Ông Nguyễn Đức Hưởng không tham gia Hội đồng Quản trị Sacombank

Nguồn tin riêng của Dân trí cho biết, ông Nguyễn Đức Hưởng - người được Sacombank đề xuất tham gia Hội đồng Quản trị ngân hàng này - vừa có đơn "không thể tham gia ứng cử Hội đồng Quản trị Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021".

Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) đã ra nghị quyết thống nhất đề cử danh sách ứng viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2021 (5 năm) gồm 11 thành viên. Trong đó, ứng viên HĐQT gồm các ông: Nguyễn Đức Hưởng, Kiều Hữu Dũng, Nguyễn Miên Tuấn, Nguyễn Xuân Vũ, Nguyễn Văn Cựu, Phạm Văn Phong.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 thông qua việc miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị.

Dù không giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị, ông Nguyễn Đức Hưởng vẫn tham gia hoạt động của LienVietPostBank với vai trò cố vấn cao cấp; cũng như tập trung các công việc quan trọng của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trong thời gian tới với vai trò Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội.
 
 
Ông Nguyễn Đức Hưởng (áo đen) cùng chuyên gia Nguyễn Lân Hùng trong một chuyến đi khảo sát thị trường mắc ca.

Tuy nhiên, sáng nay 4/6, nguồn tin riêng của phóng viên Dân trí cho biết: Ông Nguyễn Đức Hưởng vừa có công văn gửi HĐQT Sacombank "không thể tham gia ứng cử" HĐQT ngân hàng này nhiệm kỳ 2-17 - 2020.

Ông Nguyễn Đức Hưởng sinh năm 1962, tại Phú Thọ. Ông Hưởng gia nhập ngân hàng này từ thời ban trù bị năm 2007, và đến tháng 8/2008, ngân hàng LienVietPostBank được chính thức thành lập. Ông Nguyễn Đức Hưởng là một trong những lãnh đạo cao cấp tham gia sáng lập và điều hành ngân hàng này suốt từ những ngày đầu.

Tại ngân hàng này, ông sở hữu hơn 22 triệu cổ phiếu LVB, chiếm tỷ lệ 3,37%.

Trên thị trường tài chính - ngân hàng, ông Hưởng được ví là nhà chiến lược gia ngân hàng gắn liền với sự lớn mạnh của LienVietPostBank, xét về quy mô tổng tài sản, hiện đại hóa, quản trị nguồn nhân lực và quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt là hệ thống mạng lưới "một năm bằng 100 năm" qua thương vụ mua bán sáp nhập hệ thống tiết kiệm bưu điện, đến nay ngân hàng này đã có hệ thống điểm giao dịch ngân hàng lớn nhất nước với trên 10.000 điểm giao dịch đến tận các xã, phường trên cả nước và được khai thác, phủ sóng 100% chi nhánh đến 63 tỉnh, thành phố.

Tuy thời gian qua ông Hưởng rời vị trí Phó Chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng, tập trung vào công việc phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, nhưng được biết, ông Hưởng vẫn mua vào một lượng lớn cổ phiếu LVB để trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này.

Ở một diễn biến khác, do công tác chuẩn bị nhân sự Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021 và một số tài liệu Đại hội chưa hoàn tất nên Sacombank không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2015, 2016 vào ngày 26/5 như dự kiến.

Theo đó, Sacombank dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2015, 2016 vào ngày 30/6. Và đến thời điểm này, ai sẽ là tân Chủ tịch Sacombank vẫn là một ẩn số.
 
Nguồn: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/ong-nguyen-duc-huong-khong-tham-gia-hoi-dong-quan-tri-sacombank-20170604070117541.htm
 
Số lượt đọc: 86 Cập nhật lần cuối: 04/06/2017