Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Hai thương hiệu, triệu giá trị

“Hai thương hiệu, triệu giá trị”- đó là slogan khá ấn tượng để nói về thương vụ sáp nhập “khủng” chưa có tiền lệ trong ngành NH: Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (Vietnam Post) tham gia góp vốn vào NHTMCP Liên Việt bằng giá trị Công ty Dịch vụ tiết kiệm bưu điện (VPSC) và tiền mặt (tổng số 997 tỷ đồng, chiếm 14,999% cổ phần) để tạo ra NH mới có tên gọi NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Thương vụ đặc biệt này đã cho ra đời mô hình Ngân hàng bưu điện đầu tiên tại Việt Nam - kết hợp giữa NHTM truyền thống với dịch vụ tiết kiệm bưu điện có mạng lưới rộng khắp.


“Cộng sinh, cộng lực và cộng hưởng”

Trên thế giới, NH bưu điện là mô hình NH triển khai các hoạt động trực tiếp đến các khách hàng thông qua mạng lưới các bưu điện sẵn có mà tại bất kỳ quốc gia nào, mạng lưới này cũng có quy mô cực lớn xét cả về số lượng điểm giao dịch và mức độ phủ kín về mặt địa hành chính. Thực tế hoạt động cho thấy, mô hình NH bưu điện khá hiệu quả và được đánh giá cao.

Như tại Đức, PostBank đại diện cho các sản phẩm đơn giản, chi phí thấp và dễ sử dụng, đồng thời cung ứng các kênh giao dịch rộng khắp. Tại Nam Phi, hàng triệu người luôn tin tưởng vào PostBank vì hệ thống tài khoản tiết kiệm an toàn, tin cẩn với lãi suất tốt và điều khoản linh hoạt. Tại Nhật Bản, PostBank (FUTSU) là đại biểu của sự an tâm và tín nhiệm và là hệ thống mọi người dân Nhật đều dùng được.

Là NH đầu tiên áp dụng mô hình NH bưu điện tại Việt Nam, LienVietPostBank hứa hẹn mang lại lợi ích cho nhiều bên. Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, đây là sự liên kết hai thương hiệu lớn: bưu điện (có bề dày phát triển 66 năm qua) và LienVietBank (có chỗ đứng trong lòng khách hàng), để tạo ra hàng triệu giá trị lớn.

TS. NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank:

Nhiều quyền lợi, nhiều tiện ích

Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) đã chuyển về LienVietPostBank theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. LienVietPostBank cam kết kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích và khai thác nguyên hiện trạng VPSC trên toàn quốc theo đúng như tinh thần văn bản của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Điều này có nghĩa những người gửi tiền tại dịch vụ tiết kiệm đều có thể yên tâm về lãi suất, tính an toàn và bảo mật của khoản tiền.

Nếu như trước đây các khoản tiền người dân gửi tại hệ thống Tiết kiệm bưu điện không được hưởng bảo hiểm tiền gửi, nay tất cả các khoản tiền đó đương nhiên được hưởng bảo hiểm tiền gửi do NH Bưu điện Liên Việt đã tham gia Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Hơn nữa, người dân được hưởng thêm nhiều quyền lợi tiện ích bởi các dịch vụ mới của LienVietPostBank. Chẳng hạn như dịch vụ “Ví Việt”, người dân có thể chuyển tiền một cách an toàn, nhanh chóng bằng điện thoại di động mà không cần phải có tài khoản của NH. Bà con nông dân gửi tiền cho con học đại học ở thành phố, không cần đến NH gửi tiền, chỉ cần một cú nhắn tin điện thoại là xong.


Giá trị lớn được hướng tới 3 nhà, trước hết là người dân vì người dân ở vùng sâu vùng xa nhất cũng có thể sử dụng nhiều dịch vụ NH tiện ích, đơn giản với chi phí thấp trước đây hệ thống tiết kiệm bưu điện không có chức năng cung cấp.

Thứ hai là NH và tiết kiệm bưu điện cùng được hưởng lợi. Bởi nếu tiết kiệm bưu điện đứng một mình thì chỉ huy động, không cho vay, tức không khai thác được dịch vụ tiện ích cũng như hệ thống mạng lưới rộng khắp của mình. Còn NH Liên Việt muốn trở thành một trong những NH bán lẻ hàng đầu Việt Nam phải có hệ thống mạng lưới rộng khắp. Sự “cộng sinh - cộng lực - cộng hưởng” này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng, góp phần thực hiện chính sách “Tam nông” của Đảng.

Chia sẻ thêm, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank, cho rằng sự ra đời của LienVietPostBank sẽ giúp nâng cao hơn chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm tài chính - ngân hàng. Đây cũng là nhân tố chính để LienVietPostBank hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Ngân hàng của mọi người”, mà một định hướng trong đó là NHTMCP đầu tiên dành riêng cho người nghèo, các hộ nông dân trong cả nước.

Định hướng này có nhiều cơ sở thuận lợi vì hiện nay NH Liên Việt đang triển khai hiệu quả Đề án phát triển tín dụng nông nghiệp - nông thôn. Riêng tại khu vực ĐBSCL, hiện có trên 15.000 hộ nông dân trực tiếp đang được hưởng lợi từ đề án này của LienVietBank.

Kế thừa và phát huy mạng lưới rộng khắp

Với việc áp dụng mô hình NH bưu điện đầu tiên ở Việt Nam, LienVietPostBank cũng xác định thay đổi chiến lược kinh doanh: từ một NH đầu tư, bán buôn, kết hợp với bán lẻ đa năng, chuyển sang mục tiêu trở thành NH bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Sự chuyển đổi chiến lược là phù hợp với lợi thế của LienVietPostBank.

Với hệ thống tiết kiệm bưu điện, NH này sẽ có mạng lưới rộng nhất, có mặt tại những xã vùng sâu, vùng xa nhất của đất nước với hơn 10.000 điểm giao dịch. Bước đầu, sẽ có khoảng 800 điểm giao dịch của hệ thống tiết kiệm bưu điện được đào tạo, trang bị, cung cấp các sản phẩm dịch vụ NH đơn giản, phổ biến.

Hội đồng Quản trị LienVietPostBank ra mắt Đại hội đồng cổ đông.

Tiếp sau đó, theo lộ trình cứ mỗi năm LienVietPostBank sẽ phát triển thêm khoảng 1.000 điểm giao dịch tại các bưu cục của Vietnam Post, để đến năm 2018 sẽ đạt con số 10.000 điểm giao dịch trên toàn quốc. Giá trị của 10.000 điểm giao dịch đó được TS. Nguyễn Đức Hưởng giải thích nếu không có sự sáp nhập và kết hợp đó, với tốc độ phát triển mạng lưới như hiện nay, cần phải mất cả trăm năm mới thiết lập được.

Hơn nữa, đó là những bưu cục mà VNPT và Vietnam Post đã xác lập với vị trí hầu hết nằm ở trung tâm, ở “km số 0” của các địa bàn, đặc biệt là sự rộng khắp đến cả các xã vùng sâu, vùng xa. Quan điểm của LienVietPostBank là tận dụng lợi thế của hệ thống các bưu cục đó thành các điểm giao dịch NH, huy động lượng tiền gửi trong dân cư, cũng như mở rộng các dịch vụ mới.

Trong thời gian tới, LienVietPostBank sẽ triển khai các hoạt động tài chính vi mô đến từng hộ gia đình trong cả nước, là cầu nối giữa các tổ chức tài chính và người dân, thực hiện các dịch vụ thu chi bảo hiểm xã hội, thu thuế, thu tiền điện, nước.

Ông Dương Công Minh cho biết với chiến lược dài hạn “nhiều nhỏ thành to”, thực hiện huy động vốn và thanh toán đến từng người dân sẽ góp phần đáng kể cho việc tăng trưởng về quy mô tài sản của LienVietPostBank, đồng thời giúp người dân thực hiện các dịch vụ tài chính ngân hang và đề án thanh toán không dùng tiền mặt tới vùng nông thôn.

Nguyên Quân
Số lượt đọc: 15 Cập nhật lần cuối: 18/01/2012