Văn hóa Doanh nghiệp - Nền tảng phát triển bền vững của LienVietBank
Xây dựng ngân hàng từ nền tảng văn hóa
Không phải bỗng nhiên trong vài năm gần đây, yếu tố văn hóa trong doanh nghiệp được đề cập một cách khá sâu sắc, mặc dù đâu đó vẫn coi đây như là thứ “xa xỉ”, thiếu thực tế. Với LienVietBank, bằng tầm nhìn dài hạn và cơ bản, ngay từ khi mới thành lập, ngân hàng này đã đầu tư chiều sâu để tạo dựng nét văn hóa riêng có từ hoạt động chuyên môn đến vui chơi giải trí thông qua 20 tiêu chí “Văn hóa LienVietBank”. Chẳng hạn, đối với tầm nhìn chiến lược, ngân hàng này xác định: sẽ trở thành ngân hàng số 1 trên thị trường tiền tệ về hiện đại hóa, chuyên nghiệp, năng động, đổi mới và chữ “Tín”; trong 5 năm tới, nằm trong 10 NHTM cổ phần và 10 năm sau trở thành Tập đoàn Dịch vụ tài chính ngân hàng hàng đầu.
Trong quản trị điều điều hành, LienVietBank đề cao vấn đề người điều hành luôn luôn tuân thủ nhiệm vụ chức năng cơ bản: Kế hoạch - tổ chức – triển khai – kiểm tra – cải tiến – đại diện (Plan – Organise - Do – Check – Act – Represent); phương châm quản trị: “Đông - Tây kết hợp”, chú ý “Tứ Thư – Ngũ Kinh” và quản trị hiện đại: “Định vị mục tiêu, tìm nhiều con đường, chọn một con đường đơn giản”; quản trị khủng hoảng: tình huống xấu nhất – kịch bản tốt nhất, đọc được rủi ro – tìm siêu lợi nhuận.
Đối với khách hàng: chọn lọc rồi mới trải thảm đỏ, đón tất cả khách hàng như là Thượng đế. Cùng với đó là ý thức xây dựng văn hóa LienVietBank ngay từ ngoài cửa vì sự tôn trọng khách hàng, xác định rõ: không có khách hàng thì không có ngân hàng. Ở đây, không cho phép nhân viên thiếu lịch sự với khách hàng và chỉ cần một lần vi phạm, sẽ bị nghỉ việc.
Trong làm việc, LienVietBank coi trọng vai trò nòng cốt cá nhân nhưng xác định không có cá nhân nào “việc gì cũng quá giỏi”; đồng thời yêu cầu: nếu chi nhánh lỗ liên tục 2 năm cách chức Giám đốc chi nhánh, hệ thống lỗ liên tục 3 năm cách chức Tổng Giám đốc.
Khi Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc đưa ra “thông điệp”, các cá nhân, bộ phận phải đưa ra “kịch bản” chi tiết để thực hiện hiệu quả thông điệp ấy; văn bản hóa, biên bản hóa, số hóa, kịch bản hóa, mạng vi tính hóa, hệ thống hóa dù việc lớn hay nhỏ.
Cơ hội thăng tiến đến với bất cứ ai có “cái Tâm” và “cái Tầm” xứng đáng. Cơ hội không phân biệt tuổi tác, giới tính, thời gian làm việc tại LienVietBank trước hay sau; không có đặc cách ban trọng trách cho quan hệ gia đình thành viên HĐQT và Ban Điều hành.
Đặc biệt, văn hóa hội họp cũng được đề cập một cách khá thẳng thắn: Ít họp và họp ít nhưng hiệu quả nhiều; thẳng, quyết liệt trong tranh luận, đóng góp ý kiến xây dựng thoải mái, không phải ý tứ trong bất kỳ cuộc họp nội bộ nào, lấy cái đúng và cái chung làm gốc khi bàn bạc, thảo luận. Ông Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT cho biết, lãnh đạo điều hành các cấp LienVietBank không được “đọc báo cáo” trong các cuộc họp nội bộ, chỉ phát biểu theo phong cách PowerPoint hoặc trình bày trên PowerPoint theo nguyên lý “tháp Minto lộn ngược”, đưa kết luận lên trước.
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!
Lâu nay, DN làm công tác từ thiện là hoạt động bình thường, thể hiện tính trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng. Tuy nhiên, với một ngân hàng mới chỉ thành lập được một năm nhưng nhìn vào con số mà LienVietBank cùng các Cổ đông sáng lập chi cho công tác từ thiện gần 100 tỷ đồng, cho thấy không phải ngân hàng nào cũng làm được.
Cụ thể, LienVietBank cùng các Cổ đông sáng lập đã ủng hộ Tỉnh Hậu Giang gần 80 tỷ đồng thông qua các hoạt động như tặng nhà khách Tỉnh ủy; tặng Quỹ vì người nghèo; xây tặng 01 trường Tiểu học… Nhân dịp ngày Thương binh liệt sĩ, LienVietBank đã trao tặng 100 sổ tiết kiệm cho Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng với tổng trị giá 300.000.000 VNĐ.
Cùng với đó, LienVietBank còn khởi xướng chương trình “Vườn ươm Nhân tài LienVietBank” dành cho sinh viên xuất sắc và sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi trên khắp cả nước. Tính đến nay, LienVietBank đã trao học bổng cho trên 25 trường đại học trên cả nước với tổng số 159 suất học bổng, tương đương tổng trị giá 352.0000.000 VNĐ.
LienVietBank còn trao tặng “Cặp sách phao cứu sinh” cho trẻ em vùng sông nước nhằm phòng tránh tai nạn do đuối nước gây ra với gần 2.000 cặp phao, trao tặng Quỹ vì người nghèo các tỉnh Cần Thơ 5 tỷ đồng, Bến Tre 1 tỷ đồng và Quảng Ngãi 1 tỷ đồng; tổ chức các hoạt động khác như Hội thảo, tài trợ sách, hỗ trợ phong trào sinh viên gần 1 tỷ đồng. Và một điều rất khó quên khi đến LienVietBank là sự tạc ghi 14 điều răn của Phật giáo, nâng cao tính thiện trong kinh doanh cũng như trong mỗi con người. Theo đó, khi góp ý phải công khai, phản ánh đúng chỗ, kiên quyết loại bỏ văn hóa “rỉ tai” và “ngồi với người này nói xấu người kia”.
Nguyễn An Thơ
Thời báo Kinh tế Việt Nam