Ai sẽ thay ông Nguyễn Đức Hưởng ngồi “ghế nóng” LienVietPostBank?

Hai ứng cử viên được coi là nặng ký nhất để ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank thay ông Nguyễn Đức Hưởng là ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc và ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch HĐQT.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, UPCoM: LPB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018. LienVietPostBank cho biết, HĐQT và Ban kiểm soát của Ngân hàng nhiệm kỳ II (2013-2018) sẽ kết thúc vào tháng 3.2018. Để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, HĐQT LienVietPostBank sẽ trình ĐHĐCĐ năm 2018 thông qua việc bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ III (2018-2023).
 
Ai sẽ ngồi ghế nóng thay ông Nguyễn Đức Hưởng?

Số lượng thành viên bầu vào HĐQT dự kiến gồm 8 thành viên. Trong đó có 6 thành viên hiện đang nằm trong HĐQT LienVietPostBank, 2 thành viên còn lại là ông Dương Công Toàn (Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank) và bà Dương Hoài Liên (hiện không nắm giữ chức vụ tại LienVietPostBank). Như vậy, danh sách HĐQT dự kiến này không có Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng và Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Huynh.

Thực tế, từ cuối năm ngoái, ông Nguyễn Đức Hưởng đã đưa ra quyết định dừng công việc tại nhiệm sở vì vấn đề sức khỏe  sau 6 tháng ngồi ghế Chủ tịch HĐQT. Như vậy, ĐHĐCĐ tới đây của LienVietPostBank sẽ phải bầu ra Chủ tịch mới thay thế ông Hưởng, ai sẽ là người nhận chuyển giao vị trí này trong 8 thành viên dự kiến được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ mới 2018 - 2023?

Về lý thuyết, thì tất cả các thành viên HĐQT đều có cơ hội như nhau, nhưng với cơ cấu hiện tại, có lẽ ông Phạm Doãn Sơn và ông Nguyễn Đình Thắng có nhiều cơ hội hơn. Hiện ông Phạm Doãn Sơn đang là Phó chủ tịch HĐQT thường trực kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank. Ông Sơn hiện đang nắm hơn 12 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 1,69% vốn điều lệ. Ông Sơn vào LienVietPostBank từ những ngày đầu và kinh qua nhiều vị trí như trưởng ban giám sát, rồi lên phó tổng giám đốc và hiện tại là tổng giám đốc. Cơ hội ngồi nghế nóng thay ông Nguyễn Đức Hưởng khá lớn.

Ông Nguyễn Đình Thắng hiện đang nắm 29,4 triệu cổ phiếu LPB, tương đương  4,11% vốn điều lệ. Ông Thắng gia nhập gia đình LienVietPostBank từ năm 2009 với vai trò là thành viên  HĐQT CTCP Liên Việt Holdings và giữ chức phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank từ tháng 5.2017. Ông Thắng cũng được coi là một ứng viên sáng giá ngồi thay ghế nóng thay ông Nguyễn Đức Hưởng.

Dấu ấn Nguyễn Đức Hưởng

Sau 10 năm thành lập, LienVietPostBank đã có bước phát triển mạnh, trong khi những ngân hàng thành lập cùng thời điểm là BaoVietBank, TPBank đã buộc phải tái cơ cấu.

Dù LienVietPostBank được thành lập dựa trên ý tưởng của ông Dương Công Minh, nhưng 10 năm qua, ông Nguyễn Đức Hưởng là người chèo lái và con thuyền LienVietPostBank vì thế mà mang nhiều dấu ấn riêng của Nguyễn Đức Hưởng.

Dấu ấn đầu tiên tại LienVietPostBank là thương vụ sáp nhập với Công ty dịch vụ tiết kiệm Bưu điện nâng mạng lưới của ngân hàng trở thành ngân hàng có mạng lưới lớn thứ 2, sau Agribank. Đây được coi là bước phát triển trăm năm cho một ngân hàng trẻ như LienVietPostBank.

Ông Hưởng cũng là ông chủ ngân hàng “nông dân” nhất, khi mà hình ảnh về ông là những cuộc làm từ thiện cho người nông dân nghèo, ủng hộ mua lợn cho nông dân khi rớt giá, xây dựng chính sách tín dụng riêng cho nông dân vay vốn hay phát triển dự án mắc ca…


Ông Nguyễn Đức Hưởng nói lời chia tay LienVietPostBank để chữa bệnh (Ảnh: Đàm Duy)

10 năm làm lãnh đạo LienVietPostBank, năm nào cũng vậy, mỗi tháng không có vài chuyến đi thực tế vùng sâu vùng xa, không ngủ ở làng xã, không có vài bữa cuốc lủi với cơm dưa cá đồng thì ông lại chỉ đạo nhân viên xếp lịch. Đến đâu, gặp trường hợp nào khó khăn là nhận đỡ đầu, bỏ tiền túi hỗ trợ, tìm cách bố trí việc làm…LienVietPostBank trong 10 năm qua đã phát triển mạnh và ổn định dưới sự điều hành của ông Hưởng.

Ông Hưởng tin tưởng với nền tảng của 10 năm qua, 2018 là năm LienVietPostBank lên bệ phóng hướng đến tầm cao mới, đồng thời sẽ là năm tiếp tục trả lương cao cho cán bộ nhân viên, chi trả cổ tức cao cho các cổ đông, triển khai dịch vụ tiện ích hiện đại 4.0 phục vụ khách hàng, LienVietPostBank sẽ lên sàn chứng khoán chính thức, thể hiện sự minh bạch, lớn mạnh và hiệu quả.

“Để đạt được mục tiêu này, riêng về cá nhân, suốt mấy tháng qua tôi tập trung chữa bệnh nhưng chưa ổn, nên năm 2018 tôi sẽ nhường ghế Chủ tịch HĐQT lại cho một trong các phó chủ tịch đương nhiệm, rút về tập trung cho sức khỏe. Vì không khỏe mà cố thì tự hại bản thân và ảnh hưởng đến tập thể. Nhưng tôi vẫn bên cạnh LienVietPostBank với vai trò Cố vấn cao cấp và là cổ đông lớn. Nghĩ đến ngày ấy, trong tôi thật ngậm ngùi, biết ơn và tin tưởng”, ông Hưởng chia sẻ.
 
Phòng phân tích CTCK VNDirect nhận định trong năm 2017 tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank thấp hơn dự báo, còn tăng trưởng về tiền gửi lại cao hơn nên tỷ lệ huy động trên cho vay của ngân hàng này mới chỉ dừng ở mức 67,4%, thấp hơn nhiều so với dự kiến. Do vậy ngân hàng còn nhiều dư địa để tăng trưởng cho vay.

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank năm 2018 lên 20% từ mức 18% trước đó và năm 2019-2020 sẽ ở mức 18%, cao hơn dự báo cũ 16%. Hệ số NIM (thu nhập lãi thuần) của ngân hàng tăng nhờ việc mở rộng mảng bán lẻ. LienVietPostBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay bán lẻ, đặc biệt là các sản phẩm mũi nhọn như tín dụng hưu trí, cho vay cán bộ công nhân viên chức và lực lượng vũ trang.

“Những sản phẩm tín dụng này được triển khai năm 2015, do đó vẫn ở trong những giai đoạn đầu của vòng đời sản phẩm. Chúng tôi cho rằng những sản phẩm này đang trong giai đoạn tăng trưởng cao”, báo cáo viết.

Hơn nữa, LienVietPostBank có lợi thế mạng lưới lớn đến tận vùng sâu vùng xa, ở những vùng mà có ít chi nhánh ngân hàng hoạt động, do đó LienVietPostBank có thể tiếp cận lượng khách hàng lớn mà chưa từng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Vừa qua, LienVietPostBank đã được NHNN chấp thuận cho chuyển đổi 185 PGD bưu điện thành PGD ngân hàng. Ngân hàng cho biết có 80 PGD được chuyển đổi trong 2017 và những PGD còn lại sẽ tiếp tục được chuyển đổi trong năm 2018.

Về lợi nhuận, các chuyên gia của VN Direct dự báo năm 2018 lợi nhuận của LPB sẽ tăng 27,4%. Năm 2017 lợi nhuận của LPB ở mức hơn 1.700 tỷ đồng, nếu đạt con số này thì lợi nhuận năm nay của ngân hàng có thể vượt 2.200 tỷ đồng.
Số lượt đọc: 40 Cập nhật lần cuối: 15/03/2018