Việt Nam đang khai thác tốt "cơ" trong "nguy"

2022_02_01_viet_nam_dang_khai_thac_tot_co_trong_nguy_1.jpg

Cơn bão Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam. Dịch được kỳ vọng chấm dứt trong năm 2022, liệu có phải đặt vấn đề về “chuyển hướng chiến lược” để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt các mục tiêu 2030 và 2045 không? Ở góc độ vĩ mô, đâu là “cơ” trong “nguy” để Việt Nam tận dụng bứt phá, thưa ông?

Với những gì đã và đang diễn ra, theo tôi, kỳ vọng Covid kết thúc trong năm 2022 sẽ chỉ là kỳ vọng, nếu thiếu chữ... “nếu”: Nếu công dân tất cả các nước trên thế giới đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin Covid; nếu trên thế giới có thuốc đặc trị Covid phổ biến tất cả các nước một cách đầy đủ và thuận lợi; nếu trên thế giới không có biến chủng Covid mới nguy hiểm hơn...

Còn chuyển hướng chiến lược phù hợp với chiến dịch chống Covid, tại sao không? Thực tế, sau làn sóng bùng phát thứ tư trong năm 2021, Chính phủ đã chuyển hướng chiến lược bằng Nghị quyết 128, từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn và linh hoạt. Tôi cho rằng, đây chính là quyết định chuyển hướng quan trọng nhất, rất hợp lý của Chính phủ để đảo ngược đà suy thoái từ quý IV/2021 và tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi từ 2022.

Về mục tiêu chiến lược kinh tế - xã hội của Việt Nam, tôi khẳng định chắc chắn rằng, lâu dài không hề ảnh hưởng xấu, mà ngược lại, tương lai còn tốt lên, đạt mục tiêu nhanh hơn, vì so với thế giới, nước ta nhiều vấn đề đi sau nhưng về trước.

Chiến lược duy nhất cần cân nhắc thay đổi là “chiến lược chống Covid”. Thay vì tránh Covid, thì nên tấn công Covid bằng chiến lược vắc xin và chiến lược lược môi trường; thay vì xây dựng những trung tâm cách ly quy mô lớn, thì củng cố các pháo đài y tế ở các phường xã; thay vì coi Covid là giặc, thì coi Covid là bụi ô nhiễm môi trường; thay vì đi bộ “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, thì các cấp quản lý đi bằng... công nghệ tiết kiệm chi phí, hiệu quả hơn.

Với hoạt động sản xuất - kinh doanh, thay vì “ngăn sông, cấm chợ” phòng tránh Covid, thì thực hiện chiến lược “mở cửa đón cơ hội”... Nếu, lại chữ... “nếu”, làm được những vấn đề trên, thì kinh tế Việt Nam nếu có thay đổi thì chỉ thay đổi theo chiều hướng về đích nhanh hơn, mục tiêu lớn hơn... Đó chính là khai thác tốt “cơ” trong “nguy”.

2022_02_01_viet_nam_dang_khai_thac_tot_co_trong_nguy_2_0.jpg

Nói về tăng trưởng thì chính sách của Việt Nam luôn gắn với chữ “bền vững”, nhưng chi phí để đảm bảo bền vững luôn là rất lớn, theo ông, nguồn lực cần tận dụng cho Việt Nam là thế nào?

Bền vững trong điều kiện dịch bệnh kéo dài là bài toán khó cho tất cả các nước trên thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam, nhưng chúng ta đang là nước thuận lợi nhất trong thực hiện chiến lược bền vững, thậm chí đột phá hậu Covid.

Thứ nhất, nguồn lực trong dân còn nhiều, nếu cần huy động vốn trong dân thông qua việc phát hành công trái xây dựng tổ quốc với lãi suất hấp dẫn, thời hạn dài..., chắc chắn thu được kết quả cao, tạo nguồn lực bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai là cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam luôn đổi mới phù hợp, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, khai thác được các thế mạnh tiềm năng phục vụ phát triển đất nước.

Thứ ba, Việt Nam đang là điểm đến của xu hướng dịch chuyển đầu tư trên toàn cầu. Chúng ta thấy rõ điểm này trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong gia tăng nguồn ngoại tệ những năm gần đây. Điều quan trọng nhất là các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy rõ sự ổn định chính trị ở Việt Nam, tiềm năng phát triển kinh tế lớn, nên họ yên tâm đầu tư. Vì vậy, chi phí cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam không lớn.

Đơn cử, việc nhiều quốc gia hỗ trợ nguồn vắc xin lớn và nhanh chóng cho Việt Nam là bởi, Việt Nam ngày càng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đầu tư và hỗ trợ cho Việt Nam như vậy cũng chính là củng cố cho lợi ích của họ, của các nhà đầu tư nước ngoài đang tham gia tại đây. Đó chính là chi phí hợp lý và là bền vững.

Thứ tư, với những gì trải qua trong năm 2021, chúng ta thấy Quốc hội và Chính phủ ngày càng nhanh nhạy, lắng nghe và vào cuộc quyết liệt. Đó cũng chính là nền tảng cho phát triển bền vững. Với nền kinh tế, với doanh nhân và doanh nghiệp, được lắng nghe, được vào cuộc đồng hành như vậy cũng chính là chi phí hỗ trợ vô cùng lớn.
2022_02_01_viet_nam_dang_khai_thac_tot_co_trong_nguy_3.jpg

Quay về câu chuyện của năm 2022, đâu là điểm nhấn kinh tế đáng chú ý nhất, thưa ông?

Năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các nước phát triển nhất, vì Việt Nam đang và sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư khắp thế giới. Mặt khác, ngay như trong năm bị ảnh hưởng Covid nặng nề như 2021, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, cho thấy nội lực và động lực mạnh như thế nào.

2022 sẽ là điểm nhấn của bất động sản và chứng khoán. Hai thị trường này có sự hấp dẫn, thu hút nguồn vốn lớn, nên sẽ xuất hiện cả hiện tượng tích cực và cả tiêu cực.

Nói về câu chuyện nguồn vốn, trong khi vốn FDI vẫn chảy mạnh, thì dòng vốn gián tiếp (FPI) lại bị rút ròng, trong khi đây rõ ràng là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Giải pháp với câu chuyện này là thế nào, thưa ông?

Ở trên tôi đã có đề cập đến thực tiễn và xu hướng thu hút vốn FDI của Việt Nam. Còn với vốn FPI, trước hết cần khẳng định, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn. Cũng phải nhìn nhận rằng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán năm qua chủ yếu là chốt lời khi tỷ suất sinh lợi của thị trường rất tốt. Việc bán ròng này không hoặc chưa hẳn là rút ròng. Đó là một góc nhìn tích cực, vì đầu tư cần có lãi để thu hút bền vững, còn bán ròng chỉ là xu hướng tạm thời.

Ngược lại, chúng ta thấy năm qua Việt Nam ghi nhận hàng loạt thương vụ IPO, hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài rất thành công, thậm chí là những thương vụ kỷ lục ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản, bán lẻ tiêu dùng… Đó là sức hấp dẫn tự thân của thị trường và doanh nghiệp Việt Nam.

Tất nhiên, vẫn còn những hạn chế khiến nhà đầu tư nước ngoài phản ứng phòng thủ, nhưng chủ yếu là do những yếu tố mang tính thời điểm và nhất thời. Hiện Chính phủ đã điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch. Chiến lược vắc xin của Việt Nam “đi sau về trước”, trở thành một trong 6 nước hàng đầu thế giới về phủ vắc xin cho người dân, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đó tiếp tục là niềm tin, cơ sở để góp phần thu hút đầu tư nước ngoài.

Về lâu dài, để thu hút và quản lý bền vững FDI và FPI, chúng ta cần thực hiện tốt các giải pháp như có chênh lệch lãi suất hợp lý để hạn chế dòng vốn đảo chiều; tỷ giá linh hoạt nhưng ổn định; có chính sách hợp lý, thậm chí cả rào cản thuế quan đối với các dòng vốn ngắn hạn và nhạy cảm với thị trường; áp đặt mức khấu trừ thuế đối với các khoản thu nhập của người không cư trú trên thị trường tài chính, chứng khoán…

Bên cạnh đó, đặt các hạn mức vay tối đa cho các khoản vay ngắn hạn nước ngoài; chuyển đổi mạnh quan hệ tín dụng vay mượn ngoại tệ sang thương mại mua bán ngoại tệ; làm trong sạch thị trường chứng khoán, minh bạch và chuyên nghiệp để tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư lâu dài… Về tổng quan, bên cạnh những lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài, điểm đáng chú ý là Quốc hội, Chính phủ có tinh thần lắng nghe, sẵn sàng vào cuộc quyết liệt để đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư.
2022_02_01_viet_nam_dang_khai_thac_tot_co_trong_nguy_4.jpg

Doanh nghiệp và doanh nhân nên chú ý đến điều gì và nên điều chỉnh kế hoạch kinh doanh thế nào trong năm 2022, thưa ông?

Nếu năm 2020 và năm 2021 là năm “chiến tranh Covid”, là năm “nguy” nhiều hơn “cơ”, thì 2022 là năm hậu giãn cách với “cơ” nhiều hơn “nguy”. Chúng ta đã làm quen với phương châm “trong nguy có cơ”. Do đó, doanh nghiệp, doanh nhân nào tức thời, tiếp cận nhanh chóng với kinh tế số trong hoạt động, tận dụng được cơ hội thì tồn tại và phát triển vượt bậc.

Theo tôi, 2022 là năm nền móng công cuộc kinh tế số của các doanh nghiệp, cùng với việc tạo lập cơ chế, chính sách và luật pháp chặt chẽ, năm của cơ hội, của kinh doanh chứng khoán, nhất là bất động sản, vì lạm phát trên toàn thế giới sẽ theo chiều hướng tăng lên. Do đó, các doanh nghiệp, doanh nhân phải làm ăn bài bản, đổi mới, đột phá có cơ sở khoa học..., không còn chỗ cho quan niệm “ở liều - gặp lành”.

2022_02_01_viet_nam_dang_khai_thac_tot_co_trong_nguy_5.jpg

Số lượt đọc: 358 Cập nhật lần cuối: 01/02/2022