“Một mình ngân hàng không thể gánh nỗi lo chung”

Sau một loạt động thái của NHNN, các NHTM đã xuất hiện phong trào giảm lãi suất cho vay và huy động. Mặc dù khó khăn của doanh nghiệp được nới lỏng dần theo sự linh hoạt của chính sách tiền tệ nhưng không phải vì thế mà ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau dễ dàng, xuất phát từ những lý do sau...

Thứ nhất, khá nhiều doanh nghiệp (DN) được chúng tôi đánh giá tốt và dồn vốn cho họ nhưng họ chưa vay vội vì chờ lãi suất thấp hơn. Ngược lại, khá nhiều DN muốn vay nhưng không ít trong số này chúng tôi phải dè chừng vì còn phải đợi họ quyết toán niên độ để kiểm chứng kết quả kinh doanh. Lâu nay ở Việt Nam, ngoại trừ các DN đã lên sàn thì vẫn còn phổ biến việc hạch toán tạm ứng, tạm chi, phân bổ chi phí trước khi có quyết toán nên độ minh bạch chưa cao. 

Thứ hai, đối với khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV), nhiều DN qua nắm bắt hoạt động, có thể khẳng định họ trả được nợ nhưng sổ sách không rõ ràng, theo kiểu “xập xí, xập ngầu” để dễ lách, trốn thuế. Dĩ nhiên, chúng tôi phải tính đến yếu tố rủi ro pháp lý và dù biết là khả năng mất vốn rất thấp nhưng cũng không thể cho vay do họ không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Thứ ba, có những DN nếu vay vài chục hay vài trăm tỷ, có thể trả được ngay nhưng trên sổ sách lại báo lỗ hoặc lãi không nhiều, dòng tiền quay về không thể hiện hết. Từ thực tế đến minh bạch của các DN này còn một khoảng cách khá xa và đó cũng là một trở ngại để NH bước vào. 

Từ thực tế này, để NH yên tâm cho vay, trước hết, đối với những DN có độ minh bạch chưa cao, NH phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với DN. Hoạt động này rất đáng quan tâm và tôi tin là sẽ làm được. Nhờ đó, khoảng cách giữa NH và DN sẽ giảm dần, thậm chí biến mất.

Tiếp theo, khi mở rộng tín dụng đến một lúc nào đó, NH không thể ôm tiền ngồi một chỗ mà phải tích cực tìm đối tượng tốt cho vay ra. Tuy nhiên, một mình ngành NH không thể đơn phương tháo gỡ khó khăn của cả nền kinh tế, trong khi NH chưa nhìn thấy lối thoát của nhiều DN. Do vậy, ngoài việc kích cầu tiêu thụ nội địa thì phải tìm hướng chuyển thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, nhà nước cần nhanh chóng thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng. Nguồn của quỹ này có thể huy động đóng góp từ các tổ chức tài chính, DN và nhất là trái phiếu Chính phủ. Ngoài chức năng bảo lãnh, quỹ có thể cho vay trực tiếp nhưng không lấy mục tiêu lợi nhuận làm trọng. Có thế, NH mới dám cho vay. Tôi tin rằng quỹ này ở VN sẽ phát triển tốt và nên tập trung vào một số DN trọng điểm, dự án trọng điểm, từ đó sẽ kích cầu sang các ngành khác.

Ngoài ra, trong lúc các DN đang gặp khó, nhà nước cần có gói giải pháp tổng thể, trong đó không thể không đề cập đến việc miễn giảm, giãn, hoãn trong chính sách thuế cũng như tìm mọi cách giảm chi phí trung gian cho DN. 
 
Số lượt đọc: 9 Cập nhật lần cuối: 21/01/2013