Ngân hàng Liên Việt – Ngân hàng văn hóa

Không phải ngẫu nhiên mà người viết lại đặt tựa đề đầy trân trọng “Ngân hàng Văn hóa” cho LienVietBank. Dõi theo chặng đường gần 2 năm phát triển của ngân hàng này, người ta thấy ở đó không phải là những con số khô cứng, những kế hoạch và đề án thực dụng như vốn dĩ của doanh nghiệp kinh doanh “tiền”. Ở đó thấm đượm tính nhân văn của dân tộc Việt Nam, tinh thần hướng thiện của Phật giáo, đề cao đạo đức của triết học phương Đông và sự kiên định theo đuổi những giá trị “chân – thiện – mỹ” trong kinh doanh. Phải chăng chính sự khác biệt trong phương pháp xây dựng thương hiệu mà LienVietBank đã nhanh chóng đứng trong Top những ngân hàng thương mại cổ phần lớn của Việt Nam chỉ trong vòng 2 năm xuất hiện? Đó chính là nhờ công sức to lớn của Ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT và Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc LienVietBank cùng HĐQT và toàn thể cán bộ nhân viên LienVietBank.


            Trưởng thành trong khủng hoảng

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) được thành lập ngày 28/03/2008. Đây chính là giai đoạn nhạy cảm nhất của nền kinh tế khi Việt Nam và thế giới đang đứng trước cơn bão khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, với uy tín sức mạnh của các cổ đông sáng lập như Công ty Cổ phần Him Lam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và Công ty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), LienVietBank đã nhanh chóng trưởng thành và khẳng định vị thế của mình trên thương trường.

Trong chiến lược kinh doanh của mình, Ngân hang Liên Việt không hề giấu diếm khát vọng và hoài bão to lớn: quyết tâm trở thành ngân hàng số 01 Việt Nam về hiện đại hóa, chuyên nghiệp, năng động, đổi mới và chữ Tín trong hoạt động và phấn đấu trở thành Tập đoàn Dịch vụ Tài chính Ngân hàng hàng đầu Việt Nam. “Tất cả từ con người, vì con người” là giá trị cốt lõi, để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Đồng thời, LienVietBank cũng thực hiện chiến lược Đại dương xanh: Sẵn sàng hoạt động kinh doanh với mọi áp lực cao nhưng chỉ có đối tác, không có đối thủ, luôn tìm cho LienVietBank một đường đi riêng.

Cũng như nhiều đơn vị khác, LienVietBank luôn coi nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi và là tài sản quý giá của Ngân hàng. Chính sách nhân sự của LienVietBank được xây dựng với mục đích biến nguồn nhân lực trở thành một ưu thế cạnh tranh hàng đầu. Chính vì vậy, đội ngũ nhân sự của LienVietBank trẻ trung, năng động, nhiệt huyết với độ tuổi bình quân 30, đồng thời, họ cũng là những người có trình độ, kinh nghiệm trong ngành ngân hàng. Điều này tạo nên một sự khác biệt lớn trong phong cách quản lý và làm việc của CBNV. Tuy vậy, ngân hang Liên Việt vẫn đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo bồi dưỡng nhân lực. Các chương trình đào tạo được thực hiện theo các phương pháp đào tạo tiên tiến nhất, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Chính sách lương thưởng của LienVietBank được xây dựng linh hoạt, có tính cạnh tranh cao với mục đích thu hút và khuyến khích người lao động gia nhập và gắn bó lâu dài vì sự phát triển của LienVietBank.

Với những nỗ lực đó của mình, Ngân hàng Liên Việt đã vinh dự được đón nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đến thăm như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết…

Trong buổi đến thăm và làm việc tại LienVietBank, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đánh giá cao những kết quả đạt được của LienVietBank: “Là một ngân hàng mới đi vào hoạt động, một trong những địa bàn chính là vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long nhưng kết quả kinh doanh đã rất ấn tượng khiến tôi rất mừng”. Điều quan trọng hơn, theo Tổng Bí thư, là LienVietBank xác định được tiêu chí trong hoạt động của mình, không chỉ tất cả đều nhằm vào mục tiêu lợi nhuận, mà còn chú trọng phát triển bền vững, hướng về thị trường nông nghiệp - nông thôn, quan tâm đến công tác xã hội. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng rất ủng hộ việc LienVietBank quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, với mục tiêu đi đầu trong khối ngân hàng cổ phần về “Gắn xã hội, nâng cao môi trường chính trị trong kinh doanh”. Tổng Bí thư đề nghị LienVietBank tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, góp phần cùng ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Ngân hàng văn hóa

Nói về văn hóa, TS. Nguyễn Đức Hưởng đầy hào hứng: “Triết lý kinh doanh của Ngân hàng Liên Việt là phải đưa văn hóa vào trong sản phẩm và dịch vụ, bởi chỉ có văn hóa mới giúp sản phẩm, dịch vụ đó thực sự thành công, có sức sống bền lâu và được xã hội ghi nhận. LienVietBank định hướng xây dựng thương hiệu mạnh trên cơ sở phát huy nội lực, hoạt động minh bạch và gắn xã hội trong kinh doanh. Đồng thời, LienVietBank cũng luôn cam kết tích cực đóng góp cho cộng đồng và xã hội thông qua các hoạt động ủng hộ và phong trào từ thiện, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của mỗi thành viên trong “Đại gia đình” LienVietBank”.

 Trong gần 2 năm qua, ngân hàng Liên Việt đã có hàng loạt chương trình như:  Chương trình vì người nghèo tỉnh Hậu Giang, xây tặng trường học cho các tỉnh nghèo, trao tặng sổ tiết kiệm cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chương trình “Vườn ươm nhân tài LienVietBank”, Chương trình “Cặp sách phao cứu sinh” cho trẻ em vùng sông nước, Khởi xướng thành lập quỹ từ thiện “Lan tỏa phồn vinh”… Đặc biệt, với sáng kiến đem ánh sáng văn hóa cho người nghèo, Ngân hàng Liên Việt và Quỹ Tấm lòng Việt (Đài truyền hình Việt Nam) đã khởi xướng chương trình trao tặng ti vi với dự kiến ban đầu là 1.000 chiếc nhưng đến này đã trao tặng được trên 4.000 chiếc ti vi cho trên 4.000 hộ nghèo trên toàn quốc.
           
          Sau gần 2 năm hoạt động chính thức, đúng như tôn chỉ “Gắn xã hội trong kinh doanh”, Ngân hàng Liên Việt cùng các cổ đông sáng lập đã đóng góp trên 300 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội – từ thiện trên khắp cả nước.

Số lượt đọc: 40 Cập nhật lần cuối: 29/08/2011

Các tin bài tiếp theo