“Bồn trũng” thu hút nguồn nhân lực

Mặc dù mới chính thức gia nhập cộng đồng doanh nghiệp được 7 tháng, nhưng Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) đã chứng tỏ được sức mạnh nội lực của mình, trong đó không thể không nhắc đến nguồn nhân sự. Với chính sách “LienVietBank là nhà, nhân sự là chủ”, LienVietBank đã tạo “bồn trũng” thu hút Việt kiều và nhân lực chất lượng cao đang làm việc cho các ngân hàng nước ngoài về gia nhập vào “đại gia đình LienVietBank”.

Nước chảy chỗ trũng”
 
Ngay từ bản phác thảo đầu tiên của đề án xây dựng ngân hàng, nguồn nhân lực đã được Ban Trù bị LienVietBank coi là yếu tố cốt lõi và tài sản quý giá của Ngân hàng. Chính vì vậy, khi xây dựng chính sách nhân sự, Ban Trù bị LienVietBank hướng tới các cán bộ nhân viên, sao cho họ có điều kiện phát huy tối đa năng lực và biến nguồn nhân lực trở thành một ưu thế cạnh tranh hàng đầu của Ngân hàng. Cũng xuất phát từ quan điểm đó, Ban Trù bị Ngân hàng đã mời được nhiều nhân sự là Việt kiều và người Việt Nam đang nắm giữ những vị trí chủ chốt cho các ngân hàng nước ngoài về đầu quân. 
 
Với kết quả đạt được: tổng tài sản lên tới 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 500 tỷ đồng, cổ tức chia cho cổ đông khoảng 9%/3.300 tỷ đồng (vốn điều lệ), sau 7 tháng đi vào hoạt động trong điều kiện khó khăn của năm 2008 đã một lần nữa khẳng định về quan điểm và hướng đi đúng của LienVietBank trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.  
 
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc LienVietBank tâm sự: “Khi Ban Trù bị bàn về thế mạnh của ngân hàng, tất cả thành viên đều thống nhất quan điểm là phải xây dựng một ngân hàng có thế mạnh về công nghệ và nguồn nhân lực. Với tiềm lực của LienVietBank thì việc đầu tư công nghệ hiện đại không phải là khó, nhưng để có một đội ngũ nhân sự chất lượng mới là vấn đề cần phải bàn. Tuy nhiên, khi đó, không ai bảo ai, tất cả thành viên Ban Trù bị đều thống nhất quan điểm “nước chảy chỗ trũng”. Chỉ bằng cách tạo “vùng trũng” trong mặt bằng ngành ngân hàng, LienVietBank mới có thể chiêu mộ được nhân tài. Vì bài học thành công của các doanh nghiệp là “nếu có dự án tốt mà không chọn được con người phù hợp thì tốt nhất không thực hiện dự án đó”. 
 
 
Việt kiều, những người đang làm cho các ngân hàng nước ngoài, người thành danh ở các ngân hàng và sinh viên du học nước ngoài về chính là đối tượng mà LienVietBank nhắm đến để đảm nhiệm cho một số vị trí quan trọng. Với thế mạnh về kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm thực tế phong phú, phong cách làm việc chuyên nghiệp, nguồn nhân lực này chính là nòng cốt cho sự phát triển, khích lệ và nâng cao năng lực làm việc cho toàn thể cán bộ, nhân viên của LienVietBank. 
 
“LienVietBank đã tận dụng được các điều kiện thuận lợi ngay từ thời điểm chuẩn bị ra đời, khi nguồn nhân lực có xu hướng dịch chuyển mạnh từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về “đầu quân” cho doanh nghiệp Việt Nam. Có sự dịch chuyển lao động như vậy là do các doanh nghiệp trong nước có sức hút mới và các nhân lực Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài đã học hỏi được những kinh nghiệm nhất định, muốn tìm môi trường phù hợp hơn để phát huy tài năng. LienVietBank đã thu hút được một số lượng không nhỏ nguồn nhân lực chất lượng cao trong số đó”, TS. Nguyễn Đức Hưởng bộc bạch. 

Không gian làm việc 

Môi trường làm việc tốt chính là tiêu chí đầu tiên để thu hút người lao động đến “đầu quân”, đây chính là nỗ lực của các doanh nghiệp nói chung và LienVietBank nói riêng. 
 
Ông Alexander Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc LienVietBank tâm sự: “Việc rời bỏ vị trí Giám đốc khu vực và môi trường làm việc tốt của Ngân hàng Westpac (Australia) sau 20 năm gắn bó để về Việt Nam làm việc cho LienVietBank là một quyết định không dễ dàng đối với tôi. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT LienVietBank (thời điểm Ngân hàng đang trong quá trình chuẩn bị đi vào hoạt động), tôi nhận thấy lãnh đạo LienVietBank đã và đang có những bước đi đúng đắn khi xây dựng định hướng phát triển hoạt động của mình theo hướng tách dần khỏi cách hoạt động của NH cổ điển để xây dựng một ngân hàng hiện đại, hoạt động đa năng. Chính sự gặp gỡ về tư tưởng này đã giúp khơi gợi trong tôi mong muốn được trở về Việt Nam cống hiến cho quê hương trong môi trường làm việc có phong cách tương đồng với phương Tây mà tôi đã gắn bó 20 năm”. 
 
Bà Nguyễn Thu Hoa, Phó Tổng Giám đốc LienVietBank kiêm Giám đốc LienVietBank Hà Nội chia sẻ: “Về làm việc tại LienVietBank, tôi thấy được giá trị của những kiến thức và kinh nghiệm có được của bản thân. Bởi vì ở đây, tôi có không gian để sáng tạo và ngân hàng đã tạo cơ hội cho tôi được làm việc không giới hạn, cống hiến hết mình và hưởng theo thành quả lao động. Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi nhận thấy đó là sự nhìn nhận về mặt kiến thức, cũng như sự chia sẻ của Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đối với cán bộ, nhân viên của mình”.
  
Bà Nguyễn Thị Gấm, Kế toán trưởng LienVietBank cũng đồng tình với quan điểm đó và cho biết, ngay từ khi mới thành lập, LienVietBank đã xác định, muốn phát triển phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và để giữ chân họ, chính sách nhân sự phải hội đủ cả 3 điều kiện về thu nhập, môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến. Với tôn chỉ đó, Ban điều hành LienVietBank đã xây dựng chính sách: “Nhân viên LienVietBank sống bằng lương, giàu bằng thưởng”. Môi trường làm việc tại LienVietBank hết sức chuyên nghiệp, theo mô hình của một ngân hàng hiện đại nhưng thân thiện và phù hợp với Việt Nam. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Ngân hàng luôn tạo điều kiện cho các nhân viên sáng tạo, phát triển và khẳng định mình thông qua các cuộc thi theo chủ đề. 

“Sức hút” cổ đông
 
Có một điểm rất đơn giản nhưng cũng là “điểm nhấn” giúp LienVietBank chiêu mộ được nhiều nhân tài, đó chính là “sức hút” từ Ban lãnh đạo của Ngân hàng này, bởi họ đều là những doanh nhân thành đạt. Đây là một trong những yếu tố quan trọng mà mỗi người khi quyết định về làm việc tại LienVietBank đều quan tâm, cân nhắc. 
 
Ông Alexander Nguyễn cho biết: “Một trong những lý do khiến tôi quyết định về làm việc cho LienVietBank chính là sức mạnh nội lực mà tôi nhận thấy từ các cổ đông sáng lập của Ngân hàng. Họ đều là những người đã rất thành công trong kinh doanh. Tầm nhìn xa và các mục tiêu táo bạo do các thành viên HĐQT đặt ra sẽ là các thách thức lớn đòi hỏi Ban điều hành và toàn thể cán bộ nhân viên phải đồng lòng, nhất trí, phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể để vượt qua; đồng thời từng cá nhân sẽ có cơ hội học hỏi, đóng góp cho sự phát triển của Ngân hàng và khẳng định bản thân. Và thực tế là chính tôi, tại đây, khi đem kinh nghiệm từ nước ngoài để áp dụng vào Ngân hàng cũng đã học hỏi được nhiều điều bổ ích cho bản thân. 
 
Bà Nguyễn Thị Gấm cũng chia sẻ: “Sau 14 năm làm cho Ngân hàng Chinfon tại Việt Nam với nhiều lần được cử đi ra nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, nhưng tôi vẫn thích về làm cho một ngân hàng Việt Nam. Trong điều kiện đó, tuy nhận được  nhiều lời mời từ ngân hàng “nội”, nhưng tôi đã quyết định về với LienVietBank bởi cổ đông sáng lập của LienVietBank đều là những doanh nghiệp thành công với thế mạnh về tài chính trên thương trường, cùng đồng lòng hướng tới xây dựng một ngân hàng năng động và hiện đại. Nhưng có lẽ cái “được” lớn nhất khi về đây là tôi được làm việc với Anh Hưởng, Tổng Giám đốc Ngân hàng, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ người lãnh đạo vừa quyết liệt khi ra quyết định nhưng lại rất thân thiện và luôn tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên phát triển”.
  
Box: 
Đúng ngày tôi sang Ngân hàng để tìm hiểu về kết quả hoạt động 7 tháng, Ban lãnh đạo LienVietBank đang trao thưởng đột xuất cho một số cán bộ, nhân viên có thành tích trong lao động. Trong số đó có cô Trần Thị Mai Anh, chuyên viên PR&Marketing. Khi tôi hỏi thăm, cô xúc động nói: “Tôi nghĩ, bên cạnh lương bổng và cơ hội thăng tiến, một trong những điều kiện tiên quyết giữ chân lớp trẻ chính là môi trường làm việc thân thiện cùng với việc được ghi nhận với những nỗ lực và đóng góp mà họ đã bỏ ra. Tại LienVietBank, tôi đã tìm thấy được tất cả các điều trên”.

TS. Nguyễn Đức Hưởng - Tổng Giám đốc LienVietBank:
 
Chúng tôi luôn chân trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho những nhân sự giỏi và đang nỗ lực xây dựng “ngôi nhà LienVietBank” với mục tiêu hướng đến “LienVietBank là nhà, nhân sự là chủ”. LienVietBank quan niệm, làm việc tuy có thể vất vả nhưng tư tưởng phải thoải mái với tinh thần đoàn kết, đổi mới, thân thiện và phát triển.

Ông Alexander Nguyễn - Phó TGĐ LienVietBank: 
 
Thời gian đầu làm việc ở Việt Nam, tôi cũng gặp một số khó khăn do sự khác biệt về văn hóa. Tuy nhiên, với nỗ lực của bản thân cũng như sự giúp đỡ nhiệt tình của các thành viên HĐQT và Ban điều hành Ngân hàng, tôi đã nhanh chóng vượt qua rào cản này và hòa nhập với môi trường làm việc tại đây. Tại LienVietBank, tôi luôn được tạo điều kiện để đưa ra và thực thi các ý tưởng nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Ngân hàng. Đội ngũ lãnh đạo cũng như nhân viên của LienVietBank có tư tưởng làm việc cởi mở, sẵn sàng học hỏi và chấp nhận sự thay đổi do tôi đưa ra dựa trên kiến thức và kinh nghiệm mà tôi đúc rút được trong suốt quá trình làm việc tại Australia, áp dụng vào thực tế làm việc ở Việt Nam. Một điều quan trọng khác khiến tôi càng thêm gắn bó hơn với LienVietBank chính là tình anh em, bạn bè giữa các đồng nghiệp trong Ngân hàng. Mọi người ở đây luôn đoàn kết, nhiệt tình giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống. Điều này giúp tôi cảm thấy ấm áp như trong một đại gia đình. 
 
Số lượt đọc: 26 Cập nhật lần cuối: 07/04/2013