Đi tìm bóng ma khủng hoảng?
Và chỉ khi hiểu kỹ về biến cố, mới có thể tìm ra giải pháp giảm nhẹ những tác động tiêu cực và tìm lối đi cho hậu khủng hoảng. TS.Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt, tác giả chủ biên cuốn "Khủng hoảng tài chính toàn cầu - Thách thức với Việt Nam" (Nhà Xuất bản Thanh Niên ấn hành và chính thức ra mắt độc giả tháng 1-2010) tâm sự."Bóng ma" khởi đầu từ nước Mỹ tháng 9 năm 2008 rồi lan tràn khắp thế giới, làm suy yếu hệ thống tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp, một cuộc khủng hoảng khiến người ta không khỏi giật mình trước sự sụp đổ của tư tưởng tự do kinh tế mà Hoa Kỳ đã theo đuổi hàng thế kỷ.
Cuốn sách thể hiện sự công phu của người biên tập trong việc chọn lọc, hệ thống hóa một cách logic các sự kiện được quan tâm. Điểm trong đó, là lịch sử của các cơn khủng hoảng:
"Ngày thứ ba đen tối" (29/10/1929) xảy ra tại Mỹ đến khủng hoảng kinh tế 1973 - 1975 bắt nguồn từ dầu mỏ, khủng hoảng Peso Mexico năm 1994, khủng hoảng tiền tệ Đông Á 1997, khủng hoảng “dot - com" năm 2000…
Qua đó, nhóm tác giả đã tìm ra mối liên kết, phân tích sức ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2008 và năm 2009, đặc biệt là trong 3 lĩnh vực: bất động sản, chứng khoán và ngân hàng? Sẽ khó nhằn vì sách hơi học thuật? Tác giả sách tự hào: "Cách tiếp cận của cuốn sách có nhiều điểm mới, trực diện, tạo sự hấp dẫn, thú vị đối với độc giả".
Năm 2010, kinh tế Việt Nam sẽ ra sao? - Cuốn sách đã chỉ ra: Có thể cơ hội sẽ đến, nhưng cần cảnh giác với một năm "hồi mã thương" của lạm phát và khủng hoảng đối với nền kinh tế và doanh nghiệp ở một số nước có "lực yếu" và không quan tâm đến "cải cách hậu khủng hoảng".
Một trong những nguyên nhân là sức khỏe của các doanh nghiệp sau cú choáng váng bởi khủng hoảng được hồi phục tạm thời nhưng vẫn đang trong tình trạng lúc thì "huyết áp cao", khi thì "tụt huyết áp", chưa thăng bằng, đủ mạnh để bước đi vững chắc.
Dự đoán của tác giả chủ biên cuốn sách về thị trường chứng khoán, bất động sản tại Việt Nam năm 2010? - Sẽ là cuộc "tập trận" của các đại gia hai sàn chứng khoán, bất động sản" và sự giãy chết của "các đại gia nửa vời trên sàn vàng".
Bất động sản và chứng khoán sẽ có những cơn sốt "trồi ít sụt nhiều", các nhà đầu tư nghiệp dư phải cẩn trọng, các ngân hàng sẽ căng thẳng vốn, các doanh nghiệp thiếu vốn, tình hình tỷ giá chắc chắn sẽ biến động theo chiều hướng tăng lên phù hợp với diễn biến của thị trường.
Nhưng năm 2010 cũng đánh dấu một bước thay đổi về chiến lược tiêu thụ. Hàng hóa sẽ chuyển trọng tâm từ xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa; sẽ có hàng loạt các vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp, mua bán trái phiếu, công cụ phái sinh và xuất hiện nhiều nhà tư bản mới hậu khủng hoảng.
Một tổng giám đốc viết sách, một doanh nghiệp làm sách: Không mới! Nhưng đáng trân trọng khi ông dự tính 100% doanh thu từ việc phát hành cuốn sách, sẽ được LienVietBank tặng Quỹ tấm lòng Việt làm từ thiện giúp học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Làm doanh nghiệp, cũng là làm người. Cần một cái tâm!
Khánh Huyền