Xử lý nợ xấu: 4 điểm mới - 2 điểm có bất hợp lý?

Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp lần này có 4 điểm mới nhằm xử lý rốt ráo những hạn chế đang tồn tại. Tuy nhiên, theo phản biện của một số chuyên gia, trong bốn điểm mới này sẽ có hai điểm khiến Nghị quyết mới thành... cũ
hoi-thao-xu-ly-no-xau_1_0.jpg
Nhiều tranh cãi thú vị về cách xử lý nợ xấu
 
Nợ xấu tập trung vào nhóm ngân hàng yếu kém
Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp lần này. Dự thảo gồm 18 điều, được giới chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá là gỡ được nhiều nút thắt trong việc xử lý nợ xấu hiện nay. Đây là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất kể từ khi chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và đề án xử lý nợ xấu được xây dựng và triển khai từ 2011 đến nay.
 
Theo đánh giá của TS.Lê Xuân Nghĩa, việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng đang là vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại và VAMC thì tổng số nợ xấu chưa được xử lý vào khoảng 450 đến 500 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 20 đến 25 tỷ USD. Điều đáng quan ngại là số nợ xấu này tập trung vào một số ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu, với nguồn vốn bổ sung rất hạn chế.
 
Tại Hội thảo về Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Nợ xấu dù được xử lý rốt ráo nhưng vẫn là lực cản lớn trong sự phát triển của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.
 
“Là Nghị quyết hay là Luật thì chưa thống nhất được. Đây là một trong những điểm mà các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội làm lâu nhất và khó khăn nhất”, ông Kiên nói. Ông cũng nêu rõ quan điểm của Quốc hội về việc xử lý nợ xấu cần nhất quán một số điểm: không sử dụng ngân sách Nhà nước; không thực hiện trái với Hiến pháp (2013); có hiệu lực thi hành ngay chứ không cần phải sau 6 tháng đăng công báo; áp dụng nguyên tắc thị trường trong việc xử lý tài sản và không loại trừ trách nhiệm của cá nhân vi phạm tạo ra nợ xấu.
 
Ngoài ra, ông Kiên cũng đã nêu bốn điểm mới của dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu.
Thứ nhất, dự thảo Nghị quyết có điểm bắt đầu và kết thúc. Theo đó, việc đề ra và xử lý nợ xấu sẽ được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định, tránh tạo tâm lý ỷ lại cho các bên có liên quan.
Thứ hai, không phân biệt đối xử theo thành phần sở hữu của các TCTD. Nghị quyết sẽ được áp dụng đồng bộ đối với tất cả các TCTD hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt là ngân hàng quốc doanh, cổ phần hay có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, giới hạn thời gian xử lý nợ xấu. Theo đó, giới hạn các khoản nợ xấu được đưa ra xử lý tất cả các khoản nợ phát sinh trước ngày 31/12/2016 và không xóa trách nhiệm đối với các sai phạm của TCTD tính đến thời điểm này; dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2017…
Thứ tư, quy trình xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) không trái Hiến pháp, không xung đột với Luật khác. Đối với TSBĐ mà chủ tài sản đồng ý giao lại TCTD thì việc thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng kinh tế hai bên. Nếu chủ tài sản không đồng ý sẽ xử lý tại Toà án theo quy trình rút gọn, mọi chi phí phát sinh sẽ do chính họ chi trả.
 hoi-thao-xu-ly-no-xau_2.jpg
Xử lý nợ xấu: Ngân hàng luôn trong tình trạng "đứng cho vay - quỳ thu nợ"
(ảnh minh họa)
Hai điểm mới gây tranh cãi
Trong đó, hai trong 4 điểm mới của dự thảo Nghị quyết mà ông Kiên nêu lên đã nhận được những phản biện trái chiều.
 
Ông Đoàn Thái Sơn - Vụ Trưởng Vụ pháp chế NHNN - cho rằng, việc giới hạn khối lượng xử lý nợ chỉ đến 31/12/2016 là bất hợp lý. Điều này làm cho khối lượng nợ xấu xử lý bị hạn chế và tạo ra cơ chế không đồng bộ trong việc xử lý các khoản nợ phát sinh trước và sau thời gian Nghị quyết ban hành.
 
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đánh giá: Cuộc khủng khoảng kinh tế - tài chính toàn cầu diễn ra từ năm 2007 đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta, những yếu kém nội tại đã tích tụ một thời gian dài của nền kinh tế dần bộc lộ, hệ thống ngân hàng phải đối mặt với một khối lượng nợ xấu rất lớn, theo số liệu giám sát của Ngân hàng nhà nước thì tỷ lệ này ở thời điểm 30/9/2012 là 17,21%. Từ năm 2012 đến hết 2016 toàn ngành đã xử lý 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
 
Tuy nhiên số nợ xấu hiện vẫn đang nằm trong bảng cân đối của các TCTD và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được đang chiếm một tỷ lệ khá cao là 5,8% trên tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đối với nền kinh tế của các TCTD, nếu tính cả số nợ có khả năng cao chuyển thành nợ xấu trong thời gian tới thì tỷ lệ này đương nhiên cao hơn.
 
Phó Thống đốc phân tích, nợ xấu chưa được giải quyết triệt để do có một số điểm mấu chốt: Chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD; Các quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều vướng mắc, bất cập, không bảo đảm quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm; Thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án thường kéo dài, trong khi pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.
 
Ông Nguyễn Đức Hưởng - Cố vấn cấp cao của LienVietPostBank phản biện, trong bốn điểm mới ông Kiên đưa ra có hai điểm sẽ khiến Nghị quyết mới thành... cũ. Đó là việc giới hạn thời gian xử lý nợ và chia quy trình xử lý nợ làm hai bước.
 
Đó là phạm vi dự thảo Nghị quyết phân khúc xử lý nợ từ 31/12/2016 trở về trước và quyền thu giữ tài sản chia làm hai bước.
 
Ông Hưởng cho hay: "Sản xuất hàng hoá, kinh tế còn phát triển, đồ thị chu kỳ phát triển kinh tế có lên có xuống thì thời điểm xuống chinh là dấu hiệu yếu đi của nền kinh tế, lập tức tín dụng là lăng kính phản ánh nợ xấu. Điều này có nghĩa là nợ xấu sẽ không ngừng phát sinh khi còn tồn tại nền kinh tế thị trường , còn quan hệ đi vay và cho vay, nhưng Nghị quyết lại giới hạn thời gian tạm thời sẽ không xuyên suốt". Như vậy muốn thực sự xử lý được nợ xấu, lâu dài cần có luật điều tiết hoặc cần phải sửa đổi Luật để có thể áp dụng trong một khoản thời gian dài về sau, tháo gỡ triệt để tận gốc của vấn đề.
 
Đối với hai trường hợp trong xử lý nợ xấu, ông cho rằng nếu quy định có trường hợp "Nếu chủ TSBĐ không đồng thuận thì trình ra toà án để xử lý theo hồ sơ rút gọn" thì không khác gì so với trước đây. Đứng trên góc độ người mang nợ xấu thì chắc chắn sẽ chọn phương án này.
 
Ông Hưởng nhấn mạnh, chúng ta phải nhìn thẳng sự thật cửa nợ xấu mới mạnh dạn cho ra đời những cơ chế phù hợp. Đồng thuận với ý kiến của ông Nghiêm Xuân Thành  - Chủ tịch Vietcombank về thời gian xét xử kéo dài, ông Hưởng cho biết:"Từ khi xét xử đế khi thi hành án, thu hồi được nợ mất từ 3 - 5 năm cho một món nợ sẽ vẫn nguyên như cũ, cục máu đông cứ ngày một phình to lên. Và ngân hàng từ chủ nợ thành con nợ, và vẫn còn tình trạng "đứng cho vay - quỳ thu nợ" như người hành khất tội nghiệp.
  
Nợ xấu không phải tội đồ của ngân hàng. Đòi nợ xấu không phải đòi cho riêng cho ngân hàng mà là ảnh hưởng đến cả một nền kinh tế, giải phóng được cục máu đông nợ xấu sẽ có nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế!"
Nguyễn Hiền
Số lượt đọc: 26 Cập nhật lần cuối: 24/05/2017