Giá trị của hai từ "Bình thường" - Hành trang vào đời của thế hệ Việt
"Bình thường" - hai từ tưởng chừng như giản đơn nhưng lại mang trong mình những sắc thái giá trị tri thức sâu sắc mà trong mỗi chúng ta không phải ai cũng có thể nhận ra được. Chúng tôi tình cờ được biết đến ý nghĩa hai từ này qua bài viết "Phấn đấu trở thành người bình thường" của tác giả TS. Nguyễn Đức Hưởng". Tựa đề bài viết dường như gây cho chúng tôi bắt đầu về sự tò mò, sau đó là sự cuốn hút về lối tư duy mới mẻ đầy sáng tạo này của tác giả. Và cuối cùng sự hấp dẫn đến từ tác phẩm đã thôi thúc trong mỗi chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về Ý nghĩa hai từ "Bình thường" và "Thế nào là người bình thường?".
- "Bình thường" tạo nên giá trị con người –
Trên thực tế theo cách tự nhiên nhất mỗi một người đã tự xây dựng nền tảng giá trị riêng cho chính bản thân mình mỗi ngày thông qua lời nói, hành động, cách ứng xử hay đơn giản là lối giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày. Tất cả đều hình thành nên giá trị cơ bản của chính bản thân họ muốn hướng đến trong tương lai. Nhưng giá trị nhân bản được đề cập xuất phát từ hai từ bình thường lại tạo nên những sắc màu mới nhưng không hề lạ lẫm. Từ một ví dụ thực tế ở Việt Nam, Bác Hồ là một biểu tượng toàn vẹn nhất cho lối sống giản dị, mộc mạc, những điều đến từ Bác đều thật gần gũi, chân thật. Bác là biểu tượng sinh động cho phong cách sống của một con người vĩ đại, thanh tao, khiêm tốn, yêu lao động, không ham danh lợi, đạt đến độ mẫu mực, luôn là tấm gương sáng cho thế hệ học sinh, sinh viên cả nước nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung học tập và noi theo. Từ hình tượng cao quý của Bác dường như cho chúng tôi cảm nhận được những giá trị sống thật bình thường nhưng lại tạo nên một con người thật vĩ đại. Và phải chăng đến với cung bậc bình thường giá trị con người được lan toả.
- Ý nghĩa "bình thường" từ những điều "khác thường" -
Ngẫm kĩ về một đời người, giá trị hai từ "bình thường" thật đáng trân trọng. Dân gian ta có câu truyền miệng đùa vui “Đời là bể khổ, vượt qua bể khổ thì đã qua đời", điều đó âu cũng là số kiếp đời người. Con người cả một đời chạy theo những thứ gọi là hoàn hảo, viên mãn, hướng đến một cuộc sống cao sang, quyền quý, vì những điều gọi là xa xỉ ấy họ có thể cố ý, hay vô tình rơi vào vòng xoáy cuộc đời, vòng xoáy của sự tham vọng, tranh giành, mưu cầu danh lợi, để rồi cả một đời họ tưởng chừng mình đã đạt được tất cả, đã tìm kiếm được thứ gọi là hạnh phúc,giá trị cuộc sống lí tưởng, nhưng hiện thực họ chỉ đang lẩn quẫn trong cái gọi là "cuộc đời", những thành công huyền ảo và không thể nào thoát ra được những hào nhoáng tạm thời của nó. Đến lúc tuổi xuân đi qua, không còn đủ sức tranh đua với đời nữa, ngẫm nghĩ về đời người họ hoảng hốt và bắt đầu thốt lên rằng "giá mà..." , "nếu như" ... thì tất cả đã muộn màng. Nếu như khi trước "biết đủ, biết dừng, biết thoát" có lẽ cuộc sống của họ đã thêm phần ý nghĩa hơn rồi. Đôi khi những giá trị đơn giản, bình thường con người ngày thường không trân trọng đến khi gần lìa xa cõi đời mới bắt đầu ngẫm nghĩ, tiếc nuối, ân hận, âu cũng đã muộn.
Đối với tác giả bài viết "Phấn đấu trở thành người bình thường", Ông cho rằng: "Điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống không phải là ta có bao nhiêu quyền, có bao nhiêu tiền mà là đi được bao nhiêu nơi, biết được điều gì mới, hiểu được mình là ai và giúp được bao nhiêu người? ". Có lẽ đó cũng là điều thiêng liêng mà tôi, chúng tôi những thế hệ trẻ muốn hướng đến.Tạm rời xa những thứ gọi là phù phiếm chúng ta hướng đến một cuộc sống đầy đam mê, đầy nhiệt huyết, cuộc sống của sự học hỏi, tìm tòi, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với thử thách." Đi một ngày đàng học một sàng khôn" để rồi tiếp cận những nền tri thức mới, bước đến một cuộc sống đầy tình người. Và giá trị "Nhân bản" bắt đầu được thăng hoa chỉ với những điều thật bình thường và rất bình thường.
- Kết luận -
Cái gọi là "Bình thường" thật gần gũi. Đây chính là hành trang quan trọng hình thành tính cách con người hoàn thiện nhưng ít ai nhận ra được. Thế hệ trẻ chúng tôi thật sự rất may mắn vì đã tìm được một cẩm nang quí giá hướng chúng tôi đến với một cuộc sống giản dị, bình thuờng nhưng lại ẩn sâu trong mình những triết lí giáo dục sâu sắc. Nhờ vào nội dung bài viết, lần đầu tiên chúng tôi đã biết gắn kết giáo dục vào cuộc sống, con người vào thực tiễn để rồi trong mỗi chúng tôi có bước chọn lựa đúng đắn nhân cách bước vào đời. Sau cùng xin chân thành cảm ơn tác giả đã đưa chúng tôi đến với một tác phẩm đầy ý nghĩa.
Sài Gòn, ngày 24 tháng 6 năm 2014.
Đây là những suy nghĩ và cảm nhận của các sinh viên TP. HCM khi đọc được bài viết “Phấn đấu trở thành người bình thường” của TS. Nguyễn Đức Hưởng trên trang web: nguyenduchuong.net. Bài viết được gửi từ Ban biên tập Câu lạc bộ MC EVENT.