Tác động của yếu tố tâm lý lên hoạt động kinh doanh

Tâm lý là những yếu tố thuộc về thế giới tinh thần của con người, được thể hiện qua suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của con người. Tâm lý là những yếu tố vô hình, phi vật chất nhưng lại có tác động to lớn đến hành vi cư xử của con người, nhất là trong giai đoạn có biến động.....
Khi xảy ra các biến động như là cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới gần đây hay là những biến động kinh tế vĩ mô ở Việt Nam như lạm phát, giảm tăng trưởng thì yếu tố tâm lý trở thành yếu tố chi phối thị trường. Yếu tố phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật dường như trở nên khó thuyết phục trong thời kỳ suy thoái và khủng hoảng, phân tích tâm lý “lên ngôi”.

Yếu tố tâm lý, tin đồn tồn tại ngay ở cả các thị trường phát triển như Nhật Bản, Anh Quốc do thị trường được tạo ra bởi con người với những suy nghĩ, cảm xúc nhiều khi mang cảm tính. Tại Nhật Bản cũng đã có hiện tượng tung tin đồn thất thiệt khiến một số ngân hàng gần như bị phá sản. Rồi ở Việt Nam, tin đồn tăng giá xăng đã khiến người dân xếp hàng rồng rắn đi mua xăng. Gần đây là phản ứng tâm lý dây chuyền khi thị trường tài chính Mỹ lâm vào khủng hoảng.

Yếu tố tâm lý đặc biệt nhạy cảm ở các thị trường tài chính ngân hàng. Biến động trên thị trường chứng khoán là một ví dụ tiêu biểu. Thông thường giá cả hàng hóa được quyết định bởi cung-cầu, chất lượng…nhưng hiện nay giá chứng khoán dường như được quyết định bởi yếu tố tâm lý. Các báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tốt, các thông tin về tình hình vĩ mỗ tốt dường như chưa tạo ra “lực đẩy” đủ mạnh để vượt qua tâm lý chờ đợi, không yên tâm và “bầy đàn” của nhà đầu tư. Các luồng thông tin phi chính thức trở thành các nguồn thông tin có sức mạnh hơn cả nguồn thông tin chính thức.

Trong mảng tài chính ngân hàng, tâm lý của những người tham gia thị trường (ngân hàng, doanh nghiệp, các cá nhân) sẽ tác động rất lớn tới hoạt động của ngân hàng. Trong điều kiện thị trường rơi vào khó khăn, rõ ràng yếu tố tâm lý là một rào cản đối với các doanh nghiệp ngân hàng, bởi ngân hàng là ngành kinh doanh “niềm tin”. Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành tài chính ngân hàng đang đối mặt với một số rào cản tâm lý sau:
 
(1) Tâm lý chờ đợi và phỏng đoán: chờ đợi “đáy” thị trường, chờ đợi các thông tin hỗ trợ, phỏng đoán điều gì sẽ xảy ra (thường bi quan)
Chờ động thái của Chính phủ, chờ động thái của ngân hàng bạn, chờ đợi thị trường sẽ giảm sâu hơn nữa. Tâm lý chờ đợi dẫn đến việc trì hoãn, lưỡng lự ra quyết định, có thể khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp tài chính ngân hàng rơi vào tình trạng đóng băng. Tâm lý chờ đợi, phỏng đoán có thể khiến cho thị trường đã xấu càng trở nên xấu hơn.
 
(2) Tâm lý không yên tâm, “nhấp nhổm”
Khi tình hình trở nên rất xấu, kể các các tin tốt cũng khó tác động đến thị trường. Trong tình huống như vậy, thường đòi hỏi yếu tố thời gian. Rõ ràng khi thị trường có biến động, phản ứng tâm lý của tất cả mọi người sẽ là nghe ngóng, không yên tâm. Tâm lý rút tiền từ ngân hàng này gửi sang ngân hàng khác, tâm lý nghe “đồn” ngân hàng này khó khăn, cần hạn chế giao dịch, v.v. Tâm lý không yên tâm của khách hàng có thể là thảm họa đối với ngân hàng bởi những đợt rút tiền ồ ạt. Khi AIG ở Mỹ gặp khó khăn thì mặc dù AIG ở Singapore đã được chính phủ đảm bảo cũng không ngăn người dân Singapore – vốn là một quốc gia có trình độ phát triển cao – xếp hàng để rút tiền.
 
(3) Tâm lý không tin ai, ngoài bản thân mình: Ngân hàng không tin ngân hàng, ngân hàng không tin doanh nghiệp, người dân suy giảm lòng tin vào hệ thống tài chính ngân hàng.
Việc sụp đổ của một số ngân hàng có lịch sử lâu đời như Lehman Brothers, và việc một loạt các ngân hàng định chế tài chính tên tuổi như AIG, Merrill Lynch, Bradford & Bingley, v.v lâm vào tình cảnh khó khăn, khiến cho tâm lý “không tin ai” lan ra giữa các ngân hàng. Việc các ngân hàng ngại ngần cho nhau vay tiền không chỉ diễn ra ở Việt Namtrong giai đoạn khó khăn về thanh khoản (tháng 4-5-6/2008) mà còn diễn ra ở cả các quốc gia có nền tài chính lâu đời như Mỹ, Anh, Hồng Kông. Trong mấy tuần vừa qua (20/9-10/10) lãi suất cho vay qua đêm có lúc lên tới 10% (ở điều kiện bình thường chỉ từ 3-4%) là điều chưa từng xảy ra trong 20 năm qua.
Tình trạng khó khăn cũng khiến các ngân hàng thắt chặt hầu bao của mình với doanh nghiệp. Việc thẩm định tín dụng chặt chẽ hơn và việc giải ngân cũng thận trọng hơn.
Khủng hoảng của hệ thống tài chính ngân hàng này đã làm suy giảm lòng tin của người dân với ngay cả các ngân hàng có tiếng tăm. Việc huy động vốn trong ngắn hạn sẽ khó khăn hơn, dân chúng có tâm lý tìm đến những tài sản an toàn hơn, như mua vàng, thậm chí là rút tiền “để dưới gối”.
 
(4) Tâm lý “bầy đàn”
Tâm lý “bầy đàn” dường như không chỉ ở các thị trường mới nổi như Việt Nam mà ngay cả ở các thị trường lâu đời như Mỹ, Anh, Nhật. Ngay khi tin sụp đổ của một số ngân hàng tiếng tăm, thị trường chứng khoán thế giới đã đồng loạt sụt giảm, cổ phiếu bất kể tốt xấu đều giảm. Tâm lý này ở thị trường Việt Nam thậm chí còn rõ nét hơn, không chỉ diễn ra trên thị trường chứng khoán mà còn cả ở thị trường vàng và ngoại tệ. Còn nhớ, trong tháng 6/2008, tỷ giá VND-USD tăng cao đột biến do nhu cầu mua đô la tăng đột biến từ cả người dân và doanh nghiệp. Còn với thị trường chứng khoán, kiểu mua bán “bán sàn không ai mua, mua trần không ai bán” là tình trạng mà các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán ViệtNam đã quá quen thuộc.
Những hiện tượng trên một phần lớn là kết quả tâm lý của những người tham gia thị trường trong điều kiện có khủng hoảng. Bởi khi khủng hoảng xảy ra phản ứng tâm lý đầu tiên chính là việc khó mà chấp nhận những điều vừa xảy ra đó. Sau đó là cảm giác sợ hãi và né tránh. Và tình trạng này sẽ dẫn đến việc mất hy vọng, lo sợ và chán nản. Căn bệnh này sẽ nhanh chóng “lây lan’ nếu như không có được những biện pháp mạnh và quyết liệt.
 
(5) Tâm lý “ăn theo” trong phân tích, đánh giá và xu hướng thị trường
Nếu như trước đây thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam hiếm khi quan tâm tới những tin tức, báo cáo đánh giá hay phân tích trên những trang thông tin chuyên về tài chính ngân hàng như Bloomberg, Reuters hoặc nếu có quan tâm thì chỉ một số ít người thì hiện nay các thông tin và các bài phân tích trên những trang tin này trở thành những thông tin “nóng hổi” ở Việt Nam. Ngày càng có nhiều người quan tâm đến những thông tin và nhận định của những trang này, mà trong đó chủ yếu là về các thị trường lớn, rất hiếm các thông tin về thị trường Việt Nam.
Nhiều trang thông tin chuyên ngành ở Việt Nam chuyển sang dịch ngay lập tức các tin tức này và cũng đã thu hút được một lượng lớn độc giả. Người ta bắt đầu nhìn theo Dow Jones, Nikkei, Hangseng để đoán xu hướng VN Index. Các bài báo cáo của những trang tin nước ngoài trở thành các chủ đề thảo luận ở Việt Nam và cứ dựa theo những thông tin như vậy người ta có thể đoán được động thái sắp tới của các chủ thể tham gia thị trường (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư, v.v.) sẽ như thế nào.
 
Các doanh nghiệp ngành ngân hàng hiện đang đứng trước những thách thức to lớn:
· Suy giảm lòng tin của người dân vào hệ thống tài chính ngân hàng;
· Suy giảm lòng tin của ngân hàng với ngân hàng;
· Suy giảm lòng tin của ngân hàng vào doanh nghiệp;
· Tình trạng tiến thoái lưỡng nan (không huy động được vốn cũng lo, huy động được rồi cho vay cũng khó; đầu tư sợ rủi ro, không đầu tư thì lo mất cơ hội; các hoạt động mang tính đối phó bởi không lường trước được những biến động thất thường của thị trường; các chính sách có thể thay đổi mạnh và nhanh…).
 
Đề xuất của doanh nghiệp
 
Về phía cơ quan quản lý:
· Trong thị trường mà yếu tố tâm lý ảnh hưởng lớn như vậy, thì vai trò của thông tin sẽ rất quan trọng. Để hạn chế bớt các tác động tiêu cực của yếu tố tâm lý, thông tin đưa ra phải đảm bảo tính minh bạch, kịp thời, chính xác, nhất quán. Ngoài ra nguồn thông tin phải có tính tin cậy và thông tin cần được nhắc đi nhắc lại.
· Sau khi các thông tin minh bạch được đưa ra cần kèm theo những kế hoạch hành động cụ thể với những mốc thời gian xác định.
 
Về phía doanh nghiệp:
· Trước những biến động tâm lý, doanh nghiệp cần bình tĩnh, phân tích thấu đáo vấn đề;
· Khi phải đưa ra các quyết định cần quyết đoán, rõ ràng và minh bạch;
· Tìm kiếm sự chia sẻ, liên kết, hỗ trợ từ đối tác, khách hàng, nhân viên.

 
Số lượt đọc: 353 Cập nhật lần cuối: 14/01/2013