Ông Nguyễn Đức Hưởng: “Him Lam rút vốn khỏi LienVietPostBank vì có cơ hội đầu tư lớn hơn“
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, Công ty cổ phần Him Lam đã không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của LienVietPostBank thông qua việc chuyển nhượng gần 97 triệu cổ phiếu, tương đương 14,98% vốn điều lệ ngân hàng trong ngày 23/6. Phần vốn thoái này được vị Chủ tịch cho biết đã được các cổ đông hiện hữu, cùng Ban lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng mua vào.
Cũng theo ông Hưởng nói: “Có rất nhiều đồn đoán nhưng tôi khẳng định Him Lam thoái vốn thật".
Ông Dương Công Minh (cựu Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank) và ông Nguyễn Đức Hưởng
Ông Hưởng cũng cho biết, Him Lam thoái vốn chỉ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, không ảnh hưởng quá lớn tới cơ cấu sở hữu trong tổng vốn điều lệ của Ngân hàng là 6.460 tỷ đồng tính đến cuối quý 1/2017.
“Việc thoái vốn này không có ảnh hưởng gì đến LienVietPostBank”, ông Hưởng nhấn mạnh.
Lượng vốn thoái của Him Lam đã được các cổ đông hiện hữu, Ban lãnh đạo cùng nhân viên Ngân hàng mua lại.
Chẳng hạn ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc LienVietPostBank vừa đăng ký mua thêm 6,5 triệu cổ phiếu. Trước đó, vào ngày 7/6, ông Sơn đã mua được hơn 5,1 triệu cổ phiếu như đã đăng ký thông qua phương thức mua bán trực tiếp. Số tiền mà ông Sơn bỏ ra ước tính khoảng 50 tỷ đồng với giá cổ phiếu trên OTC khi đó trong khoảng 10.000 - 10.200 đồng/cổ phần.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc Bùi Thái Hà cũng đăng ký mua 5,2 triệu cổ phiếu thông qua mua bán trực tiếp và hiện các thành viên HĐQT, ban điều hành LienVietPostBank vẫn đang tiến hành mua vào cổ phiếu.
“Cổ phiếu LienVietPostBank thời điểm này ở mức hơi thấp so với giá trị thực tế doanh nghiệp nên nhiều cán bộ, nhân viên đã mua vào", ông Hưởng nói và cho biết: "Chủ trương của Ngân hàng là tạo điều kiện cho 100% cán bộ nhân viên ngân hàng có sở hữu cổ phiếu để hàng ngày luôn có hành động chăm chút cho nồi cơm chung và cũng chính là nồi cơm nhà mình, gìn giữ thương hiệu LienVietPostBank bằng những hành động cụ thể tự giác và có ích”, ông Hưởng nói.
Cũng liên quan đến câu chuyện thoái vốn của Him Lam, ông Hưởng nói: “Tôi cảm ơn Him Lam, vì nhà đầu tư này đã hỗ trợ quá trình hình thành LienVietPostBank, có công rất lớn để xây dựng nên Ngân hàng này. Bây giờ, nhà đầu tư Him Lam nhận thấy, dù LienVietPostBank đã rất tốt nhưng món đầu tư này vẫn nhỏ nên Him Lam ra đi để tìm cơ hội đầu tư mới, tìm đối tượng làm ăn lớn hơn nữa. Được biết, Him Lam đang gom vốn để đảm bảo 20% tương đương gần chục nghìn tỷ đồng vào một điểm đầu tư (tại Sacombank -pv)”.
Với nền tảng Ngân hàng được Him Lam để lại rất tốt, ông Hưởng cho rằng, từ cái tốt đó thì không có lý do gì Ngân hàng không thể phát triển được mà còn xấu đi.
“Nền tảng tốt đã là điểm thuận lợi, tôi sẽ làm cho Ngân hàng tốt hơn. Và đó cũng chính là lý do các thành viên trong Ban lãnh đạo Ngân hàng tập trung mua vào phần vốn của Him Lam bán. Và tôi, lâu nay chỉ chuyên làm mảng ngân hàng nên cùng cái nền tảng vốn có, tôi cho rằng, Ngân hàng sẽ phát triển mạnh mẽ thời gian tới.
Về định hướng của LienVietPostBank thời gian tới, ông Hưởng cho biết: “Tôi không hề mong muốn giá cổ phiếu LienVietPostBank tăng lên nhanh và tôi nghiêm cấm bộ phận PR có hành động đánh bóng thương hiệu bằng xảo thuật trống rỗng. Vì PR chân thực mới là PR vĩnh cửu nhất? Vì vậy tôi chỉ tập trung vào đổi mới hoạt động ngân hàng phát triển bền vững, hiện đại hóa và tập trung phát triển dịch vụ ngân hàng trên ngón tay cái, ngón tay trỏ của khách hàng - hiện đại tiện ích. Đây là yêu cầu quan trọng nhất, cố gắng bước từng bước chắc chắn đến từng vị trí cao hơn để khẳng định thương hiệu và “giá cả xoay quanh giá trị thực”.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/ong-nguyen-duc-huong-him-lam-rut-von-khoi-lienvietpostbank-vi-co-co-hoi-dau-tu-lon-hon-192545.html
Số lượt đọc: 88 Cập nhật lần cuối: 28/06/2017