Hoa cham-pa – Hoa Valentine

Lâu nay hoa hồng đã là bông hoa truyền thống tượng trưng cho tình yêu, nhất là trong ngày Valentine thì không thể thiếu hoa hồng...

Nhưng có dịp đi Lào sát ngày Valentine, được ngắm hoa cham-pa, được nghe lời bài hát hoa cham-pa do ca sỹ Lào thể hiện, và đặc biệt nửa đêm nằm một mình ở khách sạn Vientiane, nghe đĩa hát “Hoa đẹp cham-pa” réo dắt bên tai mới thấm thía tình yêu muôn thuở, mới cảm nhận được sức mạnh loài hoa cham-pa gợi nhớ, gợi thương nhường nào…
 

Và tôi đã ngộ ra không thể có loài hoa nào lại ý nghĩa về tình yêu, tình đoàn kết Việt – Lào như loài hoa cham-pa, và cũng chưa có bài hát ca ngợi bông hoa nào hay, thấm thía và làm thức tỉnh trái tim, dâng trào tình yêu lứa đôi, thăng hoa tinh thần bằng hoa cham-pa “…hoa đẹp cham-pa, đã bao đêm ngày, hoa đấy người đây, hoa vẫn ngạt ngào thơm ngát mùi hương, tháng năm còn vương…”. Các bạn cứ thử vào mạng nghe lại bài này mà cảm nhận!
 
Nguồn gốc của ngày 14/2, từ xa xưa chính là ngày “may rủi của tình yêu”. Thánh Valentine – một vị linh mục đã dám cãi lời bạo chúa, tổ chức các lễ cưới bí mật cho những đôi uyên ương đã bị bắt và tử hình đúng vào ngày 14/2, năm 269 TCN. Trước lúc mất, Thánh Valentine đã để lại một bức thư tình nổi tiếng gửi con gái người cai ngục, người đã giúp ông rao giảng tình yêu và tổ chức những đám cưới ngay trong ngục tối, bức thư ký tên: “Valentine của em”.


 
Sau đó, ngày 14/2 đã được tôn vinh là ngày lễ tình yêu - ngày mà người ta trao nhau những bông hoa hồng, kẹo socola, thiệp chúc tình yêu và những nỗi nhớ, những tiếng lòng sâu thẳm… Cảm ơn 14/2 đã trở thành ngày hội tình yêu để tất cả những đôi uyên ương dù bận trăm công ngàn việc cũng dành một phút trong ngày để nhớ về nhau. Nhưng những người hạnh phúc nhất phải là người “cả năm là ngày Valentine”, cả thế giới này được bao nhiêu người như vậy, hoa cham-pa nói lên điều đó “... đã bao lâu rồi, mà hoa vẫn đẹp mãi trong lòng tôi... hoa đẹp xinh ơi, hay bóng hình ai, thiết tha yêu thương...”. Nếu trong lòng ai đó có bông hoa cham-pa như thế tức là “cả năm là ngày Valentine”. Thực tế điều đó là có thật, nhưng chỉ có được ở một số đôi uyên ương thậm chí đến đầu bạc răng long, họ vẫn được trọn vẹn Valentine trong lòng. Để làm được điều đó thật là khó khăn vì đã có hai công trình của Mỹ và Pháp nghiên cứu “tình yêu có hooc-môn”, tức là nam nữ từ khi có tiếng sét ái tình bên tai, yêu nhau do có tiết tố hooc-môn tình yêu tiết ra nhưng chỉ nồng nàn trong 12 tháng. Sau đó,  hooc-môn ấy sẽ cạn kiệt nhưng người ta vẫn yêu vẫn sống bên nhau do tình yêu đã được chuyển hóa thành những nghĩa vụ, trách nhiệm khác ngày càng ý nghĩa, thú vị của cuộc đời, như tình yêu con cái, gia đình, công việc, sự nghiệp, giải trí… Dần dần cả hai vợ chồng ngày càng tìm ra được cái chung, cái hợp mới, mà chính những cái mới ấy sẽ “hâm nóng lại cái cũ, chứ không phải cái mới nới cái cũ”. Đó cũng chính là sự “đổi mới tình yêu”. Ai biết tự đổi mới tình yêu là người biết giữ tình yêu đến trọn đời.
 
Đời người rốt cục cái quý nhất là “sức khỏe”, vì sức khỏe còn tồn tại thì mọi thứ khác mới tồn tại theo. Con người ai cũng vậy, qua nửa đời phiêu bạt rồi lại về úp mặt vào sông quê, qua nửa đời phiêu bạt đi tìm sơn hào hải vị cuối cùng mới ngộ ra sơn hào hải vị chính là cơm canh rau muống, dưa cà, cá kho và đặc biệt cũng qua nửa đời phiêu bạt, ai ai cũng mải miết đi tìm hết cái này đến cái khác một cách rất mệt mỏi vì “đứng núi này trông núi nọ”, nhưng cuối cùng ai cũng ngộ ra rằng không cần trông núi cao nào hết hãy giữ chặt cái núi mình đang có là cái núi cao nhất, vì nó luôn là cái núi mà mọi người đang đi tìm, không biết giữ sẽ bị mất trắng…
 
Muốn giữ được những cái gì mình đã có, tưởng đơn giản nhưng hoàn toàn không dễ. Để làm được điều này chúng ta phải “biết đủ, biết dừng, biết bằng lòng với cái mình đã có” vì “không ai thương mình bằng chính mình, không ai phá mình bằng chính mình và không ai hại mình bằng mình tự hại mình”. Biết thì ai cũng biết vậy, nhưng làm được thì rất ít người làm được, vì để làm được điều đơn giản ấy phải biết “đơn giản hóa những vấn đề phức tạp”, không quan trọng hóa những vấn đề tưởng như quan trọng lắm. “Đừng cho nó là gì cả thì nó chẳng là gì cả”. Mỗi chúng ta phải học chữ “nhẫn” và chữ “đại lượng” thì xã hội mới hoàn toàn bình yên kể cả lúc sóng gió nhất. Đời người càng ngày ta sẽ càng thấm thía “tất cả chỉ là tạm thời, chỉ có tình người là vĩnh cửu” nên dù chỉ là một giây phút tình người, ta cũng phải biết nâng niu nó, quý trọng nó, ít nhất là để im trong lòng và cũng dù chỉ một giây căm thù ta cũng tự hóa giải, bỏ qua không chỉ là bỏ qua cho đối thủ mà là tự cứu chính mình vì “tại sao mình phải khổ vì bực tức”.
 
Từ xa xưa Khổng Tử đã dạy “Cách vật - Trí tri - Thành ý - Chính tâm - Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ”. Trong bát mục này, mục nào cũng quan trọng nhưng dựa trên một nguyên tắc là “tất cả phải có cái gốc căn bản”. Muốn có cái nọ thi phải có cái kia, cái kia tốt cho cái nọ - mối quan hệ biện chứng mật thiết không thể thiếu. Trong đó muốn làm gì, trước khi quyết định gì, thậm chí muốn nói gì cũng phải tự biết mình là ai (Thành ý), muốn tu thân thì phải biết “Chính tâm”. Khi quyết định điều gì mà xuất phát từ buồn quá, bực quá, vui quá đều dẫn đến quyết định hỏng. Muốn tề gia thì phải tu thân, muốn trị quốc bình thiên hạ thì phải tu thân, tề gia tốt. Mọi quyết định liên quan đến tình yêu cũng không tránh khỏi bát mục quý giá này. Nếu ai đó luôn luôn biết "mình là ai, đang đứng ở đâu" thì chắc chắn sẽ đưa ra quyết định đúng và hành động đúng. Tình yêu là cái gì đó rất mong manh và dễ vỡ, chính vì vậy, nó rất quý giá bởi một điều đơn giản “tất cả những thứ dễ vỡ, dễ mất mất đều là của quý”. Muốn giữ được của quý chúng ta phải học các bí quyết và tự tìm ra bí quyết từ kinh nghiệm của chính mình.
 
Tôi có đúc kết một số kinh nghiệm để giữ được tình yêu lứa đôi, xin chia sẻ với các bạn:
Một là: Khi yêu, hãy xem người yêu của mình đối xử với người ngoài như thế nào? Vì khi người ta đối xử với người ngoài không tốt thì chắc chắn sẽ đến lượt mình cũng không được đối xử tốt.
Hai là: Khi là vợ chồng rồi thì chỉ quan tâm vợ chồng mình đối xử với mình thế nào, đây là điều quan trọng nhất.
Ba là: Cả lúc còn là người yêu và khi đã là vợ chồng thì cả hai phải biết đưa nhau lên cung trăng, rồi đột nhiên dìm nhau xuống đáy giếng. Như vậy, mới thăng bằng trên mặt đất được vì chỉ có ai đi thăng bằng trên mặt đất mới có sự sống, hạnh phúc thật sự.
Bốn là: Tình yêu cũng như… cơm trắng, muốn ngon phải có canh và gia vị để tạo các món ăn khác nhau. Hạnh phúc là cơm lành canh ngọt… Công việc tốt cũng là một gia vị cho tình yêu và hạnh phúc. Muốn có công việc tốt phải biết đam mê, đối nhân xử thế, chuyên sâu một việc, nhưng biết nhiều việc.
Năm là: Sống, làm việc và yêu đều phải có nguyên tắc nhất định nhưng nguyên tắc phải luôn luôn đổi mới, phù hợp với thực tế theo thời gian và thậm chí phù hợp với cả thời điểm xử lý tình huống cụ thể…
Cuối cùng, phải thấm nhuần nguyên tắc “Đổi mới – Đoàn kết”, trong đó đổi mới để phát triển, đoàn kết để tồn tại…

Đúng là tình yêu rất dễ vỡ bởi sự mong manh và quý giá. Vì vậy, nó được loài người nâng niu bằng hương thơm của hoa hồng, sự ngọt ngào của socola, ý nghĩa bằng những vần thơ tình và giờ đây, tôi đề cử thêm sự trường cửu của hoa cham-pa bất tử... “...hoa đẹp cham-pa, em chính người tôi mến yêu trọn  đời”!
 

 
Chúc tất cả các bạn – Gia đình LienVietPostBank có một Valentine đầy ý nghĩa, chúc từng người, từng gia đình “Khỏe – Vui”. Niềm vui công việc luôn đóng vai trò… gia vị quan trọng cho “Cơm lành – Canh ngọt – Hạnh phúc cá nhân và gia đình”.
 
Số lượt đọc: 148 Cập nhật lần cuối: 13/02/2012