi tin rằng, nhất định chúng tôi sẽ thành công, trở thành NHTMCP hàng đầu về hiện đại hóa ở Việt Nam.

Có lẽ vấn đề nhân lực là vấn đề mà LienVietBank quan tâm và cũng yên tâm nhất, thưa ông?

Đúng vậy, trong 4 yếu tố quyết định cạnh tranh là “Quy mô tổng tài sản; Hiện đại hóa; Nguồn nhân lực và Quản trị chiến lược theo chuẩn mực quốc tế” thì nguồn nhân lực vẫn là quan trong nhất. Do xác định đúng tầm quan trọng nên ngay từ đầu LienVietBank đã kêu gọi nhân tài về đầu quân, và yên tâm với nguồn nhân lực này. Hiện nay HĐQT và ban điều hành LienVietBank đều có nhân sự là Việt Kiều có thâm niên trong hoạt động tài chính ngân hàng tham gia quản lý điều hành.

             CẦN HÌNH THÀNH QUỸ "CHỐNG KHỦNG HOẢNG

Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, rồi tiếp đến là cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, kéo theo sự sụp đổ của hệ thống các Ngân hàng lớn trên thế giới. Liệu LienVietBank có bị ảnh hưởng của cơn “bão” tài chính này?

Tất nhiên là có rồi. Nhưng trong ngành tài chính còn có một thuật ngữ là “kinh doanh khủng hoảng”. Nghĩa là nếu anh có nội lực, có khả năng, nắm bắt được cơ hội anh sẽ vẫn thắng lớn. Thời gian vừa qua, LienVietBank đã rất thành công khi may mắn hội tụ đủ các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên chỉ sau gần 5 tháng hoạt động, tổng tài sản đã đạt trên 7.000 tỷ, lợi nhuận đạt gần 300 tỷ đồng.

Và mặc dù, các Ngân hàng VN không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra ở bên kia bán cầu, vì sự liên thông của Việt Nam với hệ thống tài chính Mỹ, cũng như thế giới chưa nhiều nên ít bị tác động và phụ thuộc. Nhưng đây cũng là bài học đáng quý cho hệ thống NHTM của nước ta, giúp chúng ta  thấy được cần phải xây dựng và phát triển trên cơ sở quy mô bảo đảm tiền gửi, dự trữ thanh toán, dự trữ bắt buộc….thậm chí hình thành Quỹ “Chống khủng hoảng” để cùng liên kết phát triển bởi một khi đã xiết chặt tay nhau thì sẽ không dễ gì bị “dìm” xuống ao được. Tôi cũng tin rằng, sau đợt khủng hoảng tài chính và sụp đổ của mấy NH lớn của Mỹ, thì hệ thống NHTM Việt Nam sẽ gắn kết với nhau chặt chẽ, đoàn kết và vững vàng hơn để cùng ra “biển lớn”.

Là một chuyên gia nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, anh sẽ giải quyết thế nào về vấn đề tiếp sức cho nền kinh tế và cung tiền?

Quan trọng là chúng ta phải tính cái “được” và cái “mất” của 2 vấn đề thắt chặt tiền tệ và nới lỏng tiền tệ đối với xã hội như thế nào để ra quyết định cuối cùng. Có nghĩa là chúng ta phải cân đối giữa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích xã hội. Nếu thực hiện chính sách thắt chặt với cung tiền hạn chế sẽ mang lại một số khó khăn nhất định cho doanh nghiệp, tuy nhiên, như chúng ta thấy, khi thiếu vốn, doanh nghiệp sẽ lại tính chuyện “thắt lưng buộc bụng”, tính toán kỹ hơn và xem dự án nào tốt thì làm và dự án nào không mấy khả thi thì dừng lại. Nhưng nếu nới lỏng tiền tệ, doanh nghiệp sẽ triển khai cả các dự án khả thi và chưa mấy khả thi. Một khi hiệu quả hoạt động của dự án không tốt sẽ lại tác động ngược tới nền kinh tế, khi đó, mọi sự cố gắng của doanh nghiệp lại trở về con số không. Chính vì vậy, cần tiếp tục triển khai điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt, hợp lý, không những đảm bảo an toàn thanh khoản cho các ngân hàng mà còn đảm bảo thanh khoản cho cả nền kinh tế, qua đó sẽ giúp kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức hợp lý, hỗ trợ tốt cho việc ưu tiên kiềm chế lạm phát nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Theo dự báo của riêng anh, khoảng bao lâu nữa thị trường tài chính Việt Nam sẽ sáng sủa trở lại sau cuộc khủng hoảng hiện nay?

Tôi nghĩ những khó khăn này cũng phải hết tháng 6 năm sau thì tình hình mới có thể sáng sủa hơn và khi ấy hoạt động NH cũng mới cải thiện được. Vì 70% vốn xã hội là hoạt động thông qua hệ thống NH. NH như một lăng kính phản ánh hoạt động kinh tế. Khi nền kinh tế khó khăn thì NH cũng bị ảnh hưởng.

 CÓ ĐỨC LÀ... HƯỞNG

“Một lãnh đạo doanh nghiệp giàu lòng trắc ẩn với những số phận éo le của cuộc sống. Không ồn ào, phô trương nhưng những gì anh đã làm thật sâu lắng và nhiều ý nghĩa như chính bản chất vốn có của cuộc sống vậy”. Đó là những lời nhận xét đầy trân trọng mà bạn bè, đồng nghiệp dành cho người đứng đầu LienVietBank, TS. Nguyễn Đức Hưởng.

Điều này lại càng được khẳng định, khi chỉ mới sau hơn 4 tháng được thành lập, dưới sự điều hành của anh, Ngân hàng Liên Việt và các Cổ đông trong ngân hàng  đã bỏ ra trên 60 tỷ đồng để làm công tác xã hội. Đó là 62 tỷ đồng làm công tác xã hội với tỉnh Hậu Giang (giá trị tiền mặt là 20 tỷ đồng, tặng nhà khách Tỉnh Ủy trị giá 25 tỷ đồng và xây dựng tặng một trường tiểu học tại Phường 4, thị xã Vị Thanh trị giá 17 tỷ đồng); là chương trình tặng 300 triệu đồng cho 100 Mẹ Việt Nam Anh Hùng, thương bệnh binh nặng đã có công lớn trong công cuộc Cách mạng vĩ đại của dân tộc ta; là hơn 1.000 cặp sách cứu sinh tặng cho trẻ em vùng sông nước… Và đặc biệt là chương trình “Vườn ươm Nhân tài LienVietBank” với đối tượng là sinh viên xuất sắc và sinh viên nghèo học giỏi, với hơn 100 sinh viên được nhận học bổng trong năm 2008 và dự kiến đến năm 2011, số tiền giành cho chương trình sẽ lên đến 1 tỷ đồng/năm v.v…

Với những hoạt động xã hội liên tục, “rầm rộ” trong thời gian qua, liệu đây có phải là một “chiêu” làm thương hiệu của LienVietBank?

Những hoạt xã hội thời gian qua do LienVietBank khởi xướng, tiến hành đều là những việc làm mang đầy tính nhân văn, ai lại đi “nỡ” lợi dụng nó để đánh bóng, làm thương hiệu cho bản thân mình!

Hơn nữa, chúng tôi có nhiều giải pháp để làm thương hiệu, trong đó “lấy nội lực làm điểm tựa phát triển” chính là nền móng vững chắc cho thương hiệu. Khi đến với các hoạt động cộng đồng, xuất phát điểm của chúng tôi là từ cái “tâm” và từ việc tự cảm thấy trách nhiệm xã hội trong mỗi một doanh nghiệp. Điều này cũng đi liền với tiêu chí “Gắn xã hội trong kinh doanh” mà Ban trù bị LienVietBank đã đề ra ngay từ ngày đầu thành lập và trở thành phương châm mang tính lâu dài của Ngân hàng. Song song với việc phát triển có hiệu quả các hoạt động kinh doanh, LienVietBank vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực quan tâm đến nhiều hoạt động ủng hộ cộng đồng và xã hội trong thời gian tới.

Một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển kinh tế bền vững là chia sẻ trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Anh suy nghĩ sao về điều này?

            Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đuợc hiểu là "sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội".

Tôi rất tâm đắc với lời phát biểu của tỷ phú người Mỹ Warren Buffett khi ông quyết định quyên tặng gần 4 tỷ USD cho 5 quỹ từ thiện: “Tôi trả lại cho xã hội những gì đã góp nhặt được từ xã hội”. Thiết nghĩ, quy luật người may mắn giúp đỡ người kém may mắn hơn mình nên là chuyện đương nhiên.

Từ bé, bố mẹ tôi cũng thường dạy trong cuộc sống cứ “có đức là sẽ được hưởng”, thế nên tên tôi mới là Đức Hưởng. Tôi nghĩ, tất cả những gì mình đạt được là tạm thời, chỉ có tình người là vĩnh cửu. Cái “tâm” nó quan trọng lắm, trong kinh doanh thành hay bại nhiều khi phụ thuộc rất nhiều vào điều đó. Có thành “tâm”, sẽ có thành công.

NÊN CÓ QUY CHUẨN VỀ "DOANH NHÂN"

Nói về cái “tâm” trong kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng, để là một doanh nhân theo đúng chuẩn mực bắt buộc phải có nó. Anh nghĩ sao về điều này?

Điều này là đương nhiên rồi. Doanh nhân không chỉ cần có “cái tâm” mà cần phải có “cái tầm”, tầm ở đây phải là tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Tức là con người phải hội đủ phẩm chất kiềng ba chân: “Tâm – Tín - Tài” nổi trội trong doanh giới, và phải được tổ chức, tập thể phong tặng, chứ không phải “tự phong” hoặc ai đó gán ghép cho từ “doanh nhân”. Tôi thấy hiện nay, chúng ta đang lạm dụng quá nhiều từ “doanh nhân”. Đề nghị báo Doanh nhân và các cơ quan chức năng chuẩn hóa từ “doanh nhân”.

Vậy anh định nghĩa thế nào về từ “doanh nhân”?

Từ “doanh nhân” có nghĩa rất rộng, mà lâu nay chúng ta đang lạm dụng, không thể bất cứ ai cứ ngồi vào ghế Giám đốc, Tổng giám đốc hay chủ tich HĐQT đều gọi là doanh nhân được. Việt Nam chưa có quy chuẩn thế nào là “doanh nhân”

Với cá nhân tôi, “Doanh nhân” phải là cái gì đó cao sang. “Doanh” gồm doanh gia, doanh giới, giới doanh nhân. “Nhân” không chỉ đơn giản là người. Nếu “Nhân” có nghĩa là người thì phải là người có tâm, có tầm. Còn cao hơn nữa, “nhân” còn có nghĩa là hạt nhân. Đây là người đại diện, tiêu biểu cho một giới nào đó. Anh Dương Công Minh hay còn gọi là Minh “Him Lam”, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt rất xứng đáng là một doanh nhân theo đúng nghĩa của nó. Một con người tài giỏi, đóng góp cho xã hội rất nhiều nhưng chỉ có “ trong nhà” mới hiểu rõ công lao ấy.

Còn anh thì sao?

Tâm – Tín thì đủ, Tài thì còn chưa chắc và phải phấn đấu nhiều.

Anh có thể bật mí đôi chút về bản thân và gia đình cho độc giả Thời báo Doanh nhân?

Tôi là một người rất chăm chỉ học hỏi và ghi chép lại bất kỳ điều gì gặp hoặc đọc được có thể giúp tôi tích lũy kinh nghiệm sống cũng như làm việc. Tôi cũng thích nghiên cứu và viết lách. Chính vì vậy, tôi hay tham gia và viết báo từ rất sớm. Có một thời gian dài, tôi đã thu nhập chính bằng nhuận bút. Tôi đã có một bài báo nổi tiếng về bóng đá được đăng trên báo Thanh Niên năm 1996. Thời đó, bóng đá của mình vẫn còn bao cấp và tôi đã nghĩ ra một mô hình bóng đá chuyên nghiệp kết hợp kinh doanh trong tương lai. Bài viết này đã được đăng lại mấy lần và cũng đăng trong cuốn nguyệt san của báo Thanh Niên với nhuận bút rất cao. Thật ra, thời điểm đó tôi lấy viết báo để nghiên cứu, học hỏi và rèn rũa chính bản thân mình.

Thời gian biểu của tôi bây giờ không ít nhân viên nắm khá rõ là: “Làm việc từ 4h sáng và lên ô tô hoặc máy bay là ngủ” (Cười).

Còn về gia đình, tự ứng cử mình là người đàn ông số một. Bận rộn đến mấy, nhưng ngày nghỉ là tắt hết điện thoại, quên hết công việc, vui thú bên vợ con. “Tình người là vĩnh cửu”, nhưng trong cái vĩnh cửu ấy, không thể thiếu gia đình và chữ hiếu với cha mẹ. 

Số lượt đọc: 134 Cập nhật lần cuối: 13/10/2009