Chữ tâm của một doanh nhân

Hầu hết những người viết sách đều mong muốn thu được khoản lợi nhuận nào đó khi phát hành, nhưng với TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) lại không nghĩ vậy. Ông chỉ mong muốn rằng cuốn sách được hình thành từ trí tuệ tập thể sẽ được độc giả đón đọc, phục vụ cho công tác nghiên cứu và làm từ thiện.


 
“Cuốn sách sẽ có giá trị đích thực khi bạn đọc xong, có quan điểm tư duy nghiên cứu của chính mình, suy nghĩ “chín bỏ làm mười” và tự tay rút ra ít nhất 10.000 VND làm từ thiện ở bất cứ đâu để niềm vui và hạnh phúc sống mãi với chúng ta” - TS. Nguyễn Đức Hưởng đã tâm sự như vậy trong lời tựa của cuốn sách “Khủng hoảng tài chính tòan cầu – Thách thức với Việt Nam” do chính ông làm chủ biên. Đây mới thật sự là điều đáng quý, đáng trân trọng nhất ở tấm lòng của một doanh nhân đối với xã hội.
 
Cơ hội “tự làm mới mình”
 
Với mục đích “đi để học, đọc để học, viết để học, bị phê bình để học và giảng dạy để học…” cùng với niềm đam mê viết sách, mong muốn độc giả có thể có cái nhìn toàn cảnh về cuộc khủng hoảng và những kinh nghiệm trên thế giới, TS. Nguyễn Đức Hưởng cùng tập thể các nhà nghiên cứu đã bắt đầu hình thành ý tưởng tổng hợp, sâu chuỗi những sự kiện về cuộc khủng hoảng.
 
Niềm đam mê đó càng thôi thúc hơn khi ông cho rằng, mình là người may mắn được tham gia Hội nghị thường niên năm 2009 của NH Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). “Với sự tham dự của đại diện 186 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Hội nghị đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm xử lý khủng hoảng, do đó tôi muốn ghi lại dấu ấn của một thập niên khủng hoảng. Tuy nhiên, điều cốt lõi của khủng hoảng mà tôi quan tâm nhất chính là sự cải cách. Bởi nghiên cứu trên thế giới, tôi nhận thấy, gần như mỗi đợt khủng hoảng là một đợt đột biến của các DN và các thể chế, với sự đổi mới thay thế quyền lực trên thế giới, trong khu vực và từng đất nước” - ông Hưởng bộc bạch.
 
Khi bắt tay vào viết cuốn sách, điều đầu tiên ông Hưởng mong muốn đó là sẽ giúp cán bộ, nhân viên LienVietBank nói riêng và hệ thống NHTM nói chung hiểu được vấn đề cốt lõi: Khủng hoảng tài chính toàn cầu - hành động của chúng ta; nhìn thẳng sự thật, biết sợ rủi ro nhưng sợ để tiến lên vững chắc hơn.
 
Vì vậy, ngoài việc tập trung làm rõ các vấn đề về khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới bùng nổ từ giữa tháng 9/2008, cuốn sách cũng chỉ ra cơ hội trong năm 2010 đối với nền kinh tế và các DN. Cuộc khủng hoảng đã dần dần qua đi, kinh tế bắt đầu hồi phục và đặc biệt mỗi con người, DN đều rút ra được những bài học làm hành trang tiếp cận, tuyên chiến với những khó khăn trong hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, năm 2010 cũng cần cảnh giác với một năm “hồi mã thương” của lạm phát, khủng hoảng đối với nền kinh tế và DN ở một số nước có “lực yếu” và không quan tâm đến “cải cách hậu khủng hoảng”. Vì năm 2010 là “điểm rơi” hậu quả của các gói cứu trợ trên thế giới - sự bắt đầu của lạm phát do các nguyên nhân của nó đã hội đủ cầu kéo, chi phí đẩy và cả “tâm lý đẩy”.
 
“Quan trọng hơn cả, cuộc khủng hoảng đã cho tôi một cái nhìn mới về quản trị NH. Đã đến lúc cần phải thay đổi mô hình quản trị cũ, thay vì trước đây HĐQT nặng về hoạt động hình thức, thì nay các thành viên hội đồng quản trị cần phải thực sự xắn tay vào cùng gánh vác công việc, chia sẻ với ban điều hành. LienVietBank đang dần thay đổi theo cách thức này, các thành viên HĐQT sẽ thực sự “xắn tay vào việc” để chia sẻ bớt gánh nặng của ban điều hành” - ông Hưởng tâm sự.
 
Trên thực tế, ở nước ngoài, hành lang pháp lý điều hành quản lý DN nói chung đã có chuẩn mực hoàn thiện nên quy củ hơn. Đối với riêng các NHTM, họ cũng có tiêu chuẩn cụ thể đối với từng vị trí lãnh đạo. Bởi vậy, theo ông Hưởng thì ở Việt Nam, những người đứng đầu các NH nên tự mình hoàn thiện dần, “vừa học - vừa làm” vì nước ta chưa có trường đào tạo nghề chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc NHTM. Về  lâu dài, chúng ta nên học tập theo kinh nghiệm quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế.
 
Cũng theo ông Hưởng, đây là thời điểm thích hợp nhất để thực hiện bước chuyển đổi này. Ông cùng tập thể HĐQT đang điều chỉnh và từng bước đưa Nghị định 59/CP của Chính phủ vào hoạt động điều hành của LienVietBank, có thí điểm đột phá là nâng cao năng lực trách nhiệm của từng thành viên HĐQT theo hướng HĐQT điều hành những công việc chủ chốt, ban điều hành thừa hành sự chỉ đạo của HĐQT, chức năng điều hành của tổng giám đốc nhẹ hơn so với trước đây nhưng vẫn phát huy được nhiệm vụ đầu mối điều hành.
 
Với bước thay đổi đó, trách nhiệm của các thành viên HĐQT sẽ được thể hiện rõ hơn và thực sự cùng gánh vác công việc, chia sẻ với ban điều hành, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo mang tính thống nhất và hệ thống, thực hiện văn hóa điều hành (số hóa, văn bản hóa, định dạng hóa, kịch bản hóa). 
 
Tuy nhiên, đây mới chỉ là mô hình thí điểm, chúng tôi sẽ đúc kết “cái được” và “cái chưa được” trong thời gian sớm nhất, nhằm hướng tới sự hoàn thiện, chuẩn mực và hiệu quả. Nhưng điều quan trọng hơn cả khi thay đổi mô hình quản trị và cơ cấu nhân lực trong bộ máy là việc đó có thực sự đem lại chất lượng cho hoạt động DN hay không, mới là điều đáng bàn”, ông Hưởng cho biết.
 
anh_a.huong_chu_tam_cua_mot_doanh_nhan.jpg
 

Nhân rộng những tấm lòng

Hơn cả những giá trị vật chất, cuốn sách chính là quà tặng có chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học bổ cứu kiến thức kinh tế - xã hội nói chung. Nói như tác giả: “Cuốn sách là cách thể hiện trách nhiệm xã hội của LienVietBank - một doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, nhưng không chỉ thuần túy vì lợi nhuận “buôn tiền” mà còn giúp bạn đọc những kiến thức cội nguồn của sự đổi mới”.

bia_sach_tai_chinh_toan_cau.jpg

Không ai dám cho là cuốn sách hoàn hảo, hoặc không mắc lỗi, nhưng tập thể tác giả tin rằng, họ đã có những ngày làm việc miệt mài vì bạn đọc, vì những điều mà tập thể tác giả cho là cần thiết đối với những cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Liên Việt, đối với cộng đồng khách hàng vô cùng thân thiết, đối với cổ đông của Ngân hàng Liên Việt và đối với toàn xã hội, đúng như TS.Nguyễn Đại Lai đã nhận xét: “Chủ đề mà cuốn sách đặt ra, nội dung mà cuốn sách đã thể hiện...quả là món quà rất quý giá cho mọi người quan tâm. Nó làm cho người đọc hết sức trân trọng những gì mà cuốn sách đã “chụp” được, đã “cảm” được và cao hơn là sẽ “cống hiến” được cho nhiều đối tượng người đọc với các mục địch tiếp cận khác nhau...”.

Còn TS.Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ “hoan nghênh nhóm tác giả của Ngân hàng Liên Việt đã nghiên cứu tổng hợp và cho ra đời cuốn sách hay, đúng và trúng những vấn đề cần được đóng góp ý kiến”. TS.Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng “Bố cục nội dung, cách tổng hợp và phân tích đề xuất giải pháp trong cuốn sách của những người làm thực tế có lòng say mê nghiên cứu đã đóng góp cho việc  tổng kết lý thuyết và chỉ đạo thực tế của Việt Nam”.

Bên cạnh đó, với việc 100% doanh thu từ việc phát hành cuốn sách tặng Quỹ tấm lòng Việt (Đài Truyền hình Việt Nam) làm từ thiện, giúp học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, TS.Nguyễn Đức Hưởng cũng mong muốn đóng góp một chút công sức cho xã hội, cộng đồng nhằm bớt đi được một hoàn cảnh éo le, bớt đi một trẻ em nghèo không có tiền đến lớp, bớt đi một khoản tiền cho một sinh viên nghèo ham học. Riêng chủ biên cuốn sách sẽ tự bỏ tiền mua 1.000 cuốn sách để tặng bạn đọc. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT LienVietBank cũng đã mua 1.000 cuốn sách gửi tặng các sinh viên nghèo ở các trường đại học trên cả nước.   

Đôi lời thêm của người viết: Rất hiếm khi chúng tôi được gặp ông trực tiếp để trao đổi, trò chuyện mà chủ yếu liên hệ với ông vào lúc 4h - 5h sáng mỗi ngày. Cùng với một “núi” công việc của ngân hàng trong thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế, ông cùng các cộng sự của mình đã nỗ lực cho ra đời cuốn sách “Khủng hoảng tài chính toàn cầu - Thách thức đối với Việt Nam”mà PGS.TS Trần Đình Thiên đã cho rằng “đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của thực tiễn” và “Cuốn sách có chủ đề lớn, vừa mang tính thời đại – toàn cầu, vừa mang tính thời sự - quốc gia…”

Theo Thời báo Doanh nhân

​Số lượt đọc trên nguyenduchuong.net: 3.968
Số lượt đọc: 81 Cập nhật lần cuối: 29/08/2011