Nới “room” ngân hàng cho khối ngoại: “Cứ đón cá vào ao đã!”

Ông Nguyễn Đức Hưởng: “Người bán đang rất muốn bán, người mua đang cảm thấy... không ai mua thì mình mua”

noi_room_ngan_hang_cho_khoi_ngoai.jpg

“Mọi quyết sách phải căn cứ thực tiễn tình hình có lợi cho nền kinh tế - xã hội và yếu tố hội nhập toàn cầu, và cần luôn đặt ra câu hỏi tại sao các nước bạn làm được mà ta không dám làm, cứ phải chậm chạp đi sau mất cơ hội?”.

 

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ ký ban hành nghị định thay thế quy định về việc giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam.

 

Một nội dung trình bổ sung đáng chú ý là, trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống, Thủ tướng sẽ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể.

Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2013 diễn ra tuần qua, với quan điểm có vẻ thận trọng từ một số đại diện khối đầu tư nước ngoài cùng với đề xuất nên nới “room” một cách mạnh mẽ hơn.

“Nới “room” lúc này, là cơ hội cho cả hai phía”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), nêu quan điểm với VnEconomy.

Ông Hưởng nói:

- Đi công tác một vòng nước Mỹ, tôi thấy họ rất tôn trọng và lôi kéo vốn đầu tư bên ngoài vào. Cứ nhà đầu tư nào tạo được việc làm cho 10 lao động là nghênh đón. Thủ tục hành chính thì chỉ cần biết một luật sư là được.thủ tục hành chính của họ không những một cửa mà chỉ một người.

Nhà đầu tư có thể mua 100% ngân hàng Mỹ, sở hữu đất đai nhà cửa. Miễn là anh có tiền sạch, chấp hành đúng các nghĩa vụ thuế và thượng tôn pháp luật, tạo được công ăn việc làm.

Tôi nghĩ, ta cũng cần trải thảm đỏ như vậy, kể cả lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng. Cứ đón cá vào ao đã, rồi mới phân loại cá để theo dõi, quản lý và chăm sóc theo đúng luật nuôi trồng và đánh bắt thủy sản...

Có lẽ nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp không muốn nguồn vốn “rất quốc tế” của mình lại phó mặc cho người điều hành và quản lý “rất Việt Nam”, bởi giới hạn sở hữu chỉ tối đa 20% mỗi nhà đầu tư và 30% tổng thể Ông Nguyễn Đức Hưởng

Thả cá theo như ông nói, nhưng “sói gửi chân” cũng là một nỗi lo lắng của nhiều người, nhất là khi giá cả tài sản của nhiều doanh nghiệp và cả ngân hàng Việt Nam hiện nay là cơ hội thâu tóm giá rẻ, thưa ông…

Ở đây chúng ta đang nói đến việc nới “room” tại các ngân hàng yếu kém, kêu gọi ngoại lực để tái cơ cấu. Một chú cá yếu, chất lượng giống hạn chế thì đương nhiên giá sẽ rẻ hơn. Nó sẽ khó cạnh tranh với những chú cá khỏe. Còn khi họ chăm sóc để nó khỏe lên, mạnh lên thì đương nhiên theo mục đích tái cơ cấu vì sự nghiệp kinh tế - xã hội nước nhà và trong đó có bao hàm cả quyền lợi của họ, chứ không thì người ta mua cá yếu để làm gì?

Cũng phải lưu ý rằng, họ có thể chỉ bỏ ra 1 USD để mua chú cá yếu đó, nhưng sẽ phải cần hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD để thực sự chăm sóc nó thành công!

Tất nhiên, phải lựa chọn người mua cá thực sự có tiềm lực, có tay nghề nuôi trồng để đón vào, tránh những trường hợp chỉ vì ham rẻ với cơ hội nhưng không đủ sức để làm nó mạnh lên. Cho nên, với những loại cá gây hại, hay quá yếu, thì theo tôi cũng nên mạnh dạn loại trừ để tránh những ảnh hưởng xấu của nó về sau.

Vậy cơ hội ở đây là gì, với nhà đầu tư nước ngoài?

Cơ hội ở đây theo tôi là giá trị pháp lý. Chúng ta thấy là để lập một ngân hàng mới tại Việt Nam, hay 100% vốn ngoại hiện nay và sắp tới là rất khó khăn, nếu không nói là chưa thể.

Hãy hình dung, các ngân hàng 100% vốn ngoại ở Việt Nam hiện nay sau một thời gian đáng kể nhưng vẫn khó để có được hệ thống cơ cấu và mạng lưới trải rộng như ngân hàng yếu kém cần bán, dù họ có chiến lược hoạt động riêng.

Còn tại các ngân hàng hiện đã có đầu tư, họ muốn có sở hữu lên 51% để chủ động hơn nhưng không thể. Cho nên, có lẽ nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp không muốn nguồn vốn “rất quốc tế” của mình lại phó mặc cho người điều hành và quản lý “rất Việt Nam”, bởi giới hạn sở hữu chỉ tối đa 20% mỗi nhà đầu tư và 30% tổng thể.
 

Giá trị pháp lý ở đây là nới “room”, như ông nói là cơ hội cho cả hai phía. Ông có thể giải thích rõ hơn quan điểm của mình?

Đúng là cơ hội cho cả hai phía, Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài. Vì người bán đang rất muốn bán, người mua đang cảm thấy... không ai mua thì mình mua.

Ngược lại với thời điểm “chứng khoán - ngựa chứng”, một người bán vạn người mua, thời điểm này thì “đầy người bán, cạn người mua”, chẳng khác nào hoa đào đêm 30 Tết, hàng ế có người mua - nếu bán được là cơ hội đến với cả hai người. Nhưng thuận mua vừa bán là yếu tố quyết định tiêu thụ được hàng.

Cơ hội cho người bán! Mua bán sáp nhập là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu hoạt động ngân hàng thương mại Việt Nam. Nhưng tái cơ cấu chỉ có hiệu quả khi hậu mua bán sáp nhập tạo ra một sắc diện mới cho chủ thể cũ... Đa số những ngân hàng được tái cơ cấu vừa qua có được sắc diện mới. Chủ trương tái cơ cấu các tổ chức tín dụng bước đầu có hiệu quả đối với những tổ chức mạnh mua tổ chức yếu. Nhưng cũng có sắc diện mới chỉ dừng lại ở “bình mới rượu cũ”, bởi tình trạng tự nguyện từ thiện “lá rách đùm lá rách hơn” làm sao có thân cây cường tráng được?

Theo tôi nhìn nhận, năm 2014 có thể phải tiếp tục tái cơ cấu lần hai với một số ngân hàng đã từng… “tái” những năm trước đây và những ngân hàng thương mại thuộc diện tái từ năm 2012 mà chưa thực hiện được. Nhưng trong nước đã hết đối tác mua hoặc thiếu lực mua ngoại trừ lại vay mượn, vá víu vốn. Nếu không cơ cấu kịp chắc chắn sẽ có những ngân hàng cùng chung số phận của không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ “chết mà không chôn được”, tạo gánh nặng cho nền kinh tế xã hội...

Vậy thì bán được cái gọi là “tài nguyên” khô cằn đến ung nhọt có nguy cơ chuyển sang ung thư lây truyền đến toàn bộ cơ thể sống, mà trong nước đã hết thuốc chữa... để tạo một sự sống mới hồi sinh chẳng phải là một cơ hội sao?

Còn cơ hội cho người mua. Khi phân tích cơ hội đầu tư ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài nhận định còn tiềm ẩn tiềm năng phát triển, nhất là hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khi kinh tế thế giới hồi phục thì tôi nghĩ Việt Nam sẽ là một trong những nước hồi phục đầu tiên vì nhiều lý do, trong đó có lý do ít nước có, đó là một đất nước có tình trạng đô la hóa, vàng hóa cao; tiền ngoài luồng kiểm soát lớn chứng tỏ sức dân rất mạnh nên có cơ hội phát triển rất dễ bùng phát, tạo thuận lợi cho những nhà đầu tư bắt đáy thị trường hiệu quả.

Nhưng nếu không nới “room”, thì đúng là đừng nằm mơ thấy khối ngoại đầu tư vào các ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam!

Theo ông, nên nới “room” như thế nào?

Theo tôi nghĩ thì nên chia thành các nhóm. Nhóm 1 gồm 10 ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất, bán 35%; nhóm 2 gồm 5 thành viên tiếp theo trong nhóm 15 mạnh nhất, bán 49%; số còn lại bán 100%; riêng Agribank chỉ nên bán 10% thôi.

Sở dĩ 10 thành viên mạnh nhất chỉ bán 35% mà không phải là 36% vì phía Việt Nam giữ 65% để có lợi thế về quyền phủ quyết khi bổ phiếu theo luật công ty cổ phần tại Việt Nam, nhưng nhà đầu tư nước ngoài tham gia đến 35% thì chắc chắn họ không đầu tư chứng khoán đơn thuần mà sẽ tham gia quản trị, điều hành, chuẩn mực quốc tế tại ngân hàng đó sẽ có điều kiện nâng cao hơn.

10 ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất cùng với Agribank đã chiếm trên 70% thị phần, nên định hướng “xã hội chủ nghĩa” trong cơ chế thị trường vẫn được xác lập.

5 ngân hàng cổ phần trong nhóm 15 mạnh nhất bán 49% tạo điều kiện để họ lớn mạnh thực sự và sau 5 năm nữa ở Việt Nam cũng chỉ nên tồn tại 15 ngân hàng thương mại cổ phần, vì lúc ấy các ngân hàng mạnh sẽ mua các ngân hàng yếu kém còn lại nếu các nhà đầu tư nước ngoài không mua hết. 15 ngân hàng này sẽ trở thành sẽ trở thành 15 thành viên thực sự mạnh, cùng với sức mạnh của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thì lực lượng ngân hàng mới góp phần quan trọng để vực dậy nền tài chính nước nhà dần dần vững mạnh được.

Sở dĩ nhóm các ngân hàng còn lại xếp vào nhóm khó khăn cần tái cơ cấu nên bán đến 100% vì nếu không mở hết cỡ thời điểm này thì có lẽ không bao giờ họ mua nữa. Bởi lẽ, họ đầu tư vào Việt Nam với khối lượng vốn lớn, họ phải chủ động điều hành, quản lý vốn của họ, làm sao cho nó sinh sôi chứ.

Mà cũng dễ thấy rằng, vốn ngoại vào Việt Nam hoàn toàn có thể bị chia sẻ nếu các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, trong đó có môi trường pháp lý.

Thật khó để nhận được nếu không cho đi. Cái mà ta cần tính toán ở đây là giá trị nhận về sẽ lớn hơn. Nếu mở như vậy thì như mũi tên trúng nhiều đích. Ông Nguyễn Đức Hưởng


Nhưng nội dung mà Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đang tính là chỉ nới ở những ngân hàng yếu kém, mặt khác còn liên quan đến những cam kết mà Việt Nam có được khi đám phán gia nhập WTO, giới hạn “room” ở các ngân hàng tối đa là 30%. Giả sử chỉ nới ở những ngân hàng này thì liệu có gì đó không công bằng và không nhất quán?

Khó mà gọi là công bằng trong lĩnh vực quản lý, chủ yếu chúng ta hạn chế tối đa cơ chế xin cho là... công bằng lắm rồi. 

Mọi quyết sách phải căn cứ thực tiễn tình hình có lợi cho nền kinh tế - xã hội và yếu tố hội nhập toàn cầu, và cần luôn đặt ra câu hỏi tại sao các nước bạn làm được mà ta không dám làm, cứ phải chậm chạp đi sau mất cơ hội? Các nước tiên tiến họ vẫn đặc biệt ưu tiên hút vốn đầu tư theo hướng cá vào ao ta là được, sau đó ta quản lý khai thác theo luật pháp. Còn chúng ta đa số các bộ ngành vẫn thực hiện quan điểm “khó quản thì cấm”.

Có một ý là nếu mở “room” như ông nói, đặc biệt là rất mạnh tại một số nhóm, thì liệu có rủi ro về khả năng bị thao túng và ảnh hưởng của nó, nhất là khi lĩnh vực ngân hàng có sức chi phối lớn đối với cả nền kinh tế. Trong khi đó chúng ta đã mất nhiều công sức khi đàm phán gia nhập WTO để giữ được giới hạn 30%...

Cái bạn lo là lo chúng ta không quản lý được. Nhưng nếu mở như trên chúng ta vẫn giữ được các giới hạn cần thiết, đặc biệt là khối các ngân hàng thương mại nhà nước với thị phần chi phối. Hơn nữa, theo lộ trình cam kết WTO thì chúng ta cũng buộc phải mở ra vào năm 2020 mà thôi.

Mà như nói ở trên, thật khó để nhận được nếu không cho đi. Cái mà ta cần tính toán ở đây là giá trị nhận về sẽ lớn hơn. Nếu mở như vậy thì như mũi tên trúng nhiều đích.

Thứ nhất đó là giải pháp tái cơ cấu nhanh, hiệu quả nhất. Thứ hai, yếu tố thị trường và định hướng “xã hội chủ nghĩa” được phát huy. Thứ ba, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài thay vì để nó chảy mạnh sang Lào, Campuchia và Myanmar…, hoặc sẽ chỉ còn nước đục.

Chúng ta cũng đã có bài học đắt giá. Nếu những năm 2006 - 2008 bán vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì ngân sách nhà nước thu được biết bao nhiêu tiền, không khổ sở vì quan điểm “giữ tài nguyên” như thời gian qua!
 
Chung quy lại, tôi thấy nếu ta mở theo hướng đó, một mặt vừa vẫn giữ được các chốt chặn và lợi thế, một mặt tạo điều kiện cho nguồn lực bên ngoài (không có tình trạng vay mượn và vá víu như từng có ở một bộ phận nguồn vốn trong nước trước đây) vào thúc đẩy sự lớn mạnh của hệ thống. Qua đó, hệ thống sẽ phục vụ nền kinh tế tốt hơn, khách hàng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

(Theo Minh Đức, Vneconomy, ngày 11/06/2013)
 

Số lượt đọc: 14 Cập nhật lần cuối: 06/07/2013