Nhà nước không bao giờ để người dân mất tiền

Trước vấn đề nóng về việc Chính phủ gợi mở hướng thí điểm cho phá sản ngân hàng yếu kém, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPostBank có một số nhận định.
0-f0d11.jpg
 
1. Là người làm bank, ông thấy tình huống cho thí điểm phá sản bank yếu kém hiện nay như thế nào?
Tôi hy vọng rằng, việc cho phá sản các ngân hàng yếu kém ở Việt Nam chỉ là ý tưởng, định hướng thực hiện theo quy luật thị trường, chứ chưa phải hiện thực ngay vì ở Việt Nam các ngân hàng thương mại cổ phần tuy nhỏ nhưng tổng tài sản rất lớn so với tổng thu ngân sách quốc gia hàng năm và ngân hàng thương mại không phải là một doanh nghiệp bình thường mà là doanh nghiệp đặc biệt, nhạy cảm, nên nếu cho một ngân hàng yếu kém phá sản chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng domino - sụp đổ hàng loạt các ngân hàng và sập cả nền kinh tế!

2. Việt Nam vẫn đấu tranh giữa yêu cầu tôn trọng tính thị trường và bảo hộ của Nhà nước, quan ngại đổ vỡ dây chuyền trong vấn đề này. Theo ông, phải nghiêng về lựa chọn nào, hay có giải pháp nào dung hoà hợp lý không?
Quan ngại ấy hoàn toàn có lý! Không phải ở Việt Nam mà đối với các ngân hàng lớn trên thế giới khi có vấn đề về sức khỏe thì Nhà nước vẫn có các gói hỗ trợ; việc hỗ trợ cho bank khỏe chính là để cứu nền kinh tế! Nên giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam như Ngân hàng Nhà nước đang triển khai và có lộ trình cụ thể, hợp lý từ từ... luôn luôn là giải pháp hữu hiệu! Điều đơn giản chúng ta phải biết nuôi doanh nghiệp để doanh nghiệp nuôi lại nền kinh tế! 

3. Lợi ích của người gửi tiền và vấn đề trả giá đối với việc để bank rơi vào yếu kém trong câu chuyện này, theo ông?
Nếu Bộ Chính trị quyết định cho phép áp dụng phá sản bank yếu kém đơn thuần như những doanh nghiệp khác, người gửi tiền sẽ tranh nhau đến tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần nói chung trên cả nước rút tiền gửi ngay lập tức vì người dân phải bảo toàn đồng vốn hiếm hoi của mình, lúc ấy dưới mắt người gửi tiền thì ngân hàng nào cũng có thể là yếu kém! Không có lực lượng truyền thông nào mạnh hơn văn hóa truyền thông... "rỉ tai" ở Việt Nam! Tuy nhiên các ý kiến của các Bộ ngành và lãnh đạo cao cấp là định hướng; nếu Bộ Chính trị quyết định có thí điểm phá sản bank yếu kém, chắc chắn Nhà nước sẽ không để người dân mất tiền.

4. Ông có lời khuyên nào đối với người gửi tiền lúc này?
Tôi xin người gửi tiền hãy bình tĩnh, đừng nghe tuyên truyền tiêu cực, đừng vội vàng đến ngân hàng rút tiền gây thiệt hại đến túi tiền từng nhà, và nhiều nhỏ thành to, vô tình nguồn tiền gửi tiết kiệm từ ích nước lợi nhà chuyển thành "hại nước, hại nhà" vì tự nhiên người gửi tiền mất tiền lãi và đem đi đầu tư vội vàng vào các kênh rủi ro khác (ném tiền qua cửa sổ); các ngân hàng lại chạy đua tăng lãi suất; lạm phát, tỷ giá sẽ biến động! Tôi nghĩ rằng chúng ta phải hiểu đúng những phát biểu của các lãnh đạo cấp cao chỉ là nêu lên định hướng theo quy luật thị trường và đây là sự nhắc nhở các ngân hàng thương mại yếu kém phải tự cố gắng vươn lên, tự cứu mình trước khi... trời cứu! Và đến khi nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường thực sự có thể sẽ áp dụng giải pháp phá sản các ngân hàng yếu kém như các doanh nghiệp lớn khác! Nhưng chuyện đó phải có thời gian mới có thể xem xét áp dụng sau công cuộc tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần! Còn trước mắt tôi tin tưởng chắc chắn rằng Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng phương châm "đánh chuột không vỡ bình" - trong đó, cái "bình" là quyền lợi của người dân gửi tiền và sức khỏe nền kinh tế!

PV: Xin cảm ơn ông!
 
Số lượt đọc: 33 Cập nhật lần cuối: 05/01/2017