Công bố cuộc thi "Điền vế hai cho câu đối chúc mừng năm mới" của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và đôi lời tri ân

Được khởi xướng bởi TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cuộc thi "Điền vế hai cho câu đối chúc mừng năm mới" của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã tìm được chủ nhân giải thưởng 50 triệu đồng. Diễn ra vỏn vẹn trong 2 ngày, cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng thử tài ra vế đối. Ban tổ chức đã nhận được hơn 10.000 bài dự thi, tin nhắn và góp ý kiến.
 
Sau đây là toàn văn Thư ngỏ của TS. Nguyễn Đức Hưởng gửi tới các Quý khách - những người đã quan tâm tới cuộc thi và thử tài thi đối.
Kính thưa toàn thể Quý khách,
Giây phút hồi hộp nhất của cuộc thi cũng đã đến, sau ngày làm việc vất vả, Ban giám khảo đã tìm ra được danh sách các Quý khách trúng giải cuộc thi điền vế hai câu chúc mừng năm mới của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.
Cuộc thi tìm vế hai câu đối chúc mừng năm mới lần này đã tạo nên một bất ngờ lớn đối với Ban Tổ chức, bất ngờ không chỉ bởi số lượng người tham dự đông đảo (Hơn 10.000 người gửi đáp án qua Email, Bưu điện và Tin nhắn) thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, mà bất ngờ lớn hơn chính là sự đối nhanh và đối chỉnh của không ít Quý khách, “đối sinh” tham dự.
I. Yêu cầu vế đối:
Vế thứ nhất (vế ra) của Ban tổ chức là:
“Tiễn Giáp bùi ngùi vui Mã đáo”
Ban Tổ chức mong muốn nhiều Quý khách tham gia thi và nguyên tắc truyền thông của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là đơn giản hóa, để ai đọc câu đối cũng có thể hiểu được, tham gia thi được nên vế ra không “thuần Hán”, vế hai có thể “thuần Hán” hoặc “Hán Việt”, và có thể hiểu là câu đối cũng được hoặc một câu thơ cũng không sai. Vì thơ, hay đối cũng vẫn phải chiếu theo Đường luật chuẩn (Luật - Niêm - Vần - Tự - Đối - Bố cục) nên nhiều người hưởng ứng và tham gia một cách thích thú, ai cũng nghĩ mình…tuyệt thật!. Và thực tế thì tuyệt vời thật nhưng luật bất thành văn là khi đã đối thì vế hai phải đối lại được vế một, đó mới là điều khó nhưng khó mà tìm được chủ nhân thắng cuộc thì cuộc thi mới giá trị và hấp dẫn. 
Yêu cầu về niêm, luật đối:
-          Vế ra: Trắc trắc bằng bằng bằng trắc trắc
-          Vế đối (thường phải là): Bằng bằng trắc trắc trắc bằng bằng
Tuy nhiên, theo luật thì vẫn có thể áp dụng “Nhất tam ngũ bất luận, Nhị tứ lục phân minh” (Chữ thứ nhất, ba, năm có thể không bàn; nhưng chữ thứ hai, tư, sáu phải rõ ràng).
Về từ loại:
Thực tự phải đối với thực tự; hư tự phải đối với hư tự; danh từ phải đối với danh từ; động từ phải đối với động từ; tính từ phải đối với tính từ…
Chú ý trong đối ý:
-       Vế ra có chữ Giáp 甲 (đứng đầu trong Thập Can) và chữ Mã 馬 (ngựa), Mã ý chỉ năm Ngọ 午 (đứng thứ 7 trong Thập Nhị Chi). Hợp hai chữ thành tên năm Giáp Ngọ 甲午 - cách gọi theo Can Chi của năm 2014. Đây là thách thức “chơi chữ” thứ nhất của người ra vế đối. “Tiễn Giáp” có thể hiểu là “tiễn năm cũ”. Vì vậy, người đối bắt buộc phải thể hiện được ý “đón năm mới”, “đón năm Mùi” trong vế hai.
-         Mã đáo ở cuối câu được lấy từ ý của câu thành ngữ, câu chúc “Mã đáo thành công” 馬到成功 (ngựa về thành công), ý nói công việc đạt kết quả thuận lợi, hành thông. Câu này buộc người đối cũng phải trích được ý từ một câu thành ngữ, câu chúc tương ứng và phù hợp sao cho chỉnh đối, cân đối.
-        Thách thức thứ ba cũng là thách thức khó nhất mà Ban Tổ chức đưa ra là hiệp vần “bùi ngùi vui”: liên tiếp 3 chữ có vần “ui”, thể hiện hai trạng thái đối lập nhau trong một cụm từ. Và hiển nhiên, các Quý khách bắt buộc phải hợp vần phù hợp và có nghĩa đối tương xứng vế ra.
Toàn bộ ý đối có thể được hiểu một cách nôm na như sau:
Trong bối cảnh sắp tiễn năm Giáp Ngọ đi qua, chúng ta không khỏi có cảm giác bùi ngùi, một sự nuối tiếc nhẹ vì sắp phải chia tay năm cũ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cảm giác vui vì một năm qua để lại nhiều dấu ấn thành công. Cho nên, cảm xúc đan xen giữa sự bùi ngùi và niềm vui thành công được hiện hữu.
Vế ra thể hiện sự ghi nhớ về những điều tốt đẹp đã mang đến cho chúng ta, vì thế, ý câu này đã cho thấy nhân cách một con người luôn biết “tri ân”, không phải người “vong ân bội nghĩa”, mà luôn ghi công những người, những điều đã giúp sức, hỗ trợ cho sự thành công của bản thân mình và tập thể mình.
Vẫn biết “Xuất đối dị, đối đối nan” (ra câu đối thì dễ, đối lại mới là khó) nên Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi rộng khắp và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của toàn thể các Quý khách.
II. Kết quả cuộc thi:
Với vế thứ nhất của Ban Tổ chức đưa ra “Tiễn Giáp bùi ngùi vui Mã đáo”, trong một thời gian ngắn đã có rất nhiều câu đối gửi về dự thi thể hiện cách nhìn dưới nhiều góc cạnh, mức độ khác nhau. Nhưng với chuyên môn sâu về Hán Nôm và sự tinh tế, tác giả Nguyễn Tuấn Cường – Tiến sĩ Hán Nôm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam đã đưa ra vế đối cân chỉnh nhất và giành giải Nhất cuộc thi “Điền vế hai câu đối chúc mừng năm mới Ngân hàng Bưu điện Liên Việt”.Với vế đối:
“Nghênh Tân phấn chấn tấn Dương khai”
Hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi về những điểm hay, điểm vượt trội của vế đối giành giải nhất. Xin thưa rằng:
Thứ nhất, vế đối đã bảo đảm tuyệt đối niêm luật câu đối truyền thống:
Tiễn - Giáp - bùi - ngùi - vui - - đáo  
T - T - B - B - B - T - T  
(Trắc – Trắc – Bằng – Bằng – Bằng – Trắc – Trắc)
Câu đối lại rất chỉnh:
Nghênh - Tân - phấn - chấn - tấn - Dương - khai  
B - B - T - T - T - B - B  
(Bằng – Bằng – Trắc – Trắc – Trắc – Bằng – Bằng)
Nếu xét về mặt từ loại, tác giả vế đối cũng đã dùng động từ đối với động từ (Tiễn - Nghênh), danh từ đối với danh từ (Giáp - Tân), tính từ đối với tính từ (Bùi ngùi - Phấn chấn; Vui - Tấn), “Tấn” có nghĩa là nhanh, chóng, tiến tới.
 Thứ hai, về đối ý, trạng thái, tâm trạng của vế ra cũng đã được đối lại rất phù hợp và tương xứng. Nếu “bùi ngùi” chỉ một cảm giác tiếc nuối nhẹ nhàng thì “phấn chấn” diễn tả sự vui mừng khôn xiết. “Tiễn” một năm cũ đã qua với một tâm trạng nuối tiếc, lắng đọng, thì chúng ta lại được “Nghênh” một năm mới với biết bao niềm hân hoan rạng ngời.
Thứ ba, cái khó nhất của vế ra cũng đã được giải quyết hoàn chỉnh, có lẽ cụm từ “bùi ngùi vui” đã thực sự là một thách thức với các “đối sinh”; bởi vì, phải làm sao hiệp được ba vần liên tiếp, lại vừa có ý nghĩa tương xứng đối chỉnh với vế ra chỉ trong cùng một cụm từ thì không phải là điều đơn giản. Và quả nhiên, không nhiều người tham dự cuộc thi có thể tìm ra những cụm từ đối lại thật chỉnh, tương xứng vế ra. Việc tác giả đối lại bằng cụm từ “phấn chấn tấn” đã thể hiện sự tài tình, tinh tế khi vừa cân chỉnh về mặt từ loại, niêm luật, vừa bảo đảm được sự tương xứng về ý nghĩa, trạng thái với vế ra.
 Thứ tư, vế ra dùng câu chúc, thành ngữ “Mã đáo thành công” (馬 到 成 功) của vế ra đã được tác giả đối lại bằng câu chúc, thành ngữ “Tam dương khai thái” (三 羊 開泰) rất chỉnh. Vế ra “Mã đáo” mang ý nghĩa ngựa trở về thành công, thắng lợi thì vế đối “Dương khai” nói lên sự cường lực, vững chãi thế kiềng ba chân của 3 con dê (tam dương), thể hiện sự thịnh vượng, hành thông. Dùng “Dương khai” đối với “Mã đáo”, tác giả đã cho thấy sự am tường, sự xâu chuỗi liên hoàn hai trạng thái xuyên suốt trong câu đối: từ thành công đi đến sự hành thông, thịnh vượng. Có thể nói, vế đối của tác giả Nguyễn Tuấn Cường xứng đáng với giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Ghép vế đối thành một câu đối “Song quan – Thất tự” (Song thất, Bảy chữ) rất chuẩn: Luật – niêm – vần – tự - đối – bố cục… hai vế đối đã kết thành câu đối cực kỳ ý nghĩa, bởi sự kết duyên đối của hai tác giả: Nguyễn Đức Hưởng - Nguyễn Tuấn Cường:
“Tiễn Giáp bùi ngùi vui Mã đáo
 Nghênh Tân phấn chấn tấn Dương khai”
Xin chúc mừng!
Bên cạnh câu đối của tác giả Nguyễn Tuấn Cường, Ban Giám khảo đã chọn ra được 2 vế đối đạt giải Nhì của cuộc thi. Đó là: “Nghinh Xuân phấn khởi quyết Dương khai” của tác giả Đỗ Thị Tuyết Trinh và “Đón Mùi rạng rỡ chúc Dương khai” của tác giả Lương Chí Công.
 “Nghinh Xuân phấn khởi quyết Dương khai” đã bảo đảm được tuyệt đối niêm luật (Bằng – Trắc). Về mặt từ loại, động từ “Nghinh” đối với động từ “Tiễn”, tính từ “Bùi ngùi” đối với “Phấn khởi”, tính từ “Quyết” đối với tính từ “Vui”. Vế đối cũng đã thể hiện được trạng thái tương xứng với vế ra khi thể hiện ý chí quyết tâm của “quyết Dương khai” (quyết tâm tạo nên sự hành thông, thịnh vượng) đã đối và tiếp liền mạch với niềm vui hân hoan, đón mừng sự thành công của “vui Mã đáo”. Ta nhận thấy, vế đối cũng đã dẫn được câu chúc, thành ngữ “Tam Dương khai thái” để đối lại với “Mã đáo thành công”.
Về câu đối của tác giả Lương Chí Công: “Đón Mùi rạng rỡ chúc Dương khai”,tiêu chí về niêm luật Bằng – Trắc bảo đảm chặt chẽ. Tâm trạng “rạng rỡ” chờ đón năm mới đã đối được với sự “bùi ngùi” khi năm cũ sắp qua đi. Tác giả cũng đã vận dụng câu chúc “Tam Dương khai thái” trong vế đối của mình. Kết thúc với “chúc Dương khai”, vế đối như một lời chúc tốt đẹp dành tới Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, chúc Ngân hàng và Quý khách hàng sẽ ngày càng thành công và hưng thịnh.
Cuối cùng, một lần nữa, thay mặt Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Ban Tổ chức cuộc thi xin gửi đến toàn thể Quý khách sự biết ơn lắng đọng nhất! Kính chúc Quý khách và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cùng cả nước “bùi ngùi vui” tiễn đưa năm Giáp Ngọ “Mã đáo thành công”; và “phấn chấn tấn” đón năm mới Ất Mùi “Tam Dương khai thái”.
“Tiễn Giáp bùi ngùi vui Mã đáo
   Nghênh Tân phấn chấn tấn Dương khai.”
                     Đức Hưởng – Tuấn Cường.
 
Xin cảm ơn!
 
T/M Ban Tổ chức Cuộc thi
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị
TS. Nguyễn Đức Hưởng
 
Số lượt đọc: 117 Cập nhật lần cuối:

Các tin bài tiếp theo