Chúng tôi không nghe bằng một tai”

“Đúng là đã có rất nhiều nghi ngờ, lo ngại, thậm chí cả chỉ trích ác ý về chương trình phát triển mắc ca của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)”, TS. NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank nói, “nhưng chúng tôi không nghe bằng 1 tai, cũng không nhìn bằng 1 mắt”.

Tôi thấy cơ hội cực lớn ở thị trường Trung Quốc.
- Tại hội thảo về định hướng phát triển cây mắc ca do Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức, nhiều ý kiến lo ngại “đầu ra” của loại quả này lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khi quốc gia này tiêu thụ tới 90% lượng mắc ca chưa tách vỏ của thế giới. Là doanh nghiệp thu xếp vốn triển khai dự án phát triển 200.000ha mắc ca ở Tây Nguyên, ông bình luận như thế nào về điều này?
- Tuy Trung Quốc là thị trường lớn nhưng không phải duy nhất, vì hiện nay nhu cầu tiêu thụ ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… cũng rất cao. Ngay tại Australia là nơi sản xuất mắc ca rất lớn trên thế giới nhưng vẫn không đủ để xuất khẩu. Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ chúng ta quan niệm “phụ thuộc” như thế nào. Theo tôi, bây giờ là thời toàn cầu hóa nên khái niệm “tương thuộc” để hai bên cùng có lợi phù hợp hơn. Tôi nhìn thấy cơ hội ở việc Trung Quốc đang tiêu thụ tới 90% lượng hạt mắc ca chưa tách vỏ. Bởi đây là thị trường khổng lồ quy mô dân số tới 1,4 tỷ người, trong đó, đối tượng khách hàng tiềm năng cho sản phẩm mắc ca có thể lên tới hàng chục, hàng trăm triệu người.
Nhiều chuyên gia đã đánh giá chính Trung Quốc sẽ là động lực chính của ngành và thị trường mắc ca toàn cầu. Do đó, tôi nhìn thấy cơ hội cực lớn về việc bán hàng cho Trung Quốc. Dù là hàng thô hay hàng chế biến, cái chúng ta cần hướng tới là giá trị lợi nhuận đạt được. Tất nhiên, chúng tôi chủ trương tập trung tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm mắc ca xuất xứ từ Việt Nam.
Ngoài ra, đằng sau việc Trung Quốc nhập khẩu lượng mắc ca chưa tách vỏ lớn như thế là sự phát triển các cơ sở chế biến đặt tại Trung Quốc. Chúng ta cần tìm hiểu rõ các cơ sở này để có thể tiếp cận được công nghệ chế biến nhằm phát triển các nhà máy, cơ sở chế biến trong nước.

 
- Ngoài việc khảo sát thực tế trồng mắc ca tại Trung Quốc, LienVietPostBank đã có nghiên cứu thị trường nào về nhu cầu trong nước và thế giới đối với hạt mắc ca hay chưa?
- Chúng tôi đã triển khai nghiên cứu về các khía cạnh kinh tế và thị trường mắc ca trong vòng 2 năm trở lại đây. Đơn vị chuyên môn của LienVietPostBank đã hợp tác với các chuyên gia nông sản trong và ngoài nước như Australia, Mỹ… liên tục tổ chức các cuộc khảo sát thực địa. Họ đều khẳng định đất Tây Nguyên ở Việt Nam là loại đất phù hợp nhất trên thế giới để phát triển mắc-ca. Bên cạnh đó, các vùng khác như Tây Bắc, Đông Bắc Việt Nam và Quảng Tây của Trung Quốc cũng rất thích hợp.
Đặc biệt, chuyến khảo sát tại Australia - quê hương của cây mắc ca cho chúng tôi thấy được rất nhiều cơ hội lớn đối với Việt Nam. Bởi tại Australia điều kiện khí hậu không thuận lợi và chi phí nhân công đắt hơn gấp rất nhiều lần so với Việt Nam. Ví dụ, thu nhập một công nhân chuyên ghép cây giống ở bang Queensland có thể đạt 200 AUD/ngày. Thêm vào đó do khoảng cách quá xa về địa lý, việc vận chuyển từ Australia đến thị trường Trung Quốc tốn kém hơn nhiều so với từ Việt Nam. Vì vậy, nếu Việt Nam kịp thời mở rộng nguồn cung, tăng sản lượng thì Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu thụ rộng lớn và lâu dài.
Trong thời gian tới, LienVietPostBank sẽ tiếp tục khảo sát ở Vân Nam - vùng trồng mắc ca lớn nhất Trung Quốc; cũng như tại Nam Phi, nước xuất khẩu mắc ca lớn nhất thế giới hiện nay và Mỹ - nơi có công nghệ chế biến và vùng trồng mắc ca quan trọng là quần đảo Hawaii. Các cuộc khảo sát này luôn song hành các cuộc tọa đàm, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, tham vấn lẫn nhau và trao đổi nghiên cứu để hiện thực cơ hội tôi nói ở trên.

Dục tốc sẽ bất đạt
- Liệu chương trình trồng 200.000ha mắc ca ở Tây Nguyên có gây nên tình trạng cung vượt cầu và giá rớt hay không, thưa ông?
- Qua một số nghiên cứu của LienVietPostBank và các nghiên cứu của học giả, kết luận chung 10 - 20 năm tới, nguồn cung mắc ca chưa chắc đã đuổi kịp nguồn cầu. Về chương trình phát triển 200.000ha mắc ca, nên nhấn mạnh rằng đây là chương trình dài hơi, kéo dài nhiều năm và mỗi năm chỉ tăng được một lượng diện tích trồng nhất định. Nói cách khác, phải qua nhiều năm thì diện tích 200.000ha mắc ca mới là hiện thực. Vả lại, nếu cây giống ban đầu tốt, chất lượng thì từ năm thứ 3 đã có thể bắt đầu khai thác quả hạt. Đến năm thứ 9 sẽ cho sản lượng quả hạt tối đa. Cho nên, có vội và muốn tăng cung mạnh đột ngột cũng không được. Tôi quan tâm khía cạnh chất lượng của quả hạt và sản lượng của cây giống mắc ca vì đây mới là các yếu tố quyết định cạnh tranh thắng lợi trên thị trường. Thêm vào đó, việc nắm bắt kịp thời và dự báo sát các xu hướng, diễn biến thị trường là những yếu tố giúp chúng ta có thể chủ động trước các biến động về giá.
Xin nói thêm, giá của bất cứ sản phẩm nào đưa ra thị trường cũng đều tuân theo quy luật cung - cầu, có lên có xuống. Vì vậy, việc chúng ta dự báo và phản ứng như nào mới là điều đáng lưu tâm hơn những lo ngại chung chung về sự rớt giá.
- Nhiều nhà khoa học cho rằng mong muốn Tây Nguyên trở thành “thủ phủ mắc ca” là chính đáng, nhưng mục tiêu trồng 200.000ha mắc ca là không khả thi về mặt quỹ đất, khả năng cung cấp giống… Ông có nghĩ đến khả năng điều chỉnh mục tiêu cho vừa sức hơn hay không?
- Tôi muốn nhắc lại chính ý kiến của các nhà khoa học: Năm 2013 Viện Nghiên cứu và Phát triển rừng trực thuộc Bộ Nông nghiệåp và PTNT đã hoàn thành công trình nghiên cứu mang tên “Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Nguyên giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”. Nghiên cứu này kết luận riêng vùng Tây Nguyên, diện tích đất trồng phù hợp cho mắc ca là hơn 1.000.000ha. Nên nghiên cứu đã khuyến nghị đến cả phương án trồng tới 200.000ha mắc ca tại Tây Nguyên.
Ngoài ra, có điểm rất thú vị là gần như cứ nơi nào trồng được bơ, cà phê thì cũng có thể trồng mắc ca. Hiện nay, tổng diện tích cà phê của cả nước gần 900.000ha, riêng Tây Nguyên lên tới hơn 650.000ha. Tuy nhiên, tại Tây Nguyên có tới 1/3 diện tích cà phê đã già cỗi, cần phải tái canh, hoặc thay thế bằng cây trồng khác. Một sự trùng hợp là 200.000ha mắc ca nếu được trồng sẽ vừa đủ để lấp đầy con số này.
Về khả năng cung cấp giống chuẩn, giống tốt, chúng tôi đã khảo sát nhiều cơ sở giống mắc ca trong nước và ngoài nước thì thấy mục tiêu trồng 200.000ha mắc ca ở Tây Nguyên từ 5 - 10 năm tới là hoàn toàn khả thi. Tất nhiên, không thể ngay lập tức xuống giống hết cho diện tích này, mà phải theo kế hoạch tuần tự hàng năm, mỗi năm một số lượng cây giống trên một diện tích nhất định. Đó là cách để phát triển mắc ca bền vững.

 
Sẽ vượt qua trở ngại
- Đứng ra thu xếp vốn cho dự án trồng 200.000ha mắc ca tại Tây Nguyên cùng với CTCP Him Lam, ông có chút nao núng nào không khi liên tục có những ý kiến nghi ngờ tính khả thi của đề án này?
- Đúng là đã có rất nhiều nghi ngờ, lo ngại, thậm chí cả chỉ trích ác ý về chương trình phát triển mắc ca của LienVietPostBank và Công ty CP Him Lam, nhưng chúng tôi không nghe bằng 1 tai, chúng tôi cũng không nhìn bằng 1 mắt.
Bên cạnh các ý kiến trái chiều trước kia, hiện tại dư luận đã có xu hướng ủng hộ phát triển mắc ca mạnh mẽ. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, khách quan và có tinh thần xây dựng. Khi thực hiện dự án, chúng tôi phải đặt mình vào bối cảnh ngành công nghiệp và thị trường mắc ca của 10-20 năm nữa. Góc nhìn đó cho phép chúng tôi vượt qua được những trở ngại nhất định ở hiện tại.

- Mắc ca là cây trồng lâu năm, rủi ro nếu có cũng phải nhiều năm sau mới hiện rõ. Nếu tới lúc thu hoạch, cây không ra trái, thị trường tiêu thụ không có, thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai, thưa ông?
- Để một cây mắc ca ra trái, có nhiều yếu tố quyết định như: giống tốt, đất trồng, khí hậu và cách thức chăm sóc phù hợp. Tất cả các yếu tố trên đều quan trọng, nhưng đặc biệt hồ sơ lý lịch cây giống mắc ca quan trọng không kém gì hồ sơ lý lịch của một đứa trẻ sơ sinh. Vì nó cần được theo dõi, điều chỉnh trong một tương lai rất dài căn cứ vào hồ sơ ban đầu.
Thị trường tiêu thụ gồm nhiều thực thể tham gia, chỉ khi nào làm rõ được vai trò của từng thực thể tham gia thị trường thì chúng ta sẽ biết ngay trách nhiệm đó thuộc về ai. Chẳng hạn như một hiệp hội mắc ca có trách nhiệm xúc tiến thương mại các sản phẩm mắc ca, thì chính hiệp hội đó có trách nhiệm trong việc tìm kiếm, xác định thị trường, người mua, người bán sản phẩm. Hay một doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người nông dân thì chính doanh nghiệp đó phải có trách nhiệm bao tiêu theo hợp đồng đã ký kết với nông dân. Còn người nông dân trồng mắc ca theo hợp đồng như vậy, phải có trách nhiệm bán sản phẩm theo các điều khoản của hợp đồng.
- Xin cám ơn ông!
***
PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG VŨ CÔNG TIẾN: Ủng hộ trồng nhưng phải có lộ trình phù hợp
Lâm Đồng ủng hộ trồng mắc ca nhằm thay đổi giống trên một số diện tích phù hợp; tăng năng suất, thu nhập cho nông dân; và qua đó góp phần phát triển KT - XH ở địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện phải có bước đi phù hợp.
Tháng 5 vừa qua, Lâm Đồng và Công ty CP Him Lam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển cây mắc ca, theo đó xác định rõ nội dung hợp tác và trách nhiệm của các bên. Về phía UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ xây dựng và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển mắc ca giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến 2025; ban hành quy trình kỹ thuật tạm thời và quản lý nhà nước đối với mắc ca nhập vào Lâm Đồng. Tỉnh cũng sẽ khảo sát nhu cầu phát triển mắc ca của nông dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng mắc ca; tạo thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp đầu tư vườn ươm giống, trồng thử nghiệm và xây dựng nhà máy chế biến; đồng thời, làm việc với các bộ, ngành về việc nhập khẩu giống và chính sách xúc tiến thương mại tiêu thụ mắc ca. Công ty CP Him Lam sẽ chịu trách nhiệm sản xuất giống mắc ca có chất lượng cao, xây dựng nhà máy chế biến và xây dựng kế hoạch tổ chức thu mua và ký hợp đồng thu mua hạt mắc ca nguyên liệu. LienVietPostBank sẽ có gói tín dụng ưu đãi trung và dài hạn tối thiểu 5.000 tỷ đồng phục vụ trồng mắc ca ở Lâm Đồng...
Lâm Đồng đang tổ chức quy hoạch, dự kiến quy hoạch 20.000ha mắc ca trong đó, có 18.600ha trồng xen với cà phê bởi tỉnh xác định cà phê vẫn là cây trồng chủ lực. Mắc ca là cây trồng mới, lâu năm, thành bại thì nhiều năm sau mới rõ nên phải thận trọng và có lộ trình cụ thể. Định hướng chung của Lâm Đồng trong việc trồng mắc ca là phải bảo đảm theo đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt, tự phát, phá vỡ cơ cấu cây trồng hiện có. Quan trọng nữa là phải bảo đảm nguồn giống, chất lượng giống cũng như phải phù hợp với thổ nhưỡng của từng tiểu vùng sinh thái.

PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK LẮK Y KHÚT NIÊ: Trước mắt nên trồng xen với các loại cây khác
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk, đã có khoảng 110ha được trồng rải rác ở 3 huyện M’Đrắk (41ha), Krông Năng (30ha), Lắk (39,3ha) và khoảng 10ha trồng thử nghiệm tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Nhìn chung, cây mắc ca phát triển tốt trên những vùng đất đang được trồng loại cây này. Tuy nhiên, qua kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT cho thấy và đáng lo ngại là tỷ lệ đậu quả của loại cây này ở Đắk Lắk rất thấp, năng suất chỉ đạt khoảng 4 - 5kg/cây. Mặt khác, đầu ra của sản phẩm cũng không phải là thuận lợi, bởi với những diện tích trồng nhỏ lẻ, rải rác khó có để thương lái đến thu mua được đầy đủ và bảo đảm được giá cả như mong muốn.
Đắk Lắk chưa có quy hoạch chính thức diện tích đất dùng để trồng cây mắc ca. Hiện tại, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệåp và PTNT khuyến cáo nông dân hết sức thận trọng, không phá bỏ cây trồng đang có để trồng mắc ca ồ ạt vì có thể gây nhiều hệ lụy. Trước mắt, chỉ nên trồng xen ở những diện tích đã trồng cà phê, tiêu… hoặc trồng phân tán trong vườn nhà và những nơi đất trống tốt. Đặc biệt, người trồng cần sử dụng đúng các giống mắc ca đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận mới cho sản lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu thương mại.

PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM Y MỬI: Đang theo dõi, cập nhật thông tin về quy hoạch
Diện tích mắc ca trồng ở Kon Tum hiện trên 51ha. Trong đó, số mắc ca được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên trồng thử nghiệm năm 2009 tại huyện Đăk Hà đến năm 2013 đã thu gần 10kg nhân/cây, năm 2014 sản lượng quả/cây cao hơn năm 2013, giá bán 1kg nhân trên địa bàn huyện khoảng 100.000 đồng. Đối với 30ha mắc ca được hỗ trợ theo dự án khuyến nông trung ương, trồng xen với 60ha cà phê chè tại huyện Đăk Glei, tỷ lệ cây sống đạt 99%, phù hợp với tập quán canh tác của người dân vùng này. Đối với diện tích trồng theo hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ dân và diện tích trồng tự phát theo đánh giá cũng sinh trưởng bình thường, tỷ lệ sống trên 90%.
Để tránh hiện tượng trồng tự phát tại các vùng không thích hợp và hạn chế rủi ro cho người dân, Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương trước mắt tập trung theo dõi, cập nhật thông tin từ Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương về quy hoạch phát triển mắc ca, kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện cho phù hợp với quy hoạch chung của cả nước, đặc biệt là thị trường đầu ra khi có sản phẩm. Đánh giá kết quả trồng khảo nghiệm mắc ca, căn cứ vào đặc tính của mắc ca đã được công bố qua các tài liệu chính thống để đề xuất quy hoạch chi tiết phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh. Phổ biến cho người dân về đặc tính của mắc ca; khuyến cáo họ không trồng tự phát, không nhân rộng diện tích, hoặc phá bỏ các cây trồng hiện có để trồng mắc ca khi chưa có quy hoạch chi tiết hoặc khi chưa có ý kiến của UBND tỉnh. Nghiên cứu, tuyển chọn một số giống mắc ca đã được công nhận, phù hợp với các tiểu vùng khí hậu tỉnh Kon Tum để phục vụ việc lập quy hoạch mắc ca.

Thái Bình ghi
Số lượt đọc: 19 Cập nhật lần cuối: 09/07/2015