Phó Chủ tịch LienVietPostBank: Năm 2012 sẽ không còn ngân hàng “làm liều gặp lành”!

Quý 1 và quý 2 đa số các ngân hàng xử lý các tồn tại của năm 2011, lúc đó mới là đỉnh điểm của khó khăn với các ngân hàng thương mại.


Ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng LienVietpost Bank cho rằng, năm 2011 là một năm khó khăn đối với hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, đây có thể chưa phải thời kỳ đỉnh điểm khó khăn. Một nhóm ngân hàng sẽ rất khó khăn. Thậm chí lợi nhuận, cổ tức đạt rất thấp khi trích rủi ro và đầy đủ chi phí của năm tính đến hết 31/12.
 

Năm 2011 đang dần khép lại, ông đánh giá như thế nào về một năm kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng?

Năm nay thì có một khó khăn đặc biệt nữa là tình hình thanh khoản của các ngân hàng. Thông thường mọi năm khó khăn thanh khoản thường rơi vào những tháng giáp tết (có thể là tháng 12 dương và và 12 năm âm lịch), nhưng năm nay khó khăn thanh khoản lại đến trước ngay từ tháng 10 rồi. Vì vậy ngăn hàng nào ko đáp ứng đủ nguồn vốn sẽ bị hao tổn lợi nhuận rất lớn do chi phí huy động cao hoặc vay liên ngân hàng cao.

Điều đó tất yếu sẽ dẫn đến nợ quá hạn và nợ xấu cuối năm tăng lên khiến các ngân hàng phải trích rủi ro nhiều. Do đó, lợi nhuận của các ngân hàng nói chung năm nay thấp.
 

Theo ông có khả năng sẽ có ngân hàng báo lỗ trong năm nay không?

Tất nhiên ngân hàng lỗ thì đã rất căng thẳng rồi. Tôi nghĩ lỗ có thể không nhiều nhưng lợi nhuận cực thấp sẽ rất nhiều. Việc lỗ lãi của các ngân hàng phụ thuộc vào nợ quá hạn và nợ xấu phát sinh vào Quý 4 này do nợ quá hạn và nợ xấu cao dẫn đến trích rủi ro nhiều.

Cũng có thế có thêm ngân hàng lỗ. Nhưng theo tôi, số lượng ngân hàng lỗ sẽ không nhiều mà số lượng ngân hàng cận lỗ sẽ nhiều.
 

Ông có cho rằng, những khó khăn của ngành ngân hàng năm nay sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2012 không?

Trong năm 2012, ít nhất 6 tháng đầu năm sẽ tiếp tục còn khó khăn. Trước hết, các khoản nợ đến hạn thường đến dồn cuối năm hoặc đầu năm sau do các món cho vay đầu năm và giữa năm sẽ nhiều. Nhiều trường hợp không trả nợ gia hạn hoặc chuyển thành nợ xấu rơi vào quý 1 quý 2 lớn.

Về thanh khoản nếu có nới ra cũng phải 6 tháng cuối năm. Lúc đó thời điểm lạm phát thực sự giảm, lãi suất huy động có thể giảm sau tết, nhu cầu vốn vay trong những tháng từ tháng 5 ít hơn đa số tập trung vào tết tây và tết âm.

Quý 1, 2 đa số các ngân hàng xử lý các tồn tại của năm 2011 lúc đó mới là đỉnh điểm của khó khăn với các ngân hàng thương mại. Sau đó nếu chính sách có thể nới lỏng thì hoạt động của ngân hàng sẽ dễ thở hơn và thanh khoản sẽ thực sự đi vào bình thường.

Theo tôi năm 2012 là một năm chứng kiến sự khó khăn thậm chí đổ bể của nhiều doanh nghiệp. Mà sức khỏe doanh nghiệp yếu thì ảnh hưởng sức khỏe của ngân hàng. Một số nh thương mại tập trung quá nhiều vào các doanh nghiệp quá rủi ro thì ngân hang sẽ rất khó khăn.
 

Khó khăn như vậy liệu các ngân hàng có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012 thấp hơn 2011 không?

Chắc chắn là thấp hơn. Vì năm 2011 đầu năm mở rộng tín dụng được 25% -30 %. sau đó nửa năm ngân hàng nhà nước chỉ đạo room không quá 20%. Tức là chỉ 19.9%. Năm nay ngân hàng nhà nước chỉ đạo mở rộng từ 15% - 17% thấp hơn năm trước. Nên mọi kế hoạch kinh doanh hạn chế hơn so với 2011.

Hoạt động ngân hàng bám theo chủ trương chỉ đạo của chính phủ là năm tới chưa đặt vấn đề mở rộng tín dụng mà ưu tiên kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên theo chủ quan của tôi, lạm phát năm tới sẽ không nóng bỏng như 2011. Do các khoản chủ động tăng giá đã tăng rồi. Nếu giá điện xăng tăng nốt tháng 12 này thì lạm phát sẽ tăng chủ yếu trong 2011 rồi. Như vậy, sẽ có mặt bằng giá mới.

Nếu lấy mặt bằng giá 2011 để tính mức tăng CPI năm 2012 thì tỷ lệ lạm phát sẽ có thể kiểm sóat được thậm trí một con số.

Tôi nghĩ rằng tình hình thắt chặt tiền tệ, thậm chí tài chính công… 6 tháng cuối năm 2012 sẽ dễ thở hơn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sôi động hơn.
 

Có ý kiến cho rằng chưa bao giờ kinh doanh ngân hàng lại khó khăn như bây giờ. Vậy khó khăn đó là gì thưa ông?

Đúng là hoạt động ngân hàng rất khó khăn. Khó khăn thứ nhất là có 2 cái trần. Một là room mở rộng tín dụng là 20% và room trần lãi suất huy động là 14%. Lạm phát là 18% trong khi lãi huy động là 14%. Như vậy lãi suất thực âm. Dẫn đến huy động tiết kiệm khó, Trong khi giá vàng tăng liên tục thu hút nhà đầu tư nên hoạt động huy động của ngân hàng khó khăn. Mặc dù room cho vay là 20% nhưng nhiều ngân hàng không thực hiện nổi mức trần huy động này. Do thiếu nguồn vốn hoạt động.

Một khó khăn nữa đối với ngân hàng thương mại là mọi năm ngân hàng nhà nước mở rộng cho vay thị trường mở. Tuy nhiên năm nay thắt cả thị trường mở. Hơn nữa lãi trên thị trường mở năm nay cao so với mọi năm.

Do đó, khó khăn năm nay với hoạt động ngân hàng là khó khăn chồng chất, trong đó có cả khó khăn trong nước và cả nước ngoài. Thế nên, có thể nói năm 2011 và 2012 là thời kỳ khó khăn nhất đối với các ngân hàng việt nam kể từ trước đến nay.
 

Sau những năm khó khăn này sẽ tạo mặt bằng mới trong lĩnh vực ngân hàng như thế nào?

Theo định hướng của ngân hàng nhà nước sẽ cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Sẽ có hiện tượng sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng

Theo cá nhân tôi, khó khăn tuy chồng chất nhưng trong khó khăn có cái được. Đó là các ngân hàng và doanh nghiệp nếu muốn vươn ra phải có nội lực. Phải xác định lực đến đâu để làm cái gì.

Lâu nay, vừa là do cơ chế, vừa là thời cơ cho nên hoạt động ngoài khả năng của mình. Nhưng có thể vẫn thành công, một phần là gặp may.

Thế nhưng bây giờ và từ 2012 sẽ không có may mắn như thế nữa. Không thể “Ở liều mà gặp lành” được nữa. Nói tóm lại là phải có thực lực.

Xin cảm ơn ông!

 

Số lượt đọc: 9 Cập nhật lần cuối: 04/02/2013