“Cùng tắc biến, biến tắc thông”

Đấy chính là mục đích của hội thảo khoa học “Khó khăn thách thức do biến động kinh tế vĩ mô và đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, VCCI và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng với NH Liên Việt tổ chức.

DN với 2 “đòn” lạm phát và thiểu phát:

Gói giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã phát huy tác dụng nhưng sự trả giá cho nó cũng bắt đầu lộ rõ. Cụ thể, lần đầu tiên sau nhiều tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2008 đã giảm và âm 0,19% so với tháng trước đó. Xu hướng này khiến các chuyên gia lo ngại Việt Nam sẽ lâm vào tình trạng thiểu phát. Giờ đây, không chỉ các DN làm hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng do kinh tế thế giới suy giảm, mà tất cả các DN trên mọi lĩnh vực, sức mua trong thị trường nội địa đã có chiều hướng giảm sút. 

Về vấn đề này, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương M ại Trương Đình Tuyển cho biết, Việt Nam đang có nguy cơ bị thiểu phát, vì lạm phát đã xuống đáy rồi. Dự đoán, dư vay tín dụng năm nay chỉ đạt 25%, do nhiều DN đã hủy bỏ dự án trước đó. Nếu như đặt ra vấn đề thiểu phát mà vẫn “ưu tiên” chống lạm phát thì sẽ gặp những khó khăn gì? Có thể kinh tế vĩ mô sẽ xấu, tăng trưởng sẽ giảm và dẫn đến thất nghiệp. Đây là điều phải đặt ra câu hỏi để giải quyết.

Đồng quan điểm trên, Tiến sỹ Nguyễn Đức Đạm, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh phân tích, 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát đã phát huy tác dụng và bây giờ thị trường mới thấm. Trong số đó, có những giải pháp dài hạn, nhưng đều có độ trễ. Nếu không linh hoạt trong điều hành chính sách, kịch bản sẽ lặp lại và khả năng Việt Nam lâm vào tình trạng thiểu phát là rất cao. 

Mặc dù, thời điểm này nói đến thiểu phát là vẫn còn quá sớm nhưng nếu tiếp tục quá đà với các chính sách kiềm chế lạm phát mà chủ yếu là chính sách thắt chặt tiền tệ thì sẽ dẫn tới sự phá sản hàng loạt của các DN (đặc biệt là khối DNNVV), nền kinh tế lâm vào trì trệ kéo dài cả chục năm sau. Còn nếu “phòng” thiểu phát sớm lại dễ bị lạm phát “hồi mã thương”. 

Dù ở 2 trạng thái ngược nhau của chỉ số CPI nhưng lạm phát và thiểu phát ở mức cao đều tác động rất xấu đến hoạt động của DN cũng như nền kinh tế. Hậu quả của nó chính là dẫn tới sự suy thoái, triệt tiêu tăng trưởng, thậm chí gây đổ vỡ cho nền kinh tế. Vì vậy, Chính phủ và DN cần sớm tìm thấy “tiếng nói chung” trước khi “20% DN thật sự khó khăn bị phá sản” như cảnh báo của TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV.

Chính sách linh hoạt hơn:

Để thoát khỏi vòng xoáy của lạm phát, thiểu phát và lãi suất, giải pháp tốt nhất là cung vốn cho DN, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, giảm dần lãi suất cho vay để DN bớt áp lực chi phí. Để giải bài toán này, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân mâu thuẫn và năng lực nội sinh của nó. 

Nhưng giải pháp quan trọng nhất, theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, Chính phủ cần phải cơ cấu lại Quỹ bảo lãnh tín dụng được ban hành năm 2001, sao cho, các DN (đặc biệt là DNNVV) được bảo lãnh tiếp cận Quỹ. Mặc dù đã đi vào hoạt động được 7 năm nhưng đến nay mới có 3 quỹ đi vào hoạt động thí điểm, 6 quỹ còn lại được thành lập nhưng chưa đưa vào hoạt động. Nguyên nhân khiến Quỹ này không hoạt động hiệu quả là vì mỗi địa phương tự thành lập và quản lý quỹ riêng trên cơ sở vốn của địa phương và NH đóng góp. Vì vậy, Chính phủ cần phải cơ cấu lại nguồn vốn của Quỹ bằng cách lấy tiền từ ngân sách, nhà tài trợ nước ngoài. Có như vậy, Quỹ tín dụng mới thật sự đóng vai trò “bà đỡ” cho DN lúc khó khăn.

Ngoài ra, theo Ths. Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát hành sách Tp.HCM (FAHASA), bên cạnh quyết định giảm lãi suất và tăng cung tiền cho nền kinh tế của NHNN ngày 20/10, Chính phủ cũng cần phối hợp chặt chẽ để triển khai chính sách tài khóa. Cụ thể, Chính phủ cần triển khai để ban hành và thực thi ngay các biện pháp miễn, giảm hoặc giãn thuế TNDN nhằm hỗ trợ DN nguồn lực để tái đầu tư. 

Cùng quan điểm trên, GS.TSKH Lê Phong Du, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, Nhà nước nên xem xét và điều chỉnh linh hoạt hệ thống thuế đối với các DN, trước hết là thuế nhập khẩu nguyên liệu, thuế xuất khẩu các mặt hàng do DN làm ra và thuế TNDN. Những lúc DN đang quá khó khăn như hiện nay, phải cố gắng giảm tối đa các loại thuế cho họ, khi kinh tế của đất nước trở lại phát triển bình thường hãy điều chính mức thuế trở lại. Quan điểm đánh thuế là khuyến khích sản xuất để có nguồn thu chứ không phải tìm mọi cách tận thu.

Cũng bàn về giải pháp về vốn, GS.TS Cao Cự Bội, Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra sáng kiến, nên chăng thiết lập một quỹ hỗ trợ DN thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ để hình thành quỹ này. Quỹ này có chức năng hỗ trợ cho DN thông qua lãi suất hoặc cho vay ưu đãi, bảo lãnh… đáp ứng khó khăn bất khả kháng về vốn cho DN. Khi quỹ này đi vào hoạt động sẽ được điều hành theo nguyên tắc thị trường chứ không phải bao cấp và nó được ủy thác cho hệ thống NH. 

“Về ngắn hạn, Chính phủ nên tập trung giải quyết dứt điểm cho các DN trong các vấn đề về thủ tục hành chính. Đừng để các DN quá bận tâm và mất nhiều công sức, tiền của vào những thứ đó, gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của nền kinh tế”, GS.TSKH Lê Du Phong nói.

Cũng theo GS.TSKH Lê Du Phong: “Chính phủ cần tập trung đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức điều hành vĩ mô đối với nền kinh tế, với yêu cầu bài bản và trí tuệ hơn, sát với thực tiễn và hội nhập hơn. Vậy nên, Chính phủ cần phải có những nhóm tư vấn đủ mạnh cho từng lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế. Họ sẽ giúp Chính phủ dự báo tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và trong nước, vừa phản biện và góp ý cho các chủ trương, chính sách trước khi đưa ra thực thi”.

GS.TS Cao Cự Bội cho rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN là đúng nhưng cần phải thực sự linh hoạt, không nên khống chế trần tín dụng 30%/năm. Thực ra, để kiềm chế lạm phát, NHNN chỉ cần kiểm soát mức độ tăng của lượng tiền cung ứng vào lưu thông. Dư nợ tín dụng chỉ là một trong nhiều nhân tố thuộc nội hàm lượng tiền cung ứng. Cái gây nên sức ép, gây hậu quả lạm phát chính là tổng lượng tiền cung ứng. Trên thực tế, thắt chặt tín dụng không làm giảm lượng tiền cung ứng trong lưu thông. Vì vậy, nâng cao dư nợ tín dụng một chút có thể giúp cho DN dễ thở hơn.

Ths. Ngô Huy Toàn, Công ty Mega LifeSciences Pty cho rằng, ngoài giải quyết nhu cầu về vốn, Chính phủ cần phải có những biện pháp can thiệp kịp thời và mạnh mẽ nhằm ổn định tỷ giá như hiện này, nhưng về lâu dài cần thực hiện tỷ giá linh hoạt cho phù hợp với giá trị thật của VND. Bên cạnh đó, Chính phủ cần mạnh tay để giảm thiểu hiện tượng đầu cơ nâng tỷ giá và thói quen lưu giữ, tiêu dùng ngoại tệ trong nước. Điều này gián tiếp làm giảm nhu cầu và tăng cung ngoại tệ trên thị trường, giảm sức ép nâng tỷ giá và các DN xuất nhập khẩu có nhiều cơ hội tiếp cận, sử dụng nguồn ngoại tệ cho hoạt động kinh doanh.

Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề xuất: Chính phủ nền có chính sách giảm thuế và đơn giản thủ tục thuế, hải quan để giảm bớt khó khăn cho DN (không truy thu thuế tiết kiệm trong định mức gia công, không đánh thuế VAT đối với thiệt bị nhập khẩu đầu tư và ủy thác gia công xuất khẩu). Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh tham gia và nghiêm túc thực hiện cam kết trong việc dành quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp dệt may, khu vực trồng bông, khu trung tâm nguyên phụ liệu theo quy hoạch. 

Ý kiến 1
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt cho biết: các DN trong ngành tài chính đang phải đối mặt với một số rào cản tâm lý như: "không tin ai ngoài bản thân mình”, NH không tin NH, NH không tin DN, người dân suy giảm lòng tin vào hệ thống tài chính NH... Tình trạng này kiến các NH khó huy động được vốn, huy động được rồi cho vay cũng khó, đầu tư sợ rủi ro, không đầu tư thì lo mất cơ hội, các hoạt động mang tính đối phó trước những biến động thất thường của thị trường, chính sách… Nếu tình trạng này kéo dài, NH sẽ rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” vốn khả dụng, còn nền kinh tế và DN sẽ thiếu thanh khoản và nguy cơ thiểu phát là khó tránh khỏi. Trước thực trạng này, cơ quan quản lý nhà nước cần phải thể hiện vai trò thông tin của mình nhằm hạn chế bớt các tác động tiêu cực của yếu tố tâm lý. Còn NH thì phải bình tĩnh, phân tính thấu đáo vấn đề, cần quyết đoán, minh bạch khi đưa ra quyết định và tìm kiếm sự liên kết, hỗ trợ của đối tác, khách hàng…

Ý kiến 2:
TS. Nguyễn Thiện Nhân – Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ luôn nỗ lực vì sự phát triển của đất nước mà DN là lực lượng nòng cốt. Vì vậy, những gì còn vướng mắc, chưa thuận lợi cho DN phát triển sẽ được từng bước tháo gỡ. Tuy nhiên, các DN cũng cần phải khắc phục những yếu điểm của mình về vốn, trình độ quản lý, năng lực quản trị, phân tích thị trường, nhân lực, hoạt động chuyên nghiệp… để đứng vững hơn trong tiến trình hội nhập của đất nước.

Theo thời báo doanh nhân
 
Số lượt đọc: 36 Cập nhật lần cuối: 13/01/2013