Đầu tư chứng khoán cần thấu hiểu các quy luật tự nhiên để có bước đi vừa “đúng” vừa “trúng”

Báo Đầu tư Chứng khoán vừa có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch sáng lập CMH, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) về diễn biến tăng đột biến của một số cổ phiếu trên thị trường.
 
dau_tu_chung_khoan_can_thau_hieu_cac_quy_luat_tu_nhien.jpg
TS. Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch sáng lập CMS, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt

Thời gian gần đây, cổ phiếu CMS của Công ty cổ phần Tập đoàn CMH Việt Nam (CMH Việt Nam, mã CMS - sàn HNX) giao dịch trên thị trường chứng khoán có nhiều biến động về số lượng và giá với nhiều phiên tăng trần liên tiếp. Công ty cũng đã có công văn số 67/2023/CV-TGĐ-CMH ngày 8/9/2023 báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. CMH Việt Nam cho biết, hiện nay Công ty đang có những kênh thông tin/diễn đàn trao đổi, đánh giá về giá trị cổ phiếu CMS.

Chúng tôi nhận thấy, các trao đổi, đánh giá này đang dựa vào các nguồn thông tin không chính thức về Công ty, chưa bám sát với tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại cũng như định hướng trong những năm tiếp theo của Công ty, có khả năng dẫn đến nhận định chưa đúng mức của các nhà đầu tư về Công ty. Sự việc này có thể đã góp phần làm cho giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu của Công ty trong thời qua có nhiều biến động bất thường, có khả năng gây ra thiệt hại cho các nhà đầu tư không nắm rõ các thông tin chính xác về Công ty, theo báo cáo từ CMH Việt Nam.

Đây không phải là trường hợp tăng đột biến hiếm hoi trên thị trường chứng khoán, xu hướng này đặc biệt nổi lên khá mạnh mẽ và phổ biến trong năm 2021. Điển hình như đợt sóng tăng kéo dài đến từ các cổ phiếu trong hệ sinh thái “họ Louis” gồm BII và TGG; hay màn nhảy múa của nhóm APEC gồm APS, API, IDJ khi ghi nhận mức tăng thị giá gấp nhiều lần…
 
Ông có nhận định gì về những biến động đột biến của một số cổ phiếu gần đây? Và nhìn tổng thể diễn biến trên TTCK thời gian qua?

Thị trường chứng khoán Việt Nam rất nhạy cảm với mọi biến động xã hội bởi văn hóa “rỉ tai” và phong trào đầu tư “bầy đàn”. Do đó, bất kỳ biến động xã hội nào cũng tạo ra hiện tượng “tâm lý đẩy” trên sàn chứng khoán, dẫn đến sự trồi sụt bất thường xảy ra đôi khi không phải do nội hàm sức khỏe của doanh nghiệp. Điểm tích cực là các hiện tượng trên cũng giống như liều thuốc thử, cộng với sự quản lý điều hành ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại của Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính và các ngành pháp luật chức năng…

TTCK ngày càng phát huy vai trò “bà đỡ” của nền kinh tế, là kênh dẫn vốn đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư, hướng tới là “bình” thông nhau giữa thị trường Việt Nam và các thị trường vốn lớn trên thế giới khi có nhiều doanh nghiệp Việt Nam lên sàn chứng khoán quốc tế và ngược lại.

Tình hình kinh tế thế giới trải qua hai năm Covid-19 và gần hai năm xung đột Nga-Ukraine đã làm bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm và trên bờ vực khủng hoảng kinh tế toàn cầu mang đến cho Việt Nam nhiều thách thức… Tuy nhiên, tiềm năng TTCK Việt Nam những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, có thể nói là sẽ “hưởng lợi” do thẩm thấu một số liều thuốc đặc trị từ chính sách vĩ mô của quốc gia.

Đó là chiến lược ngoại giao của Đảng, Nhà nước, chính sách tháo gỡ nền kinh tế kịp thời của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ; sự quản lý minh bạch của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành… đã góp phần tích cực cho TTCK khởi sắc.

Đặc biệt, TTCK Việt Nam hưởng lợi trực tiếp từ quyết định nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ - một quyết sách của Đảng, như đòn bẩy vực dậy cả nền kinh tế, uy tín quốc tế, thu hút vốn đầu tư… tác động tốt, trực tiếp đến TTCK Việt Nam một cách bền vững. Những ngành, những mã chứng khoán liên quan đến công nghệ bán dẫn, chip điện tử, 4.0, xuất nhập khẩu Việt-Mỹ… tiềm năng tương lai sẽ rất lớn.

Có những cổ phiếu tăng đột biến đến gần 5 lần, theo ông, yếu tố nào tác động đến sự bất thường này?

Đã nói đến sự bất thường, tức là không vận hành theo quy luật nào. Nếu có những mã chứng khoán tăng đột biến gần 5 lần, tức là 500% trong một thời gian ngắn, trong khi nội hàm công ty không có biến động lớn theo hướng tích cực… thì điều bất thường ấy đang được tác động bởi cái bất thường khác.
 

"Có những điều bất thường mà chỉ có chính sự bất thường mới biết đó là bình thường"
Ông Nguyễn Đức Hưởng
 
 
Trong xu hướng tăng đột biến gần đây có CMS. Theo ông, liệu có phải nền tảng của CMS đã tốt lên hay có điều gì tạo nên bất thường?

Đúng là thời gian gần đây giá chứng khoán CMS tăng đột biến nhưng thực tế nền tảng của CMS có tốt lên và Công ty có những chiến lược mới… Nhưng xét về quy luật giá trị “giá cả xoay quanh giá trị” thì giá cả CMS thời điểm này đang “xoay xa” với giá trị. Tôi cũng có cảm nhận có điều gì bất thường khi CMS nhiều phiên tím trần liên tục.

Có người hỏi tôi: Biết đâu đó lại là bình thường thì sao? Tôi trả lời: "Có những điều bất thường mà chỉ có chính sự bất thường mới biết đó là bình thường". Có lẽ nhà đầu tư vẫn thấy các tin đồn hấp dẫn hơn thông tin chính thống, việc này có thể khiến các nhà đầu tư chịu thiệt hại như thế nào? Vì văn hóa “rỉ tai” và đầu tư “bầy đàn” tựa như triết lý sống “tai điều hành mắt”. Rõ ràng đây là “bông hoa màu hồng” nhưng có người quan trọng nói đây là “bông hoa màu trắng” thế là tất cả mọi người rỉ tai nhau “đó là màu trắng”, sau đó mọi người đi qua ai cũng nhìn thấy bông hoa là màu trắng.

Trong cuộc sống, đôi khi trắng đen không rõ ràng là vậy. Trên TTCK, thực tế thời gian qua vẫn có hiện tượng “nhà đầu tư thấy các tin đồn hấp dẫn hơn thông tin chính thống” và các nhà đầu tư nhỏ lẻ lao vào đầu tư theo tin đồn. Tôi có đúc kết cách đầu tư này là đầu tư theo kiểu “ở liều gặp lành”, bởi thực tế có nhiều người cũng gặp lành thật nếu biết “đu dây” và “nhảy dây” kịp thời. Nhưng chung quy lại là “lành ít dữ nhiều” vì đa số các nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu tư theo phong trào đã không có nghề lại “tham”, không biết “đủ” nên không biết “dừng“ là gì. Kết quả là tiền mất, tật mang.

Là người có kinh nghiệm trên thương trường, ông có lời khuyên gì với các nhà đầu tư?

Thực chất tôi cũng không biết khuyên gì vì mỗi người có một quan điểm, nên khuyến nghị “đúng” chưa chắc đã “trúng”. Còn về đầu tư chứng khoán, tôi tự đúc kết ra 4 bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, phải học kỹ binh pháp, có nghiên cứu, trải nghiệm..., nhưng thực hiện chiến tranh du kích là cốt lõi (đánh nhanh, rút gọn).

Hai là, đôi khi phải biết “ngâm tôm” (trường kỳ kháng chiến). Biết sức khỏe công ty tốt rồi thì cứ đầu tư chờ đợi, không nóng vội. Hoặc đi bơi lỡ sóng xô ra xa bờ rồi thì buông tay theo sóng nghỉ ngơi, đừng cố vào bờ bằng hết sức mà chết đuối. Và thấy biển tốt thì cứ yên tâm thư giãn xa bờ rồi từ từ sẽ vào bờ và lên bờ.

Thứ ba, hạn chế “ở liều gặp lành”, “đầu tư theo bầy đàn”. Còn nếu có, chỉ dành ít tiền (coi như mất) để thăm dò thị trường, vui chơi giải trí, không sa đà. Vì trò chơi này lành ít, dữ nhiều, mình chỉ là con tốt trên bàn cờ… không tốt.

Thứ tư, thượng tôn pháp luật. Có nhìn thấy một núi vàng… nhưng biết sẽ vi phạm pháp luật thì tốt nhất tránh xa. Trên thương trường, tôi luôn tâm niệm “người đối diện mình luôn có cái đầu như mình trở lên… nên chân thật vẫn hơn”. Mình làm gì, nghĩ gì, mọi người đều biết hết, đừng “múa rìu qua mắt thợ”, nên… ăn ít sống lâu. Đầu tư chứng khoán ngoài những bài học cơ bản về chứng khoán phải thấu hiểu các quy luật tự nhiên để có bước đi vừa “đúng” vừa “trúng”.
 
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
 
Số lượt đọc: 344 Cập nhật lần cuối: 21/09/2023